Cà phê và nhạc Trịnh ở Sài Gòn
(Blog Việt) - Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp ghé lại quán cà phê mà hồi sinh viên tôi thường hay
tới, hồi trước tên của nó là Cõi Riêng bây giờ nó đổi là Thềm Xưa. Tôi là một người dân Vũng Tàu nhưng tôi lại có những kỷ niệm thật đẹp hồi sinh viên ở Sài Gòn vì vậy đừng hỏi tại sao con tim tôi luôn có một tình cảm đặc biệt với Sài Gòn và đừng hỏi tại sao tôi yêu Nhạc Trịnh Công Sơn. Câu trả lời thật đơn giản là tôi tìm được sự yên lặng và bình yên của Nhạc Trịnh, tôi yêu Sài Gòn vì nó là một phần cuộc sống của tôi khoảng thời gian sinh viên đẹp nhất trong cuộc đời.
Tác giả bài viết bên quán cà phê quen thuộc
Cuộc sống hai từ nghe đơn giản và gần gũi.
Cuộc sống – guồng chảy của thời gian đầy những bộn bề, lo toan, phức tạp.
Cuộc sống – đôi lúc khiến người ta cảm thấy ngột ngạt, bức bối: cơm áo gạo tiền, những mối quan hệ chằng chịt khiến người ta mỏi mệt. Những lúc như thế, người ta thường hay mong ước được một phút bình yên bên tách cà phê ấm nóng trong một quán cà phê trầm lặng và văng vẳng bên tai là khúc nhạc Trịnh ru hồn phiêu lãng. Những quán cà phê nhạc Trịnh ở Sài Gòn lần lượt ra đời như điều tất yếu để mang đến cho lữ khách một nơi chốn dừng chân.
Thử dạo bước qua một loạt quán cà phê Trịnh, ta sẽ dễ dàng nhận ra một phong cách chung rất đặc trưng đó là nét bình dị, mộc mạc, đơn sơ và ấm áp. Vì sao lại thế? Có phải chăng vì âm nhạc của Trịnh chỉ thực sự phát huy vẻ đẹp của ca từ mang đầy đủ nét họa, chất thơ, chất thiền và đậm chất triết lý về thân phận con người khi được truyền tải đến người nghe trong không gian gần gũi nhất với đời? Đúng vậy, có bao giờ bạn được nghe nhạc Trịnh trong một quán cà phê đèn xanh đỏ nhấp nháy và những chiếc loa thùng to tướng chưa? Chắc hẳn là chưa phải không bạn? Nhạc Trịnh không phù hợp với những nơi năng động và gấp gáp, pha lẫn xa hoa như thế. Một chút cỏ cây, một chút nến vàng, một chút hương cà phê nồng nồng và cái mùi ngai ngái của đất, gạch sẽ tạo nên một không gian đậm đà “chất Trịnh”.
Cà phê Cõi Riêng (Thềm Xưa bây giờ) đã là một quán cà phê có thể nói là tiên phong trong làng cà phê Trịnh. Ngôi nhà cổ làm phông nền cho khoảnh sân vườn nho nhỏ, ánh nến vàng lung linh trong chiếc bình gốm nung tỏa ra những mảnh trăng bé xíu in trên mặt bàn gỗ mộc. Giữa vườn là chiếc ao con vang vọng tiếng côn trùng buổi đêm. Và giọng hát Khánh Ly thả từ trên trời cao vọng xuống mênh mang, da diết những khúc nhạc quyến rũ đến lạ thường. Thực khách đến đây đa phần là những người yêu nhạc Trịnh, họ rì rầm trò chuyện, khẽ thôi, rất khẽ, để cho tiếng hát cứ vang lên vang lên giữa thinh lặng của đêm, để nghe, để đón nhận những khắc khoải, những vỗ về, những liêu trai của Trịnh trong từng câu hát.
Mời bạn click vào đây để nghe radio Cà phê một mình
Nhưng, đã tồn tại trong cuộc đời thì không có điều gì là bất di bất dịch, Cõi Riêng/ Thềm Xưa ngày nay không còn như thế nữa. Khoảng sân vườn nhỏ bé được mở rộng thêm ra, phong cảnh thoáng mát hơn, chỗ ngồi thoải mái hơn, đông đúc hơn, chen lẫn những bài hát Trịnh Công Sơn là những Ngô Thụy Miên, những Vũ Thành An… Tình yêu trong họ nồng nàn và mãnh liệt, vượt qua cả không gian và thời gian, “…áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…” (*), “…dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời…” (**) và “…Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say…” (***). Tựu chung lại của cả ba nhạc sĩ tài hoa này có phải chăng là nét buồn nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, những giai điệu trữ tình mà đơn sơ, mộc mạc, những lời nhạc đẹp như thơ và tranh vẽ. Tất cả hòa quyện lẫn nhau nhưng không hề hòa tan, vẫn nhận ra được đâu là Trịnh trong những tình khúc thiết tha đó, và thực khách say mê nhạc Trịnh vẫn mở lòng đón tiếp những giá trị âm nhạc bổ sung cho nhau làm giàu thêm những tâm hồn chắc rằng đã có thừa lãng mạn.
Cõi Riêng và Thềm Xưa với nhạc Trịnh cũng giống như Khánh Ly và Hồng Nhung hát nhạc Trịnh. Một Cõi Riêng huyền bí và một Khánh Ly liêu trai. Một Thềm Xưa phóng khoáng và một Hồng Nhung sinh động. Và nhạc Trịnh “có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ” (Trịnh Công Sơn).
Cà phê Chiêu cũng như thế. Từ một quán cà phê nhỏ bé với bình trà nóng rất ngon và không gian chỉ toàn nhạc Trịnh, là một nơi mà chỉ cần mời cà phê là người mê nhạc Trịnh nào cũng đều hồ hởi nhắc đến, là một nơi mà chỉ cần đến trễ là không còn chỗ ngồi… bây giờ cũng đã được mở rộng ra rất nhiều từ không gian lẫn âm nhạc. Vẫn còn đó những bộ bàn ghế xưa cũ, vẫn còn đó những bình trà ấm nóng và xen lẫn trong giai điệu nhẹ nhàng của những bài hát tiền chiến cũng vẫn là giọng hát trầm buồn của Trịnh “Trời cao đất rộng Một mình tôi đi Một mình tôi đi Đời như vô tận Một mình tôi về Một mình tôi về...với tôi” (****) gợi lại một miền xao xác nhớ.
Nhạc Trịnh không dừng lại ở những quán cà phê với bốn bức tường gạch mộc, sân vườn xanh mát, nhạc Trịnh còn được những tấm lòng đam mê mang vào phòng trà với tiếng hát của những ca sĩ nổi tiếng và cả vô danh. Tiếng Tơ Đồng, M và Tôi, ATB, Hội Ngộ quán … là những nơi mà hàng đêm ca khúc Trịnh vang vọng khắp. Phòng trà Nhạc Trịnh – một phòng trà nhỏ, ấm cúng, nép mình như một nốt lặng giữa Sài Gòn phồn hoa – đã ra đời và tồn tại từ nhiệt huyết của những người yêu nhạc Trịnh như một “thánh đường” để chia sẻ mối đam mê nhạc Trịnh giữa những tâm hồn đồng cảm với nhau. Họ hát và biểu diễn nhạc Trịnh bằng cả con tim với phong cách gần gũi và bình dị như chính bản thân dòng nhạc mà họ đã trót nặng nợ đam mê. Và khán giả của họ cũng thế, trầm tư và lặng lẽ đón nhận những ca khúc được hòa âm, phối khí và thể hiện giống như khi nó vừa ra đời theo đúng “gu” của những người chung thủy với nhạc Trịnh và không chấp nhận bất kỳ sự đổi mới nào đối với “linh hồn” nhạc Trịnh. Có những ca sĩ còn rất trẻ nhưng khá thành công khi trình bày lại những ca khúc một thời gắn liền với tên tuổi “đàn chị” Khánh Ly bởi một lẽ giản đơn, họ hát trước hết là hát cho niềm đam mê của chính bản thân.
Và để kết lại bài, xin mượn lời Trịnh Công Sơn đã viết "Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi. Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà vào thế chấp cho đời mình". Đã bao năm trôi qua nhưng nhạc Trịnh đã, đang và sẽ sống mãi trong lòng những người yêu nhạc.
(*) Hạ Trắng – Trịnh Công Sơn
(* *) Niệm khúc cuối – Ngô Thụy Miên
(***) Tình khúc thứ nhất – Vũ Thành An
(****)Lặng lẽ nơi này – Trịnh Công Sơn
Gửi từ Blog Cơn lốc tình yêu
Về tác giả Blog Cơn lốc tình yêu – Nguyễn Đình Bảo Khôi: "Smile can not change your life but it’ll help you look your life simple".
Ho ten: Nguyễn Thanh Lý
Dia chi: Huế
Email: falcon.falconvn@gmail.com
Tieu de: Cùng chia sẻ và cảm nhận
Noi dung: Tôi cũng là một kẻ say nhạc Trịnh. Ở Huế cũng có một quán cafe mở nhạc Trịnh nằm bên đường Ðặng Thái Thân. Tôi rất hay ngồi ở đó, nhất là vào những ngày mưa. Mưa Huế thì buồn và da diết lắm, những lúc ngồi ngắm mưa và nghe nhạc Trịnh, tôi thấy một sự thanh thản lan toả. Có lẽ đó là một sự đồng cảm và khi đọc bài viết này của bạn tôi chợt thấy như mình đã tìm được một người cùng mê Trịnh. Cám ơn bạn về bài viết.
Ho ten: ukhhuyen
Dia chi: HN
Email: ukhhuyen@gmail.com
Tieu de: Tôi cũng yêu nhạc Trịnh
Noi dung: Một khoảng trời kỷ niệm như ùa về trong tôi khi nghe anh kể...Tôi nhớ quán Quen _Hà Nội_Không huyên náo mà êm đềm, xinh xắn trong con phố nhỏ. Có một nơi để tìm thấy chính mình trong thành phố tấp lập, tôi thích nghe Khánh Ly...và anh đã đúng, Trịnh dành cho những tâm hồn "chắc rằng đã có thừa lãng mạn".
Ho ten: Jamie Pham
Email: andy.guider@gmail.com
Noi dung: Em cũng thường ghé quán này... và nơi đó chứng kiến những vui buồn thời sinh viên, cả lúc e đã đi làm. Cảm ơn bài viết của anh... về nơi đó.
Ho ten: Hoàng Linh
Dia chi: vinh nghệ an
Email: bye_bye_ooe@yahoo.com
Tieu de: một ngày rét nói về"bông hồng lớn"
Noi dung: Chẳng biết nói gì hơn là cảm ơn anh, một tâm hồn yêu nhạc Trịnh.
Cảm nhận và những điều muốn sẻ chia mời bạn gửi đường link blog, bài viết theo mẫu sau hoặc email về địa chỉ blogviet@vasc.com.vn