221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1207146
Lo lắng cuộc sống nông dân bị lấy đất làm sân golf
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (25-31/5/2009):
Lo lắng cuộc sống nông dân bị lấy đất làm sân golf
,

 - Trong tuần qua, loạt bài viết của VietNamNet về dự án sân golf đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Những vấn đề như thái độ phục vụ của nhân viên đường sắt Việt Nam, cho trẻ học thêm vào lớp 1 cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi.

 

Dự án sân golf chỉ phục vụ cho người giàu. (Ảnh VNN)

 

Lo lắng cuộc sống nông dân bị lấy đất làm sân golf

 

Trong hàng trăm thư phản hồi của bạn đọc về những dự án sân golf và những dự án bất động sản nằm sau nó, VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc, lo lắng về cuộc sống người nông dân sau khi bị mất đất. 

 

Bạn Lê Quang Hoà, Hà Nội, quanghoa02@... viết: “Nếu cứ đua nhau lấy đất nông nghiệp để mở sân golf thì chỉ 5 năm nữa thôi, người dân Hà Tây cũ sẽ không còn có thể ra khỏi làng bởi xung quanh đã bị bao bọc bởi sân golf của các đại gia. Chúng ta cứ nhìn vào khu du lịch Đồng Mô không còn đường vào thì khắc rõ. Nhiều lúc tôi tự hỏi, có thể lấy số lượng sân golf làm thước đo cuộc sống ấm no, hạnh phúc hay không?

 

Mấy năm qua, Hà Nội xây dựng thêm được bao nhiêu trường mẫu giáo để các bà mẹ không phải chen nhau bẹp ruột xin học cho con? Hà Nội xây thêm được bao nhiêu bệnh viện để người bệnh không phải chen chúc 2-3 người trên một giường bệnh? Trẻ em Việt Nam ham mê bóng đá là vậy nhưng Hà Nội có chỗ nào cho các em chơi bóng không?

 

Mỗi ngày qua đi lại thấy trên đường có thêm các chị, các mẹ dáng hình vô cùng tiều tụy đi bán hàng rong. Hỏi ra thì họ bảo: "Mất hết ruộng rồi, đành phải lên phố kiếm miếng ăn cho qua ngày”. Những cây cầu như Mai Động, Kim Ngưu ngày càng thêm nông dân ra đứng bán sức lao động. Hỏi ra cũng vì họ không còn ruộng để cày cấy. Rồi những vụ trộm, cướp, giết người, tự tử ngày càng tăng. Đấy có phải do mất đất, thất nghiệp không? Vậy mà người ta vẫn có thể ký những quyết định thu hồi hàng trăm/ngàn hec-ta đất của nông dân làm sân golf. Thật đáng buồn!”.

 

Bạn Nguyễn Dân Việt, Hà Nội, danquemua@... có thư: “Theo tôi được biết thì không phải chỉ dự án sân golf mới có chuyện lợi dụng để kinh doanh đất mà nhiều dự án đầu tư xây dựng khác cũng xen cài mục đích ấy. Đã có doanh nghiệp xin đầu tư xây dựng công trình nhà máy, được cấp đất xong một thời gian, bằng nhiều lý do liền xin chuyển sang xây nhà, biệt thự... Vậy thì đâu là nguyên do của việc ấy? Chắc chắn các nhà lãmh đạo, nhà quản lý đều nhận ra nhưng vẫn cứ làm. Tất cả vì tư lợi mà thôi. Tôi mong rằng các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý từ cấp nhỏ nhất ở cơ sở là trưởng thôn, bí thư chi bộ đến các cấp cao hơn hãy lắng nghe và chăm lo cho dân nhiều hơn. Không có dân thì có làm được gì không?”.

 

Trước thực tế buông lỏng quỹ đất công, khiến nông dân mất đất, mất nghiệp nhiều bạn đọc đề nghị Nhà nước rà soát lại các dự án lấy đất công và chăm lo hơn đến cuộc sống nông dân. Bạn Trần Văn Chân, Hà Nội, Tranch868@... viết: “Tôi rất đau lòng trước việc tài nguyên quốc gia đang bị xâu xé. Nhiều người có quyền quyết định số phận những tài sản quốc gia đó, tiếp tay cho nhà đầu tư, kiếm lợi cá nhân mà không hề nghĩ tới lợi ích của nhân dân. Mong lãnh đạo đất nước dành chút thời gian nắm chắc thực tế, đưa ra những quyết định đúng đắn để ngăn chặn người Nhà nước vì tư lợi, bán rẻ tài nguyên. Những người nông dân thấp cổ bé họng, thậm chí kém hiểu biết mới thật đáng thương. Đừng quên rằng họ là lực lượng chính gánh vác gánh nặng mấy cuộc chiến tranh vừa qua”.

 

“Sân golf không phục vụ cộng đồng mà chỉ lấy đất của cộng đồng để kinh doanh và bỏ túi cá nhân. Những nhà đầu tư sân golf và các lãnh đạo địa phương có sân golf đã chăm lo thế nào đến đời sống của những người nông dân hiến đất cho sân golf hay chỉ đền bù rẻ mạt rồi “sống chết mặc bay”?

 

Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ khẩn cấp quy trách nhiệm và kỷ luật những lãnh đạo đồng lõa với sân golf để trục lợi cá nhân và những kẻ đầu tư chỉ biết đền bù giá rẻ, lấy đất phục vụ nhà giàu để người dân tiêu hết tiền thì cũng hết kế sinh nhai. Người dân mất đất cần công ăn việc làm để tồn tại chứ không cần tiền. Nếu các nhà đầu tư lấy đất của dân nghèo thì phải có trách nhiệm chăm lo công ăn việc làm cho dân mất đất từ thế hệ này sang thế hệ khác và cả khi họ thất nghiệp. Không thể lấy đất của người nghèo làm họ nghèo khổ thêm và thất nghiệp”, ý kiến bạn đọc ở địa chỉ email thatnghiep@...

 

Bao giờ mới hết vấn nạn dạy thêm, học thêm?

 

Hè vừa sang cũng là lúc câu chuyện dạy thêm, học thêm lại nóng lên trong dư luận. Tâm sự của bạn Quang Nhật cho con học thêm vào… lớp 1 nhận được nhiều đồng cảm, sẻ chia và lo lắng của các bậc phụ huynh cho sự học của con em mình.

 

Luyện chữ chuẩn bị vào lớp 1. (Ảnh VTC)

Bạn Đỗ Phương Trang, Kim Liên, Hà Nội, phuongtrang@... lo lắng: “Tôi cũng có con năm nay đi học lớp 1 nên tôi cũng thấu hiểu tâm sự của anh Quang Nhật. Lúc đầu, tôi cũng kiên quyết không cho con đi học thêm, nhưng sau thấy các bạn ở lớp mẫu giáo của cháu đã đọc thông thạo rồi mới thấy lo. Qua tìm hiểu thì được biết các cháu đã đi học gần 1 năm nay rồi.

 

Tôi nghĩ nếu cứ tình hình này nếu không cho con đi học thêm thì chắc cháu không thể theo kịp các bạn, vì một lớp có đến gần 60 cháu (trường Tiểu học Kim Liên) thì làm sao cô giáo dạy kèm hết được?

 

Hơn nữa, những cháu đã đọc thông thạo rồi sẽ tự tin hơn những cháu chưa học tí nào. Khi các cô giảng bài sẽ thấy các cháu này thuộc bài nhanh hơn con mình thì sẽ không giảng kĩ nữa, như vậy các cháu không đi học thêm sẽ không theo kịp bài và sẽ càng ngày học càng đuối. Chính vì vậy, tôi đã cho con đi học thêm. Nhưng về tâm lý tôi thấy cháu chưa sẵn sàng cho việc học. Mỗi lúc ngồi vào bàn cháu thường rất mệt mỏi, thường hay mặc cả việc học. Nghĩ thương con quá nhưng không biết làm sao. Mình đâu có học được thay con đâu. Không biết giáo dục Việt Nam cải tiến thế nào để các cháu và các bậc cha mẹ như chúng tôi cũng đỡ khổ?”.

 

“Tôi có 2 đứa con, đứa lớn năm nay học cấp 3, đứa thứ 2 học cấp 1. Đọc bài của bạn Quang Nhật, tôi lại nhớ tới ngày xưa khi đi học. Đúng thật, các bậc phụ huynh đang theo tâm lý đám đông. Hai đứa nhà tôi là hai hình ảnh trái ngược nhau hoàn toàn.

 

Thằng lớn tôi cũng cho đi học thêm trước nhưng kết quả không hơn so với đứa sau (không đi học trước). Nhưng hiện tại tôi dám khẳng định một điều nếu không cho con đi học thêm thì không bao giờ có kết quả cao vì thầy cô dạy trên lớp chỉ 80% thôi, còn muốn học nốt 20% thì phải học thêm.

 

Chúng ta bấy lâu nay cứ hô hào không dạy thêm học thêm, nhưng có cung ắt có cầu, trung tâm gia sư mọc lên nhan nhản. Nói là giảm tải học cho các cháu nhưng chính bố mẹ lại là người luôn bắt con học thêm. Vì nếu không học thêm thì không bao giờ có thể bằng các bạn đi học thêm. Ngày xưa, chúng ta đi học luôn được thầy cô tận tình chỉ bảo, đối với các bạn giỏi hay yếu thầy cô bồi dưỡng thêm là vì trách nhiệm đối với trò, còn bây giờ sao?”, ý kiến của bạn Nguyen Thi Bich Hang, Khương Trung, Hà Nội.

 

Ngoài ra, trong tuần, VietNamNet nhận được một số phản ánh sau:

 

Ô nhiễm ở làng Đại Yên. Tôi là 1 cư dân sinh sống tại ngõ 173/68/81 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội (gần đình làng Đại Yên). Đây là 1 làng có lịch sử lâu đời về nghề thuốc nam. Hiện nay, cư dân sinh sống tại đây, nhất là những người ở trọ hay vứt rác bừa bãi ra đường đi lối lại của làng, gây ra mùi xú uế ô nhiễm và mất vệ sinh cho những nhà xung quanh. Tôi không hiểu chính quyền địa phương, công an, tổ trưởng tổ dân phố đã được biết về vấn đề này mà không thấy có động thái gì để xóa bỏ tình trạng này? Mấy lần có khách nước ngoài đến đây thăm và tìm hiểu văn hóa làng xã tại Hà Nội, tìm hiểu làng nghề thuốc nam ở Đại Yên, tôi vô cùng xấu hổ. Sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà ngay chính trung tâm này mà vẫn còn nhiều người không có ý thức, không có văn hóa, không biết làm đẹp cho Thủ đô, gây hại sức khỏe, môi trường sống cho cộng đồng. (Thuc Chi, thucisc@...)

 

Đình làng thành bãi trông xe ô tô. Đình Khương Hạ (Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một ngôi đình cổ thờ thần hoàng làng Khương Hạ. Nó được xây dựng gần 100 năm. Ngày 15/5/2009 vừa qua không hiểu sao đình làng này được cải tạo thành bãi trông giữ xe ô tô 24/24. Mọi hoạt động vui chơi của các cụ, các cháu bị cấm trong sân đình. Là một người dân phường Khương Đình, tôi rất bất bình. Rất mong các cơ quan chức năng lên tiếng. (hungvn@...)

 

Nhân dịp 1/6, đại diện VietNamNet đã tới thăm và trao quà của bạn đọc cho các em: Lê Hữu Bảo (Cậu bé tật nguyền và 9 năm bò lê tìm con chữ) 3.389.000 đồng; Nguyễn Thị Dung (mồ côi mẹ, nuôi bố bị mất trí và 3 em nhỏ): 3.300.000 đồng; hai anh em Nguyễn Văn Hòa & Nguyễn Văn Hiệp, (cả bố và mẹ bị mất trong vụ chìm đò ở Hà Tĩnh): 9.112.000 đồng, mẹ con chị Nguyễn Thị Phượng (chồng mất trong vụ chìm đò ở Hà Tĩnh): 3.500.000 đồng. Đại diện báo VietNamNet cũng đã tới thăm và trao quà bạn đọc 600.000 đồng tới cụ Nguyễn Thị Trạch, bà cụ 70 năm cào nghêu trên bãi biển Cửa Lò.

 

Thay mặt các gia đình nói trên, VietNamNet xin chân thành cám ơn quý độc giả đã chia sẻ, ủng hộ trong thời gian qua. Rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý vị trong thời gian tới.

 

VietNamNet xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của các bạn: 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,