221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
946994
Thường vụ QH băn khoăn về NĐ thi hành án dân sự
1
Article
null
Thường vụ QH băn khoăn về NĐ thi hành án dân sự
,

(VietNamNet) - Sau khi bàn thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất, 2 nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật trợ giúp pháp lý và Pháp lệnh thi hành án dân sự cần được xây dựng kỹ thêm.

Phiên họp của UBTVQH (ảnh minh hoạ)
Phiên họp của UBTVQH (ảnh minh hoạ)

Chấp hành viên có cần công cụ hỗ trợ?

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển cho biết, uỷ ban này đã họp để giám sát Nghị định (NĐ) 50/2005 của Chính phủ. Điều 33 của NĐ này quy định: "Chấp hành viên được cấp công cụ hỗ trợ để sử dụng khi thi hành công vụ...", từ điều này Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ban hành thông tư liên tịch 05, trong đó có quy định các loại công cụ hỗ trợ được trang bị cho cơ quan thi hành án dân sự gồm có: Súng bắn, bình xịt: hơi cay, gây mê; súng bắn đạn nhựa, cao su; roi cao su, roi điện, găng tay điện...  

Uỷ ban Pháp luật coi đây là vấn đề hệ trọng, có tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Từ nhiều phân tích, đa số các thành viên của uỷ ban này cho rằng NĐ 50 đang trái với quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 (PL).

Điểm này được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên bày tỏ sự nhất trí: Chúng ta cần phải cân nhắc kỹ, tránh tình trạng lạm dụng việc cấp công cụ hỗ trợ. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, nếu Chính phủ thấy cần trang bị công cụ hỗ trợ cho chấp hành viên thì phải đề nghị sửa đổi, bổ sung PL.

"Nếu thi hành án dân sự thì có nhất thiết phải dùng đến những thứ nghe qua đã "thấy kinh" như thế không?" - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cũng đứng lên đặt câu hỏi xung quanh vấn đề này - Theo tôi, tinh thần là không nên trang bị những thứ này, đặc biệt là cơ quan dân sự. Ở khía cạnh khác, chúng ta cần cấp bách có biện pháp kiểm soát gắt gao và kiểm điểm việc tại sao có những vật dụng này trôi nổi ngoài xã hội? 

Nghị định hướng dẫn lại trái ngay với luật

NĐ thứ 2 của Chính phủ mà Uỷ ban Pháp luật giám sát là NĐ 07/2007, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, theo nhiều thành viên của Uỷ ban Pháp luật nhận định, NĐ 07 cũng đang trái với Luật trợ giúp pháp lý và nhiều quy định của pháp luật hiện hành.

Vẫn ông Nguyễn Đức Kiên cho ý kiến, nên chia NĐ 07 thành nhiều nhóm, nhóm không chuẩn xác, nhóm không tương thích, hoặc nếu nhóm nào trái quy định thì phải sửa. NĐ 07 quy định: Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng... được hưởng phụ cấp vụ việc bằng 10% mức bồi dưỡng áp dụng đối với cộng tác viên".

Ông Kiên nhấn mạnh cần phải cân nhắc kỹ chỗ này để đảm bảo mặt bằng chung về tiền lương. Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh chia sẻ: Theo tôi, mức phụ cấp 25% sẽ gặp phản ứng từ các ngành nghề khác, mặc dù với sự biến động giá cả hiện nay thì thực tế có tăng đến 30-40% vẫn còn là thấp.

Một quy định khác của NĐ 07 quy định Cục trợ giúp pháp lý (thuộc Bộ Tư pháp) có nhiệm vụ "bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý". Nhiều ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay cho rằng việc này nên giao lại cho Học viện Tư pháp (cũng thuộc Bộ Tư pháp thực hiện).

Cuối cùng, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu thay mặt UBTVQH, đã giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu về báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ, sau đó làm việc kỹ lại với Uỷ ban Pháp luật và các bộ ngành liên quan về 2 NĐ trên.

  • Đỗ Minh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,