,
221
8641
10 năm
10nam
/10nam/
1015604
"VietNamNet: Người bạn thân thiết của độc giả Tây Bắc"
1
Article
null
,

'VietNamNet: Người bạn thân thiết của độc giả Tây Bắc'

Cập nhật lúc 16:10, Chủ Nhật, 16/12/2007 (GMT+7)
,

 

Tôi chập chững bước vào nghề viết báo từ cách đây hơn chục năm, đó là cái thời sinh viên Trường Đại học Tuyên giáo. Sau này, tôi tham gia viết và cộng tác với vài ba tờ báo TƯ và địa phương như: Công an Nhân dân, An ninh Thế giới, Pháp luật, Biên phòng, Điện Biên Phủ… nhưng thú thực hồi đó VietNamNet như là “thánh địa” tôi chưa bao giờ dám đặt chân tới.  

 

Núi rừng Tây Bắc. Ảnh: wordpress.com

Núi rừng Tây Bắc. Ảnh: wordpress.com

 

Tôi chưa dám gửi bài cho VietNamNet cũng bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chủ quan bởi mình chưa bao giờ viết (nên không đủ tự tin) cho loại hình báo điện tử internet; khách quan thì nhiều hơn, bởi những năm trước ở Điện Biên, internet còn là cái gì đó cao sang lắm mà tôi cũng như hầu hết cánh nhà báo tỉnh lẻ này chưa thể có điều kiện tiếp cận.

 

Tôi vẫn nhớ, cách đây vài năm (năm 2003), một anh bạn tôi làm ở phân xã TTXVN tại Điện Biên truyền mấy cái ảnh dung lượng lớn về tổng xã mà mạng rớt lên rớt xuống, để kịp đưa tin nóng về Hà Nội, anh ta phải chạy sang cầu cứu cả giám đốc Bưu điện tỉnh!? Được nghe danh đã lâu, nên vài ba ngày tôi lại ra báo Điện Biên Phủ để “chui” vào phòng Tổng biên tập Hoàng Văn Thành đọc nhờ VietNamNet.

 

Càng xem nhiều càng “nghiện”; nghiện trước hết ở khả năng thông tin nóng bỏng và cập nhật thường xuyên của VietNamNet mà các loại hình báo chí khác không thể có; hơn thế nữa trước cái máy tính nhỏ xíu, dường như mình thích gì, muốn kiếm tìm cái gì cũng được (tất nhiên là ở góc độ thông tin), nếu muốn có thể viết thư phản hồi ngay lập tức những gì mình vừa đọc về toà soạn…

 

Do tiếp cận với "văn minh" báo mạng… hơi bị chậm nên mãi đến giữa năm 2006 tôi mới "dám" viết bài gửi VietNamNet. Đến bây giờ tôi còn nhớ như in cái cảm giác phấn khởi, vui mừng khôn tả khi được đăng một bài trên tờ báo điện tử mình hằng yêu thích, đó là bài “Nóng bỏng tội phạm trên tuyến giao thông” viết về cuộc chiến chống tội phạm ma tuý trên các nẻo đường Tây Bắc. Sau này, mỗi khi tôi mail tin, bài về lại nhận được sự chỉ bảo nhiệt tình của đội ngũ biên tập VietNamNet. Tôi thấy rằng, đây là một điều hạnh phúc đối với cộng tác viên, bởi đối với hầu hết các tờ báo in hiện nay đã qua lâu rồi cái thời các cộng tác viên nhận được thư của Ban Biên tập, ngay cả hộp thư bạn đọc vẫn bố trí ở góc trang báo thuở nào giờ cũng… mất hút!

 

Sau những góp ý, những gợi ý đề tài của Ban Biên tập VietNamNet, tôi mạnh dạn viết và được “đẩy” lên mạng nhiều phóng sự kèm ảnh phản ánh những vấn đề thời sự xã hội của địa phương như: “Điện Biên: Thú rừng tràn xuống phố”, Bi hài chuyện đội mũ bảo hiểm ở Điện Biên”, “Một thành phố 3 tử lộ”…

 

Hơn 1 năm cộng tác với báo, thú thật tôi chưa viết được nhiều, một số bài viết còn chưa đủ “tầm”, đủ “bút lực” để phản ánh được những vấn đề thời sự nóng bỏng của địa phương. Ngay cả khi những bài viết dù được đăng tải nhưng tôi vẫn cho rằng mình còn hạn chế nhiều, và trong đó còn có cả sự ưu ái của Ban Biên tập VietNamNet đối với một cộng tác viên miền núi, chính vì vậy, tôi xác định luôn phải cố gắng và nỗ lực hơn nữa.  

 

ho aban tim

Hoa ban tím. Ảnh: vnu.edu.vn

Cộng tác với VietNamNet chưa lâu, nhưng bản thân tôi đã học hỏi được nhiều điều cho bản thân, đặc biệt là kinh nghiệm, kiến thức đối với nghề nghiệp: Từ việc phát hiện đề tài, cách thể hiện bài viết, rút tít làm sao cho hấp dẫn… Cách đây hơn chục năm khi tốt nghiệp ra trường, khoác ba lô ngược lên Tây Bắc, tôi vẫn còn ám ảnh câu ca “Bao giờ Tây Bắc có kem/ Điện Biên có điện thì em theo chàng”. Nhưng bây giờ, Điện Biên Phủ đã khác xưa nhiều lắm; không chỉ có điện, mà Điện Biên Phủ còn phát triển về mọi mặt, vươn lên trở thành một thành phố sầm uất nơi biên ải. Internet không chỉ được nối đến các cơ quan, công sở mà nó đã đến tận các xã (điểm bưu điện văn hoá xã), thậm chí là vào tận giường ngủ của các gia đình. Hoạt động của các nhà báo địa phương cũng khác xưa rất nhiều, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số…, để đưa tin về VietNamNet, cũng chỉ vài cái nhấp chuột để rồi vài chục phút sau đã được đọc tin bài của mình trên mạng (tất nhiên là tin bài có chất lượng và có thể sử dụng được).

 

Giờ đây, sau 10 năm ra đời và phát triển, VietNamNet vẫn luôn khẳng định được là một tờ báo điện tử đầu tiên và đứng đầu bảng về số lượng độc giả. Hôm trước tôi có nói chuyện với một đồng chí lãnh đạo Công ty Viễn thông Điện Biên - Lai Châu, ông bảo ở Điện Biên bây giờ 95% các cơ quan và máy tính gia đình nối mạng đều đặt VietNamNet là trang web thường trực. Chính vì vậy, được làm cộng tác viên và mỗi khi ngồi trước máy đọc tác phẩm của mình đăng tải trên VietNamNet là tôi biết đang có hàng trăm ngàn độc giả trên khắp thế giới cùng xem. Nhiều lần có bài trên mạng, tôi nhận được điện thoại, mail phản hồi (khen có chê có) của độc giả và bạn bè mà thấy tự hào!

 

VietNamNet đã trở thành một người bạn thân thiết không chỉ với tôi mà còn rất nhiều độc giả ở vùng cực Tây Bắc này. Không ai khác, chính tờ báo điện tử này đã thu hẹp khoảng cách Điện Biên Phủ với Hà Nội, với các địa phương khác và với cả thế giới, giống như một câu thơ của anh bạn làm báo nghiệp dư của tôi vẫn nói “Gần lại rồi không còn nữa xa xăm…”.

  • Vũ Mạnh Hà, email: vumanhha_dbp@vnn.vn

Mời bạn đọc chúc mừng, chia sẻ cảm xúc với VietNamNet:



 

,
,