Đất giải tỏa ở đâu cũng là điểm nóng |
5 vấn đề mà Bộ Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) sẽ kiến nghị với chính phủ, theo tôi là chưa trúng và chưa đủ với bản chất của tình trạng phức tạp và không hợp lý hiện nay của đất đai
Bất cứ quốc gia nào, thể chế chính trị nào thì đất đai cũng là một trong những tài sản giá trị nhất. Nhiều cuộc chiến tranh, bất công cũng thường xuất phát từ việc chiếm hữu đất đai. Nước ta có một đặc trưng cơ bản là đất đai thuộc sở hữu “toàn dân”, không phải là sở hữu tư nhân như đại đa số các nước khác. Điều này tạo ra hai mặt thuận lợi và khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực do đất đai đem lại.
Thuận lợi là khi cần thiêt , nhà nước có thể sử dụng một lượng lớn đất đai cho việc thực hiện một chính sách nào đó để phát triển kinh tế xã hội như làm đường, khu công nghiệp, khu đô thị, nhà máy thuỷ điện…Bên cạnh đó, nếu không quản lý tốt, đất đai sẽ bị bỏ hoang họăc bị chiếm dụng một cách trái phép. Luật đất đai năm 2003 ra đời đã phần nào hạn chế mặt tiêu cực của vấn đề. Bất cập hiện nay là ở khâu thi hành luật, và trung tâm của vấn đề lại nằm ở con người.
Tôi là một kiến trúc sư 30 tuổi, kinh nghiệm sống còn ít, hiểu biết về lĩnh vực đất đai còn hạn chế, hơn nữa tôi không hay tham gia các diễn đàn xã hội mà chỉ hay quan sát, chiêm nghiệm cho bản thân. Vì tôi có ấn tượng tốt với 2 vị lãnh đạo, ông Mai Ái Trực là người chính trực và liêm khiết, ông Đặng Hùng Võ thông minh và hết lòng vì công việc, nên tôi mới nói lên suy nghĩ của mình.
5 vấn đề mà Bộ tài nguyên môi trường (TN-MT) sẽ kiến nghị với chính phủ, theo tôi là chưa trúng và chưa đủ với bản chất của tình trạng phức tạp và không hợp lý hiện nay của đất đai.Tôi xin phân tích góp ý từng vấn đề, và nhân tiện tôi xin đề xuất ý kiến riêng của mình về lĩnh vực đất đai.
1)Về kiến nghị nâng giá đền bù đất nông nghiệp khi giải phóng mặt bằng: Đây là giải pháp tình thế, không cơ bản. Không thể có một mức chuẩn để nâng giá đất mà tuỳ vị trí, tuỳ thời điểm, giá cả sẽ khác nhau đúng theo qui luật thị trường. Chúng ta kiến nghị nâng bởi chúng ta tự định giá nó “rất thấp”, không căn cứ vào thực tế thị trường. Điều này cũng xảy ra đối với đất ở, không lẽ khi thị trường đóng băng như hiện nay, chúng ta lại kiến nghị giảm?. Theo tôi, thay vì kiến nghị tăng giá đất, bộ TN-MT nên kiến nghị chính phủ nghiêm túc thực hiện tinh thần của luật đất đai đã được Quốc hội thông qua là “đền bù sát giá thị trường trong điều kiện bình thường” (theo tôi đó là giá đất được xác định thông qua đấu giá rộng rãi, ở vị trí và điều kiện tương tự). Bởi, dù có làm được như vậy thì thiệt thòi vẫn thuộc về người dân vất vả vì bị giải toả, bị thay đổi nơi an cư và lạc nghiệp.
2) Về kiến nghị thay đổi cơ chế giải quyết khiếu nại: Khiếu kiện đất đai tập trung chủ yếu vào 3 vấn đề: giá đền bù thấp, tái định cư kém, cán bộ tham nhũng. Cơ chế giải quyết khiếu nại tố cáo phải dựa trên các giải pháp xử lý các vấn đề trên. Vấn đề giá đền bù thì tôi đã đề cập ở trên. Vấn đề tái định cư thì mặc dù luật ghi rõ là nơi ở mới phải “ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” nhưng thực tế thì, hoặc là đất không được đền bằng đất, hoặc là nhà tái định cư chất lượng quá kém, đều khiến dân không ủng hộ.(Về việc này Trung Quốc làm rất tốt). Vấn đề cán bộ tham nhũng thì gần như là chuyện đương nhiên và đây là vấn đề nhức nhối và khó xử lý nhất. Kiến nghị của bộ TN-MT là Trung ương tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo để tránh tồn đọng, quá tải, là không thực tế. Một khi 3 vấn đề nổi cộm nêu trên mà không được giải quyết tận gốc thì dù trung ương có tham gia giải quyết khiếu nại cũng không xuể vì đó là công việc rất cụ thể của cấp quản lý ở cơ sở. Theo tôi, chỉ cần nghiêm túc thực hiện luật đất đai, công khai minh bạch mọi qui trình làm việc liên quan đến đất đai thì khiếu nại sẽ giảm hẳn. Tôi dám chắc rằng nếu ta thực tâm muốn công khai minh bạch thì không hề khó.
Người nông dân đã dành đất những công trình này |
3) Về vấn đề qui hoạch treo: Do nước ta chưa có luật qui hoạch, nên việc qui hoạch ở nước ta tương đối tuỳ tiện, chủ quan, không phù hợp thực tế, không hỗ trợ cho xã hội phát triển. Qui hoạch phụ thuộc rất nhiều vào việc có tiền để thực hiện qui hoạch ấy hay không, thêm vào đó, trình độ của người làm quy hoạch và nhãn quan về qui hoạch của người lãnh đạo còn nhiều hạn chế nên xảy ra tình trạng qui hoạch treo. Giải pháp của vấn đề này, theo tôi là phải dân chủ, công khai trong qui hoạch, từ đó mới có những qui hoạch tốt, huy động được sức dân để thực hiện cho bằng được qui hoạch ấy. Những qui hoạch tốt mà chưa có khả năng thực hiện sớm thì phải thông báo rộng rãi đồng thời đảm bảo quyền lợi của dân trong vùng qui hoạch, kiên quyết không để tình trạng qui hoạch treo ảnh hưởng đến đời sống của dân. Trước mắt nên qui định: qui hoạch tỷ lệ 1/500 đã phê duyệt cần được niêm yết tại tổ dân phố, thôn xóm; qui hoạch tỷ lệ 1/2000 và chi tiết hơn cần được niêm yết tại phường, xã; qui hoach 1/5000 và chi tiết hơn niêm yết tại quận, huyên…Đồng thời ghi rõ tên, điện thoại của người có trách nhiệm giải thích thắc mắc, bởi nhiều khi việc làm đúng mà không được giải thích cũng gây hiểu sai và khiếu kiện.
4) Về vấn đề chấn chỉnh công tác quản lý đất đai ở cơ sở: Đây là vấn đề then chốt trong việc thực hiện luật đất đai. Chính sách tốt đến đâu vẫn có sơ hở để kẻ xấu trục lợi. Vấn đề dân chủ luôn nóng bỏng ở địa phương. Ở đâu qui chế dân chủ phát huy tốt thì ở đấy ít có các vấn đề bức xúc, không chỉ riêng ở lĩnh vực đất đai. Đất đai là tài sản giá trị lớn nên những tiêu cực xảy ra với đất đai để lại những hậu quả khủng khiếp, rất khó khắc phục. Theo tôi giải pháp cơ bản và lâu dài là phát huy dân chủ trong quản lý đất đai, có cơ chế phản hồi ý kiến, bịt dần các kẽ hở trong luật pháp, lành mạnh hoá thị truờng, những tiêu cực sẽ không còn đất sống. Thiết thực nhất là có một đường dây nóng, cập nhật tất cả những phát sinh, xử lý từ lúc còn chưa phức tạp, lan rộng và ảnh hưởng lớn đến quản lý và sử dụng đất.
5) Về vấn đề xử lý đơn thư khiếu nại trong đợt công tác vừa qua của bộ TN-MT: Theo tôi được biết thì con số đơn thư khiếu nại là khổng lồ! và tôi tin rằng, bộ TN-MT không có khả năng đọc hết số đơn từ ấy. Vì vậy, đa số những lá đơn ấy sẽ quay trở về nơi đã để xảy ra khiếu nại, một số khác sẽ không được xem xét. Giải pháp khả thi nhất lúc này là bộ TN-MT lập một trang web, tạo ra diễn đàn để thông tin 2 chiều, vài số điện thoại thường trực để người dân có thể trình bày thắc mắc của mình. Tuỳ theo chức năng nhiệm vụ mà từng vụ việc sẽ được gửi đến đúng địa chỉ có trách nhiệm giải quyết. Điểm mới ở đây là công khai về thông tin, công khai về quá trình giải quyết, công khai về kết quả giải quyết sự việc. Nhiều người có cùng thắc mắc thì chỉ cần nhìn xem các sự việc tương tự được giải quyết thế nào, trường hợp của mình có cần khiếu nại hay không…Thêm vào đó, đây có thể là một kênh quan trọng để giải đáp pháp luật, hoàn thiện chính sách đất đai. Tôi tin rằng, nếu làm được như vậy, cộng với thực hiện tốt 4 điểm kiến nghị đã nêu thì hiệu quả sẽ rất lớn, tình trạng khiếu nại tố cáo liên qua đến lĩnh vực đất đai sẽ cơ bản được giải quyết, chỉ còn những vụ tranh chấp dân sự, không có những khiếu nại quyết định hành chính như thời gian vừa qua.
Trên đây là vài suy nghĩ của tôi, chắc rằng chưa thể đầy đủ và sâu sắc cho một lĩnh vực mà chiếm đến 60% khiếu nại tố cáo trong nhân dân. Tuy vậy tôi vẫn hy vọng ý kiến của mình có thể gợi ý điều gì đó cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, ngõ hầu đem lại một không khí lành mạnh cho lĩnh vực đất đai, góp phần phát triển đất nước. Xin cảm ơn Vietnamnet đã tạo diễn đàn cho những người dân bình thường có thể bày tỏ ý kiến của mình .
Nguyễn Minh Thông (Công ty thiết kế AG, 53 Quang Trung, Hà Nội)
Ý kiến của bạn ?