,
221
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
1036441
Tôi đi “hầu đồng” (tiếp)
1
Article
null
,

Tôi đi “hầu đồng” (tiếp)

Cập nhật lúc 09:37, Thứ Sáu, 22/02/2008 (GMT+7)
,

(Phần đầu)

Hình ảnh: tác giả bài viết gửi
Hình ảnh: tác giả bài viết gửi

Đợi đến 19 âm...

Một ngày

Hai ngày...

Một tuần,

Hai tuần...

Tôi đếm từng ngày. Chỉ còn hai hôm nữa tôi phải đi gặp “cô”. Lúc ấy Tôi vẫn chưa hiểu Hầu đồng là gì, trình đồng mở phủ là gì. Chỉ thấy xót tiền. Chẳng gì cũng hơn 10 triệu. Bằng mấy tháng lương. Chuyên này Bố Mẹ mà biết thì chết...

Còn một lý do nữa hết sức tế nhị là...Tôi chưa có đủ tiền. Định nói thật với mẹ để lấy số tiền tiết kiệm gửi mẹ cầm hộ từ năm ngoái nhưng không dám nói. Nhờ K thì không muốn. Từ trước đến giờ tôi có vay mượn ai bao giờ. Càng sát ngày, tôi càng lo.

Cuối cùng tôi quyết định gọi điện nói thật với “cô”. Rằng tôi không Hầu nữa, rằng số tiền 2 triệu rưỡi tôi đặt cọc chỉ để nhờ “cô” làm lễ tiễn căn và cắt duyên âm như lúc đầu thôi. Đáp lại lời tôi là một bài chửi (như tát nước) qua điện thoại: "Sao mày không báo sớm, “cô” đã đặt mã, viết sớ xong cả rồi. Riêng thuê đội hát Văn cũng ối tiền. Chuyện này sao có thể nói mà không làm đựơc. Thánh phạt chết!"

Sau một ngày "thương thảo" bằng chục cú điện thoại không thành công. Tôi quyết định "ra bài" cuối cùng:

- Cô ơi, con chưa chuẩn bị đủ tiền...

- Thế mày có bao nhiêu?- Cô quát lên trong điện thoại

...

- Sao không vay anh K? (trước đây cô có quen K)

Tôi nói không thể và nhất nhất đòi thôi.

Cô tắt phụp máy.

Sáng hôm sau (ngày 19 âm). Cô cho người gọi tôi từ sớm. Tôi vẫn định đánh bài "bùng" nên không nghe điện thoại. Cô gọi cho T (em họ K) bảo T gọi cho tôi và thuyết phục tôi bằng được. Tôi vẫn không. Cô lại bảo bà cô K gọi điện, bà ở cùng làng với Cô). Bà nói tôi rất nhiều: Nào là chuyện này không thể đùa được, nếu cháu thiếu tiền cứ xin khất với “cô” một câu, khi nào có thì trả, nào là “cô” đã loan báo khắp nơi hôm nay có Lễ, mời mọi người già trẻ đến xem. Bà cũng được mời đến để thụ Lộc…

Không dừng được nữa rồi.

T gọi liên tục!

Người nhà Cô gọi liên tục!

Đã đến giờ đăng đàn. Cô bắt đầu làm lễ. Tên tôi đã được đọc. Sớ đã dâng.

Sau khi làm lễ, Cô trực tiếp gọi điện cho K bảo K phải lái xe đưa bằng được tôi xuống để cắt tóc, nhận khăn.

Chẳng còn cách nào. Tôi lật đật ra xe. K không thôi càu nhàu.

40km, K phóng vèo vèo.

9h10’. Tôi có mặt.

Mấy bà lão ra mắng tôi một thôi một hồi. Tôi vào "trình bầy hoàn cảnh" với “cô”. “Cô” vừa lên đàn xong, khoác trên ngườichiếc áo Rồng Phượng, đầu vấn khăn đóng, môi đỏ chót, mắt dán kim sa lấp lánh. Trông “cô” thật "xinh".

Cô nói: "Nếu mày xin xá hầu thì “cô” làm cho, nhưng “cô” không đảm bảo là hết...hạn. Xá hầu thì rẻ hơn: 5 triệu. Tại mày không nói sớm. tên và đồ lễ “cô” đã sắm, mày phải trả tiền mã là 4 triệu (đây là tiền bắt buộc)".

Tôi nhìn quanh, Cả một gian nhà đầy mã. Nào là Ngựa (5 con to như thật), nào Voi (đúng Voi dài 2m), nào thuyền rồng và một đoàn người đưa rước, nào hình nhân... Xếp dài từ trong nhà ra đến ngoài sân.

Bỗng thấy sợ...

Cô ra vỗ vai tôi: "Thôi, cô xin cho. Có bao nhiêu tiền thì trả hết tiền Mã. Còn lại lúc nào có trả “cô”, nhưng nhớ là trả trước ngày lễ tạ (Lễ tạ sau lễ chính khoảng 2 đến 3 tháng). Thôi đi thay quần áo đi. Thế là vui vẻ nhá!"- Cô quay sang K: "Em chưa thấy con nào Ngu và Liều như con này. Dám đùa với Thánh. May giờ vẫn kịp!"

Tôi lật đật vào phòng thay đồ. Một bộ phi bóng mầu hồng cánh sen may kiểu bà ba xẻ tà sực nức mùi nước hoa. Tôi ngột ngạt trong cái mùi nước hoa ấy.

Cô gọi ra điện làm lễ.

Nhạc nổi lên, những bài hát chầu văn tôi chưa nghe bao giờ. Tim đập thình thịch.

Sau khi đi một vài đường cơ bản (nhẩy múa), Cô chắp tay khấn cho tôi và một cô bé nữa (cô bé mới 18 tuổi). Cô cắt tóc, đội khăn cho cả hai đứa, rồi làm phép, vẩy nước thánh - thứ nước gì đó mà tôi thấy ghê ghê bởi mùi nước hoa đặc quánh. Tai tôi ù đi bởi tiếng Sáo, tiếng Nhị tiếng hát Văn: "Nước này lấy ở biển Đông. Tắm cho Đồng tử, tắm cho Đồng tử sạch trong, sạch trong cõi lòng...". Cô trình sớ và bắt hai đứa uống thứ nước gì như là Rượu pha lẫn sữa, cay cay ngọt ngọt, đặc đặc, có mầu nhờ nhờ mà đến giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn ... ớn. Rồi trùm khăn (4 chiếc khăn xanh đỏ tím vàng loè loẹt), rồi mặc áo - Chiếc áo dài lễ mầu đỏ chót thêu rồng vàng, kim phượng...

Vì đến muộn nên tôi phải ngồi chờ sau cô bé kia lẽ ra tôi hầu trước. Tôi vừa xem vừa phì cười trước những cử chỉ, hành động của cô bé. Nghĩ một lát nữa đến lượt mình, tôi thấy vừa lo, vừa sợ vừa tức cười…

Hai tiếng rưỡi sau, cô bé kia hầu xong. Đến giờ ăn cơm. Tất cả mọi người đến dự (khoảng sáu, bẩy chục người) được mời ăn tại Phủ của “cô”. Những mâm cỗ đã được người nhà “cô” chuẩn bị trước. Vừa ăn “cô” vừa trêu tôi: "Tí nữa thì “cô” không cứu được mày. Ăn nhanh rồi lên thớt nhé". Cô quay sang mấy bà già bên cạnh: "Các bà chuẩn bị xem nó nhẩy nhá! chắc sẽ rất tuyệt".

Cơm nước xong, mọi người lại lên điện. Thú thực tôi chả biết mình phải làm gì và làm như thế nào. Dù hai Đồng già (tôi gọi thế) ngồi hai bên hầu giá tận tình chỉ bảo. Nhạc nổi lên, tùng cheng, cheng, tùng... đội hát văn hát liên tục.

Cô ra lễ và "nhẩy" mẫu cho tôi mấy đường cơ bản. Tôi làm theo như một cái máy. Hết mỗi giá hầu lại phát lộc cho mọi người ( Phát lần lượt cho hát văn, cho pháp sư, cho vãi, cho hầu giá và cuối cùng là tung tiền lên trời cho tất cả mọi người nhặt). Tiền phát lộc Cô ấn định là 2 triệu (đổi tiền lẻ từ 200 đồng con đến mười nghìn, đổi tại nhà Cô). Đúng quy định tôi phải hầu ba mươi sáu giá nhưng hình như thời gian có hạn (tôi thấy “cô” còn bận đi Trang điểm cô dâu và còn quá nhiều khách từ xa đến chàu chực mong được “cô” xem cho) và vì lần đầu tôi mới ra hầu nhẩy múa còn lóng ngóng nên “cô” chỉ cho tôi hầu những "giá" cơ bản như: Giá Cô, giá Cậu, giá Ông Hoàng Mười, giá Cô Chín, giá... gì nữa tôi không thể nhớ tên. Chỉ biết là tôi cũng hút thuốc, cũng ăn trầu, cũng múa đao, múa kiếm, cũng viết thư pháp như thật theo mỗi Giá các "ngài" nhập vào…

Hai tiếng. Kết thúc. Mệt nhoài. Thở không ra hơi.

Tôi bước xuống trong tiếng khen của mọi người:

- Hầu đẹp quá!

Còn Cô thì được dịp "mở mặt": Đấy, “cô” đã bảo rồi, mày có căn hầu tứ phủ, không theo thì chết. Rồi “cô” quay sang nói nhỏ với mọi người nhưng cũng đủ để tôi nghe thấy: Từ trước đến giờ chưa có đứa nào hầu xinh như con này!

Sau đó là chào ra về, kèm theo lời hẹn hai tháng rưỡi sau quay lại hầu tạ (giá hầu tạ chỉ rẻ bằng 1/4 hầu chính- có nghĩa là chỉ 2 triệu rưỡi) và cũng là hai tháng rưỡi sau trả nốt cô số tiền còn thiếu trong lần hầu này (tôi mới trả cho Cô 4 triệu tiền vàng Mã, còn nợ lại 5 triệu. Cũng "méo" mặt mới lo được thêm 2 triệu phát lộc - Vị chi "vụ" này ngốn của tôi 11 triệu).

May mắn hay giải được hết HẠN. Miễn bàn. Chỉ biết rằng lúc nào tôi cũng canh cánh lo khoản nợ phải trả Cô và lo làm sao 2 tháng rưỡi sau có thêm hai triệu rưỡi để đến Cô hầu tạ.

Thời gian trôi nhanh, tôi bận bịu với công việc mới, nơi ở mới. Lo sửa sang nhà cửa, thành lập Công ty. Bẵng đi đã gần một năm. Tôi quên Cô.

Hôm rồi Cô gọi điện cho K nhắc khéo: Bảo cái N đến cô lễ đi, mỗi năm nên lễ hai lần vào dịp đầu và cuối năm.

Chẳng thấy Cô nhắc gì đến lễ tạ và cái món nợ 5 triệu ấy nhưng tôi vẫn áy náy vô cùng.

Dù sao tôi cũng vẫn thành tâm và luôn làm điều Thiện. Năm qua tôi cũng gặp nhiều may mắn. (Riêng khoản LỘC 800 triệu “cô” cho chắc sẽ không đến với tôi bởi vì tôi... thất hứa hay sao ấy. Hi hi...).

Các bạn đọc bài này, tuỳ vào cảm nhận của mỗi người. Tin hay không là tuỳ. Chỉ biết rằng ngày ngày Cô vẫn "tiếp" hàng trăm lượt khách và không ít người trong số họ cũng ra "trình đồng mở phủ" như tôi.

Tin

Không tin

...

Thế giới này còn rất nhiều điều bí ẩn mà khoa học chưa lí giải được...

Xin góp một câu chuyện về “đi lễ” trong những ngày đầu Xuân.

Hà Linh Ngọc

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,