Qua cuộc vi hành của bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, vấn đề quản lý đất đai ở hầu khắp các tỉnh thành đang là vấn đề rất lớn, vấn đề mang tính xã hội vì liên quan trực tiếp đến người dân. Qua đó, người dân nhận thấy có hai vấn đề lớn trong những vụ việc liên quan đến cán bộ quản lý đất đai.
Nhiều trường hợp khiếu kiện xuất phát từ tranh chấp đất đai. |
Vấn đề nắm bắt Luật đất đai để xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai của phần lớn cán bộ cấp quận, huyện và xã, phường còn rất yếu. Có thể nhận thấy, hầu như cán bộ các cấp không nắm được Luật và hầu như đang làm không đúng Luật.
Vấn đề thứ hai là trách nhiệm công chức của một số cán bộ rất thấp (chưa nói đến lương tâm vì khi đẩy người dân vào cùng cảnh mà họ không cảm thấy áy náy).
Như vậy, việc xử lý hồ sơ vẫn thực hiện theo thói quen chứ không phải thực hiện theo Luật (ở rất nhiều quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh, chuyên viên xử lý hồ sơ chưa hề đọc Luật, vẫn diễn ra tình trạng cấp 1 giấy chứng nhận cho nhiều thửa đất ở đô thị, cấp nhiều giấy chứng nhận cho 1 thửa đất mà không xác định ranh giới cho nhiều chủ sử dụng không phải là đồng sở hữu…)
Để hạn chế tình trạng làm không đúng luật chủ yếu là không biết luật, tôi nghĩ, Bộ cần có kế hoạch dạy Luật Đất đai và nghị định 181/2005/NĐ-CP cho tất cả các chuyên viên quản lý đất đai ở mọi cấp. Cần phải có hình thức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cho những người đang trong bộ máy quản lý đất đai. Nếu nắm được Luật, chắc chắn sẽ giảm bớt những vấn đề làm sai Luật như đang diễn ra rất phổ biến ở các tỉnh thành (vì trong Luật quy định rất rõ trách nhiệm và hình thức xử phát đối với những người vi phạm Luật). Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề này sớm thì chắc chắn năm sau, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có tổ chức vi hành thì số vụ việc sai Luật xảy ra sẽ còn lớn hơn nhiều.
Tôi nghĩ, để triển khai nhanh việc bồi dưỡng kiến thức Luật cho cán bộ đất đai nên sử dụng các đơn vị đào tạo như trường cán bộ, trường hành chính… Ngoài ra, các trường đào tạo chuyên ngành về đất đai phải có môn học về Luật Đất đai và các nghị định liên quan để lớp sinh viên ra trường được tuyển dụng sẽ nắm chắc Luật và làm việc được ngay.
Đối với cán bộ công chức cố tình hay vô ý làm sai Luật (do không chịu học Luật), cần có biện pháp xử lý (tước chứng chỉ hành nghề), xử lý về hành chính và xử lý hình sự theo đúng pháp Luật. Tôi cũng không hiểu, đối với các địa phương có rất nhiều sai phạm ảnh hưởng quá lớn đến người dân thì vấn đề quản lý của địa phương đó ra sao, Chính phủ có biết không và sẽ có biện pháp gì? Tôi rất tâm đắc với ý kiến của trưởng đoàn kiểm tra Nguyễn Khải “Nếu vận dụng được cho dân tốt hơn thì chúng ta nên làm…”. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy một hình ảnh nào vận dụng tốt cho dân.
Là một người dân tôi nghĩ, tình hình khiếu kiện về đất đai đang diễn ra trên diện rộng, Chính phủ và Bộ cần thấy đó là nghiêm trọng và cần có các biện pháp kịp thời.
-
Phạm Phương Lan, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Bạn có nhất trí với ý kiến trên?