Có một quá khứ không nên quên
"Không quên nhưng gác lại quá khứ và hướng tới tương lai". Đó là lời bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta về quan điểm của Việt Nam nhân chuyến đi thăm Hoa Kỳ sắp tới của Thủ tướng Phan Văn Khải. Cái quá khứ "không quên nhưng gác lại" là cuộc chiến tranh mới chấm dứt cách nay ba thập kỷ. Nhưng còn có một quá khứ nữa không nên quên mà cần được nhắc lại vào thời điểm nhiều ý nghĩa này. (*)
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải tặng bằng khen cho Trường đào tạo Việt Mỹ đã có thành tích trong công tác xã hội hóa giáo dục |
Năm 1980, 5 năm sau khi người Mỹ cuối cùng rút khỏi chiến trường Việt Nam, nhiều người Mỹ bị dằn vặt bởi "hội chứng Việt Nam": vì sao đạo quân hùng mạnh nhất thế giới lại không chiến thắng và phải rút khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam như kẻ thua trận? Giữa lúc đó, c
ó một câu trả lời được viết trong một cuốn sách dày có tựa đề là một câu hỏi: "Why Vietnam?" (Tại sao Việt Nam?). Tác giả của cuốn sách này là Archimedes Patti, nguyên là một sĩ quan đứng đầu cơ quan Tình báo chiến lược OSS (The Office of Strategic Service) của Mỹ đóng bản doanh ở vùng Hoa Nam - Trung Quốc trong Thế chiến II, lại là người chỉ huy trực tiếp các đơn vị Đồng minh đầu tiên của Mỹ có mặt tại Đông Dương sau khi phát xít Nhật đầu hàng.Chủ đề của cuốn sách được gửi gắm trong một câu thơ cổ của người Ái Nhĩ Lan (Ireland) viết về một người thuỷ thủ già đã lỡ tay bắn chết con chim báo bão khiến cho con tàu của anh ta lạc chìm trong bão tố. Người thuỷ thủ già là nước Mỹ, còn con chim báo bão là ký ức về một thời nước Mỹ đã từng là đồng minh của Hồ Chí Minh và cơn bão tố chính là hậu quả mà nước Mỹ đã phải gánh chịu khi quên mất ký ức tốt đẹp để tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Hồ Chí Minh.
Ngày 23/8/1988, trong câu chuyện giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con trai cố Tổng thống Mỹ J. Kenndy, vị lão tướng từng là một giáo sư sử học đã nhắc chàng trai Mỹ kém mình đúng một nửa thế kỷ tuổi tác (88-38) rằng: nhiều người Mỹ, nhất là thế hệ trẻ mới chỉ biết đến lịch sử bang giao Việt - Mỹ qua một cuộc chiến tranh khốc liệt mà quên rằng đã từng có những trang sử tốt đẹp trước đó...
Những tiếp xúc đầu tiên
Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam tuyên đọc ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bằng một câu trích dẫn từ Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ: "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng...".
Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ do vị Tổng thống đầu tiên G. Washington tuyên đọc vào năm 1776 nhưng người chấp bút viết văn kiện lịch sử này lại là một vị luật sư trẻ tuổi tên là Thomas Jefferson, người sau này đã trở thành vị tổng thống thứ ba, kế nhiệm vị tổng thống A. Lincohn.
Nhưng lại cũng có thể nói rằng Th. Jefferson cũng chính là người Mỹ đầu tiên quan tâm đến Việt Nam mà vào thời điểm đó trên các tấm bản đồ thế giới quen được gọi bằng địa danh "Cochinchina". Sau này trong một công trình khảo cứu do chính phủ Mỹ công bố vào năm 1971 (Union States - Vietnam relation 1945-1967) đã cung cấp những dữ kiện đầu tiên có liên quan đến mối quan hệ Việt - Mỹ trong lịch sử.
Chính cuốn sách này đã cho biết, khi còn "hàn vi", Th. Jefferson, con một điền chủ vùng Virginia đã rất say mê với nghề canh nông, ông từng sáng chế ra loại cày lật đất rất bén ngọt đã được Hội Nông học Pháp tặng giải thưởng và có nhiều hoạt động khuyến nông vùng quê hương mình. Cũng vì thế, qua một nhà thám hiểm người Pháp nổi tiếng đương thời tên là De Poivre từng đặt chân đến nước ta, Th. Jefferson biết đến những giống lúa cạn của xứ sở Cochinchine mà ông mong muốn có được để trồng thử nghiệm tại vùng Virginia. Lưu trữ của Hoa Kỳ còn cho biết những bức thư của ông gửi tới nhiều người thổ lộ sự quan tâm của mình đến xứ sở có giống lúa ấy.
Đặc biệt trong thời gian Th. Jefferson làm công sứ của Hoa Kỳ tại Pháp, đúng vào lúc Hoàng tử Cảnh đang có mặt tại cung điện Versaillles cùng giáo sĩ Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) sang cầu viện Pháp để chống chọi với nhà Tây Sơn. Ông đã gặp vị hoàng tử lưu vong này và bày tỏ đề nghị của mình, nhưng khi đó nước Pháp sắp bước vào cuộc đảo lộn lớn của Cách mạng 1789 nên mọi việc đều không thành... rồi Th. Jefferson trở thành tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ mở đầu thế kỷ XIX (1804-1808). Như vậy, Th. Jefferson chính là người Mỹ đầu tiên tiếp xúc với một người Việt Nam là Hoàng tử Cảnh vào năm 1877.
Năm 1803, cũng chính vào thời điểm Th. Jefferson là tổng thống, chiếc tàu biển đầu tiên của Hoa Kỳ đã dong buồm cặp bến cảng Tourane (Đà Nẵng) cận kề kinh đô Huế lúc này đã được trị vì bởi Gia Long, vua cha của hoàng tử Cảnh. Đó là chiếc tàu mang tên "Fame" do thuyền trưởng J. Briggs chỉ huy đến khảo sát khả năng giao thương với vùng đất Cochinchina. Có thể coi viên thuyền trưởng và hải đoàn của mình là những công dân Mỹ đầu tiên đặt chân đến nước ta (?). Viên thuyền truởng đã tiếp xúc với các quan chức địa phương, Vua Gia Long cũng như triều đình Việt Nam theo dõi chặt chẽ hoạt động của con tàu trong mối e ngại về những nguy cơ từ phương Tây tới (Tây dương) nên giữ một thái độ "đề phòng từ lúc việc còn nhỏ", cho phép buôn bán nhưng không được đặt trụ sở trên đất liền của vương quốc.
Đầu năm 1819, cùng xuất phát từ Salem vùng Massachusetts như tàu "Fame", hai con tàu "Marmion" của thuyền trưởng Blanchard và "Franklin" của John White đi mất 5 tháng mới đến Việt Nam. Tàu đã cặp Côn Đảo, Vũng Tàu, Cần Giờ rồi đến Đà Nẵng. Cùng thời gian ấy, người ta còn ghi nhận đến những con tàu "Aurora" và "Bervely" cũng khởi hành sang Việt Nam...
Tuy nhiên những khảo sát bước đầu của con tàu này cũng như những con tàu sau đó chưa phát hiện được những nguồn lợi tương xứng với một hải trình dài dằng dặc ngăn cách hai quốc gia. Thuyền trưởng của tàu "Franklin" là John White sau đó đã viết cuốn sách "Câu chuyện về hành trình tới vùng biển Trung Hoa" (History of the voyage to the China sea). Sách được xuất bản vào năm 1823 tại Boston và ngay sau đó, năm 1824 được tái bản ở London với nhan đề "Một chuyến đi Việt Nam" (A voyage to Cochinchina) đã đi đến một kết luận phần nào cực đoan: "Đây là một xứ sở không sản xuất được gì cả... Chế độ quân chủ chuyên chế làm cho nền kinh tế khó phát triển, hết đường làm ăn tại Việt Nam". Mặc dầu viên thuyền trưởng này cũng thừa nhận là ở đây giá cả rất rẻ, có rất nhiều hải cảng tốt, vịnh Đà Nẵng là vịnh đẹp nhất thế giới, cư dân thạo nghề sông biển cạnh tranh nổi với người Trung Hoa... Tác phẩm của John White gây kích thích các chính giới phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng chú ý tới Việt Nam.
Con tàu của John White còn trở lại Việt Nam vào cuối năm 1819 và rời Việt Nam đúng vào lúc vua Gia Long băng hà (3/2/1830). Người kế vị là Vua Minh Mạng lên ngôi lấy quốc hiệu là Đại Nam. Là một vị vua có chí lớn, muốn củng cố sức mạnh quốc gia nên không khép chặt cửa ngõ mà sẵn sàng giao thương. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ cũng đang có nhu cầu mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này. Năm 1826, lãnh sự Mỹ đặt tại Batavia (Indonesia thuộc Hà Lan) đã thúc giục chính phủ sớm xác lập các quan hệ thương mại với Xiêm (Thái Lan) và Đại Nam lúc này còn là những quốc gia độc lập, giữa lúc các đế quốc châu Âu đang săn lùng thuộc địa.
Năm 1829, Andrew Jackson lên làm tổng thống thứ 7 với 2 nhiệm kỳ (1829-1837) và là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên quan tâm đến Việt Nam. Năm 1831 ông đã cử phái viên đầu tiên là Shilluber thương thuyết về việc lập lãnh sự nhưng không thành.
Cuối năm 1832 một phái đoàn chính thức của Hoa Kỳ mới đến Việt Nam với sứ mạng chuyển tới Hoàng đế của nước Đại Nam bức thư có chữ ký của Tổng thống Andrew Jackson. Người thực hiện sứ mạng ngoại giao đầu tiên đến tiếp xúc với triều đình Đại Nam là Edmund Robert (sách ta phiên âm thành Nghĩa đức môn La bách). Tàu bỏ neo ở Vũng Lấm, Xuân Đài, Phú Yên. Vua Minh Mạng sai hai viên đại thần là Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức từ Huế vào tiếp xúc với thái độ thiện chí. Nhưng rút cuộc, sự bang giao không thành chỉ vì một lý do nghi thức. Bức quốc thư theo văn phong của Hoa Kỳ với lời mở đầu "Great and Good Friend" bị triều đình Việt Nam cho là "bất kính" vì không nêu danh người nhận và cách xưng hô không hợp thức đối với một vị Hoàng đế nên bị trả lại và vua Minh Mạng không tiếp.
Lại phải cộng thêm 4 năm nữa, 5/1836, vẫn E. Robert quay lại trên tàu "Peacock" mang theo quốc thư và lời đề nghị ký kết một hiệp ước thuơng mại với nước Đại Nam. Vua Minh Mạng hỏi quần thần về vấn đề này, thấy ý kiến còn khác nhau nên sai người vào gặp khách để giữ hoà hiếu và tìm hiểu thêm trước khi quyết định. Nhưng tới nơi thì tàu đã chuẩn bị nhổ neo, E. Robert cáo bệnh không tiếp, ít hôm sau thì ông qua đời tại Macao (12/6)... Di cảo của viên thuyền trưởng này được xuất bản ngay sau đó. Thế là những cơ hội giao thương hoà hiếu giữa hai nước bị bỏ lỡ để rồi gần một thập kỷ sau, năm 1845, không phải là những chiếc tàu buôn mà chiến thuyền USS Constitution do thuyền trưởng John Percival chỉ huy đã đến bờ biển Đà Nẵng nơi rất gần kinh đô Huế, không mang theo một sứ mạng ngoại giao nào, mà sau khi đã nhận tiếp tế lương thực và nước ngọt đã lấy cớ đòi trả tự do cho một nhà truyền giáo người Pháp, bắt cóc một số con tin Việt Nam, nổ súng thị uy rồi bỏ đi...
Thế là với sự kiện này, chiến hạm "USS Constitution" trở thành chiến hạm phương Tây đầu tiên nổ súng vào nước ta, trước khi thực dân Pháp gây hấn 2 năm (1847) và tấn công xâm luợc 13 năm (1858). Và nhà sử học người Pháp Jean Chesnaux thì đánh giá rằng đây là "hành động can thiệp quân sự đầu tiên chống Việt Nam của một chiến hạm Hoa Kỳ".
Cho đến nay, chưa có một căn cứ nào để chứng minh rằng tiếng súng từ chiến hạm "USS Constitution" được khai hoả từ Washington hay chỉ là một phản ứng tự phát của một viên thuyền trưởng nhiễm nặng tính cách giang hồ miền Viễn Tây. Còn chính phủ Hoa Kỳ thì tìm mọi cách hàn gắn sự đổ vỡ. Ngày 16/8/1849 Ngoại trưởng J. Dayton yêu cầu đặc sư của mình ở khu vực Đông Nam Á là Balestier (sử ta phiên âm là Ba li chì) chuyển cho phía Việt Nam thông điệp mong muốn ký được một hiệp ước hữu nghị và thương mại và khẳng định rằng "Chính phủ Hoa kỳ mong muốn hoà bình hơn là chiến tranh" và bày tỏ rằng cho đến lúc đó Hoa Kỳ không có một thuộc địa nào ở khu vực này như Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp... Tổng thống Z. Taylor còn viết một bức thư tới vua Tự Đức để xin lỗi hành động của viên thuyền trưởng Percival mà tổng thống "mới nghe được gần đây"... Nhưng, dường như mọi sự đã an bài, vua Tự Đức vừa bị choáng váng bởi vụ tàu chiến Pháp do Rigault de Genouilly lặp lại việc làm của tàu chiến Mỹ (1847) cũng trên cửa biển Đà Nẵng nên mọi cố gắng gây dựng mối giao hảo Mỹ - Việt trở nên vô ích...
Rốt cuộc thì Việt Nam lại rơi vào tay Pháp, còn Mỹ thì đến cuối thế kỷ XIX (1898) mới trụ lại ở châu Á một thuộc địa duy nhất là Philippin lấy từ tay người Tây Ban Nha.
-
Dương Trung Quốc
(*) Trong bài viết này chúng tôi tham khảo tài liệu của các đồng nghiệp: Trần Hữu Đính, Lê Trung Dũng, Phan Văn Hoàng, Phạm Xanh, Đặng Phong, Phạm Thu Nga, Mai Thanh Hải...