221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1189530
Nghe dân để chống tham nhũng
1
Article
null
Nghe dân để chống tham nhũng
,

 - Các thành viên khối trí thức thuộc Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM cho rằng muốn phòng chống tham nhũng, trước tiên phải dựa vào dân. Trong Ban phòng chống tham nhũng phải có cán bộ hưu trí, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. 

Các ý kiến được đưa ra tại buổi tọa đàm về phòng chống tham nhũng (PCTN) ngày 16/4 tại TP.HCM.

 

Cơ chế "tạo" kẽ hở

 

Bà Huỳnh Thiện Kim Tuyến cho rằng, nguyên nhân chính của tham nhũng là do kiểm tra, giám sát chưa đến nơi đến chốn. Cách phân quyền hiện nay còn quá chồng chéo dẫn đến không cấp nào giám sát được cấp nào.

 

Theo nhiều trí thức thuộc Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM, hiện nay tham nhũng xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, trong tất cả các khu vực, công lẫn tư… có từ thời bao cấp và tăng đáng kể từ thời kỳ đổi mới.

 

 

Bà Huỳnh Thiện Kim Tuyến. Ảnh Đoàn Quý

Một cán bộ trí thức cho biết, việc nhỏ như thu gom rác cũng có “tham nhũng”. Dù mỗi tháng người dân đóng tiền đổ rác đều đặn, nhưng khi có một đống rác to, nếu không cho thêm tiền thì người gom rác cũng chẳng chịu gom. Đó cũng là “tham nhũng”.

Việc đánh giá gần đây nhất về chống tham nhũng cũng vẫn là điệp khúc: đạt một số kết quả bước đầu… kết quả còn rất hạn chế”, ông Hoàng Quốc Tín bức xúc.

 

Ông Tín cho rằng, đánh giá như vậy lúc nào cũng đúng, dễ chấp nhận ở bất cứ thời điểm nào… Nhưng qua đánh giá đó lại làm cho người dân lo lắng vì không ai có thể hình dung ra được bức tranh tham nhũng và chống tham nhũng. Đánh giá đó cũng không cho người dân biết được “hiểm họa” của tham nhũng, chống tham nhũng ì ạch như thế nào và đâu là nguyên nhân cốt lõi của tham nhũng.

 

Lắng nghe nỗi lòng của dân

 

 

Theo bà Trần Thị Thôi (Tô Hiến Thành, P.15, Q.10), phương pháp chống tham nhũng tốt nhất mà nhiều người đã từng nói là phải dựa vào dân, lắng nghe nỗi lòng của dân.

 

“Theo tôi, trong mỗi cuộc giám sát, đại biểu của dân phải “xông” vào những điểm nóng, nơi nhiều oan sai để lắng nghe tiếng nói của dân” - bà Thôi nói.

 

Bà Thôi cho biết thêm, hiện nay đại biểu chủ yếu “lắng nghe” từ cán bộ, “tiếp xúc” với cán bộ, chưa nhiều đại biểu của dân trực tiếp tiếp xúc với dân, vậy làm sao biết được nỗi lòng của dân!

 

Bằng những dẫn chứng cụ thể, ông Bùi Toàn (Đinh Liệt, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú) cho rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước về PCTN rất rõ, triển khai rất tốt. Đến nay có những việc làm được, nhưng cũng có những việc làm chưa được. “Lý do rất đơn giản, chúng ta chưa thực sự dựa vào dân, lắng nghe dân”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Quang cũng cho rằng, chống tham nhũng phải dựa vào dân. Tuy nhiên, phải có cơ chế để cho người dân trực tiếp tham gia vào việc phòng chống tham nhũng. Theo ông Quang, muốn làm được như vậy thì phải có luật phân phối lợi ích lao động, luật bảo vệ những người dân tham gia vào công tác PCTN.

 

Họa hoằn mới có cách chức

 

Theo nhiều cán bộ hưu trí, trí thức thì đã đến lúc cần phải xem lại quyết tâm chống tham nhũng hiện nay đã thật sự đúng mức hay chưa? Vì thực tế cho thấy, qua những vụ việc cán bộ liên quan đến tham nhũng, phổ biến là nhẹ trên nặng dưới, phê bình rút kinh nghiệm, họa hoằn mới có cách chức. Ngoài ra, nhiều vụ việc kéo dài và chìm xuồng mà không ai chịu trách nhiệm.

 

 
Theo ông Tín, quyết tâm PCTN hiện nay chưa thực sự đúng mức. Thái độ chần chừ không kê khai tài sản, tình trạng không phát hiện vụ tiêu cực nào trong đơn vị mình quản lý… là thiếu trách nhiệm, nhưng không ai bị xử lý.
 

Còn giáo sư Trần Vinh Hiển, chuyên khoa Ký sinh - Vi nấm học, bệnh học Nhiệt đới, lại cảm thấy ngạc nhiên về việc tham nhũng xảy ra tại nơi tưởng chừng không thể, đó là ngành giáo dục: “Chuyện chạy bằng cấp, chạy trường làm tôi ngạc nhiên và đau lòng”.

 

Nhiều cán bộ trí thức tham gia tọa đàm kiến nghị bổ sung sửa đổi luật PCTN đã ban hành. Cần sửa đổi điều 44 về nghĩa vụ kê khai tài sản thành tất cả cán bộ Đảng, chính quyền, từ Trung ương đến địa phương, không phân biệt bất cứ chức vụ đều phải kê khai tài sản.

 

 

Sẽ hỗ trợ thực hiện 20 đề án chống tham nhũng

Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại VN sẽ tổ chức vòng chung khảo Ngày sáng tạo Việt Nam 2009 và các hoạt động trao đổi tri thức với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” vào ngày 12-13/5/2009 tại Hà Nội. 

Đây là cuộc thi tìm kiếm các đề án nhằm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm tại cấp cơ sở.

Đã có hơn 150 đề án dự cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam, tập trung vào các chủ đề: Tăng cường cải cách hành chính, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trước người dân, thúc đẩy và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch và chi tiêu ngân sách ở địa phương, đặc biệt là phần ngân sách do nhân dân đóng góp, đẩy mạnh tính công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính...

Nội dung ý tưởng liên quan đến quyền tiếp cận thông tin cũng được khuyến khích như tăng cường nhận thức của người dân và cách tiếp cận thông tin về các chính sách, luật, quy định và ngân sách của Chính phủ, cải thiện sự chủ động từ phía chính quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến người dân như pháp luật về khiếu nại, tố cáo...

Đầu tháng 4, Ban tổ chức cuộc thi sẽ công bố các đề án lọt vào vòng chung khảo. Các tiêu chí đầu tiên để ý tưởng, sáng kiến được lựa chọn là phải có tính sáng tạo, tính khả thi, tính bền vững và khả năng nhân rộng. 

Trong Ngày sáng tạo tổ chức vào tháng 5 này, tác giả các đề án vào vòng chung khảo sẽ trình bày với ban giám khảo các sáng kiến hỗ trợ công tác phòng chống tham nhũng, tăng tính minh bạch và trách nhiệm. Sẽ có khoảng 20 đề án xuất sắc nhất được lựa chọn, mỗi đề án có thể được cấp tối đa 15.000USD để thực hiện.

Thông tin chi tiết về chương trình Ngày sáng tạo VN 2009 được đăng tải trên trang web của Ngân hàng Thế giới: worldbank.org/vn/ngaysangtao, trang web của ngành Thanh tra: thanhtra.gov.vn và trên Báo Thanh tra.

  • Đoàn Quý

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;