(VietNamNet) - 63,29% đại biểu vừa thông qua sáng 21/11 Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII và cho riêng năm 2008.
>> Đại biểu đề xuất cải tiến quy trình làm luật
>>Kê đơn thuốc nhưng không đúng bệnh
>> Bỏ tư tưởng làm luật theo thành tích
Trong số 128 dự án luật, pháp lệnh nằm trong chương trình lập pháp của Quốc hội (QH) khóa này, có 93 dự án thuộc chương trình chính thức. Riêng trong năm 2008, QH sẽ xem xét, thông qua 54 dự án.
Nghị quyết QH nhấn mạnh, Chính phủ sẽ sớm thành lập hoặc củng cố Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, sẽ đổi mới quy trình chuẩn bị, xem xét các dự án luật tại Chính phủ và dành thời gian hợp lý để thảo luận.
Chính phủ, các bộ, Uỷ ban Thường vụ QH, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH sẽ củng cố bộ máy giúp việc công tác xây dựng pháp luật, thu hút chuyên gia, luật gia, nhà khoa học vào quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự luật.
ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau): "Bộ phận tổng hợp chưa tiếp thu nhiều ý kiến thảo luận ở tổ".
"Không thấy Thường vụ tiếp thu ý kiến thảo luận ở tổ"
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói, không biết vì lý do gì mà trong báo cáo giải trình tiếp thu của UB Thường vụ QH, thiếu rất nhiều ý kiến của Đoàn Hà Nội, không được tiếp thu.
"Với cách làm luật như thế này, sẽ khó có sự đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng. Bởi vì chúng ta biết rằng một số luật hiện nay đang rất bức xúc như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở có những chồng chéo rất rõ rệt. Chúng tôi nghĩ rằng không lý do gì Quốc hội chúng ta đã giám sát tối cao rồi, chúng ta đã thấy rõ những bất cập trong những quy định đó, vậy mà năm tới chúng ta lại không sửa, còn phải đợi đến khi nào nữa. Luật Khiếu nại, tố cáo cũng vậy", bà Khánh gay gắt.
Nhắc lại quan điểm khi thảo luận ở tổ hôm 16/11, bà Khánh cho rằng, có thể sửa đổi ngay một số điều quy định những luật này "với thủ tục rút gọn".
Đồng thời, bà nhắc lại nguyện vọng của cử tri và đại biểu QH Hà Nội, nâng Pháp lệnh Thủ đô thành luật: " Hà Nội rất muốn chấp hành pháp luật, pháp lệnh đã tạo ra cơ chế thuận lợi, nhưng vướng vào luật này, luật khác từ Luật Cư trú cho đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở".
Cần bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Nông dân, Luật về Hội
Chỉ ít phút trước khi bấm nút quyết định thông qua hay không chương trình lập pháp, nhưng còn nhiều ĐB nêu ý kiến cần xem xét một số luật.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ĐB tỉnh Thanh Hóa Võ Hồng Phúc đề nghị bổ sung Luật Đầu tư công. "Luật Đầu tư công đã được QH khoá XI đưa vào chương trình trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 QH khoá XII. Nhưng có một số ý kiến còn khác nhau trong nội bộ Chính phủ, Chính phủ xin lùi lại một kỳ. Nhưng trong chương trình thông qua năm 2008 chưa có, nếu đẩy lùi thì chậm mất 2 năm mà vấn đề quản lý đầu tư từ ngân sách Nhà nước là vấn đề lớn".
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói đến Luật Nông dân. "Rất cần luật hoá nhiều vấn đề trong chính sách đối với nông dân, chiếm 3/4 dân số. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thấy rất nhiều cử tri có hỏi và có nguyện vọng về vấn đề này".
Đại diện cho cử tri TP.Hồ Chí Minh, bà Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND cho rằng, cần sửa, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu. Bà cũng nhận xét: "Lĩnh vực kinh tế có nhiều luật, nhưng lĩnh vực văn hóa - xã hội thì chưa có những điều chỉnh. Luật về khám chữa bệnh, Luật về công đoàn cũng rất cần".
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) đề nghị cần phải cân nhắc bổ sung Luật về hiệp hội. "Chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới thì vai trò của hiệp hội cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong cuộc kiện chống bán phá giá bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp. Các hiệp hội tới đây theo định hướng cải cách của Đảng và Nhà nước ta sẽ được giao những thẩm quyền mà Nhà nước không thực hiện, như cấp chứng chỉ, thi, giám sát việc hành nghề của các doanh nghiệp".
Ông Phúc cũng đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta không đặt vấn đề tiếp tục cải tiến quy trình, để làm sao những đề cương của dự án luật, những nguyên tắc, định hướng, phạm vi, đối tượng, trong quá trình nghiên cứu giữa Ban soạn thảo, giữa cơ quan trình dự án và cơ quan thẩm tra, có thể gửi sớm cho các ĐBQH, để ĐB có thể tiếp cận dần những định hướng đó".
Cũng với ý kiến cần thay đổi quy trình, ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) bức xúc: "Khi mà dành thời gian thảo luận tổ, các tổ thảo luận tôi cho rằng rất sôi nổi và phân tích khá nhiều. Nhưng khi tổng hợp ý kiến, mặc dù có thể theo ý chí của nơi tập hợp tổng hợp ý kiến, nhưng tôi thấy tiếp thu cũng chẳng là mấy cả. Ta cũng xem xét vấn đề, nếu như đã là ý chí rồi thì có nên cần thảo luận quá nhiều nữa không?".
Trước những ý kiến còn rất chia rẽ, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phải lên tiếng: "Rất ít vấn đề có được sự tập trung thống nhất của các vị đại biểu, chỗ này cũng khó cho Đoàn Thư ký và Đoàn Chủ tịch khi nghiên cứu tiếp thu".
Với lý do nhiệm kỳ QH chỉ kéo dài 4 năm, nếu đưa ra quá nhiều văn bản luật vào chương trình lập pháp thì khó thực hiện, ông Lưu đề nghị QH giữ nguyên số lượng 128 dự án cho cả nhiệm kỳ và 54 dự án trong năm 2008, bởi nhiều luật cần phải có quá trình để Chính phủ tổng kết, đánh giá vướng mắc, tồn tại và phải thống nhất những cơ chế để giải quyết một cách đồng bộ.
312 đại biểu ( 63,29%) đã biểu quyết thông qua nghị quyết. Số không tán thành là 101 người. Có 30 đại biểu không biểu quyết.
-
Vân Anh