,
221
4544
Việt Nam mới
vnmoi
/10namvietmy/vnmoi/
663906
Giới thiệu VN không chỉ cần những nhà ngoại giao chuyên nghiệp
1
Article
4541
10 năm Việt Mỹ
10namvietmy
/10namvietmy/
,

Giới thiệu VN không chỉ cần những nhà ngoại giao chuyên nghiệp

Cập nhật lúc 22:45, Thứ Ba, 14/06/2005 (GMT+7)
,

(LTS): Không ai phủ nhận rằng nhà lãnh đạo là hình ảnh đại diện của một quốc gia. Thông qua họ, công chúng nhận ra một đất nước, một cộng đồng.

Chuyến đi của một nhà lãnh đạo tới một quốc gia khác, vì thế, không chỉ là những cuộc viếng thăm xã giao. Đó là những chuyến đi mang tính thông điệp, giới thiệu tới công chúng một đất nước khác hình ảnh của quốc gia mình. Khi đó, hình ảnh nhà lãnh đạo và quốc gia đã hoà làm một.

Chùm bài này của VietNamNet sẽ giới thiệu tới độc giả những tư vấn tâm huyết của nhiều chuyên gia-những người bạn Mỹ liên quan đến xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua nhà lãnh đạo cũng như những kỳ vọng của công chúng Mỹ về chuyến thăm lịch sử này.

Bài 2: Giới thiệu VN không chỉ cần những nhà ngoại giao chuyên nghiệp

(VietNamNet) - Trao đổi giữa VietNamNet và Merle E. Ratner (Giám đốc Trường Brecht - Mỹ) về việc công chúng Mỹ quan tâm đến một hình ảnh Việt Nam mới như thế nào.

Bà Ratner đã bắt tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ từ năm 1969. Khi mới 13 tuổi, cô bé Merle E. Ratner đã treo mình lên Tượng thần tự do để phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam, một đất nước lúc bấy giờ còn quá xa lạ với Ratner.

Năm 1985  Ratner đến Việt Nam lần đầu tiên. Kể từ đó, bà đóng góp rất nhiều vào các hoạt động “ngoại giao nhân dân” giữa hai nước.

Tháng 6/2005, Merle E. Ratner (hiện nay là Giám đốc Trường Brecht - Mỹ) sang Việt Nam theo lời mời của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhằm trao đổi một số khía cạnh liên quan đến công trình nghiên cứu về quan hệ giữa hai nước và nhân dân hai nước.

Bà nói với VietNamNet: “Hành trình đến với Việt Nam của tôi là: Từ phản đối một cuộc chiến đến yêu một đất nước!".

Cuộc trao đổi này nằm bên lề "Diễn đàn nhân dân" vừa được tổ chức tại Hà Nội, về cách mà công chúng Mỹ quan tâm đến hình ảnh Việt Nam mới như thế nào:

Công chúng Mỹ quan tâm đến Việt Nam qua hình ảnh những con người cụ thể

- Trong cuộc thảo luận nhóm vừa rồi bà có nói là những người như bà Tôn Nữ Thị Ninh cần xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Mỹ, cũng như các nhà lãnh đạo Việt Nam nên tạo ra những hình ảnh thân thiện và rất đời thường với người dân Mỹ, để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Bà có thể giải thích rõ hơn về ý tưởng này.

Ratner: Tôi nghĩ bà Tôn Nữ Thị Ninh, và nhiều người khác có thể phát ngôn rất tốt cho Việt Nam. Cho đến nay người Mỹ được nghe về Việt Nam phần lớn là qua trung gian chứ không phải là trực tiếp.

Tôi nghĩ, sự hình dung đối với người Mỹ là rất quan trọng. Tức là họ phải được nhìn thấy tận mặt, được thấy nụ cười và ánh mắt của những con người cụ thể của Việt Nam.

Chính vì vậy, những “người phát ngôn” của quốc hội, của phụ nữ, của thanh niên... xuất hiện trước công chúng Mỹ là rất hiệu quả. Họ có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, trên TV, trên đài phát thanh hay trên báo viết, với hình ảnh và ý kiến của mình.

Chẳng hạn, trong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Việt Nam, ông có thể tiếp xúc nói chuyện với các cựu chiến binh Mỹ, trẻ em, hay những thành viên khác trong cộng đồng. Điều đó rất quan trọng vì nó thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người mà chúng ta đều có.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã có rồi, vấn đề chỉ là thể hiện ra sao mà thôi. Nên thể hiện theo cách tự nhiên nhất.

- Theo bà, trở ngại nào là lớn nhất cho đến nay trong việc không nhiều đại diện của Việt Nam xuất hiện trước công chúng Mỹ để thực hiện sứ mạng tăng cường mối quan hệ giữa con người và con người? Liệu có phải là rào cản ngôn ngữ không?

Ratner: Không hẳn như vậy. Hiện giờ có rất nhiều người Việt Nam có thể thoải mái diễn đạt suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh. Và số lượng này tăng lên một cách nhanh chóng, nhất là trong giới trẻ.

Nhưng theo tôi vấn đề nằm trong "văn hoá ngoại giao" của Việt Nam. Các bạn không có thói quen xuất hiện trên truyền thông. Toàn bộ công việc này được giao cho các phái đoàn ngoại giao.

Như vậy, điều đầu tiên cần thay đổi là thay đổi văn hoá ngoại giao.

Thêm nữa, không nên chỉ để các nhà ngoại giao xuất hiện trên truyền hình nói về chính sách của Việt Nam, mà cần cả các nghị sĩ quốc hội nữa. Trong những năm gần đây, họ đã thực hiện rất tốt vai trò hoạch định chính sách.

Hay các nhà báo Việt Nam, những người đã đóng vai trò rất quan trọng trong các mặt của đời sống xã hội, cũng cần xuất hiện trên truyền thông Mỹ để phát biểu những suy nghĩ, nhận định của mình về những việc họ làm để thúc đẩy xã hội tiến lên.

Hay trong cuộc hội thảo này chúng ta có thể thấy hai hoà thượng. Một trong số họ đã đến Mỹ và xuất hiện trên truyền thông Mỹ.

Nên để chính họ, đại diện của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, xuất hiện và nói về lĩnh vực của mình hay hơn nhiều là chỉ để các quan chức chính phủ, hay các nhà ngoại giao chuyên nghiệp nói.

Có một điều là khác với truyền thông của một số nước khác, truyền thông Mỹ không có thói quen phiên dịch. Nên chắc chắn những “người phát ngôn” này phải giỏi tiếng Anh. 

Tôi đã tham dự nhiều hội nghị, hội thảo, và tôi đặc biệt đánh giá cao một số đại biểu nữ của Việt Nam, như bà Tôn Nữ Thị Ninh, hay bà Phạm Hoài Giang (Trưởng Ban Quốc Tế Hội Phụ nữ). Họ không chỉ nói tiếng Anh giỏi mà quan trọng là rất biết cách thuyết phục cử toạ bằng những lập luận sắc sảo và sự tinh tế của mình.

Soạn: AM 442541 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Bà Merle E. Ratner tại Diễn đàn "Quan hệ Việt - Mỹ, con đường đi tới" vừa được tổ chức tại Hà Nội, tháng 6/ 2005. Ảnh: Hoàng Ngọc.

Xuất hiện trên truyền thông Mỹ: Quan trọng là cách tổ chức sự kiện

- Một đại diện của Phòng Thương Mại Mỹ tại TP. HCM đã nhận xét rằng mối quan tâm của truyền thông Mỹ đối với Việt Nam chưa cao. Chỉ những sự kiện lớn như Bình thường hoá quan hệ, chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton, Tàu chiến Mỹ cập bến Sài Gòn, hay Hiệp định Thương mại song phương... là được đăng trên trang nhất.

Chính vì vậy sự thông tin và sự quan tâm của công chúng Mỹ, trong đó có giới đầu tư, đối với Việt Nam vẫn còn thấp. Theo bà để cải thiện tình hình này Việt Nam cần phải làm gì?

Ratner: Tôi nghĩ những gì mà anh liệt kê ra như những “cái neo” trong quan hệ hai nước. Để tăng cường quan hệ hiểu biết chúng ta cần có thêm nhiều “cái neo” nữa.

Như tôi vừa nói, trong chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải, rất nhiều cuộc phỏng vấn có thể thực hiện. Không chỉ Thủ tướng đâu, mà còn rất nhiều thành viên trong đoàn, hay các nhà doanh nghiệp có thể trả lời phỏng vấn.

Cũng đừng câu nệ là trên trang nhất hay không. Quan trọng là được đăng tải.

Bất cứ một thông tin trong bất cứ lĩnh vực nào của Việt Nam đều có ích cả, nhất là nhưng mục mà nhiều người đọc như thời trang, thực phẩm, hay sức khoẻ. Rồi bạn có thể tham dự chương trình talk-show trên truyền hình, vốn được rất nhiều người Mỹ quan tâm, nói về những vấn đề rất đời thường.

Chẳng có gì là ghê gớm cả, điều quan trọng là người Mỹ được trông thấy, được nghe một người đàn ông, hay một phụ nữ Việt Nam kể về bản thân họ. “Ồ, họ cũng như chúng ta thôi, cũng có những vấn đề về cuộc sống, hay gia đình như chúng ta...”, một người Mỹ bình thường có thể thốt lên như vậy.

- Một nhà văn Mỹ mà tôi gặp cách đây hơn 10 năm có nói rằng cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã đóng một vai trò quan trọng nhất định trong việc ‘bắc cầu” giữa những cựu chiến binh của hai phía.

Họ tham gia cuộc chiến với những mục đích và lý tưởng khác nhau, nhưng hậu quả của cuộc chiến đối với một bộ phận trong số họ lại có phần nào giống nhau: Rất khó khăn khi hoà nhập vào cuộc sống thời hậu chiến! Bà nghĩ thế nào về chuyện này?

Ratner: Đúng thế. Tôi nghĩ cuốn sách của Bảo Ninh còn có giá trị trên nhiều phương diện khác nữa.

Chúng tôi đã tổ chức chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên cho các cựu chiến binh Việt Nam vào năm 1991 để gặp các cựu chiến binh Mỹ. Lúc đó cũng căng thẳng lắm vì họ không chỉ gặp các cựu chiến binh Mỹ phản đối cuộc chiến, mà cả những người ủng hộ cuộc chiến.

Chúng tôi cùng họ đến thăm nhiều trung tâm cựu chiến binh khác nhau. Lúc đầu chúng tôi cũng lo ngại là có thể các cựu chiến binh Mỹ sẽ tức giận, vì dù sao họ đã từng là kẻ thù ở hai chiến tuyến.

Nhưng khi nghe các cựu chiến binh Việt Nam nói suy nghĩ của mình, các cựu binh Mỹ thốt lên: “Ồ, hoá ra họ là bạn của chúng ta!”.

Hầu như ở tất cả các cuộc gặp mà tôi chứng kiến câu chuyện giữa họ kết thúc bằng những giọt nước mắt. Những người cựu chiến binh đã làm được hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể làm trong những cuộc tiếp xúc, những cuộc trao đổi giữa họ.

Tất cả những cuộc đó đều được báo chí từ cấp quốc gia đến địa phương đăng tải.

Quay trở lại vấn đề truyền thông, chúng ta có thể thấy rằng giới truyền thông rất quan tâm đến những sự kiện như thế này. Chủ yếu là ta phải biết cách "tổ chức sự kiện” thôi.

- Cám ơn bà rất nhiều vì cuộc trao đổi này!

  • Hoàng Ngọc
    (Thực hiện)

Bài 1: Một Việt Nam mới từ hình ảnh nhà lãnh đạo

,

Tin khác

Tin khác của 'Việt Nam mới'

,
,