Phá Điện Kính Thiên để xây bảo tàng?
05:20' 30/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Dư luận đang nóng lên bởi nhiều người cho rằng dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam sẽ phá vỡ kiến trúc khu cột cờ Hà Nội. Nghiêm trọng hơn, có ý kiến còn khẳng định, nếu dự án này được triển khai, Điện Kính Thiên - "trái tim" của Hoàng thành Thăng Long sẽ không còn một dấu vết, trục thần đạo sẽ bị phá vỡ và hơn hết, những giá trị lịch sử sẽ không còn nguyên vẹn.

Để hiểu rõ vấn đề, phóng viên VietNamNet đã tìm gặp GS. sử học Trần Quốc Vượng.

Khu vực dự định xây bảo tàng lịch sử quân sự VN trùng với trục thần đạo.

- Được biết Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam sắp tới sẽ được xây dựng ở vị trí cột cờ Hà Nội bây giờ và có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, GS. nghĩ sao?

- Họ định xây dựng trước cột cờ HN như vòng cung bắn vào Cửa Nam. Cách đây chừng 2 năm, tôi cũng đã đồng ý cho ông Lê Mã Lương (Giám đốc Bảo tàng quân đội VN) đổi tên bảo tàng này thành Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam với một điều kiện trước khi họ dự định phá hay xây cái gì thì phải làm công tác khảo cổ theo Luật Di sản. Lúc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn chưa có ý kiến gì và vừa rồi những người đứng đầu dự án này cũng đã "đổ" cho Đại tướng đã đồng ý với dự án này. Song chính Đại tướng, với tư cách là Chủ tịch danh dự Hội Sử học VN, đã khẳng định với GS. Phan Huy Lê rằng ông chưa đồng ý dự án này.

- Xin GS. nói qua về lịch sử của Cột cờ HN và vị trí quan trọng của nó?

- Nếu xem các bản đồ Hồng Đức (1490), bản đồ Tự Đức 1873 đều ghi rất rõ Cột cờ Hà Nội được xây từ đời Nguyễn trên nền Cửa Tây Nam của Hoàng Thành thời Lê. Khi đào Cửa Bắc, chúng tôi thấy cửa chính Bắc Môn bây giờ là cửa của đời Nguyễn nhưng đào xuống dưới đã thấy cửa Bắc của đời Lê và rộng hơn nhiều vì Hoàng Thành thời Lê, không thu nhỏ như thời Nguyễn. Sử chép rất rõ ở cửa Nam bây giờ, Nhà Vua đã xây  Quảng Vân Đình để dán bố cáo, đến đời Minh Mạng thì đổi tên thành Quảng Minh Đình để hàng tháng các vị đến nghe giảng thập điều. Nếu bây giờ đào vườn hoa cửa nam lên thì chắc chắn sẽ thấy nền của Quảng Minh Đình và xuống dưới nữa là Quảng Vân Đình. Riêng cửa Nam bao giờ cũng có 1 cửa 5 cổng. Đến đời Gia Long, khi làm Bắc Thành mới, cửa Tây Nam đã bị đập đi và trên nền đó dựng lên cột cờ.

- Thưa GS, vậy vị trí của Cột cờ Hà Nội là thuộc trung tâm của Hoàng thành Thăng Long và trên trục thần đạo? Nếu động vào khu vực này ngoài việc phá huỷ di tích, vấn đề tâm linh sẽ như thế nào?

- Khi đứng trên đỉnh cột cờ, ta sẽ thấy 5 cửa. Ba cửa giữa nói chung là đóng, chỉ có Vua và sứ giả Trung Quốc được phép đi. Đoan Môn là cửa Nam nhưng đây là cửa nam của Cấm thành, tiếp đó là Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, cửa Bắc tạo thành một trục mà chúng tôi gọi là trục thần đạo, trục trung tâm của Hoàng thành thời Lê và Bắc thành thời Nguyễn. Bây giờ họ định giữa cột cờ và Đoan Môn xây dựng một công trình hình dung như hình cánh nỏ. Như vậy là bắn vào cửa Nam của mình, sao họ có thể làm thế được! Mới đây, chúng tôi cũng đã họp hội đồng tư vấn cho Chủ tịch viện Hàn lâm KHXH&NV gồm 13 người, tôi cũng đã phát biểu là nếu họ động vào 100m2 của khu vực này là nguy ngay vì từ cửa Tây Nam vào Đoan Môn nhất định phải có một con đường đi thời Trần dùng gạch Lý.

Nếu cứ xây Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam ở đây sẽ phá vỡ trục thần đạo và di tích Hoàng thành Thăng Long. Trước Điện Kính Thiên có Sân Rồng để các quan đến chầu, tiếp đến là điện Càn Nguyên, điện để Vua thiết triều... Bây giờ nếu đào bất cứ gì ở bên dưới cũng sẽ chạm vào Hoàng cung. Cột cờ, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, hiện tại còn nền và 4 con rồng đá với đúng 9 bậc đá lên, Hậu Lâu và Cửa Bắc tạo thành trục Thần đạo (Nam Bắc). Chính điều này đã làm cho khu vực định xây bảo tàng mới này quan trọng hơn cả khu khảo cổ Ba Đình đang khai quật vì nó nằm vào trục trung tâm. Đại La, Thăng Long đều ở một chỗ, ở trung tâm và  không dịch chuyển đi đâu cả nên mới đào được nhiều lớp như vậy. Chính điều đó làm cho Thăng Long - Hà Nội khác hẳn các Thủ Đô khác, một ngàn năm vẫn vậy.

- Phản ứng của các nhà khảo cổ và lịch sử ra sao? Theo ông thì dự án có thực hiện được không?

- Tôi đã bàn vấn đề này với GS. Phan Huy Lê và ông Nguyễn Trực Luyện, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, ông Luyện cũng đã tỏ thái độ chống đến cùng. Chủ tịch Viện hàn lâm KHXH&NV đã làm công văn gửi Bộ Chính trị xin chuyển cột cờ về cho VH thành cụm di tích.

Năm 2002, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt đề cương xây dựng mới Bảo tàng lịch sử quân sự. Theo thiết kế đã được chấp thuận thì bảo tàng này sẽ có hình cánh cung, như vậy là sẽ "nuốt" mất Cột cờ. Theo dự kiến, nếu dự án được triển khai thành công, Bảo tàng mới sẽ có tổng diện tích khoảng 30.000m2, diện tích 4 tầng trưng bày khoảng 15.000m2, có nghĩa là toàn bộ các kiến trúc trong diện tích này (trừ Cột cờ) sẽ... biến mất.

Hầu hết các nhà lịch sử, khảo cổ đều né tránh nói về vấn đề này. Chỉ có PGS. TS Tống Trung Tín, Viện phó Viện Khảo cổ, một trong số ít những người được hỏi phản ứng: "Tôi phản đối đến cùng dự án này và nên tìm một chố khác để xây Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho đúng tầm vóc của nó. Về tổng thể vẫn phải xem xét vì khu đất này nằm ở vị trí trung tâm của Hoàng Thành". Đại tá Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng quân đội Việt Nam khước từ cuộc gặp gỡ với PV VietNamNet với lý do "bận, để lúc khác"..

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi