221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1100292
Sau 1/9, 42 tổ chức con nuôi Mỹ sẽ phải đóng cửa
1
Article
null
Sau 1/9, 42 tổ chức con nuôi Mỹ sẽ phải đóng cửa
,

 - Tại buổi tổng kết 3 năm thực hiện hiệp định hợp tác về con nuôi giữa Việt Nam với Mỹ ngày 22/8, quan chức Việt Nam hy vọng sự ra đời của Luật Con nuôi cùng việc tham gia Công ước La Haye sắp tới sẽ khắc phục hàng loạt bất cập trong hợp tác con nuôi quốc tế, trong đó có Mỹ.

Ngày 1/9 tới, hiệp định hợp tác con nuôi giữa Việt Nam và Mỹ sẽ mặc nhiên chấm dứt hiệu lực, theo thỏa thuận của hai bên. 

Các hồ sơ xin con nuôi của công dân Mỹ nếu có trẻ, phía Việt Nam sẽ giải quyết nốt. Những hồ sơ không có trẻ sẽ được trả lại cho các tổ chức con nuôi Mỹ. Theo ước tính của Cục Con nuôi quốc tế, sẽ có khoảng hơn 1.400 hồ sơ xin con nuôi từ Mỹ bị trả lại sau hạn 1/9. Chỉ có khoảng 300 hồ sơ sẽ được giải quyết nốt bất kể thời hạn này.

Quan chức ngành tư pháp nói "đã đến lúc không thể kê cao gối ngủ ngon lành" trước các trường hợp sai phạm về cho và nhận con nuôi. Ảnh: XL

Cùng với việc khóa hồ sơ, văn phòng 42 tổ chức con nuôi của Mỹ ở Việt Nam cũng sẽ phải đóng cửa, trao lại con dấu, đồng thời ủy quyền giải quyết mọi công việc còn lại.

Day dứt chuyện "tiền vào, trẻ ra"

Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế Vũ Đức Long đã day dứt thừa nhận một trong những bất cập tồn tại, đó là chuyện "tiền vào, trẻ ra".

Việc dùng tiền mặt cùng với cơ chế tài chính mềm dẻo của phía các tổ chức con nuôi Mỹ cộng với cơ chế quản lý tài chính lỏng lẻo ở địa phương Việt Nam đã tạo ra lỗ hổng cho việc dùng tiền mặt hỗ trợ trực tiếp để có trẻ.

Chính sự thiếu minh bạch tài chính đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức con nuôi và bóp méo tính nhân đạo của việc cho và nhận trẻ em làm con nuôi.

"Nếu không cẩn thận sẽ có chuyện trục lợi", ông Long nói với báo chí. Đây là một trong những vấn đề mà quan chức Việt Nam cho rằng chỉ có thể được giải quyết bằng cơ chế mới, nhằm đảm bảo tối đa nguyên tắc minh bạch tài chính và kiểm soát từ phía cơ quan công quyền.

Cũng theo báo cáo tổng kết của ông Long, đối với những cơ sở nuôi dưỡng mà người đứng đầu sẵn sàng vượt rào, rất dễ móc nối với các vệ tinh cung cấp trẻ được "đạo diễn" một cách hợp pháp làm giả các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc trẻ.

Báo cáo của Cục Con nuôi quốc tế cho thấy có hiện tượng trẻ bị bỏ rơi tăng đột biến ở một số cơ sở nuôi dưỡng, các giấy tờ được làm để hợp thức hóa theo công nghệ gần giống nhau như bản tường trình trẻ bỏ rơi, biên bản xác nhận trẻ bỏ rơi, song các cơ quan có thẩm quyền của chính quyền xã, công an xã, tỉnh vẫn xác nhận.

3 năm thực hiện hiệp định hợp tác về con nuôi, đã có 1.700 trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh éo le được các gia đình Mỹ nhận nuôi. Mỹ trở thành nước nhận nhiều con nuôi nhất từ Việt Nam hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tỏ ra bức xúc trước việc này và tự vấn: "Nếu để một người lọt lưới sai nguyên tắc nhân đạo thì sẽ day dứt thế nào"?

Quan chức ngành tư pháp nói "đã đến lúc không thể kê cao gối ngủ ngon lành" trước các trường hợp sai phạm, làm giả hồ sơ trong cho và nhận trẻ con nuôi với quốc tế thời gian qua.

Dừng để nâng cấp cơ chế hợp tác

Khép lại hợp tác dựa trên hiệp định nói trên trong bối cảnh nhu cầu xin con nuôi từ phía Mỹ đang còn rất lớn khiến cả phía Việt Nam và Mỹ đều tỏ ý "tiếc".

Cục Con nuôi quốc tế từng nhận được lá thư có 8.460 chữ ký của các gia đình Mỹ, hiệp hội tổ chức con nuôi Mỹ, 134 thượng và nghị sĩ Mỹ đề nghị tiếp tục chương trình hợp tác con nuôi với Việt Nam.

Ông Vũ Đức Long cho biết hai bên đang bàn về khả năng tiếp tục đàm phán một thỏa thuận mới nhằm tiếp tục triển khai chương trình hợp tác con nuôi giữa Việt Nam và Mỹ theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn và phù hợp với các chuẩn mực của Công ước La Haye.

Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Việt Nam đang soạn thảo dự án Luật Con nuôi, với mong muốn tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn để đảm bảo tối đa lợi ích tốt nhất cho trẻ em, phòng chống nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em trong lĩnh vực vốn đề cao giá trị nhân đạo này.  

Trong buổi tổng kết, các quan chức chuyên ngành Việt Nam cũng bày tỏ sự không đồng tình với một số kết luận và cách thức tiến hành thẩm tra độc lập hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi Mỹ của Đại sứ quán Mỹ vừa qua mà không có sự phối hợp của cơ quan hữu trách Việt Nam.

Ông Long nói, điều này "không phù hợp với tinh thần hợp tác thiện chí của hiệp định hợp tác giữa hai bên".

Một trong những điểm thay đổi đáng chú ý theo cơ chế La Haye mà Việt Nam sẽ sớm  tham gia thời gian tới, đó là việc giải quyết nhu cầu tìm mái ấm cho trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật, HIV, không nơi nương tựa trong xã hội... sẽ theo hướng "trong cả trăm cách thì cho con nuôi ra nước ngoài là cách cuối cùng".

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,