221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1211668
Kiên quyết thu hồi 50 dự án sân golf trá hình
1
Article
null
Kiên quyết thu hồi 50 dự án sân golf trá hình
,

 - "Chia lửa" với Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên chiều nay (13/6) trong phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho hay đã kiến nghị với Thủ tướng kiên quyết cho thu hồi 50/145 dự án sân golf. Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc đấu tranh gay gắt với địa phương.

>> Những dự án sân golf và mục tiêu phía sau

>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều 

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: TS

Vẫn bức xúc về việc Hà Nội xóa bỏ Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môncada, Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng hàng đầu khu vực để xây 3 sân golf, ĐB Nguyễn Đăng Vang hỏi: Sân golf  Việt Nam đã nhiều gấp 10 lần bình quân thế giới, vậy có "xóa sổ" dự án sân golf ở đây không và quyền của ai?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, sắp tới Bộ sẽ kiểm tra 3 dự án này, "tinh thần là phải giữ bằng được 2 trung tâm nghiên cứu". Nhưng "vướng" ở chỗ, thẩm quyền cấp sân golf thuộc địa phương, lại chưa có tiêu chí diện tích, quy mô cho sân golf.

Đứng dậy "chia  lửa", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc bổ sung, không thể biến các trung tâm nghiên cứu khoa học thành sân golf.  "Tôi đề nghị, liên quan đến tỉnh nào, Quốc hội phải yêu cầu tỉnh đó xử lý. Bộ không có quyền đình chỉ dự án, chỉ kiểm tra, kiến nghị".

Như vậy, với các chất vấn dồn dập về sân golf chiều nay, hai bộ trưởng Tài nguyên và KH&ĐT lần lượt cùng chia nhau trả lời.

Phải đền bù theo mục đích kinh doanh bất động sản

Hai vấn đề "nóng" là xây sân golf trên đất lúa và kinh doanh sân golf trá hình.

Theo ông Phạm Khôi Nguyên, sau khi phân cấp về cho địa phương, số dự án được cấp trong 2 năm tăng gấp 3 lần so với 14 năm trước đó.

Trước ngày 1/7/2006, các dự án do Chính phủ cấp đều được thẩm định chặt chẽ: Sân golf có nằm trong phần quy hoạch đất cho khu vui chơi, giải trí, thể thao không? Xử lý tài nguyên khoáng sản dưới đó thế nào? Nguồn nước ra sao và cuối cùng là tác động môi trường.

Bộ trưởng Nguyên cho hay, khi phân quyền cho địa phương, vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể về sân golf trên cả nước cũng như quy hoạch quỹ đất sân golf. Hậu quả: Hầu hết địa phương đều cấp đất xây sân golf trong quỹ đất chung dành cho công viên, khu du lịch, vui chơi, giải trí.

Trước mắt, Bộ KH&ĐT cần hoàn thành quy hoạch phát triển sân golf. Từ đó mới có căn cứ để rà soát.

Bộ TN&MT đã đề nghị tạm dừng cấp phép cho dự án mới, thu hồi lại phần đất lúa của các dự án. Vì hiện nay, đa số sân golf đều vượt quá diện tích, chẳng hạn, sân 18 lỗ có diện tích ước khoảng 100ha, nhưng có sân lên tới 300ha.

Với các dự án kinh doanh địa ốc trá hình, ông Nguyên cho rằng, nhà đầu tư phải trả tiền theo đúng giá đền bù cho mục đích kinh doanh bất động sản. Hoặc, kiên quyết thu hồi để điều chỉnh đúng quy hoạch.

"Rất nhiều dự án trá hình" 

Khu vực đồng bằng sông Hồng hiện đang có 33 sân golf, sẽ loại bỏ 14 dự án. Riêng Hà Nội sẽ có 10 dự án bị xóa sổ.

Khu vực miền núi Bắc bộ có 19 dự án, sẽ loại bỏ 7. Bắc Trung Bộ: có 57 dự án, thu hồi 17.  Tây Nguyên: 13 dự án, nay còn 11. Đông Nam Bộ có 37 dự án, bỏ 11. Đồng bằng sông Cửu Long 7 dự án, không bỏ dự án nào.

Do đụng đến trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã đứng lên "chia lửa". Bộ đã rà soát xong hệ thống sân golf, ngày 2/6 đã trình Thủ tướng đề án về quy hoạch.

Theo đó, trong 166 dự án, đã có 145 dự án được cấp đất, 84 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư. Rất nhiều dự án trá hình xây khu đô thị, khu công nghiệp.

Đáng chú  ý, đất cấp cho 145 dự án lên tới 52.700ha, nghĩa là bình quân mỗi sân rộng tới 300ha. Trong số đó, có tới 10.500 ha chiếm dụng đất nông nghiệp.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết đã kiến nghị với Thủ tướng loại bỏ 50 dự án sân golf không đúng mục đích, chỉ giữ lại 116 dự án, nhưng  "đây là cuộc đấu tranh gay gắt với địa phương vì các nơi đã cấp dự án đều muốn giữ lại".

Sắp tới, sẽ có tiêu chuẩn rõ ràng về sân golf. Chẳng hạn, sân không được rộng quá 100ha. Riêng với những sân địa hình khó khăn như đồi núi, sông hồ thì cho mở rộng thêm 10%.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết đứng lên: "Xin công khai tỉnh thành nào, tập đoàn kinh tế nào có nhiều dự án sân golf nhất? Có phải Hà Nội 19 sân, Vinashin có 5 dự án sân golf không?".

Bộ trưởng đáp lời, 41/63 tỉnh có sân golf. Trong đó Hà Nội và Bình Thuận nhiều nhất, với 19 dự án. Bà Rịa, Vũng Tàu 14 sân, Lâm Đồng 11, Khánh Hòa 9 sân.

Cho rằng để lại 116 dự án vẫn nhiều, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) mong làm rõ trách nhiệm địa phương với các dự án cấp đất sai mục đích. Hiện có 116 sân golf, liệu có giảm nữa không để cứu đất bờ xôi ruộng mật đã mất? Đối với các tỉnh vi phạm về cấp phép sân golf, xử lý như thế nào?

Theo ông Phúc, vừa qua, DN đã lợi dụng kẽ hở pháp luật nên đã chạy đi tìm diện tích đất với mục đích kinh doanh dịch vụ giải trí để được cấp đất giá rẻ. Việc đình chỉ rất phức tạp, vì tỉnh đã phê duyệt, cấp đất nên phải có tiêu chí loại bỏ. Thủ tướng đã yêu cầu đình chỉ, và trách nhiệm là của tỉnh. 

         Nước thải bô-xít không ảnh hưởng tới Nam Bộ

Liên quan đến dự án khai thác bô-xít, ĐB Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) lo ngại, nước thải công nghiệp khai thác bô-xít Tây Nguyên liệu sẽ đi về đâu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước và đất cho vùng hạ du không?

Bộ trưởng TN&MT đáp, nguyên tắc chung về sử dụng nước của 2 dự án Tân Rai, Nhân Cơ là dùng phương pháp tuần hoàn, tức là thải nước bao nhiêu, sau khi thải xử lý thì sử dụng lại toàn bộ nước thải đó. Về cơ bản, nước thải này không ảnh hưởng xuống vùng miền Tây Nam bộ cũng như miền Trung Trung bộ.

Với Tân Rai, sẽ xây dựng một hồ chứa nước công suất 17,5 triệu mét khối, giải quyết hai mục tiêu, vừa cho nhà máy, vừa cho dân sinh.

Dự án Nhân Cơ hiện cũng chuẩn bị một hồ chứa nước có tên Cầu Tư, công suất xấp xỉ 20 triệu mét khối.

"Như vậy là không hề ảnh hưởng gì. Hai hồ chứa này không những phục vụ nước cho hai nhà máy bô-xít mà còn giúp cho dân cư xung quanh và tưới tiêu thủy lợi", ông Nguyên quả quyết.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,