221
3702
Điều tra theo thư bạn đọc
theodauthu
/bandocviet/theodauthu/
1249332
Một Anh hùng lao động phải "sơ tán" giữa thời bình
1
Article
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
Hà Nội:
Một Anh hùng lao động phải 'sơ tán' giữa thời bình
,

 - Anh hùng Lao động (AHLĐ), Giáo sư (GS) Phạm Gia Khải (ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã phải “sơ tán” 2 năm nay vì ngôi nhà hiện tại của ông không đủ đảm bảo an toàn để ở. Sự việc đã được các cấp chỉ đạo giải quyết nhưng dường như lại đi vào bế tắc? 

 

"Tôi là một giáo sư ngành y, tôi có thể góp phần bảo vệ mạng sống của nhiều người dân và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước nhưng tôi không dám chắc là mạng sống của cá nhân tôi và gia đình, kể cả gia đình bà Hiền có được an toàn hay không khi mà sàn nhà dưới chân và mái trên đầu có thể đổ sập bất cứ lúc nào..." (trích đơn GS Khải).

 

Có nhà nhưng phải… “sơ tán”

 

Nhắc đến Giáo sư Y khoa Phạm Gia Khải, không ai là không biết đến những đóng góp của ông đối với ngành tim mạch Việt Nam và khu vực. Năm 2008, GS Khải đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động.

 

Hiện ông đang thực hiện công việc chăm lo sức khoẻ cho các lãnh đạo của Đảng với cương vị Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Ban bảo vệ sức khoẻ cán bộ Trung ương và là Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam.

 

Mô tả ảnh.

GS Khải cùng với TS Phạm Gia Minh đã gửi đơn đi khắp các cơ quan quản lý, lãnh đạo các cấp mong được xem xét giải quyết để cho ông được yên tâm công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Nhưng đã 2 năm trôi qua, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: Duy Tuấn

Thế nhưng, không ai nghĩ rằng một con người như thế lại lâm vào cảnh phải “sơ tán” đến ở với con cái trong 2 năm nay vì ngôi nhà của ông tại ngôi nhà chung số 7A, ngõ Phan Chu Trinh đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được phép sửa chữa, quyền lợi hợp pháp bị lấn chiếm.

 

Trong nhiều năm qua, GS Khải cùng với người em trai là Tiến sỹ Phạm Gia Minh đã phải vất vả gửi đơn đến các cấp lãnh đạo Hà Nội, chính quyền các cấp để mong được giải quyết sự việc tranh chấp tại ngôi nhà chung này.

 

Ngôi nhà của 2 ông là thừa kế quyền thuê nhà của người cha là Nhà giáo ưu tú Phạm Gia Kính (nguyên Giám đốc Sở Nhà đất Hà Nội). Đến năm 2004, 2 ông được mua lại nhà theo nghị định 61. Ngoài  89,1m2 diện tích nhà ở, trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất còn có thêm hơn 40m2 diện tích sử dụng trong tổng số 190,3m2 sân chung.

 

Theo ông Phạm Gia Minh cho biết thì gia đình ông còn sở hữu một căn bếp với diện tích 10m2 nằm ở sân tầng 1 nhưng đã bị hộ bà Hiền, thuê nhà ở tầng 1 chiếm dụng trong nhiều năm qua (nhiều văn bản xác nhận phần bếp này của GS Khải).

 

Không những thế, hộ thuê nhà này còn lấn chiếm trên phần diện tích sân chung khiến gia đình ông “có quyền nhưng không được hưởng”, phải làm bếp trên tầng 2 rất bất tiện trong sinh hoạt.

 

Do ngôi nhà càng ngày càng xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào nên GS Khải đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị được gia cố lại nhà. Ngày 15/1/2007, một cuộc họp “Về việc sửa chữa nhà nguy hiểm” đã diễn ra với sự tham gia của UBND phường Phan Chu Trinh, Xí nghiệp Quản lý nhà số 3 và tổ dân phố, các hộ dân trong nhà số 7A, Phan Chu Trinh. Cuộc họp đã đưa ra nhận định: ngôi nhà đang ở vào tình trạng nguy hiểm, cần được sửa chữa kịp thời.

 

Tuy vậy, hộ thuê nhà là bà Vũ Thị Hiền lại không đồng ý với phương án sửa chữa nhà mà các bên đưa ra. Việc sửa nhà không thể tiến hành.

 

Mô tả ảnh.

Ngôi nhà số 7A, ngõ Phan Chu Trinh xảy ra tranh chấp từ nhiều năm nay. Theo lời của các cán bộ chức năng thì sự việc khó xử lý vì đây là "công tư xen kẽ"? Ảnh: Duy Tuấn

Trong rất nhiều cuộc họp sau đó của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tìm ra được phương án hoạch định lại diện tích sử dụng chung của 3 hộ, thế nhưng đều không thực hiện được do vấp phải sự “không nhất trí” của 2 hộ còn lại ở tầng 1. Sự việc lại lâm vào bế tắc.

 

Cũng theo ông Phạm Gia Minh thì đằng sau sự không đồng thuận này của các hộ tầng 1 là để “ép cho GS Khải không thể ở được mà phải bán lại nhà cho họ với giá rẻ?”.

 

Thành phố đề nghị “giải quyết dứt điểm”, sự việc lại trở lại ban đầu (?!)

 

Tại văn bản số 204, ngày 15/5/2008 của Xí nghiệp QL&PT nhà số 3 khẳng định: ngôi nhà trên thuộc diện công tư xen kẽ (gồm cả sở hữu tư nhân và nhà nước), Xí nghiệp quản lý nhà số 3 đã cùng với các cơ quan chức năng tiến hành 3 lần họp để thống nhất các phương án hoạch định của xí nghiệp này đưa ra. Hộ của GS Khải đều nhất trí với các phương án đó.

 

Tuy vậy, hộ bà Hiền thì không nhất trí với phương án nào, còn hộ ông Thanh thì 2 lần đầu được mời nhưng không đến. 

 

Ông Chu Trọng Xa, Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh bày tỏ ý kiến: “Hộ GS Khải thì đồng thuận nhưng 2 hộ kia không đồng thuận nên không thể nào hoạch định được bởi vì đây là công tư xen kẽ rồi, phải được sự đồng ý của chủ sở hữu. Không nhận được sự đồng thuận, tôi và Xí nghiệp nhà đã thống nhất chọn một phương án tối ưu nhất là hoạch định lại diện tích sử dụng chung thành riêng biệt, nhưng cũng không xong”.

 

Chúng tôi đã xác định bác Khải là một người trí thức có công lớn với đất nước, rất điềm đạm, chỉ làm đơn kiến nghị… Tại hội nghị tư vấn do Sở Xây dựng tổ chức, tôi có đi dự, đại diện pháp chế của Bộ Xây dựng nói là không có văn bản nhà nước nào quy định việc hoạch định công tư xen kẽ cả. Đối với cái bếp thì do khi ông Khải đập đi không báo cho chính quyền nên giờ không biết phục hồi như thế nào do không có hồ sơ”, ông Xa nói.

 

 

Mô tả ảnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đang trao danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động cho GS Phạm Gia Khải, người "nhạc trưởng của ngành tim mạch Việt Nam". (nguồn ảnh: TTXVN)

Cũng theo vị chủ tịch phường này nói thì việc hộ ông Thanh có ý định mua lại nhà của GS Khải là có thật. Còn diện tích dùng chung được phân bổ không hoạch định trong sổ đỏ của GS Khải thì “chỉ là trên giấy tờ thôi, chứ thực tế không ai vạch ra rõ ràng cả…”.

Ngày 11/3/2009, UBND TP. Hà Nội đã có công văn số 1947 về việc xem xét giải quyết đơn của ông Phạm Gia Khải: “Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra, giải quyết dứt điểm đề nghị của ông Phạm Gia Khải tại đơn nói trên. Báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/3/2009”.

 

Trao đổi với VietNamNet, ông Hiền, Trưởng phòng quản lý nhà và kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Chúng tôi cũng đã đưa ra phương án cưỡng chế, về nguyên tắc là cưỡng chế được. Việc xây dựng không phép của hộ tầng 1 trên phần diện tích chung đã có từ năm 1984 (...) Bây giờ đang mắc hạn chế của quy định là nếu muốn hoạch định thì phải phá toàn bộ diện tích cơi nới trả lại nguyên vẹn. Bây giờ chỉ có vận động thuyết phục để cho có sự đồng thuận”, ông Hiền cho biết.

 

Mô tả ảnh.

Phương án hoạch định lại diện tích chung tại 7A, ngõ Phan Chu Trinh được các cơ quan quản lý đưa ra nhưng không thực hiện được do liên tục nhận được sự "không nhất trí" của 2 hộ ở tầng 1.

Ông Hiền cũng cho biết, Sở Xây dựng đã có báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội về sự việc. “Sau khi báo cáo thì UBND TP. Hà Nội và quận Hoàn Kiếm có các văn bản, tiếp tục động viên thuyết phục và tiếp tục nghĩ ra phương án cho đồng thuận”.

Như vậy, ý kiến chỉ đạo xử lý dứt điểm của UBND TP. Hà Nội vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết. Sau 2 năm xử lý, sự việc dường như lại bế tắc và phải quay lại cách ban đầu là vận động thuyết phục các hộ thống nhất đồng thuận.

 

Tuy vậy, nếu đúng như lời ông Xa, Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh, nói là hộ tầng 1 có ý định mua lại cả ngôi nhà này thì chuyện cơ quan chức năng trông chờ vào sự đồng thuận của các hộ dường như là không thể có. Hơn nữa, hộ bà Hiền đã lấn chiếm từ lâu, qua thái độ không thống nhất nhiều lần, hộ dân này cũng khó mà tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm.

 

Nguyên vọng của gia đình GS Phạm Gia Khải là được trở về căn nhà của mình để ở, thuận tiện cho công tác chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ cao cấp của đất nước (nhà ông gần Viện 108). Tuy vậy, ngôi nhà hiện không có công trình phụ, hiện trạng nhà đã nguy hiểm, xuống cấp. Ông cũng chưa từng được cấp nhà nên đành phải tiếp tục ở nhờ nhà con.

 

Tháng 7 vừa rồi, GS Khải tiếp tục có đơn gửi Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm và các cơ quan chức năng xin được phục hồi nguyên trạng bếp ăn để có thể trở về, thế nhưng theo như GS Khải cho biết thì hiện vẫn không nhận được phản hồi nào từ phía các cơ quan quản lý. Một trí thức lớn như GS Khải lại phải tiếp tục… “sơ tán”.

 

  • Duy Tuấn
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,