221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
235679
5 lý do không nên xây Bảo tàng LSQSVN cạnh Cột cờ
1
Article
null
5 lý do không nên xây Bảo tàng LSQSVN cạnh Cột cờ
,

(VietNamNet) - ''Phá vỡ cảnh quan thành cổ Hà Nội; Cắt đứt hệ thống trục chính của thành phố...'' là những lý do mà theo các nhà khoa học không nên xây Bảo tàng LSQS VN cạnh Cột cờ Hà Nội.

''Chúng tôi tha thiết đề nghị cần bảo vệ Cột cờ HN cùng các di tích của Hoàng thành Thăng Long  và thành cổ Hà Nội''

''Chúng tôi tha thiết đề nghị cần bảo vệ Cột cờ cùng các di tích của Hoàng thành Thăng Long và thành cổ Hà Nội''. Đó là nội dung kiến nghị trong văn bản vừa được trình lên các cơ quan chức năng của các nhà khoa học đại diện của Hội Khoa học Lịch sử VN; Viện Khoa học khảo cổ; Hội dân tộc học VN; Hội Luật gia VN; Hội Kiến trúc sư VN; Hội Quy hoạch đô thị VN; Hội Khoa học lịch sử HN; Hội các ngành sinh học VN; Viện Nghiên cứu và phát triển phương Đông sau buổi toạ đàm mới đây về việc có nên xây dựng bảo tàng LSQS VN bên cạnh cột cờ HN?

Ngoài hai lý do đã nêu trên, trong văn bản kiến nghị vừa được trình tới các cơ quan có thẩm quyền còn có các lý do khác như: nhà hiện đại bên cạnh cột cờ xưa không phù hợp về mặt thẩm mỹ, biến di tích cột cờ như vật trang trí của bảo tàng; không phù hợp với việc xây dựng quy hoạch, bảo vệ, bảo tồn thành cổ; có thể phá hoại phế tích còn lưu lại dưới mặt đất.

Theo phân tích của các nhà khoa học thì thành Hà Nội thời Nguyễn hình vuông, mỗi chiều 1km kiến trúc theo kiểu Vauban của Pháp. Nơi đây đã kế thừa di tích của Hoàng thành Thăng Long xưa, giữa thành có trục thẳng đi từ phía nam lên phía bắc, lần lượt còn lại các di tích: Cột cờ, Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu lâu, Bắc môn.

Qua khai quật thăm dò khảo cổ học năm 1999-2000 cho thấy, trong lòng đất ở khu vực này còn chứa nhiều di tích, di vật của thời Lý, Trần, Lê. Vì vậy, hệ thống này cần phải gìn giữ.

Các nhà khoa học đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của bảo tàng LSQS VN - nơi ghi lại và trưng bày các hiện vật chứng minh lịch sử lâu đời chống ngoại xâm của quân đội và nhân dân ta. Tuy nhiên, ý kiến thống nhất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền là không nên xây dựng bảo tàng này bên cạnh Cột cờ. Đồng thời, cần gấp rút xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long, thành HN kéo dài cho đến các di tích cách mạng  và kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh.

Theo đó, sẽ xem xét và tìm một vị trí mới thích hợp cho bảo tàng LSQS VN với quy mô và cảnh quan rộng lớn, có thể trưng bày hiện vật trong phòng kết hợp với ngoài trời, xứng đáng với lịch sử oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc.

Cột cờ Hà Nội xây dựng năm 1805, là một trong 3 cột cờ của nước ta được xây dựng từ thế kỷ 19 (Hà Nội, Huế, Gia Định) nhưng nay cột cờ thành Gia Định đã bị mất tích, chỉ còn cột cờ Hà Nội và Huế. Cột cờ Hà Nội từng chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của quân ta chống thực dân Pháp với sự kiện tử tiết của Nguyễn Tri Phương (1800-1873) và sự tuẫn tiết của Hoàng Diệu (1820-1882).

Sau cách mạng Tháng 8-1945, trên cột đã phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Sau kháng chiến chống Pháp (1954) đến nay, cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trên cột cờ. Thực tế, lịch sử 1000 năm HN trải qua các cuộc chiến tranh nên các công trình bị phá hoại rất nhiều, di tích kiến trúc xưa còn lại rất ít.

Các nhà khoa học nhận định, từ cuộc khai quật trong thành nội thời gian gần đây cho thấy dấu tích kiến trúc rất hoành tráng thời cổ, UNESSCO và các chuyên gia nước ngoài đều công nhận các phế tích thành HN được khai quật có bề dày các tầng văn hoá 13 thế kỷ - là duy nhất độc đáo trên thế giới. Trách nhiệm của chúng ta đối với dân tộc và quốc tế là tiếp tục phát hiện, bảo tồn và tôn tạo một số công trình, điều đó cũng phù hợp với Luật Di sản văn hoá.

  • Kiều Minh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,