221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
233669
TP.HCM sẽ tiến hành giao đất trong... 5 ngày?
1
Article
null
TP.HCM sẽ tiến hành giao đất trong... 5 ngày?
,

(VietNamNet) - Những vấn đề gay gắt nhất về thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng… đã được các DN đặt lên bàn lãnh đạo TP.HCM và đưa ra tranh luận sôi nổi trong buổi đối thoại giữa UBND TP.HCM với DN hôm qua.

Giải phóng mặt bằng: Không "bằng phẳng"!

Không giải phóng được mặt bằng...

Mặc dù Ban tổ chức buổi đối thoại chỉ mời 130 DN, nhưng hội trường hơn 500 chỗ chật ních người đứng ngồi.

Mở đầu phần phát biểu của mình, ông Quách Văn Hân, giám đốc Công ty kinh doanh nhà Phú Nhuận than thở: “DN muốn nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước mà cũng không được, không biết phải làm sao!”. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP ngay sau đó có ý kiến chia sẻ: “Chuyện tưởng như nghịch lý, nhưng thật đáng tiếc là có thật!”.

Nguyên nhân lớn nhất của ách tắc này là do khâu giải phóng mặt bằng. Ông Lê Duy Phương, Công ty TNHH Lê Vũ, bày tỏ: “Nói đến hoạt động, hạch toán kinh doanh của DN, không thể không nói đến giải phóng mặt bằng. Đó là sự sống còn của doanh nghiệp”. Ông Phương còn đưa ra một tình huống bất cập: nếu DN đền bù mặt bằng trước, thì không thể quy hoạch được. Còn nếu quy hoạch trước rồi mới giải phóng mặt bằng thì DN không thể nào chịu được giá đất lên vùn vụt. Nhiều dự án ách tắc, đến nỗi có nguy cơ thu hồi cũng vì nguyên nhân này.

Cũng như ông Hân, Giám đốc Công ty Lê Vũ tâm sự: “Chưa ai nói đến cái lỗ của DN. Khi làm có lãi thì nhiều thứ phải đóng, còn nếu bị lỗ thì chỉ có nước ôm con dấu bỏ trốn mà thôi”.

Để gỡ cho vấn đề này, ông Hồ Lập Phúc, Tổng Giám đốc Tổng Công ty địa ốc Sài gòn, kiến nghị: Với những dự án nhỏ, có thể chủ đầu tư tự thỏa thuận với chủ đất, nhưng với những dự án lớn, đề nghị TP tham gia hỗ trợ DN. Ý kiến này được đa số DN tán thành. Giải pháp này đã nhận được sự tán đồng của hai ông Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải và Nguyễn Văn Đua. Ông Đua đề nghị: "Với những dự án từ 30ha trở lên sẽ có sự tham gia của thành phố, ngoài việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, mục tiêu là để giảm tối đa thời gian giao đất!”.

Một nguyên nhân nữa, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, là việc khấu trừ tiền đền bù. Ông Nguyễn Đình Tấn, Phó cục trưởng Cục thuế thành phố, cho biết: “Vì DN không nộp đủ chứng từ nên việc khấu trừ cho DN bị kéo dài. Và việc thu tiền sử dụng đất cũng không thực hiện được”. Ông Tấn cho biết, trước đây DN được khấu trừ 90% giá đền bù thực tế, nhưng sau đó Bộ Tài chính có quy định mới, khấu trừ theo hiện trạng đất. “Trên thực tế, số tiền DN bỏ ra đền bù cao hơn gấp nhiều lần mức Nhà nước quy định. Cứ như thế, cái vòng luẩn quẩn khiến cho DN không thể tìm ra lối gỡ” - ông Tấn nói.

Lãnh đạo ngành thuế đề nghị, để có điều kiện tiến hành công việc của mình, DN có thể nộp trước 50% số tiền sử dụng đất. Nhưng ông Nguyễn An Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài gòn nói nghe rất “hoàn cảnh”: “Nếu ngành thuế thương DN thì cho mức nộp 10% cũng đủ rồi. Vì nếu nộp đến 50%, vốn bổ ra tăng cao, DN không còn để đầu tư”. Ông Nguyễn Văn Đua đề nghị: “Ngành thuế nên tính toán, nộp trước bao nhiêu nhưng ở mức độ vừa phải để DN có điều kiện giải quyết công việc. Sau khi đầy đủ chứng từ, sẽ nộp tiếp, tiền của Nhà nước không mất đi đâu”.

Quỹ đất, nhà cho người thu nhập thấp: nộp tiền thay đất

Nhiều dự án bị dang dở không thực hiện được

Đây là vấn đề được các DN bàn bạc sôi nổi nhất. Hầu như về chủ trương, tất cả đều thống nhất. Tuy nhiên rất nhiều ý kiến băn khoăn về phương thức trích nộp. Ông Nguyễn An Bình cho rằng: “Phải xem đây là khoản nghĩa vụ của DN. DN được cấp đất, cấp dự án, thì phải nộp nghĩa vụ”. Ghi nhận điều này, ông Nguyễn Văn Đua giải thích rõ hơn: “Mục đích của TP là tạo ra quỹ đất để xây nhà cho người thu nhập thấp, chứ không cần tiền của DN. TP mua lại quỹ đất hoặc nhà của DN, tuy nhiên sẽ mua theo giá gốc, xem như bớt đi phần lãi của DN, chứ không phải tăng thêm phí hoặc thuế”.

Tuy nhiên, khi bàn đến phương thức trích nộp, cả phía lãnh đạo thành phố và các DN đều tỏ ra băn khoăn. Đại diện Công ty Nam Long đặt vấn đề: “Nhà nước mua theo giá bảo toàn vốn, nhưng thời điểm mua như thế nào, lãi ngân hàng do vay đền bù giải phóng mặt bằng ai chịu? Cơ quan nào tiếp nhận khoản đóng góp này?”. Lãnh đạo dự án Khu đô thị Thủ Thiêm bối rối: “Chúng tôi muốn thực hiện, nhưng không biết làm thế nào”. Ông Lê Quang Dũng, Phòng Quản lý đô thị quận Phú Nhuận thì thắc mắc: “10% quỹ đất là khuôn viên toàn dự án, hay chỉ là tính trên diện tích xây dựng? Còn 20% quỹ nhà được tính như thế nào?”.

Hầu hết các DN đề nghị, việc trích lại 10% quỹ đất hoặc 20% quỹ nhà được quy ra bằng tiền. Song cũng có nhiều ý kiến do dự. Phía Công ty Nam Long hỏi: “Dù có nộp bằng tiền, thì phương thức tính toán như thế nào?”. Giám đốc Talimex đề nghị quy ra giá tiền trên mét vuông. Theo đó, Công ty TNHH An Phú đề nghị, tính tỷ lệ trên số lãi, thì khoảng 20.000đ đến 40.000đ/m2.

Trước ý kiến của số đông DN, hai vị lãnh đạo TP đã đống ý với phương án "quy ra tiền" để nộp vào Quỹ phát triển nhà của TP.HCM. Ông Đua thử đưa ra phép tính: Nếu tính lãi 40%, thì sẽ trích nộp 4%. Tuy nhiên, ông Hồ Lập Phúc đề nghị: “Nếu tính sau lợi nhuận thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, nếu nộp trước quy hoạch thì sẽ lâu tạo ra quỹ đất. Vì vậy đề nghị TP quy định một tỷ lệ trích nộp chung trước khi giao đất”.

Giao đất bằng "một cửa"

Ngoài hoạt động đối thoại, trong buổi làm việc này, các DN cùng góp ý cho bản “Quy định thủ tục giao đất, cho thuê đất và chuyển quyền sử dụng đất” của UBND thành phố. Điểm mới trong dự thảo quy định lần này là UBND TP.HCM sẽ ủy quyền toàn bộ cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án kinh doanh, UBND quận huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ cá nhân  ở khu dân cư.

Mặc dù ông Nguyễn Văn Đua cho biết, nói là áp dụng “một cửa” nhưng vẫn còn phải có nhiều dấu, nhưng nội dung này vẫn được các DN hoan nghênh. Không những vậy, để bày tỏ sự ủng hộ với chính sách này của lãnh đạo TP, bàn về quy định của dự thảo về việc: trong vòng không quá 5 ngày làm việc, TP sẽ phải ký quyết định giao đất, các DN còn sẵn sàng chấp nhận tăng thời hạn này lên 15 ngày.

Khẳng định lần nữa quyết tâm cải cách thủ tục giao đất, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh: “Sẽ ấn định rõ thời gian. Nếu quá thời gian quy định mà cơ quan chức năng không trả lời cho doanh nghiệp, sẽ phải chịu trách nhiệm. Xã hội, nhân dân không thể chấp nhận sự trì trệ”. Ông Hải kiên quyết: “Không chấp nhận tình trạng DN cùng với Nhà nước “lén” đền bù cho dân, sau đó mới quy hoạch, như hiện tượng trước đây từng có”.

Ông Hải giải thích thêm, vì trong quá trình đô thị hóa, TP còn phải góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động. Do đó, tất cả mọi công việc phải công khai cho dân. Về việc TP tham gia cùng với DN đền bù giải phóng mặt bằng, ông Hải giao cho Cục thuế TP xây dựng phương thức tính toán, đến trước 10/4 trình UBND TP.HCM. Tương tự, về quỹ đất, quỹ nhà cho người thu nhập thấp, Chủ tịch UBND TP giao nhiệm vụ cho Viện Kinh tế chủ trì cùng với các Sở ngành bàn phương thức đóng góp, trình UBND TP để giữa tháng Tư tới đây sẽ đi đến thống nhất và trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

  • Đặng Vỹ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,