Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng vừa từ giã cuộc đời ở tuổi 81 vào 10h50 sáng nay. Không chỉ là một cách mạng lão thành, nhà nghiên cứu uyên bác, ông còn là một tên tuổi lớn của làng báo. Tháng 6/2002, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân của báo Lao Động, đã “gặp gỡ cuối tuần”, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề của người có hơn 60 năm cầm bút.
>> Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng qua đời
Dưới đây, VietNamNet giới thiệu lại bài viết của Huỳnh Dũng Nhân với tiêu đề “Nhà báo Trần Bạch Đằng: Nhà báo hãy dũng cảm và tự trọng hơn".
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng trong buổi giao lưu trực tuyến "Học Bác sử dụng người tài" trên VietNamNet tháng 6/2005. Ảnh: Phạm Cường |
Xin một cuộc hẹn với nhà báo Trần Bạch Đằng hoá ra không khó như tôi tưởng. Chỉ có điều ông hẹn tôi vào lúc 7 giờ sáng chủ nhật, trong Công viên Tao Đàn (TPHCM), khi ông vào đó đi bộ. "Đây là khoảng thời gian thư thả duy nhất trong một ngày của tôi" - ông nói. Song hôm nay giây phút thư thả ấy cũng thành bận rộn bởi cuộc trao đổi với tôi về cuộc đời làm báo của ông.
- Đầu tiên xin được hỏi về chuyện đời thường, lương hưu của ông bây giờ có đủ sống không?
- Sao lại hưu? Tôi còn làm việc mà. Hiện nay tôi vẫn trong Hội đồng cố vấn. Lương khoảng 2 triệu một tháng. Tôi vẫn là nhà báo đấy nhé. Cách đây 5 tháng, ông Phan Khắc Hải - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin - vừa đưa tôi tấm thẻ nhà báo. Vậy tôi là "nhà báo trẻ" rồi. Nói cho vui chứ thẻ hay không, không quan trọng. Tôi vẫn đang cộng tác với nhiều tờ báo. Sống bằng nhuận bút đàng hoàng. Ngoài ra tôi còn đang là chủ biên hoặc tham gia biên soạn 10 công trình khác.
- Ông đã dùng ngòi bút để đấu tranh có khi đến mức gay gắt với những tiêu cực trong xã hội, có phải vì bây giờ là thời người ta đã dám nói thẳng nói thật, cả người nghe cũng chấp nhận "thuốc đắng dã tật" nhiều hơn?
- Không một luân lý nào, dù thời phong kiến, cấm người ta nói thẳng, nói thật, thậm chí đôi khi cái giá phải trả cho sự trung thực không rẻ. Chuyện này thiếu gì chuyện trong sử cổ kim đông tây. Ở ta cũng vậy, sau Cách mạng tháng Tám, tức vào thời đại mới, cũng không phải không có những "án văn tự". Có người giành về hết cho mình nào lập trường, tính Đảng, nào trình độ chính trị và không chấp nhận tiếng nói khác. Quả có những "tiếng nói khác" không ai chấp nhận được khi nó xỉa xói tầm bậy, tầm bạ vào cái điều mà đất nước ta làm đúng, đồng thời, nói như anh Hà Xuân Trường: "Bao cấp tư tưởng giết chết mọi sáng tạo". Khổ thay, cơ chế chúng ta vẫn "sắm" một số người tự đặt ra những chuẩn mực, ngay trên ngôn từ, để làm ni tấc đo đạc nhận thức của quần chúng. Hiện nay, với các nghị quyết của Đảng, xu hướng nói thẳng, nói thật đang lấn sân. Vụ Năm Cam là một ví dụ. Chưa đủ đâu, vẫn còn rụt rè, nhưng ai ngăn nổi cái tất yếu ấy ? Có phải chế độ chúng ta mạnh hơn khi chúng ta ra tay trừ khử đám lưu manh - nên hiểu lưu manh trong nghĩa rộng - dân tình sảng khoái hơn và chúng ta sẽ tiếp cận với cái quy luật muôn đời đã nói trong Bình Ngô Đại cáo: "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân..."?
- Ông đã viết với tất cả tâm huyết tài năng, cũng có những thăng trầm và dấu ấn bản lĩnh của một người cầm bút? Ông có một tâm niệm gì về cái nghề mà sau đó đã thành duyên nợ suốt cuộc đời mình?
- Tôi tham gia cách mạng từ năm 1941, khi mới 15 tuổi và vào Đảng năm 17 tuổi (mà phải khai theo tuổi ta là 18 cho phù hợp với điều lệ). Không thời kỳ nào mà tôi không hoài bão, không mang hết những gì ít ỏi và non nớt mình có được vào cuộc chinh phục lớn. Trịnh Công Sơn có một lời nhạc rất hay về thân phận hòn sỏi. Là một hòn sỏi nhỏ, thậm chí hạt cát, tôi chia sẻ với đất nước, với lý tưởng trọn vẹn qua cái hình tích bé bỏng của mình. Thăng trầm ư? nhiều lắm. Anh Tố Hữu có lần nói với tôi, "dù sao anh cũng bị "thẻ đỏ" ít hơn tôi". Tôi nghĩ đeo đẳng làm gì việc đó? Nhà tôi lúc sinh tiền nói với anh Võ Văn Kiệt: "Tôi yêu anh Đằng vì tôi không bao giờ thấy anh ấy bất mãn". Như thế không đủ sao?
Ở tôi, cái "nghề" nhà báo thành duyên nợ ngay từ khi tôi tập sự làm giao liên cho các anh lớn tuổi, lúc cách mạng còn tối lửa, tắt đèn. Bác Hồ từng bảo: "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm". Tôi có chút khiếu viết lách, nghiên cứu, nên dùng nó làm phương tiện chuyển tải những gì tôi ấp ủ. Tôi làm văn, thơ, hay nghiên cứu khoa học không chỉ vì cái thôi thúc chuyên môn, mà vì tôi cho rằng, như một người lao động, thuận tay nào làm tay ấy.
- Thưa ông, có vấn đề ông nêu ra đau lắm, phải chăng vì ông đã là một tên tuổi lớn trong cả quá trình cách mạng lẫn cầm bút? Còn bao giờ thì những nhà báo trẻ mới dám nói những vấn đề lớn của ông?
- Có thể "tập quán" của một giới nào đó ở nước ta vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến người viết hơn điều mà người đó viết. Ở đây, không có trẻ hay già về tuổi tác người viết báo, nhưng có trẻ già về tư tưởng. Bản thân tôi luôn chờ đợi, hy vọng và vui mừng khi thấy có những nhà báo tuổi không lớn nhưng viết sắc sảo. Đồng thời, tôi cũng phiền khi những "ông cụ non" tuổi chưa bao nhiêu, rao giảng trên trang viết quá nhiều, hoặc viết theo bản năng, theo những thôi thúc chưa mang tầm xã hội. Vấn đề lớn hay nhỏ trong thể hiện đều liên quan đến tấm lòng.
- Báo chí Việt Nam bây giờ đã khác cái thời ông vừa làm báo vừa "nóp với giáo" nhiều lắm. Nhà báo có điều kiện hơn nhiều, thế nhưng lại sinh ra loại tiêu cực kiểu bắt tay thoả hiệp với cái xấu, nhiều vụ án lớn có một vài nhà báo cấp này, cấp khác "dính".
- Đúng, làm báo thời nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn thời trước. Lành mạnh hoá đội ngũ làm báo hiện nay là việc phải chú ý, song đừng hô hoán quá mức. Bồi bút vẫn còn, viết báo lưu manh vẫn còn, nhưng không nhiều lắm. Cái đáng quan tâm hàng đầu là viết báo có quần chúng, được quần chúng đọc, rút ra điều bổ ích cho cuộc sống hàng ngày, thực hiện tốt nghĩa vụ người dân... Cái đó mới là trọng tâm. Viết báo mà "nhạt như nước ốc", không viết cũng chẳng sao, là con đường dẫn báo chí đi vào ngõ cụt tàn lụi. Theo tôi, báo chí có khả năng rất cao về giải quyết đời sống cho người viết báo. Trường hợp Quang Thắng, Hoàng Linh, thuộc loại cá biệt. Dương Thanh Long trong vụ Mai Văn Huy có bao giờ là nhà báo đâu, Trần Mai Hạnh cũng vậy. Đừng nhốt các nhà báo, kể cả người viết tin, vào chung với các "cai thầu", các "bán tên nhà báo". Tóm lại, lao động viết báo mà có thù lao thoả đáng thì sẽ loại được phần lớn tiêu cực.
- Bây giờ vẫn chưa có những tác phẩm thật sự nổi bật, nhà báo có khi vẫn còn là công chức và chịu một sự chi phối nào đó... Theo ông thì nguyên nhân do đâu?
- Cái gì cũng phải đi theo bước đi thực tế của nó. Báo chí chúng ta cho tới hôm nay vẫn còn là báo chí địa phương, nghĩa là viết vì nhu cầu trong nước. Ngay cả đôi tờ báo bằng tiếng nước ngoài, thật ra, chỉ là những bản dịch, nó gần với thông tin hơn báo chí. Cốt lõi của báo chí là bình luận và khi đã hội nhập thì ta không chỉ một mực nghe người ta nói chuyện thiên hạ, chuyện ta, mà chính chúng ta phải nói những chuyện ấy. Trong trường hợp đó, một bài dịch vẫn tốt hơn mấy trang in lớn, dù bằng tiếng Anh, Pháp, hay Hoa. Có một tờ báo lớn ở Mỹ đề nghị tôi giữ một mục bình luận, về Việt Nam thôi, nhưng trong lăng kính toàn cầu. Tôi không dám nhận vì tự thấy mình còn quá nhiều hạn chế. Nhưng tương lai chắc chắn sẽ khác.
- Nếu bây giờ ông là tổng biên tập một tờ báo, ông sẽ yêu cầu gì ở các phóng viên của mình?
- Theo tôi, báo chí là sản phẩm xã hội, dù chủ quản của tờ báo là ai. Thuộc tính của báo chí là thông tin và bình luận. Cái gì xảy ra trong xã hội, trên thế giới, tờ báo phải có ý kiến, đừng nên tự phong mình là người "dẫn đạo dư luận". Càng muốn "dẫn đạo dư luận" thì càng ít người đọc. Lòng yêu nước, tính Đảng là của chung, không thể dành riêng cho ai đó độc quyền nói và bình phẩm. Với vụ Năm Cam, tuy có "lời bình" rằng Nhà nước làm "chưa ngon lắm", song những "chiếc loa vỉa hè" công nhận Nhà nước làm đúng. Cái khó chính là hoạt động, chứ không thuộc lĩnh vực "cho nói" hay "cấm nói". Trong khá nhiều vụ, nhìn tờ báo đủ biết tính quần chúng ra sao, thiên hạ bàn ầm ĩ, trăm ý kiến, trong khi những tờ báo, nhất là tờ báo tự xem mình "lớn", rụt rè, chờ chỉ đạo. Viết trung thực, nhạy cảm là đòi hỏi hàng đầu của phóng viên. Có sơ sót thì xin lỗi, đính chính. Cái phải tránh là theo đuôi, là để mọi thứ nguội ngắt rồi mới hâm lại. Ngay độc giả trong nước cũng không chấp nhận lối làm báo đó. Theo tôi, cái tiêu cực số một của báo chí ta hiện nay là... chống tiêu cực "sơ sơ". Mấy tờ báo công khai "đương cự" với tham nhũng? Không vì sợ bọn tham nhũng, mà vì sợ cái "đục" chống tham nhũng "vừa vừa"...
- Ông hình dung thế nào về một nền báo chí Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập, nếu chỉ nói trong một vài câu ngắn gọn?
- Lẽ ra báo chí phải đi trước, tiên tri, tiên lượng, phải dự báo và cảnh báo. Còn báo chí "nói theo" để "ăn theo", "hô khẩu hiệu theo" thì làm sao đổi mới nổi. Báo chí hội nhập với tư thế "vừa viết, vừa run" thì không phải báo chí Việt Nam hội nhập với bên ngoài, mà ta nghiêng mình mời cách làm báo bên ngoài vào ta. Nếu chỉ nói trong vài câu ngắn gọn thì tôi nói người làm báo Việt Nam hãy dũng cảm và tự trọng hơn nữa, hãy chia sẻ vinh quang cùng đau khổ với đất nước, với đồng bào, đồng chí mình, nhất là, chia sẻ với những người bất hạnh... Tôi dám cam đoan: Bản lĩnh báo chí Việt Nam, nếu được giải phóng và lãnh đạo tốt, chẳng thua ai...
- Xin cảm ơn ông!
-
Huỳnh Dũng Nhân