221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1231329
Đổi mới cách làm luật, dân hết "mù tịt" thông tin
1
Article
null
Đổi mới cách làm luật, dân hết 'mù tịt' thông tin
,

 - 7h sáng một ngày đầu tháng 8, ông Đỗ Quang Nghệ, 72 tuổi đã có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc). Đoàn công tác của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội hôm đó tổ chức tham vấn ý kiến người dân về dự án Luật người khuyết tật ngay tại xã.

Mô tả ảnh.
ĐBQH lấy ý kiến những người tàn tật phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: LN

Nhiều người khuyết tật nặng hơn cũng chống nạng, ngồi xe lăn hoặc nhờ người nhà đưa đến dự.

Tại đây, ông Nghệ và những người tàn tật ở xã Thanh Vân được phát một tập tài liệu giới thiệu về luật kèm theo các câu hỏi. 

Cởi mở

Dưới hình thức thảo luận theo từng nhóm nhỏ, ông Nghệ và những người tàn tật khác lần lượt trao đổi với các đại biểu Quốc hội và nhóm chuyên gia dự án về chuyện họ mưu sinh thế nào, cần được hỗ trợ những gì.

"Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, lại về luật liên quan đến chúng tôi. Vì thế nên mọi người đều rất cởi mở, nói được nhiều tâm tư. Giá như tất cả các chính sách pháp luật nhà nước xây dựng cho nhân dân đều được tuyên truyền rộng rãi như thế này", ông Nghệ giãi bày.

Theo thông tin mà đoàn ĐBQH cung cấp, Nhà nước đã có nhiều chính sách về người khuyết tật nhưng hầu như ông Nghệ và những người tàn tật ở Thanh Vân cũng chỉ biết chung chung là hàng năm được hỗ trợ một chút ít tiền. Họ cũng "mù tịt" thông tin về các dự án cứu trợ dành cho người tàn tật, chương trình hỗ trợ việc làm, dạy nghề.

Chủ nhiệm hợp tác xã Hùng Nhung, anh Nguyễn Văn Hùng, có nguyện vọng trong Luật Người khuyết tật phải nêu rõ các chế độ hỗ trợ với người khuyết tật tự tạo được việc làm.  Đơn vị của anh chuyên cung cấp cây, con giống nhưng anh không nhận được sự hỗ trợ nào cả về vốn, hay ưu đãi thuế.

Những người làm chính sách thì mong muốn luật sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ đào tạo cho người khuyết tật để họ tự tạo công ăn việc làm.

Kết thúc buổi tham vấn cộng đồng tại xã Thanh Vân, chiều cùng ngày, Ủy ban các vấn đề xã hội tiếp tục gặp gỡ với những người khuyết tật ở phường Đồng Tâm (TP Vĩnh Yên).

Ngoài việc lấy ý kiến tại cộng đồng dân cư, hoạt động tham vấn của Ủy ban các vấn đề xã hội sẽ còn được tổ chức ở nhiều địa phương thông qua các hình thức khác như lấy ý kiến qua các phương tiện thông tin đại chúng, điều tra xã hội học, tổ chức hội nghị chuyên đề ở các vùng miền và toàn quốc...

Một văn bản pháp luật quan trọng khác cũng sẽ được ủy ban tổ chức tham vấn công chúng là tình hình thực hiện pháp luật về lao động nữ, nhằm phục vụ công tác thẩm tra Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Như vậy, một nhóm hoạt động tham vấn sẽ hướng vào mục đích xây dựng văn bản pháp luật; một nhóm khác hướng tới mục đích giám sát việc thực thi pháp luật.

Chia sẻ

Mô tả ảnh.
Đại diện lãnh đạo các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc trong buổi tham vấn. Ảnh: LN

Tham vấn công chúng thực chất là lấy ý kiến của người dân trong việc xây dựng và thực thi chính sách. Việc này đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan có liên quan phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận, đóng góp ý kiến trong thời gian 60 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quy định là vậy, song điều này vẫn chưa được thực hiện triệt để, khiến nhiều văn bản luật khi triển khai không hiệu quả, vấp phải sự phản ứng của người dân. Nhiều luật mới được thông qua đã phải chỉnh sửa.

Vì vậy, hoạt động tham vấn công chúng của Ủy ban các vấn đề xã hội QH lần này, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, có khá nhiều nét mới.

Chẳng hạn, công khai với báo chí về kế hoạch tổ chức để người dân chủ động tham gia. Việc áp dụng nhiều hình thức tham vấn khác nhau dành cho nhiều đối tượng cũng làm cho hoạt động này thiết thực và hiệu quả hơn. Việc người dân được góp phần xây dựng chính sách cũng sẽ giúp họ thực hiện chính sách tốt hơn.

Các thành viên tham gia đoàn khảo sát cũng cho rằng việc thảo luận theo từng nhóm nhỏ giúp người dân dễ dàng chia sẻ, nói thật hơn và mạnh dạn kiến nghị nhiều vấn đề hơn. Những người làm chính sách ở địa phương cũng có cơ hội cởi mở chia sẻ những chỗ còn vướng và kiến nghị sửa những điểm bất khả thi.

Điều này sẽ không có được ở những cuộc tiếp xúc cử tri thông thường, khi mà thời gian thì eo hẹp và thành phần tham gia cũng phần nào được "gạn lọc".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Lương Phan Cừ tâm tư: "Qua tham vấn cộng đồng mới thấy việc tuyên truyền pháp luật lâu nay làm chưa đến nơi đến chốn khiến dân không hiểu. Chẳng hạn, có nhiều chính sách với người tàn tật chứ không chỉ có hỗ trợ bằng tiền. Chính sách đúng nhưng không ai tuyên truyền, thì chính sách còn nằm "chết" ở đấy".

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,