- Cuối tuần qua, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán vòng 4 Hiệp định khung về hợp tác và đối tác toàn diện (PCA). Hiệp định này sẽ thay thế Hiệp định hợp tác năm 1995 giữa EU và Việt Nam.
Ông James Moran, Cục trưởng Cục châu Á, Tổng vụ đối ngoại Ủy ban châu Âu trao đổi với phóng viên về kết quả phiên đàm phán:
Hai bên có ý chí chính trị mạnh mẽ quyết tâm kết thúc đàm phán. Dự kiến, đàm phán PCA sẽ kết thúc vào năm tới, nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEM diễn ra tháng 10 tại Brussels, Bỉ.
Ông James Moran: EU và Việt Nam đã đi được nửa chặng đường đàm phán PCA. Ảnh:XL
Nhìn bức tranh tổng thể, hai bên đã đi được nửa chặng đường. Đàm phán trong các lĩnh vực đã có những tiến triển rõ ràng. Cả EU và Việt Nam đều tỏ thái độ tích cực, năng động trong quá trình đàm phán.
Mức độ tham vọng thực chất của EU trong thảo luận một hiệp định đối tác mới với Việt Nam, thay thế hiệp định cũ năm 1995 như thế nào, so sánh với các nước khác trong ASEAN?
Tham vọng của chúng tôi là đưa hợp tác EU - Việt Nam lên nấc thang mới. Hiệp định hợp tác năm 1995 chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, gần 15 năm sau, nội bộ EU đã có nhiều thay đổi lớn cũng như Việt Nam đã đi một chặng đường phát triển. Với Hiệp định đối tác hợp tác mới, kinh tế, thương mại vẫn là lĩnh vực hợp tác quan trọng, chủ yếu nhưng mở thêm nhiều lĩnh vực hợp tác mới, toàn diện hơn.
Trước đây, hai bên không bàn về vấn đề di cư thì nay EU và Việt Nam cùng chia sẻ sự quan tâm chung trong vấn đề này. Hai bên cũng bàn hợp tác trong lĩnh vực an ninh, chống khủng bố, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, quản lý biên giới... PCA sẽ là chìa khóa để mở cửa hợp tác mới giữa EU và Việt Nam.
PCA có đề cập khía cạnh hợp tác mới mẻ hơn trong lĩnh vực trao đổi truyền thống: kinh tế, thương mại, nhất là khi EU và Việt Nam vốn đã đạt thành tích trở thành những đối tác, bạn hàng lớn của nhau rồi, thưa ông?
Đúng vậy, EU và Việt Nam đã có quan hệ rất tốt về thương mại và chúng tôi nhìn thấy còn nhiều cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ trong lĩnh vực này tốt hơn. Trong đàm phán PCA, hai bên đã đề cập và đạt đồng thuận nhất định về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại. Bên cạnh PCA, EU cũng đề cập với Việt Nam về Hiệp định FTA để hướng tới tự do hóa thương mại.
Vậy Việt Nam đã xác nhận sẽ đàm phán chính thức FTA với EU chưa, nhất là trong bối cảnh đàm phán FTA giữa EU và ASEAN vừa qua bị đình lại?
Chúng tôi quan tâm các lựa chọn, cả đàm phán FTA giữa ASEAN với EU và giữa EU với Việt Nam trên cơ sở khu vực. EU nhận thấy những lợi ích từ đàm phán khu vực cũng như song phương đối với Việt Nam. Chúng tôi mong mỏi có được tiến triển ở cả hai phương diện đàm phán với ASEAN và song phương với Việt Nam.
Trong đàm phán thương mại và đầu tư, hai bên có nhắc đến chống tham nhũng trong các dự án ODA hoặc vấn đề tài trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam?
Có, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề trong khuôn khổ đàm phán PCA. Trong những năm tới, ODA vẫn là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. EU đã thảo luận thẳng thắn với Việt Nam về chống tham nhũng trong ODA và nhận được những tín hiệu tích cực từ phía Việt Nam. Việt Nam đã có những tín hiệu tiến triển tốt trong lĩnh vực cải cách công. Chúng tôi muốn nhấn mạnh cần duy trì, tăng cường hơn nữa sự minh bạch.
Sau hồi phục kinh tế, EU chắc chắn vẫn cần thêm nguồn lao động từ bên ngoài. PCA có tạo khuôn khổ để Việt Nam có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu lao động sang thị trường EU? Nhu cầu tiếp nhận lao động ở thị trường Việt Nam như thế nào?
EU luôn muốn tạo điều kiện thuận lợi đón nhận lao động tham gia thị trường châu Âu, tạo sự di chuyển tự do của các nguồn lao động. Năm nay, EU chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nặng nề. Chúng tôi hy vọng tình hình năm sau sẽ tốt hơn. EU quan tâm và thảo luận vấn đề lao động trong PCA.
-
Xuân Linh