Quan hệ Việt - Mỹ: 'Trước là bạn, sau là bạn thân'
(VietNamNet) - Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Richard Armitage đã dành riêng cho VietNamNet một cuộc phỏng vấn bên lề buổi tiệc chiêu đãi phái đoàn Thủ tướng do 2 TNS John McCain, John Kerry tổ chức.
Từng ở Việt Nam 6 năm (từ năm 1969 cho tới ngày 30/4/1975), Richard Armitage có khả năng sử dụng Tiếng Việt như một người bản xứ.
Từ trái qua: Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage, TNS John Kerry, Thủ tướng Phan Văn Khải, TNS John McCain, Phó Thủ tướng Vũ Khoan trên bàn chủ toạ buổi tiệc do 2 TNS Mỹ tổ chức chào mừng phái đoàn VN thăm Quốc hội Mỹ, tối 22/6, tại Washington DC. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn. |
Nếu chỉ nói chuyện bằng Tiếng Việt, qua điện thoại, khó có thể nghĩ người đang đối thoại là một người Mỹ, hơn nữa lại từng là nhân vật số 2 trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời Ngoại trưởng Colin Powell.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã trò chuyện với VietnamNet bằng một thứ Tiếng Việt hết sức lưu loát.
- Sự kiện Thủ tướng Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ có khiến ông, một cựu chiến binh từng ở Việt Nam suốt 6 năm có cảm nghĩ gì không?
- Ông Richard Armitage: Đối với những người Mỹ như tôi, những người mà Việt Nam từng là một phần trong quá khứ của mình, thì sự kiện này hiển nhiên rất có ý nghĩa.
Lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc cách đây 30 năm, một Thủ tướng Việt Nam đã hiện diện tại Nhà Trắng. Chúng ta đã từng ở hai chiến tuyến. Nhưng giờ đây, chúng ta đã trở thành đối tác và bạn bè.
Vài nét về ông Richard Armitage
Sinh năm 1945, ông Richard Lee Armitage được Tổng thống Bush đề cử làm Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đứng sau ông Colin Powell.
Ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ năm 1967 và tới phục vụ trên một tàu khu trục ngoài khơi Việt Nam năm 1969. Năm 1973, ông về Sài gòn tham gia bộ phận Tuỳ viên quân sự. Armitage ở lại đây cho tới ngày 30/4/1975. Ông Armitage từng được bổ nhiệm làm Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, rồi Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách An ninh quốc tế. Armitage là người dày dạn kinh nghiệm về quan hệ với các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Đầu năm 2005, ông Armitage xin từ chức Thứ trưởng Ngoại giao sau khi người bạn thân, ông Colin Powell rời nhiệm sở. |
Tôi rất vui khi được gặp Thủ tướng và phái đoàn ở đây hôm nay. Họ sẽ thấy rằng đa số người Mỹ đều "khoái" Việt Nam (chữ dùng nguyên văn của ông Armitage - NV). Và người Mỹ chúng tôi muốn hiểu nhiều hơn nữa về Việt Nam, cũng như về lịch sử của đất nước này.
Tôi nghĩ rằng Thượng nghị sỹ Kerry, Thượng nghị sỹ McCain, một người thuộc đảng Dân Chủ, một người thuộc Đảng Cộng Hoà và những người Mỹ từng đi lính trong chiến tranh Việt Nam như tôi đã nỗ lực hết sức mình cho tiến trình hoà giải giữa hai nước.
Trong quá khứ, chúng tôi đã chiến đấu vì là những người lính. Còn giờ đây, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi cuối cùng, chúng ta đã thực sự hoà giải với nhau và bắt đầu một mối quan hệ mới.
- Ông nhận xét như thế nào về chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải cho tới thời điểm này?
- Ông Richard Armitage: Ồ, tôi chỉ có thể khẳng định chắc chắn một điều là chuyến đi của Thủ tướng Khải đã thành công tốt đẹp, rất tốt đẹp.
Tôi được biết trước chuyến đi, phía Việt Nam mong muốn vận động sự ủng hộ của Mỹ để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Kết quả như chúng ta đã thấy: trong cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Bush đã cam kết mạnh mẽ sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO.
Tôi nghĩ rằng, tuyên bố ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên WTO từ chính Tổng thống Hoa Kỳ sẽ giúp cho hành trình của Việt Nam trở nên suôn sẻ hơn.
Một khi Việt Nam gia nhập vào WTO cũng có nghĩa là đất nước các bạn đã thực sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Và điều đó cũng có lợi cho cả người Mỹ.
Mặt khác, theo tôi đánh giá thì thành công thứ hai của chuyến đi là Tổng thống Bush và Thủ tướng Việt Nam đã có sự đối thoại cởi mở và thẳng thắn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Hẳn Việt Nam hiểu rằng vấn đề này luôn là mối quan tâm của Mỹ.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Khải, Tổng thống Bush hoan nghênh những bước gần đây Việt Nam thực hiện. Rõ ràng, việc Việt Nam sẵn sàng thảo luận với chúng tôi về vấn đề này cũng như những tiến bộ gần đây sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ hai nước tiến về phía trước.
- Không thể phủ nhận thực tế rằng Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn tồn tại những khác biệt xung quanh vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Vậy theo ông, một cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, người hiểu biết rất rõ về Đông Á, từng phụ trách quan hệ của Hoa Kỳ với khu vực này, hai bên có thể làm gì để tìm được ra hướng giải quyết trong vấn đề này?
- Ông Richard Armitage: Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng, sự hiểu biết chỉ có thể có thông qua đối thoại thẳng thắn.
Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều: rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đã đồng ý làm bạn. Hơn nữa, tôi tin rằng, đó là sự khởi đầu cho một mối quan hệ chặt chẽ hơn trong tương lai. Giống như người Việt Nam các bạn vẫn nói: "Trước làm bạn, sau là bạn thân".
Do đó, tôi tin tưởng rằng, chúng ta có thể đối thoại và tìm ra hướng giải quyết những vấn đề vẫn được coi là "nhạy cảm" trong quan hệ hai nước như những người bạn.
- Xin cảm ơn ông!
-
Nguyễn Anh Tuấn
(Thực hiện)