221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
781610
Đề án 112: Lãng phí, ít hiệu quả
1
Article
null
Đề án 112: Lãng phí, ít hiệu quả
,

Đề án 112 với mục tiêu phổ cập CNTT cho cán bộ lãnh đạo chuyên viên và cán bộ nghiệp vụ của các cơ quan hành chính cấp huyện trở lên được coi là đề án quan trọng về ứng dụng CNTT trong quản lý và cải cách hành chính trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đề án này ít đem lại hiệu quả và gây lãng phí về nhiều mặt. Tâm sự của một độc giả VietNamNet sau khi hoàn thành khoá học này thuộc đề án này.

Soạn: AM 743201 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một lớp học theo đề án 112 tại Hưng Yên.

Tôi vừa hoàn thành xong chương trình học theo Đề án 112 thời gian từ ngày 06/3 đến 26/3/2006 (20 ngày) trong tình trạng rất mệt mỏi và nhàm chán, không có động cơ học tập. Tôi chỉ có chứng chỉ tin học trình độ A nhưng vẫn được xếp loại Giỏi với điểm bình quân 8 học phần là 9,0; học xong thấy kiến thức của mình không hơn được tí nào. Điều mà tôi rút ra được từ khóa học này là sự lãng phí không đáng có về nhiều mặt.

Theo các giáo viên đứng lớp cho biết, cơ sở đào tạo (Trường Trung học Kinh tế tỉnh Bạc Liêu) ký hợp đồng đào tạo trực tiếp với Ban chỉ đạo đề án 112 ở Hà Nội (thông qua sự giới thiệu của UBND tỉnh Bạc Liêu) với chi phí đào tạo 2 triệu đồng/người, không tính tiền tài liệu học. Khi vào học, học viên được trường phát 9 quyển tài liệu in ấn trên giấy trắng rất tốt và 1 đĩa CD ghi giáo trình học. Số tài liệu này nếu mua ở hiệu sách phải mất ít nhất 150.000đ/bộ.

Chương trình học theo tài liệu cấp phát gồm 8 học phần: Công nghệ thông tin và máy tính, sử dụng hệ điều hành MS Windows, sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản (Microsoft Word), sử dụng phần mềm bảng tính điện tử (Microsoft Excel), cơ bản về mạng máy tính và Internet, sử dụng bộ duyệt Web và thư điện tử, website cổng dịch vụ hành chính, hệ thống thông tin tác nghiệp dựa trên nền Lotus Notes.

Như vậy, xét về nội dung chương trình có thể nói tương đương trình độ chứng chỉ A tin học văn phòng. Trong khi đó, nếu đóng tiền (cũng tại trường này) để học chương trình A tin học thì chỉ mất vài trăm ngàn đồng sẽ được dạy kỹ lý thuyết lẫn thực hành.

Trường đã hợp đồng đào tạo đến khóa X (và ngày 27/3/2006 tiếp tục khai giảng khóa XI), mỗi khóa bình quân 20 cán bộ - công chức. Nếu chỉ tính riêng tỉnh Bạc Liêu thì số tiền bị lãng phí lên đến gần 400 trăm triệu đồng.

Tôi nghĩ rằng các tỉnh, thành khác cũng giống như Bạc Liêu, nếu nhân con số 400 triệu cho số cán bộ công chức 61 tỉnh thành cả nước thì số tiền lãng phí thật khủng khiếp.

Ngoài việc lãng phí về tiền bạc, tôi thấy vấn đề lãng phí thời gian là tệ hại nhất, đặc biệt trong thời buổi “thời gian là vàng ngọc” này thì thiệt hại càng to lớn.

Tại lớp tôi học, học viên là cán bộ công chức đủ mọi trình độ, người đã có bằng Đại học, chứng chỉ tin học trình độ A, trình độ B cũng học chung với người chưa bao giờ biết đến bàn phím vi tính nên có sự chênh lệch rất lớn về khả năng tiếp thu bài.

Học viên nào đã qua Đại học hay đã có chứng chỉ tin học A, B thì đã biết sử dụng “nhuyễn” từ học phần thứ 1 đến học phần thứ 6; thời gian học được phân bổ ở đề án 112 mỗi học phần được học trong 1-2 ngày (mỗi ngày 8 tiết) theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Riêng học phần thứ 7, thứ 8, phần thiết lập và quản trị mạng (nếu ai đó cho là mới cũng được, đối với cá nhân tôi thì không mới) và cổng dịch vụ hành chính thì chỉ cần tập huấn trong 2-3 ngày là đủ.

Do đó, với người đã có chứng chỉ tin học là quá dư thừa, gây cảm giác chán nản, mệt mỏi; còn đối với người chưa biết gì thì với số lượng kiến thức khổng lồ ấy họ không thể tiếp thu nổi, học xong không thể ứng dụng vào thực tiễn công việc. Từ đó sinh ra tình trạng người thừa kiến thức thì cứ bị ấn thêm kiến thức cũ vào, người thiếu kiến thức vẫn cứ thiếu vì không chạy theo kịp chương trình.

Theo đánh giá của cá nhân tôi, học viên chưa biết gì về tin học, học xong chương trình đào tạo này thì mức độ tiếp thu kiến thức và ứng dụng thực tiễn chỉ tương đương 1/10 người đã học chương trình A tin học mà thôi, chứ không thể nói tương đương trình độ A được.

Việc thi cử, kiểm tra theo kiểu chấm điểm bằng phần mềm trắc nghiệm có nhiều bất ổn và không phản ánh đúng trình độ của học viên. Ai có trí nhớ tốt thì chỉ cần test thử vài lượt là thi sẽ có điểm cao, bất kể người đó tiếp thu bài học được hay không. Vì vậy, kết quả có những học viên không biết gì lại được xếp loại khá, giỏi. Chưa kể đến phần mềm chấm điểm một số câu hỏi bị chấm điểm sai, cho ra kết quả “giả”; tức là chấm có điểm khi học viên chọn đáp án sai và trừ điểm khi chọn đáp án đúng. Học viên muốn có điểm cao bắt buộc phải chấp nhận chọn đáp án sai “theo ý máy” dù biết rõ 100% đáp án ấy là sai bét.

Trong khi công việc ở cơ quan đang dồn đống, nhiều người dân chờ đợi tôi giải quyết hồ sơ của họ, thì tôi phải ngồi “mọc rễ” tại lớp đề án để “cưỡi ngựa xem hoa… héo” và tôi cũng “héo” vì mệt mỏi. Tôi lấy làm tiếc khi đã làm mất thời gian của những ai đã chờ đợi tôi, nhưng tôi biết làm sao được khi quy định phải học đầy đủ thời gian, cho dù bản thân thấy cần thiết hay không.

Thay vì chỉ mất vài ngày để tập huấn, tôi phải mất đến 20 ngày dài dằng dặc  (20 ngày x 8 tiết = 160 tiết), thật là lãng phí thời gian. Nếu đem nhân số thời gian lãng phí này cho số cán bộ hành chính cả tỉnh, cả nước thì sẽ cho ra con số thời gian lãng phí khổng lồ, đáng tiếc làm sao.

Trong khi tiêu chuẩn tuyển cán bộ công chức hiện nay bao giờ cũng là đã tốt nghiệp Đại học, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thấp nhất là trình độ A; cán bộ nào lớn tuổi chưa qua Đại học, chưa biết tin học, ngoại ngữ bắt buộc phải học thêm mới được nâng lương, nâng ngạch thì thử hỏi còn có bao nhiêu người không biết tin học mà phải dạy một chương trình ôm đồm như thế?

Giá như Ban đề án 112 phân loại cán bộ để tập huấn riêng cho đối tượng đã tốt nghiệp Đại học, đã có chứng chỉ tin học A, B, tổ chức lớp riêng cho cán bộ chưa tiếp xúc với tin học trong thời gian dài hơn (khoảng 3 tháng) thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí, công sức mà cán bộ có thể vận dụng được vào công việc nhiều hơn.

  • Tạ Phong Tần 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,