(VietNamNet) - Quốc hội đã dành cả ngày 30/5 để thảo luận tại hội trường về Dự án Luật đất đai (sửa đổi). Một trong những vấn đề được các đại biểu tranh luận sôi nổi nhất là làm thế nào chống được “các cơn sốt” đất và đẩy lùi được “nạn đầu cơ” đất đai hiện nay.
Đại biểu Tôn Thất Bách. Ảnh: Nguyên Vũ |
Nguồn thu từ đất có thể lớn hơn từ dầu khí, hàng không!
Một trong những vấn đề được coi là tiến bộ nhất trong Dự án Luật đất đai (sửa đổi) lần này là bổ sung quy định về giá đất (điều 54). Dự án Luật quy định giá đất gồm giá do UBND cấp tỉnh xác định; do đấu giá, đấu thầu; do tổ chức chuyên môn tư vấn giá theo yêu cầu; do người sử dụng đất tự thỏa thuận khi thực hiện các quyền. Dự báo trước về cuộc thảo luận sẽ diễn ra sôi nổi xoay quanh vấn đề này, người điều khiển phiên họp- Phó Chủ tịch QH Trương Quang được lưu ý các đại biểu: “Đây là vấn đề lớn, vừa qua đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là thị trường ngầm về đất đai. Nhiều người đã sạt nghiệp vì… đất đai , nhiều người lại giàu lên trông thấy và cuối cùng là Nhà nước thất thu lớn cũng vì… đất đai”.
Khi thảo luận nhiều đại biểu cho rằng quy định về giá đất như trong Dự án Luật là phù hợp với cơ chế quản lý giá đất trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, điều tiết hợp lý nguồn lợi từ đất đai vào ngân sách nhà nước. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cho rằng “Đây là một cách nhìn mới về quản lý đất đai”. Bởi vì, theo ông Lộc, “không thể để kéo dài tình trạng giá đất lên cơn sốt như hiện nay. Có nông dân ngủ một đêm, sáng hôm sau thức dậy đã trở thành tỷ phú vì sốt đất. Mặc dù họ hoàn toàn không có lỗi gì trong vấn đề này. Rồi thì rất nhiều cán bộ công chức thành phố kéo nhau ra các khu vực ngoại thành mua hàng nghìn mét vuông , thậm chí hàng chục hécta đất để bán kiếm lời”. Ông Lộc khẳng định: “Nếu chúng ta quản lý được thị trường đất đai thì nhà nước sẽ có một nguồn thu rất lớn, lớn hơn cả thu từ dầu khí, hàng không, điện lực…”. Chia sẻ lỗi lo của ông Lộc, Giám đốc Công ty điện lực TP. HCM Lê Minh Hoàng nói: “Giá đất ở các đô thị Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM thuộc loại cao nhất nhì trong khu vực. Nếu nhà nước không có cách gì đưa giá đất trở lại đúng với giá trị thực của nó thì không thể nào lành mạnh hóa được môi trường sản xuất kinh doanh”.
Mua bán đất trái phép sẽ bị tịch thu sung công thổ?
Vậy làm thế nào để đưa giá đất về đúng giá trị thực của nó? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Các đại biểu khi thảo luận về vấn đề này đều khẳng định những quy định về giá đất mà Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đưa ra và việc định kỳ hàng năm UBND cấp tỉnh công bố công khai giá đất là cách làm đúng hướng và yêu cầu Nhà nước phải triển khai thực hiện cho được các biện pháp này. Tuy nhiên các đại biểu cũng yêu cầu Nhà nước phải có những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Đức Chính đề nghị cần phải đánh thuế bất động sản để tránh đầu cơ đất đai và nhà cửa: “Cứ anh nào có nhà, có đất là phải đánh thuế. Tôi cam đoan rằng, nếu làm được như vậy thì không anh nào dám đứng tên 5, 6 cái nhà và vài ba mảnh đất”. Ngoài ra ông Chính còn đề nghị phải đánh thuế cả những thửa đất mà nhà nước đã giao cho các tổ chức và cá nhân nhưng chưa sử dụng hoặc không được sử dụng, chứ không nên thu hồi như Dự án Luật đề nghị. Bởi vì “lâu nay ta nói thu hồi nhưng có thu được đâu”. Đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu Nguyễn Đức Chính, đại biểu Lê Thị Nga (Thanh hóa) “đề nghị QH sớm ban hành Luật Kinh doanh bất động sản”. Trong khi đó đại biểu Lê Minh Hoàng đề nghị sử dụng biện pháp cứng rắn hơn: “Cán bộ công chức ta hiện nay giầu quá. Có anh mua một biệt thự vài ngàn cây vàng nhẹ nhàng như… ăn bát phở. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải kiểm tra những anh này xem lấy tiền đâu ra mà mua nhà đất dễ thế”. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ai Trực cho rằng với việc Dự án Luật đất đai (sửa đổi) lần này quy định cụ thể vấn đề tài chính về đất đai sẽ khắc phục được tình trạng “giá đất được đẩy lên một cách phi lý” và hạn chế được nạn đầu cơ đất đai. Có đại biểu đặt câu hỏi: “Vậy đối với những cán bộ công chức đã mua hàng chục hécta đất nông nghiệp bất hợp pháp rồi thì giải quyết ra sao?”. Trả lời câu hỏi này Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Tiến Võ, thành viên ban soạn thảo Dự án luật đất đai khẳng định: “Theo tôi những trường hợp như vậy thì nhất quyết Nhà nước phải thu hồi lại để sung công thổ!”.
- Lê Thùy An