(VietNamNet) - Sửa Hiến pháp là một vấn đề hệ trọng, cần tổ chức việc nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến pháp và chờ ĐH Đảng toàn quốc sửa đổi cương lĩnh. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận buổi sáng đầu tiên phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), 11/10.
Ông Uông Chu Lưu nói: "Việc sửa đổi Hiến pháp liên quan đến nhiều vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy và các hoạt động cơ bản của Nhà nước. Cho nên phải tổ chức việc nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến pháp, làm cơ sở cho việc thực hiện một số chủ trương, đường lối, chính sách đã đề ra trong nghị quyết của Đảng".
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu trao đổi với Chủ tịch Hội Luật gia VN và Viện trưởng VKSNDTC giờ giải lao phiên họp. Ảnh: VA
Phó Chủ tịch QH cho rằng, cần chờ ĐH Đảng toàn quốc để sửa đổi cương lĩnh, trên cơ sở đó, đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp thì sẽ đáp ứng được nhiều yêu cầu hơn. "Bây giờ nếu chúng ta sửa Hiến pháp, rồi sau khi Đảng sửa cương lĩnh, lại đặt vấn đề sửa Hiến pháp nữa thì rất phức tạp".
Như vậy, sau rất nhiều ý kiến đề nghị của UBTVQH, việc sửa đổi Hiến pháp không được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XII. Tuy nhiên, QH sẽ đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến pháp.
Không sửa Hiến pháp, không sửa đổi được cơ bản một số luật?
Chủ nhiệm UB Quốc phòng, an ninh QH Lê Quang Bình cũng đề nghị UBTVQH báo cáo Bộ Chính trị nghiên cứu sửa Hiến pháp, nếu đặt vấn đề tiếp tục sửa Luật tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát và chính quyền địa phương.
"Nếu không sửa Hiến pháp thì nhiều vấn đề không sửa được cơ bản. Động vào quy định gì cũng đều vướng cả, hôm trước đặt vấn đề QH chỉ nên bầu chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các ủy ban thôi, không cần phải bầu đến các thành viên vì rất hình thức, đến khi muốn thay một thành viên nào đó cũng khó, nhưng vướng Hiến pháp. Rồi vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm cũng thế".
Dự kiến, trong chương trình chính thức xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XII gồm 89 dự án luật, 9 dự án pháp lệnh. Trong số này, có 34 dự án luật và pháp lệnh liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước, hành chính, dân sự, hình sự và tư pháp. Đồng tình với ý kiến này còn có ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật. Theo ông, định hướng, quan điểm của Đảng liên quan đến mọi nội dung tổ chức bộ máy đã rõ. "Hội nghị TW 5 khẳng định không có HĐND quận, huyện nữa, rồi bổ nhiệm điều động chủ tịch UBND là do cơ quan hành chính cấp trên chứ không do HĐND nữa. Nhưng để sửa Hiến pháp thì phải chuẩn bị từ bây giờ". Ông Thuận nêu kinh nghiệm vào năm 1992, khi sửa Hiến pháp năm 1980, các tiểu ban văn kiện và tiểu ban sửa Hiến pháp phải liên hệ rất chặt chẽ với nhau.
"Kinh nghiệm chúng ta có, cách làm cũng có, chỉ vướng ở chỗ chủ trương sửa đổi Hiến pháp là của Ban chấp hành TW, cho nên nếu đưa ngay ra QH lần này thì không ổn vì TW chưa cho chủ trương, nhưng phải có cách nào đó để báo cáo trình vào thời điểm thích hợp để có thể sau đợt này sẽ báo cáo Bộ Chính trị", Chủ nhiệm UB Pháp luật nhấn mạnh.
Về phần Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, ông cho rằng, cải cách tư pháp phải gồm 3 vấn đề: Thành lập tòa án khu vực, thành lập viện công tố và tranh tụng tại tòa. Các nội dung này không sửa được nếu không sửa Hiến pháp.
"Nếu để thể chế hóa những đường lối của Đảng về cải cách tư pháp thì cần nói rằng, nếu không sửa Hiến pháp thì không thể thể chế hóa những đạo luật này được".
Ông cũng đề nghị UBTVQH trước khi trình ra QH, cần làm rõ việc sửa Luật tổ chức TAND, Luật tổ chức VKSND là nhằm mục đích thể chế hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp hay chỉ là để giải quyết một số vấn đề chính sách, chế độ, tiêu chuẩn trong ngành.
Ông Vượng kiến nghị: "Chưa nên sửa các luật tổ chức tòa án, viện kiểm sát cũng như các bộ luật tố tụng trong nhiệm kỳ QH này vì tôi thấy nó không giải quyết những vấn đề cơ bản và chưa thể chế hóa được cải cách tư pháp".
Ông tha thiết làm rõ vấn đề, nếu không, "sẽ vô cùng lãng phí, bởi nếu nhiệm kỳ này sửa các luật trên, rồi đến ĐH Đảng đồng ý sửa Hiến pháp thì nhiệm kỳ sau lại phải sửa tiếp các luật tổ chức để thể chế hóa cải cách tư pháp".
Một dự luật nữa cũng không nằm trong chương trình xây dựng pháp luật của QH là Luật giám sát của nhân dân. Theo ông Trần Ngọc Nhẫn, Trưởng ban Dân chủ pháp luật, UB MTTQ VN, từ sau 1992, một loạt luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân và những đối tượng do MTTQ trực tiếp vận động đều có một điều không thể thiếu: MTTQ VN, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát và vận động nhân dân giám sát việc thực hiện đạo luật đó. "Nói chung là mang tính nguyên tắc và như vậy thì sẽ không có cơ chế".
Ông Nhẫn đề nghị UBTVQH xem xét đưa vào chương trình luật này, bởi cho đến nay, với quy định ghi trong duy nhất Luật khiếu nại, tố cáo: "MTTQ VN khi tiếp nhận đơn thư KNTC của công dân thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết", giám sát cũng chỉ là hình thức. "Quy định như thế thì MTTQ chỉ như một thùng thư thôi", ông Nhẫn nói. |
-
Vân Anh