221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1127853
"Nhạc công có lỗi, nhạc trưởng có nhận trách nhiệm?"
1
Article
null
'Nhạc công có lỗi, nhạc trưởng có nhận trách nhiệm?'
,

 -  Sau 3 tiếng đăng đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "gỡ" nhiều khúc mắc từ phần trả lời của 7 Bộ trưởng suốt hai ngày qua. VietNamNet tường thuật trực tiếp buổi chất vấn này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) đăng đàn trước QH trọn một buổi sáng. Ảnh: LN

Khác với kỳ họp thứ ba, khi Thủ tướng chỉ có vỏn vẹn 60 phút "kịp" đọc xong báo cáo, lần này, QH đã dành trọn buổi sáng cho Thủ tướng trình bày và đại biểu nêu câu hỏi đối thoại trực tiếp.

"Thủ tướng có phê bình, xử lý bộ nào không?"

Trước đó, Thủ tướng đã nhận được 33 câu hỏi chất vấn, trong đó có 11 câu liên quan đến lúa gạo. "Việc ngừng xuất khẩu gạo gây thiệt hại cho nông dân, trách nhiệm thuộc bộ nào? Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Bộ Công thương?". Đó là câu hỏi mà ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) gửi lên Thủ tướng, chờ được giải đáp.

Điều mà bà Hồng cũng như các ĐB khác quan tâm là "Ngay báo cáo Chính phủ trình QH vừa rồi cũng thừa nhận công tác tham mưu dự báo yếu kém dẫn đến cái sai là ngừng xuất khẩu gạo gây thiệt hại lớn. Chính phủ xử lý thế nào với các cá nhân, tập thể dự báo, tham mưu sai?" (ĐB Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang).

Từ chuyện gạo, ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) còn muốn làm rõ trách nhiệm cá nhân Thủ tướng lẫn trách nhiệm một tập thể nào đó trước những quyết định xa rời thực tế, không phù hợp lòng dân, gây sốc dư luận... như quy định "ngực lép" của Bộ Y tế, giảm thuế nhập khẩu thịt gia súc gia cầm, giảm giá xăng dầu nhỏ giọt...

"Thủ tướng có phê bình xử lý, bộ ngành nào không", ông Xướng đặt câu hỏi.

Nhiều vấn đề khác về xử lý DN gây ô nhiễm môi trường, kịch bản đối phó với thiểu phát, tình hình khiếu nại tố cáo gia tăng, cổ phần hóa DNNN không đạt kế hoạch...  cũng được ĐB đặt ra cho người đứng đầu Chính phủ.

Dự báo làm khó cho lựa chọn quyết định của lãnh đạo

Liên quan đến tiêu thụ lúa và điều hành xuất khẩu gạo, Thủ tướng khẳng định: "Từ trước đến nay, trong điều hành xuất khẩu gạo, Chính phủ đề ra phải đạt các yêu cầu: tiêu thụ hết lúa hàng hóa với giá hợp lý, có lợi cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, ổn định giá gạo trong nước ở mức phù hợp"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, đã có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, giúp nông dân vươn lên cải thiện đời sống trong kinh tế thị trường.

Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu định hướng điều hành xuất khẩu cho cả năm là 4 - 4,5 triệu tấn và sẽ được xem xét điều chỉnh vào đầu quý 3. Chính phủ cũng yêu cầu tiến độ giao hàng xuất khẩu phải phù hợp với nguồn hàng hóa lương thực của từng mùa vụ, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, không để đầu cơ tăng giá.

Trên cơ sở sản xuất vụ mùa năm 2007 và dự báo sản lượng lúa đông xuân ở ĐBSCL, sau khi cân đối đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm là khoảng 2,3 - 2,5 triệu tấn và đã ký hợp đồng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm trên 2,4 triệu tấn.

Đến cuối tháng 3, giá lương thực thế giới tăng cao và theo nhu cầu dự báo, thế giới có thể thiếu lương thực nghiêm trọng, kéo theo giá lương thực trong nước tăng cao; trong khi đó không ít DN lại tăng cường mua vào (để tích trữ cho xuất khẩu) nên tiếp tục đẩy giá gạo trong nước lên.

Trước tình hình này, sau khi nghe Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực và các cơ quan liên quan báo cáo về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, ngày 25/3, Thủ tướng chỉ đạo tạm ngừng ký thêm các hợp đồng xuất khẩu mới, vì các lí do:

Một là, nguồn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm được cân đối là 2,3 - 2,5 triệu tấn, chỉ đảm bảo đủ để thực hiện những hợp đồng đã ký là 2,4 triệu tấn. Vào thời điểm cuối tháng 3, chúng ta mới giao được 800 nghìn tấn, còn phải giao 1,6 triệu tấn trong 3 tháng tiếp theo. Việc tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới để tập trung lượng gạo hàng hóa cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký là cần thiết vì nguồn hàng cân đối cho xuất khẩu không còn.

Hai là, vào thời điểm này, các tỉnh miền Bắc bị rét đậm, rét hại kéo dài lịch sử. Dự báo lúc đó là 50% được mùa, 50% mất mùa. "Lúc đó tôi chủ trì mà rất suy nghĩ bởi không ai dám nói là sẽ được mùa hay mất mùa.  Điều này khó cho lựa chọn quyết định của lãnh đạo. Chúng ta đã gặp tình hình mất mùa như vậy 2 lần, khi gió Lào, nắng nóng về".

Việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới cho đến khi đánh giá được kết quả các vụ mùa này là nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong trường hợp bị mất mùa.

Từ cuối tháng 3, giá gạo trên thế giới tăng cao, có đề nghị cho ký hợp đồng xuất khẩu thêm để tận dụng cơ hội thị trường.

"Nhưng nếu chúng ta cho ký hợp đồng mới, bán thêm gạo và giao hàng ngay trong các tháng 4, 5, 6 thì có thể bán được một số ít gạo với giá cao hơn nhưng các DN sẽ phải mua vét phần gạo cân đối để tiêu dùng trong nước đem đi xuất khẩu. Điều này sẽ đẩy giá gạo trong nước, vốn đã cao lại càng cao hơn, kéo theo giá các hàng hóa khác tăng mạnh, chắc chắn là chỉ số lạm phát tăng cao, gây thiệt hại cho toàn xã hội, ngay cả người trồng lúa".

"Không phải như đại biểu nói là dự trữ hàng triệu tấn gạo, lúc này trong kho dự trữ còn 187 ngàn tấn lúa, tương đương 160 ngàn tấn gạo. Nếu thất mùa bán hết, không biết chuyện gì xảy ra" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định: "Việc tạm dừng ký bán thêm gạo giao ngay trong tháng 4, 5, 6 là cần thiết nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, giữ giá gạo trong nước hợp lý, không bị đẩy lên quá cao, góp phần quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước trong tình huống bất trắc khó lường".

Để tận dụng giá xuất khẩu gạo cao, CP đã chỉ đạo các DN xuất khẩu liên quan đàm phán với khách hàng điều chỉnh tăng giá với các hợp đồng đã ký và nhiều hợp đồng đã được điều chỉnh.

Từ đầu tháng 6, khi triển vọng mùa vụ tốt, CP đã chỉ đạo ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới. Đến ngày 10/11, các DN đã ký được trên 4,5 triệu tấn. Hiện các DN đang đàm phán để ký hợp đồng bán với khối lượng lớn (trên 1,5 triệu tấn) và sẽ giao hàng ngay trong tháng 12/2008.

Để tiêu thụ lúa hàng hóa còn lại cho nông dân, CP đã khẩn trương chỉ đạo và hỗ trợ thiết thực các DN đẩy mạnh mua vào. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu, các DN tiếp tục mua thêm, trong đó có 300 nghìn tấn gạo mua theo chỉ đạo của CP.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong điều kiện khó khăn, phức tạp, tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo là vì lợi ích tổng thể, toàn cục của đất nước và cơ bản đã đạt các yêu cầu đề ra".

Thủ tướng: Nhà nước phải chia lửa với doanh nghiệp

Trước hết, Thủ tướng nêu diễn biến khủng hoảng gần đây, lan rộng  trên quy mô toàn cầu chưa có dấu hiệu sụt giảm, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Tăng trưởng của các nước đang phát triển cũng như các nước và khu vực phát triển hàng đầu: Mỹ, Nhật, EU... đều giảm.

Các nước đang thực thi nhiều giải pháp như dùng khoản tiền lớn cứu ngân hàng, để nội tệ không mất giá, chuyển chống lạm phát sang chống suy thoái, kích cầu nội địa, ngăn chặn suy giảm sâu phối hợp quốc tế chống khủng hoảng, giám sát thị trường tài chính quốc tế. Mức độ khủng hoảng và suy thoái thế giới đang tác động mạnh hơn, với các biểu hiện du lịch sẽ  bị ảnh hưởng mạnh, xuất khẩu và sản xuất đều suy giảm... Khả năng vay nợ bảo lãnh nhập khẩu khó khăn, ảnh hưởng tăng trưởng việc làm và cán cân thanh toán quốc tế.

Trước biến động khó lường của kinh tế thế giới và thực tế trong nước giá nhiều mặt hàng đang giảm mạnh, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, tổng huy động và tính thanh khoản tốt hơn nhưng lãi suất tín dụng vẫn tăng, Thủ tướng nêu rõ, kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Những nhiệm vụ chính yếu là ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động hội nhập kinh tế, tạo điều kiện thực hiện kế hoạch 5 năm với các chỉ tiêu tăng GDP 6,5% - 7%.

Ngoài việc nhắc lại các mục tiêu chung như tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả và kích cầu sản xuất, kích cầu đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh thêm giải pháp về phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Trong điều kiện khó khăn, việc đảm bảo chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh về giá để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường là vấn đề sống còn của DN. Nhà nước sẽ phải chia lửa với doanh nghiệp. Cùng với thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, đúng đắn để bảo đảm vốn với lãi suất phù hợp, Chính phủ sẽ khẩn trương xác định các tiêu chí cụ thể để giảm thuế và tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn tiến độ nộp thuế cho DN. Điều chỉnh mô hình và cơ chế để phát huy quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ, khuyến khích khu vực này phát triển.

Kiểm toán DNNN và công khai kết quả

Thủ tướng nói: "Cần nâng cao hiệu quả DNNN, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, hướng vào ngành nghề kinh doanh chính".

Có 5 giải pháp đưa ra để phát triển khu vực DNNN. Trong đó, trước hết, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sẽ hoàn thiện pháp luật để tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước với DNNN theo hướng phân định rõ hơn trách nhiệm. Ngoài ra, tiếp tục tiến trình cổ phần hóa, nhất là TĐ, TCT và sơ kết thí điểm mô hình này.

Đặc biệt, Thủ tướng  lưu ý việc tăng cường giám sát hoạt động một cách công khai, minh bạch DNNN. Thực hiện kiểm toán và công khai kết quả, giám sát khu vực này là nhiệm vụ trọng tâm của 2009.

Sau đây là phần đối thoại trực tiếp của Thủ tướng và các ĐBQH:

Nếu tham mưu sai, sẽ phải chịu trách nhiệm

ĐB Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) hỏi: Trong giải trình của Thủ tướng có nêu "CP đang chỉ đạo các giải pháp cần thiết để hỗ trợ bà con nông dân trồng lúa và yêu cầu các bộ chức năng nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm để chỉ đạo điều hành tốt hơn. Về lâu dài, CP cũng đang chỉ đạo xây dựng dề án bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đề ra các giải pháp khắc phục các hạn chế yếu kém, giải quyết một cách căn bản, dài hạn và có hiệu quả hơn về sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an ninh lương thực trong đó đảm bảo lợi ích thỏa đáng cho người trồng lúa, vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp có ý nghĩa quyết định". Vậy liệu Thủ tướng có chỉ đạo CP sẽ chi 5.000 tỷ đồng, chiếm 5% trong bội chi ngân sách hỗ trợ cho bà con trong giống, thuốc trừ sâu, phân bón - những giải pháp thiết thực cho bà con hay không?

ĐB Nguyễn Hồng Anh (Hà Nội) đặt liền một lúc 3 câu hỏi: Gia nhập WTO, kinh tế dễ bị tổn thương. Cơ chế, trách nhiệm của các bộ có đáp ứng yêu cầu? Có cần sửa Hiến pháp đặt CP về đúng vị trí cơ quan hành pháp không?

Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu, hành chính vẫn hành dân là chính. Thủ tướng thừa nhận chưa đạt yêu cầu là không đột phá, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Vậy có giải pháp gì?

Đây là tháng thứ 3 từ khi có Nghị quyết về mở rộng HN. Triển khai đề án như thế nào?

ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) hỏi: Kỳ họp thứ 2, các bộ, ngành cần rà soát chức năng, nhiệm vụ, việc nhà nước cần thiết làm thì làm, còn việc gì chuyển giao được thì nên chuyển giao. Hội Luật gia thấy còn chậm. Hiện nay, rà soát chức năng của các bộ ngành, nơi nào làm tốt, chưa tốt?

Qua kỳ họp thứ 2, thứ 3, nghe bộ trưởng trả lời chất vấn, thấy có vấn đề khách quan, chức năng của bộ, ngành điều chỉnh rộng hơn, nên trả lời của bộ trưởng còn lúng túng, nhưng rõ ràng như vậy sẽ ảnh hưởng chức năng tham mưu với Thủ tướng. Đơn cử, trong báo cáo giải trình, Thủ tướng có đưa ra con số tỷ lệ lãi của bà con nông dân là trên 60% . Con số đưa ra thiếu chính xác. Cơ sở nào để nói đạt lãi quá lớn như vậy? Chúng ta đạt thành tích hết sức cơ bản, nhưng điểm yếu là cơ quan tham mưu giúp CP còn hạn chế. Thủ tướng có biện pháp gì trong tương lai để củng cố, nâng chất lượng cơ quan tham mưu?

Trả lời về vấn đề lúa gạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: ĐB ở Hậu Giang đã bổ sung một câu quan trọng, quyết 5.000 tỷ hỗ trợ bà con nông dân mà Thủ tướng  không quyết được. Tôi đã nói khi QH thông qua phân bổ ngân sách TƯ, đã giao các bộ báo cáo Thủ tướng làm thế nào hỗ trợ người trồng lúa, nuôi cá ba sa. Sáng nay, tôi đã bảo Phó Thủ tướng xử lý vấn đề cho người nông dân, tiền cũng có hạn, xử lý phải cân nhắc cụ thế. Tôi sẽ thông báo lại sau.

ĐB Hà Nội hỏi hội nhập thì chức năng Chính phủ thế nào, có cần sửa Hiến pháp không. Mới vào WTO 2 năm, cũng đang hoàn thiện thể chế. Hai năm qua, hội nhập có kết quả dù còn phải phấn đấu nhiều, trên thành tựu kinh tế.  Chúng tôi đang đánh giá lại Luật Tổ chức Chính phủ để xem khi kết thúc sẽ sửa đổi gì. Thống nhất quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực trên điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập.

CCHC so với yêu cầu và thực tế là chưa đạt, nhưng đã có bước tiến dài. Vì CCHC bao gồm cả cải cách thể chế thủ tục, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cả cải cách hành chính công, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng so với yêu cầu chưa đạt và chưa là khâu đột phá.

Tóm lại, tiếp tục rà soát sao cho thể chế này phù hợp kinh tế thị trường, vận hành linh động, hiệu quả hơn và kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng công chức, rà soát CCHC trên tất cả các lĩnh vực.

Sau khi hợp nhất HN, triển khai thế nào? Chính phủ đã chấp hành nghiêm và có kết quả bước đầu.

Ý kiến của ĐB trong Hội Luật gia, rà soát chức năng các bộ, ngành. Đây là một quá trình, đang làm, có cái đã chuyển biến nhưng có cái đang thay đổi. Ví dụ xã hội hóa công chứng, nhưng có ý kiến phản ánh đến Thủ tướng là không ổn. Cái gì nhà nước làm là phải làm cho tốt, kể cả thể chế và bộ máy. Cái gì chuyển các hội nghề nghiệp, cho tổ chức XH nghề nghiệp thì sẽ chuyển, nhưng đảm bảo phục vụ tốt dân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước.

Như ĐB Hà Nội nói, hành chính vẫn là hành dân là chính. Quy kết như thế không đúng, ĐB thử xem câu này thế nào. Vẫn còn một bộ phận vẫn tiếp tục kiện toàn và xây dựng.  Nói như vậy là không đúng thực tiễn, áp đặt.

Về ý kiến chuyện bộ tham mưu lúng túng, không chính xác. Đúng là có sai, nhưng mà các bộ đã trưởng thành nhiều, đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi.

Nông dân trồng lúa thu được 60% lãi, con số này có chính xác không, ĐB nói con số này lớn quá, xôn xao cho là không hợp lý. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cung cấp số liệu từ Ban vật giá, đây là số liệu bình quân của các địa phương. Có thể điều kiện cụ thể ở địa phương nào đó tỷ lệ không đúng vì đây là tỷ lệ trung bình của cả ĐBSCL. Nhưng nếu tham mưu sai, sẽ phải chịu trách nhiệm.

Xử lý Vedan: Vừa đúng pháp luật, vừa đạt lợi ích

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) quan tâm đến vấn đề môi trường và chống tham nhũng: Liên quan đến bảo vệ môi trường, tôi nhất trí với thái độ của Thủ tướng và quyết tâm của CP bảo vệ môi trường, nhưng hiện số DN gây ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng khá nhiều. Xử lý không khỏi ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người lao động. CP làm thế nào để thực hiện những gì Thủ tướng nêu mà vẫn đảm bảo an sinh xã hội?

Chúng tôi có ấn tượng sau Vedan, nhiều địa phương lôi ra nhiều vụ việc vi phạm môi trường khác, nhưng bây giờ lại chững lại, quan sát. Ý kiến của Thủ tướng hôm nay rất quan trọng. Ý Thủ tướng thế nào? Vừa rồi CP đưa ra tám chỉ tiêu về môi trường, cơ quan nào chỉ đạo, tiền lấy từ đâu?

Về chống tham nhũng, tiến độ và kết quả phối hợp điều tra của cơ quan điều tra Việt Nam với phía Nhật Bản trong đưa và nhận hối lộ vụ PCI, đã xử ở Tokyo, tin tức đưa lên mạng. Nếu chúng ta không xử lý nhanh, thái độ thiếu kiên quyết sẽ có ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam.

Hai ĐB tiếp theo có mối quan tâm chung về công tác tham mưu, dự báo.

ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) chất vấn: Tại kỳ 3, có chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT về dự báo và cảnh báo sớm, qua trả lời, tôi thấy còn bất cập giữa các bộ, ngành. Hiện nay, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, các ĐB cũng quan ngại về khả năng cảnh báo, dự báo sớm. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu thiên niên kỷ, VN đã nỗ lực phấn đấu, được thế giới đánh giá cao. Nhưng hiện kết quả còn chưa vững chắc. Tỷ lệ hộ nghèo còn lớn, 61 huyện còn tỷ lệ cao như Quảng Ngãi, Sơn Tây lên tới 70%. Trong khó khăn chung về lạm phát, có giải pháp đột phá gì để hỗ trợ huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất?

ĐB Trịnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) tiếp lời: Công tác tham mưu, dự báo, phối hợp giữa các bộ, ngành nhiều lúc chưa chặt và chuẩn xác, dẫn tới nhiều quyết định của Thủ tướng gây ảnh hưởng đến công tác điều hành. Đề xuất giải pháp cụ thể gì để tăng hiệu quả và trách nhiệm bộ, ngành rõ hơn?

Về đề xuất tập trung tiêu thụ lúa hàng hóa tồn đọng trong dân, đặc biệt ĐBSCL, đề nghị nêu rõ giải pháp. Hiện sản lượng lúa hàng hóa tồn đọng còn rất lớn. Song song với tiêu thụ, giá phải hợp lý?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: Về xử lý môi trường, CP đã nêu rõ chủ trương. Hiện đã có chương trình, kế hoạch xử lý với những cái gây ô nhiễm hiện tại. Như Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc nói, trước ta chưa quan tâm tới môi trường và cũng chưa có điều kiện quan tâm đúng mức, xử lý môi trường. Những cái hiện đang gây ô nhiễm phải xử lý nhưng cũng cần thời gian. Đó là mong muốn nhưng còn điều kiện nữa.

Như chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Y tế đã nêu, hàng ngàn bệnh viện như thế, không phải chúng ta không biết có vấn đề môi trường nhưng chúng ta không có điều kiện xử lý. Trước mắt, bệnh viện nào thuộc quản lý ở TƯ, TƯ bố trí ngân sách, bệnh viện thuộc quản lý địa phương, địa phương sẽ bố trí ngân sách để xử lý từng bước. Mà ngân sách của ta như thế nào, các ĐB biết cả rồi.

Các chỉ tiêu nêu về môi trường, tôi cũng đã chỉ đạo đừng nêu thành chỉ tiêu "chay", nêu mà không bố trí ngân sách. Chúng ta cũng cần xác định rõ vi phạm nào thuộc Bộ Y tế, Bộ TN&MT, các bộ chức năng và địa phương. Từng năm để giải quyết cụ thể những vi phạm môi trường hiện có. Đồng thời phải có từng đề án cụ thể như đề án sông Cầu, sông Đông Nai... phê duyệt từng chương trình.

CP cũng chủ trương ngăn chặn những vi phạm mới, không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường. Vừa rồi CP đã từ chối dự án thép trị giá 4 - 5 tỷ USD vì vấn đề môi trường. Nhiều địa phương cũng đã làm như vậy.

Còn xử lý, tình thần thế này: Đã là cơ quan hành chính, dứt khoát phải xử lý theo đúng pháp luật, nhưng cũng phải xem có lợi nhất. Ví dụ, Vedan, chính tôi yêu cầu Chủ tịch UBND Đồng Nai kiểm tra nếu chưa thấy thực hiện đúng quyết định của Bộ TN&MT thì phải xử lý. Xử lý làm sao để Vedan không thải nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định ra nước nhưng Vedan còn tiếp tục hoạt động và hoạt động được vì đây là năng lực sản xuất của xã hội. Chúng ta xử lý vừa đúng pháp luật, vừa đạt lợi ích.

Về xử lý trường hợp đưa và nhận hối lộ ở PCI có liên quan tới Nhật Bản: Khi báo chí Nhật Bản loan tin việc đưa và nhận hối lộ có liên quan đến một cán bộ của Việt Nam, CP đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ với bạn, chủ động yêu cầu chuyển hồ sơ cho chúng ta quản lý, xử lý, không thể để công dân Việt Nam để cơ quan tư pháp nước khác xử lý. Bạn một thời gian dài mới gửi "gọi là" hồ sơ, nhưng hồ sơ chưa đủ cơ sở pháp lý. CP đã yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận xử lý, làm rõ, làm rõ tới đâu sẽ xử lý tới đó theo pháp luật Việt Nam.

Chúng ta cùng với Nhật Bản cũng lập UB phối hợp đấu tranh ngăn chặn và xử lý tham nhũng liên quan đối với dự án ODA.

Không lập cơ quan dự báo mới

Sau giờ nghỉ giải lao, Thủ tướng tiếp tục trả lời:

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát và Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc trao đổi nhân giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Lê Nhung

Về ý kiến của ĐB Hiền đối với dự báo, đúng là qua tình hình vừa qua, mà cũng không phải chỉ từ tình hình vừa qua, trong lãnh đạo điều hành, công tác dự báo kém thì điều hành cũng chậm, không kịp thời hoặc bị lúng túng. CP đã thấy việc này, thấy đây là lĩnh vực dù có nhiều tiến bộ, các bộ chức năng, bộ tổng hợp đạt nhiều kết quả nhưng so với yêu cầu còn phải cố gắng nhiều hơn. Qua khủng hoảng tài chính, CP yêu cầu các bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát chức năng để tăng khả năng dự báo.

Chức năng chưa rõ, thể chế chưa đủ thì hoàn thiện, bổ sung để làm tốt hơn, xem có gì cản trở không để điều chỉnh.

Hai là, cán bộ phải được lựa chọn, bố trí đúng có khả năng, trình độ nghiên cứu, phân tích, dự báo. Ba là, tạo điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để làm tốt hơn.

Mong ta dự báo đúng, để ta chủ động, nhưng có những cái khó dự báo. Đây là quá trình cố gắng.

Có lẽ dự báo cũng là dự báo thôi, khó nói chính xác 100% được. Tinh thần là các bộ chức năng, chuyên ngành cố gắng hết sức vươn lên. Cơ quan tổng hợp dự báo, có người đề nghị Thủ tướng lập cơ quan nào đó để tổ chức dự báo. Tôi cho rằng, CP có rồi, làm chưa tốt thì làm sao làm tốt hơn.

Trong chức năng của các bộ, chúng tôi thường nói khái quát, Bộ KH-ĐT là tổng tham mưu về kinh tế, có 2 viện to, Viện Chiến lược và quản lý CIEM, trong đó có Viện trước thuộc TƯ, đầu tư cán bộ đông, được học hành nghiên cứu nhiều nơi, nhiều nước. Tổng tham mưu làm chưa tốt thì nỗ lực cải thiện.

CP đã chính thức giao Bộ KH-ĐT làm tốt hơn việc này. Bộ chuyên ngành cũng cần phải tốt hơn.

Đầu 2009, lập Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Về xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đường lối phát triển, quan điểm phát triển của Nhà nước ta là phát triển bền vững, làm nhiều việc, nhiều yếu tố, trong đó 3 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế cao đi liền hiệu quả, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Vừa qua đã hết sức cố gắng thực hiện phát triển bền vững, trong đó xóa đói giảm nghèo, Đảng, NN và nhân dân cùng chung sức làm được thành tựu về xóa đói giảm nghèo. Muốn giải quyết căn cơ một cách vững chắc, phải quá trình gắn với CNH-HĐN.

Hiện nay, tỷ lệ nghèo của Việt Nam còn 13%, cố gắng xuống còn 12%, và sẽ điều chỉnh lại tiêu chí. Qua sơ bộ trao đổi, tỷ lệ nghèo chắc 15%, phải phấn đấu tiếp. Đó là mục tiêu phát triển và bản chất chế độ.

Về đột phá, để làm thì phải làm nhiều việc, từ Nhà nước tới người dân. NN là hạ tầng, hỗ trợ các điều kiện để sản xuất: đất đai, vốn liếng, khuyến nông, lâm, thị trường. Nhân dân cũng làm nhiều việc. Để xóa đói giảm nghèo, dân trí là quyết định, mà dân trí là quá trình.

Ngoài chính sách hiện có, trong năm tới, chọn đề án giải quyết hơn 60 huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất, có chính sách đặc thù để giảm nhanh hộ nghèo. Tôi có nói với Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, chủ yếu là huyện ĐB dân tộc ít người, gắn với rừng, xem lại chính sách rừng: phòng hộ, đặc dụng. Trồng và giữ rừng, chính sách thế nào. Gắn với điều kiện bảo vệ, phát triển rừng là cơ sở quan trọng. Ngoài ra các chính sách khác, làm sao cả nước cùng nỗ lực giải quyết. CP sẽ triển khai sớm, thực hiện giảm nghèo cho 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất.

Hai là, cố gắng chỉ đạo triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2009 Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Làm sao quỹ cùng chính sách khác đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp.

ĐB Hậu Giang hỏi về tham mưu dự báo, đúng là so với yêu cầu, còn phải cố gắng  nhiều nhưng vừa qua các bộ ngành đã trưởng thành nhiều, nhiều chủ trương chính sách đúng là nhờ dự báo đúng. Chủ trương nhiều nhưng so với yêu cầu chưa đạt. Dự báo đúng thì hành động đúng hơn.

Báo cáo đã nói Đảng và Nhà nước quan tâm lương thực, nông dân, nông thôn nhưng từ mong muốn đến thực hiện phải có thời gian. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo xây hệ thống kho, từ không có nay đã có hai kho, có thể chứa tới 1.300 tấn gạo, hiện nay đã mua được 900 tấn.

Nhưng kho của ta chỉ giữ được 3 tháng, Thái Lan họ giữ được 3 năm. Chúng tôi muốn có kho chứa đủ 4 - 5 triệu tấn để chủ động khi mua bán và lưu thông. Điều kiện có hạn nên phải làm từng bước.

Nhạc công có lỗi, nhạc trưởng có nhận trách nhiệm không?

ĐB Trần Thị Quốc Khánh: VN đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết cử tri đều ủng hộ Chính phủ ưu tiên chống lạm phát. Nhưng dân cũng nói, rất khó chấp nhận trong bộ máy vẫn có CBCC chưa bảo vệ quyền lợi hợp pháp để khiếu kiện kéo dài. CBCC còn sách nhiễu dân. Thủ tướng làm gì để nâng cao hiệu lực đội ngũ CBCC?

Thứ hai, các bộ khi trình dự án luật vẫn nhận trách nhiệm quản lý nhà nước là của mình nhưng khi có việc lại đổ lỗi lẫn nhau. Ví dụ Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì hôm qua trả lời chất vấn lại đổ cho Bộ Công thương và NN&PTNT. Hay vấn đề về môi trường cũng chưa rõ trách nhiệm quản lý? Bao giờ điều hành Nhà nước mới thống nhất, không còn mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau?

ĐB Nguyễn Hữu Nhị nêu "thực trạng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là thủy lợi yếu kém, doanh nghiệp ít đầu tư. Chính phủ sắp tới có cơ chế gì để khuyến khích đầu tư nông thôn?

Tiếp lời, ĐB Dương Trung Quốc với ba câu hỏi: Thứ nhất, Chính phủ đã hoạt động nửa nhiệm kỳ, vai trò các bộ đa ngành đang phát huy, bên cạnh mặt tích cực còn hạn chế. Nếu bộ trưởng phụ trách các ngành khác nhau đã nhận trách nhiệm, vậy khi nhạc công có lỗi, nhạc trưởng có nhận trách nhiệm không?

Thứ hai, bên cạnh giảm  đầu tư công trình không hiệu quả là khuyến khích công trình hiệu quả. Vậy xin hỏi dự án đường vành đai 3 của Hà Nội, Chính phủ có giải pháp gì để giải bài toán giao thông?

Thứ ba, trong văn bản Thủ tướng vừa báo cáo nói rằng việc xuất khẩu gạo mang lại 2,8 tỷ USD, lãi 1,7 tỷ, tới 60%. Nhưng lãi rơi vào đâu, chỗ nào? Vì báo cáo cũng nói nông dân chỉ lãi 5,4%. Vậy tại sao nông dân là người sản xuất trực tiếp lại nghèo nhất, bị bóc  lột nhiều nhất, phải làm gì để nông dân hưởng lợi?

Đáp lời ĐB Quốc Khánh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý quan điểm: cán bộ tiêu cực thì không chấp nhận được. Yêu cầu các bộ, ngành phải làm nghiêm, ở đâu cũng có tổ chức Đảng và chính quyền, đây là thái độ rõ ràng và dứt khoát. Tôi muốn nói là số CBCC tốt, lo cho dân là nhiều. Gần như các địa phương, các ngành đều nói CBCC tận tụy phục vụ. Còn phát hiện ai nhũng nhiễu là xử lý ngay. Đã ban hành nhiều hình thức xử lý và thanh tra kiểm tra, giám sát.

Tinh thần là có cái khó nhưng trong chức trách, nhiệm vụ phải làm và xử lý. Thủ trưởng, người đứng đầu làm gì, Thủ tướng làm gì, địa phương, bộ ngành làm gì. Thanh tra xử lý cũng trên tinh thần đó. Làm gì để giữ kỷ luật, kỷ cương mà trước hết là hoàn thiện thể chế, thứ hai hoàn thiện bộ máy. Thứ ba xây dựng đội ngũ CBCC đủ trình độ. 

Còn phải nỗ lực nhiều để chăm lo cho nông dân

Thủ tướng trao đổi với ĐB Dương Trung Quốc. Ảnh: Lê Nhung

Trong phần phát biểu về vệ sinh môi truờng, an toàn thực phẩm cũng nói làm rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Trong cuộc sống, trong quản lý, có nhiều việc phải có phối hợp liên ngành, chủ trương của CP là mỗi việc, mỗi công đoạn có một cơ quan chịu trách nhiệm chính để chủ trì phối hợp. Hiện nay tình hình đã có nhiều tiến bộ.

Về VSATTP: Bộ Y tế không thể đi hướng dẫn trồng rau sạch mà phải là Bộ NN&PTNN, nhưng khi kiểm tra thực phẩm vào siêu thị lại phải là Bộ Y tế. Các bộ phải phối hợp. Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình vừa làm, vừa hoàn thiện.

Như trong cuộc chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nói: Quản lý thị trường là trách nhiệm của Bộ Công thương nhưng cũng phải phối hợp với các ngành.

Chúng tôi đã yêu cầu nói rõ chức năng, quyền hạn, cơ chế phối hợp giữa các bộ để làm tốt; giữa bộ và chính quyền địa phương, quản lý ngành, lĩnh vực và địa bàn thế nào để hiệu quả, hiệu lực tốt hơn.

Ví dụ, vụ Vedan, theo quy định, Bộ chỉ xử lý đến đó thôi. Người khác nói, theo quy định khác, Bộ làm cũng được, địa phương làm cũng được và Thủ tướng làm cũng được. Đã yêu cầu rà soát để luật rõ hơn, quy định trách nhiệm rõ hơn để phối hợp làm tốt hơn. Chính phủ sẽ cố gắng làm tốt và mong ĐB quan tâm, theo dõi, giám sát phối hợp và góp ý kiến.

Về ý kiến ĐB Nghệ An về phát triển nông nghiệp, nông thôn, chúng ta đặt mục tiêu đi lên CNH-HĐH, đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp, nhưng nếu không thực hiện được CNH-HĐN nông nghiệp, nông thôn, coi như không hoàn thành được sự nghiệp CNH-HĐH cả nước.

Hơn 20 năm Đổi mới vừa qua, chúng ta đã làm được nhiều việc chăm lo đời sống nông nghiệp, nông thôn, nhưng so với yêu cầu, còn phải nỗ lực nhiều, làm đồng bộ nhiều lĩnh vực, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh mới có một nền nông nghiệp, nông thôn và giai cấp nông dân đáp ứng được mục tiêu CNH-HĐH. Nghị quyết TƯ 7 đề cập tất cả các lĩnh vực. Chính phủ có chương trình hành động với hơn 60 đầu việc, đã gửi và phân công tổ chức thực hiện. Chúng tôi sẽ nỗ lực để thực hiện có kết quả.

Về ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc, đương nhiên Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan chấp hành của QH, thống nhất quản lý trong cả nước về hành chính, đảm bảo Hiến pháp, luật pháp được thực thi. Trong Chính phủ thì Thủ tướng là người đứng đầu, chịu trách lãnh đạo hoạt động của các thành viên Chính phủ. Các thành viên Chính phủ làm tốt, Thủ tướng cũng có phần trong đó, các thành viên làm chưa được, Thủ tướng có phần trách nhiệm. Chúng tôi nghiêm túc thực hiện trách nhiệm.

Trong báo cáo, tôi cũng đã nêu 7 nhóm tồn tại, khuyết điểm, có phần trách nhiệm của thành viên Chính phủ và Thủ tướng. Chính phủ có thái độ nhìn thẳng yếu kém, khuyết điểm, khắc phục để làm tốt hơn phục vụ dân, phục vụ nước tốt hơn. Sau mỗi lần, tôi thấy có bước tiến bộ. Ngay các thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn, bên cạnh cái được phát huy, cái chưa được nghiêm túc nhìn nhận, cố gắng sửa chữa. Đó là thái độ đúng đắn và cần thiết.

Về đường Vành đai 3 chậm là do giải phóng mặt bằng, hôm làm việc với Hà Nội, tôi được biết còn 3 hộ. Tôi đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP phải trực tiếp làm cái này đi, để xong sớm, đưa vào sử dụng. Đến nay kết quả thế nào tôi chưa kiểm tra lại.

Về lãi suất khẩu, anh Quốc tính như vậy, tôi nghĩ phải tính chính xác hơn. Nói là lãi của người nông dân tính từ giá thành ra giá bán. Đây là tính của Ban vật giá theo bình quân của từng vùng. Đây là việc tính hàng năm để biết, đánh giá và cũng tính từng vụ. Ví dụ, ĐBSCL đông xuân lãi hơn hè thu.

Việc tính toán kỹ lợi nhuận trong lĩnh vực, điều tiết ra sao, chính sách thế nào, trong trình bày đã nói Chính phủ đang xây dựng đề án, cố gắng làm sớm trong 2009 để làm căn cơ lâu dài, đảm bảo xuất khẩu, an ninh lương thực quốc gia: Sản xuất vùng nào, xuất khẩu bao nhiêu, thu hoạch, bảo quản ra sao, vừa đảm bảo đời sống người trồng lúa, an ninh lương thực quốc gia. Chúng ta làm cũng được nhiều kết quả nhưng phải làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Chính phủ đang triển khai với tinh thần đó, sẽ cố gắng triển khai sớm việc này.

"Gần như ngày nào tôi cũng đối thoại với trí thức"

ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) nêu: Các cú sốc kinh tế vừa qua có nguyên nhân sâu xa do chúng ta đã theo đuổi trong thời gian dài mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Vậy xin Thủ tướng cho biết đánh giá về giới hạn mô hình này? Liệu có thể chuyển sang mô hình tăng trưởng chất lượng, hiệu quả không?

Thứ hai, về chất lượng dự án luật, có nhiều dự án tiến độ và chất lượng chưa được chuẩn bị chu đáo. Vai trò điều phối của Thủ tướng thế nào?

Trước nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trí thức trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp và gửi nhiều ý kiến. Thủ tướng có kế hoạch đối thoại với các nhà  khoa học và trí thức không? Ông lắng nghe thế nào?

ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) hỏi: Vừa qua, phân bón giả lan tràn, xử hành chính không răn đe được. Thủ tướng có giải pháp gì?

Về xuất khẩu gạo, giá như thay vì chủ trương tạm dừng thì Chính phủ xuất tiền mua theo giá thị trường để đưa vào kho, thì nông dân sẽ được  bù lại với việc bị lỗ bây giờ.

Báo cáo cũng nói nông dân được lãi từ vụ hè thu 5,4%. Nhưng trong chu kỳ 3 tháng sắp tới, để chờ vụ mùa mới, làm sao nông dân sống được. Thủ tướng nói rằng đã giao Phó Thủ tướng triển khai giải pháp nhưng xin hỏi: Ngoài giãn nợ và khoanh nợ tín dụng, Chính phủ có thể cho biết giải pháp cụ thể là gì không?

ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến về giải pháp giảm nhập siêu vì nhiều mặt hàng đang nhập khẩu nhiều như gỗ, sữa bò.... Nông dân vay vốn khó, cũng không thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nếu không có giải pháp đồng bộ, chúng ta sẽ đi nhập mãi. Xin Thủ tướng cho biết quan điểm. Tính toán 2012 sẽ giảm tiến độ nhập khẩu sữa. Nông dân có khả năng tự tạo ra nguồn sữa nhưng có nhiều chính sách không đến được nông dân.

Trong 63 tỉnh, còn 43 tỉnh chưa thể tự túc ngân sách. Điều hành nguồn kinh phí thế nào để các tỉnh đều hưởng lợi?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp: ĐB hỏi, mô hình tăng trưởng thế nào cho hiệu quả. Xin trả lời, Chính phủ đang chuẩn bị chiến lược phát triển 2010 -2020 để trình ĐH Đảng sắp tới.

Các nhà khoa học, nghiên cứu đang nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế trong đó có xem xét cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế, chính sách phát triển... phải đạt yêu cầu phát triển bền vững. Tăng trưởng cao đi liền hiệu quả chất lượng chứ không phải số lượng. Tăng trưởng đi liền tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường.

ĐB cũng hỏi, bao giờ tôi đối thoại với trí thức? Không hiểu ĐB định nghĩa thế nào là trí thức.

Thực tế, gần như ngày nào tôi cũng đối thoại với trí thức. Vì làm quanh tôi đều là tiến sỹ, phó tiến sỹ, kỹ sư, có học vị cả. Chúng tôi làm việc liên tục và tiếp xúc hàng ngày.

Nhưng đăng đàn treo khẩu hiệu là đối thoại trí thức thì hình thức quá. Tôi vẫn gặp chuyên gia trong và ngoài nước để tham vấn nhưng tôi không bao giờ trương biển lên là tôi đang đối thoại với trí thức.

Đó cũng chính là lắng nghe, nghe những ý kiến đúng đắn góp phần hoạch định chính sách phù hợp để có thêm thông tin và góp phần vào điều hành. Chúng tôi đang làm và đã làm, chỉ có điều tôi không trương khẩu hiệu.

Nhà nước rất cầu thị, đã có Nghị quyết về trí thức.

Về tiến độ soạn thảo dự án luật, làm sao luật ban hành phải đi vào cuộc sống, hướng dẫn phù hợp, chúng ta cùng cố gắng làm tốt.

ĐB Việt hỏi về xử lý phân bón giả. Chính phủ quản lý, luật thế nào để ngăn chặn. Chúng tôi đang cho rà lại từ cấp phép sản xuất đến đăng ký tiêu chuẩn chất lượng lưu hành đến kiểm soát trên thị trường và hình thức chế tài. Vừa qua tôi đã có yêu cầu, nếu nhà sản xuất phân bón ở đâu đó làm sai thì chủ tịch tỉnh phải xử phạt đóng cửa, rút giấy phép. Luật đã giao quyền thì phải làm. Rồi tỉnh nào cũng có quản lý thị trường, vậy thanh tra thế nào.

Đi liền là giáo dục đạo đức nhưng phải xử lý. Luật lệ hiện có đủ hiệu lực để xử lý và ngăn chặn. Bộ KHCN quản lý chất lượng, Bộ NN&PTNT phối hợp rà soát, phân công trách nhiệm. Cần làm gì để ngăn chặn.

Việc giải trình tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới, ĐB nói giá như Chính phủ mua lúa cho nông dân. Vụ đông xuân ở ĐBSCL năm nay đã tăng 758 ngàn tấn, chúng tôi mua 300 ngàn tấn. Số liệu không công bố nên ĐB không biết.

Còn giải pháp: Thứ nhất, nếu dân vay vốn khó thì cho hoãn chậm phải trả; thứ hai, hạ lãi suất, NH nông nghiệp hạ lãi suất 14,4%/ năm. Giúp tốt nhất là vốn. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh sẽ khoanh và xóa nợ. Với hộ nghèo, có chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra bảo hiểm y tế, giáo dục, sinh viên được đi vay, tất cả là những hỗ trợ tổng hợp. Khả năng Nhà nước không thể đáp ứng yêu cầu nhưng trong cơ chế thị trường, bà con phải cùng chia sẻ.

Ý kiến của ĐB Nguyễn Đăng Vang, tôi đồng tình và tâm huyết. Việc nhập khẩu gỗ sản xuất đồ gia dụng, xuất 3 tỷ đôla đồ gia dụng. Chúng ta có chủ trương trồng rừng. Trong khi rừng kinh tế chưa phát triển thì phải nhập khẩu để có việc làm và xuất khẩu.

Đã che phủ được hơn 13 triệu hecta rừng và nay đang rà soát, bố trí lại ba loại rừng. Rừng đặc dụng chỉ cần 2 triệu, nay đã gần đủ, rừng phòng hộ cần 6,5 triệu, nay đã có 9 triệu. Rừng kinh tế thì không hề có. Nay đang đặt kế hoạch 8 triệu rừng kinh tế.

Hay như mặt hàng sữa. Còn 79% người dân VN phải dùng sữa nhập từ bên ngoài. Tinh thần là phát huy nội lực nhưng trong điều kiện cạnh tranh, hội nhập thì phải tính.

Về phân bổ ngân sách, có 16 tỉnh, chúng tôi sẽ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát.

Bao giờ chấm dứt độc quyền ngành điện để dân được nhờ?

ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) hỏi: Báo cáo hàng năm của CP phản ánh FDI tăng năm sau cao hơn năm trước nhưng không phản ánh thu nhập của nhà đầu tư nước ngoài tại VN như thế nào, chiếm bao nhiêu % GDP trong nước?

Tôi nhất trí với Thủ tướng về đánh giá vai trò của DNNN nhưng thời gian qua, thực tế một số DNNN từ chối dự án CP giao, chưa quan tâm vùng sâu, vùng cao, tiền lương thưởng cao nhưng nộp ngân sách ít, hạch toán lỗ. Thủ tướng xử lý như thế nào?

ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP. HCM) nêu: Thực tế, chất lượng và hiệu quả đầu tư của DNNN trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thấp hơn DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân như Thủ tướng đã thừa nhận. Thủ tướng tập trung chỉ đạo những vấn đề nào để cải thiện và tăng hiệu quả đầu tư để tương xứng với vị trí của TĐ, TCT trong nền kinh tế? Theo tôi, vai trò đầu tàu, khả năng dẫn dắt của TĐ, TCT với thành phần kinh tế khác trước hết phải trong chất lượng và hiệu quả đầu tư. Trong điều kiện thế này, TĐ, TCT thực hiện vai trò này hơi khó.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói: Trong phát biểu của Thủ tướng đánh giá bổ sung và giải pháp nêu rõ về TĐ và TCT nhưng không đề cập đội ngũ cán bộ trong DN, có một bộ phận xuất sắc, nhưng một bộ phận không nhỏ nhận thức chưa đúng, năng lực chưa đáp ứng, nếu chưa nói là yếu, điều hành để dư luận phản ứng mạnh. Đánh giá về đội ngũ cán bộ làm DN, Thủ tướng và CP có giải pháp như thế nào để nâng năng lực và phẩm chất làm cán bộ kinh tế?

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) phát biểu: Tôi không nhất trí với vài ĐB khi nói bộ máy hành dân là chủ yếu. Không nên phủ nhận hoàn toàn. Tôi cũng không đồng ý với quan điểm rằng nông dân bị bóc lột. Nông dân đang khó khăn và CP đang khắc phục. Nhưng nông dân mãi mãi là nông dân.

Tôi chia sẻ với CP, nếu khóa 11, có vài ý kiến hơi nóng, lần này CP có cố gắng, cái khó bó cái khôn. 20 năm Đổi mới, nhìn vào những gì đã làm được, không ai phủ nhận cố gắng của CP. Các bộ đã hết sức cố gắng trong tình hình vừa rồi. Các ĐB cũng sẽ cố gắng tìm xem việc gì QH có sẽ hỗ trợ CP trong các công việc.

Tôi cũng có 1 câu hỏi, 3 tháng trước vào Bến Tre, toàn bộ thị xã mất điện. Hình như ngành điện làm mình làm mẩy để tăng giá điện, tôi nghĩ vậy. Thủ tướng thấy có biểu hiện đó không? Bao giờ chấm dứt độc quyền ngành điện để dân được nhờ?

Ngành điện độc quyền là sự tự nhiên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Hiện đang có hơn 11 ngàn dự án FDI, hầu hết là thành công, hiệu quả, đóng góp 20% GDP. Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT đánh giá lãi của các DN đầu tư nước ngoài, do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chủ trì. Theo trình bày để cấp phép, không có dự án nào lợi nhuận dưới 20%.

Về hiệu quả đầu tư của DNNN, có cái chưa được, hiệu quả chưa cao như đã trình bày. Sắp tới làm gì cũng đã nêu 5 việc cần làm, không trình bày lại.

Các DNNN đã nỗ lực để làm tốt hơn vai trò của mình. Nhiều DN khó khăn đã vươn lên thành công, đóng được vai trò của mình. Đương nhiên, sự vật nào cũng có 2 mặt, được mà chưa được.

Vừa rồi điều hành chính sách tiền tệ mà không có ngân hàng quốc doanh thì không làm được việc hỗ trợ nông dân, lãi suất, tỉ giá. Đây là một thực tế. Nhưng nếu nói ngân hàng quốc doanh chỉ có ưu điểm không thì không được. CP sẽ chỉ đạo cải cách để hiệu quả cao hơn.

Về đầu tư, như Bộ trưởng Công thương nói, lợi nhuận của EVN vừa rồi là 3%, tôi xem kỹ lại lợi nhuận 5%, là mức thấp. Tại sao thấp? Giá thành như thế, giá bán như thế, ngân sách không bù lỗ mà bù chéo, bán cao bù cho bán thấp.

Về việc được nói là EVN trả lại 13 dự án điện: EVN là Tổng công ty Nhà nước ra đời rất sớm. Để đảm bảo điện đến 2015, tiến tới 2025, tổng sơ đồ 6, gần 61 ngàn megawatt, EVN chiếm 75%, còn lại giao DN khác, khuyến khích thành phần kinh tế khác.

Con số 75% giao cho EVN để tránh độc quyền nhưng phải có người cầm trịch, do đó CP muốn EVN giữ trên 50%. Muốn có được lượng điện này phải có 882 ngàn tỷ. EVN cũng cố gắng nhưng lợi nhuận thấp, cơ chế thị trường, ngân hàng từ chối cho vay. CP phối hợp xử lý, nhưng EVN không đủ vốn. Chúng tôi có họp và quyết định giảm điện lực đi mà chuyển sang cho Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - khoáng sản.

CP không thể ra lệnh ngân hàng cho vay được, có ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng CP phải bảo đảm. CP đề nghị chuyển bớt sang cho dầu khí, than 13 dự án, với mức đầu tư khoảng 283 ngàn tỉ. Đây không phải là sự từ chối, thoái thác nhiệm vụ CP. Tôi trực tiếp điều hành việc này. Nói đùn đẩy thì cũng tội cho cán bộ, nhân viên ngành điện, đã vất vả lắm.

Tôi đã giao Bộ Công thương phân căn cứ theo vốn tự có, còn lại khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư.

Nói khuyến khích nhưng không dễ chút nào. Hiện mới 2 dự án BOT, Phú Mỹ 1,2 nhưng các dự án khác xin đầu tư nhưng dừng lại vì đòi giá bán cao, ta không mua. EVN không mua vì CP quy định giá bán thấp, làm sao EVN mua. CP đang tính để nâng giá bán lên nhưng hợp lý, ngành điện có lãi hợp lý, thu hút được đầu tư.

Thực ra ngành điện sẵn sàng nhận, nhưng mong CP hỗ trợ thêm vốn. CP hỗ trợ bằng cách đưa bớt dự án sang cho 2 tập đoàn kia đang có vốn đầu tư.

Về câu hỏi đến bao giờ hết độc quyền. Ngành điện độc quyền là sự tự nhiên. Chúng ta ban đầu có 1 tập đoàn điện lực thôi, thống nhất 2 miền cũng 1 ngành điện thôi. Đảng, Chính phủ khuyến khích ngành điện, kêu gọi đầu tư, nhưng chỉ mới phát điện được 2 cái BOT, 1 dự án nưóc ngoài chỉ 300 megawatt nữa. DN điện chỉ 60% còn 40% bên ngoài. EVN vừa sản xuất phần lớn, vừa giữ độc quyền phân phối. Nhà nước độc quyền và giao ngành điện thực hiện.

CP đã giao Bộ Công thương tách truyền tải và phân phối, Bộ đang làm việc này. Nhiều thành phần tham gia sản xuất điện, nhưng CP giữ độc quyền phân phối. Đề án theo tinh thần lập 1 DN để làm. Nhà nước  phải độc quyền phân phối. Việc làm khó, sẽ từng bước tiến tới như vậy.

Về cán bộ, gốc là từ cán bộ, để thành công hay thất bại. DNNN cũng vậy.Về cơ bản, đội ngũ cán bộ chất lượng khá tốt, bên cạnh cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới sẽ rà soát để bố trí lại cho đúng, để thành công. Đó là công việc của cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương.

Thời gian qua, CP đã làm được nhiều việc dưới sự lãnh đạo của Đảng, hỗ trợ của nhân dân, còn nhiều việc chưa làm được, sẽ cố gắng.

Còn không biết thế nào là EVN làm mình làm mẩy. Thực trạng là như thế. Ngành điện cũng đã hết sức cố gắng. 5 năm vừa rồi 4 ngàn kỹ sư điện ra khỏi ngành. Đây là điều trăn trở của Thủ tướng. Ngành điện không chỉ bao gồm Tổng Công ty đặt trụ sở ở Hà Nội mà khắp công trình, các vùng cả nước, các đường dây. Thu nhập khống chế vì là DNNN nên nhiều người ra khỏi ngành.

Sau 3 tiếng đăng đàn, Thủ tướng đã giải đáp được rất nhiều băn khoăn của ĐBQH. 16 ĐB đã bấm nút hỏi nhưng do không có thời gian nên Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản.

  • Lê Nhung - Phương Loan (lược thuật)

     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,