(VietNamNet) - Trước những vấn đề ''dân sinh'', các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Luật nhà ở cả ngày nghỉ Thứ bảy (6/8).
Người dân ''ngán sợ'' thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà đất. |
Với tinh thần ''thuận lợi cho dân thì làm, khó khăn nhà nước phải gánh'', đa số các đại biểu
tán thành ''một giấy'' cho sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.Các bộ làm khổ bà con?
Đã rút đăng ký phát biểu vì thấy nhiều đại biểu khác nói trúng ý mình, nhưng Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thành Lập vẫn đứng lên nói lời của cử tri nhắn với ông buổi sáng: ''Ý gì mà các bộ muốn thu vén quyền hành về mình mà làm khổ bà con?''.
Đại biểu Nguyễn Văn Trì (Vĩnh Phúc) vốn ủng hộ ''hai giấy cho nhà chung cư, nhà ở trên đất thuê'', cho biết mình đã bị thuyết phục thay đổi tán thành ''một giấy''. Ông hiểu ra rằng, với nhà chung cư, có thể cấp ''một giấy'' có ghi quyền sử dụng đất là sở hữu chung. Còn nhà ở trên đất thuê thì ghi vào giấy là đất thuê.
ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) băn khoăn: ''Nói thì dễ nhưng làm mới khó. Xây dựng và Tài nguyên và môi trường mỗi người một phách, Uỷ ban làm trọng tài được không?''. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Trương Thị Mai hưởng ứng: ''Cá nhân tôi ủng hộ một giấy. Nhưng vấn đề ở đây là thủ tục như thế nào, vì người dân ngán sợ thủ tục''.
Mô hình ''một giấy'', ai cấp? ĐB Nguyễn Thị Vân Lan cho rằng, nhất quyết Uỷ ban nhân dân 2 cấp tỉnh và huyện phải đứng ra cấp giấy. ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hoá) kiến nghị ''Không nên uỷ quyền cấp giấy cho cơ quan chuyên môn (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng), thẩm quyền hai nơi phát sinh giấy nọ giấy kia''.
ĐB Nguyễn Thị Vân Lan gợi ý cách làm của Đà Nẵng: ''Một giấy phải kết hợp với cải cách hành chính. Đà Nẵng thực hiện ''một cửa'', các ngành có liên quan như thuế, xây dựng, nhà đất... cử cán bộ ngồi vào đó, chỉ cần đóng một dấu là cấp giấy cho dân''.
Cấp ''sổ hồng'' cho nhà có phải dừng lại?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đặt vấn đề: ''Ở thành thị, hiện trạng nhà gắn liền với đất, cấp một giấy là rõ rồi. Nhưng còn ở nông thôn, nên cấp một giấy hay hai giấy''.
ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hoá) cho rằng, ''một giấy'' vẫn có thể thực hiện được. ''Nông dân có 1.000 m2 đất được cấp ''sổ đỏ'', nay làm nhà trên đất, sẽ đổi ''sổ đỏ'' thành giấy chứng nhận sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Biến động nhà đất sẽ được ghi trên giấy này''. ''Nếu thế không phải tờ giấy mà là một quyển'', ông Yểu làm rõ.
Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, hiện nay 95% diện tích đất ở nông thôn đã được cấp ''sổ đỏ''. ''Nếu cấp ''một giấy'', thì ''sổ đỏ'' như thế nào? Phải thu đổi không?''. Theo ông Nguyễn Văn Yểu, điều này cần phải cân nhắc
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) đặt thêm vấn đề nữa: ''Nghị định 95 về cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà (sổ hồng) đến 10/8 có hiệu lực. Nhưng Luật nhà ở, Luật đăng ký bất động sản theo tinh thần ''một giấy'' nên Uỷ ban, Sở Xây dựng (được uỷ quyền) giờ đây không biết nên thế nào''.
''Chốt'' lại thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết, những vấn đề còn ý kiến khác nhau sẽ được đưa ra Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp tới. Để tạo cơ sở pháp lý cho ''một giấy'', Quốc có thể sửa một điều 48 của Luật đất đai ngay tại một kỳ họp.
- Văn Tiến