221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1247077
"Không nên đổ hết lỗi cho thủy điện"
1
Article
null
Bộ trưởng Công Thương:
'Không nên đổ hết lỗi cho thủy điện'
,

- Đúng là cần đánh giá lại vai trò của thuỷ điện nhưng không nên đổ hết lỗi cho thuỷ điện - Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh khi các đại biểu QH chất vấn sáng 18/11.

Đã có dự án bị "tuýt còi"

Duy nhất chỉ có đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên) chất vấn ông Vũ Huy Hoàng về vấn đề thủy điện, song, tính thời sự nóng hổi buộc Bộ trưởng Công Thương phải dành đến gần 1 tiếng đồng hồ để giải trình, với sự hỗ trợ của Bộ trưởng TN-MT. 

Đại diện cho địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 11 vừa qua, ông Võ Minh Thức cho rằng, nếu các công tình thủy điện nhỏ đều không có khả năng điều tiết lũ hoặc giảm nhẹ vai trò này, tỉnh sẽ thường xuyên đối mặt nguy cơ ngập lụt. 

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Bộ Công Thương chỉ kiểm tra được 1/3 trong tổng số 35 tỉnh, thành có quy hoạch thủy nhỏ và vừa. Ảnh: TTXVN

Ông hỏi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về tình trạng các DN "tranh nhau" làm thủy điện: "Có phải làm thủy điện đem lại lợi nhuận cao, hay được nhiều ưu đãi từ Nhà nước? Liệu có phải các công ty đầu tư qua đó tranh thủ kiếm lời nhờ niêm yết trên thị trường chứng khoán, còn hạch toán lỗ lãi thế nào không biết? Bộ trưởng có kiểm tra và trao đổi với các địa phương có nhất thiết phải làm thủy điện không?".

Vấn đề này tuy Bộ trưởng Hoàng đã trả lời khi QH thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng trao đổi với báo giới để làm rõ hơn, song một lần nữa, ông khẳng định, các nhà máy thủy điện hiện đều triển khai trên quy hoạch được duyệt. Trong đó, các địa phương đều tham gia công tác lập và triển khai quy hoạch.

Song, ông thừa nhận đúng là việc kiểm tra, rà soát thực hiện theo quy hoạch thời gian qua còn hạn chế. "Riêng Bộ Công Thương chỉ kiểm tra được 1/3 trong tổng số 35 tỉnh, thành có quy hoạch thủy nhỏ và vừa".

Qua kiểm tra, phát hiện một số vấn đề phải xem xét, bổ sung, chỉnh sửa vì "quy hoạch không phải là bất biến và diễn biến thời tiết khác xa với dự báo".

Ông phân bua rằng, "nên có cách nhìn công bằng" về thủy điện, nhất là ở miền Trung. Ngoài lợi ích thiết thực, khách quan mà nói, địa hình miền Trung rất dốc, hẹp, vừa mưa lũ xong có thể hạn ngay. Hơn nữa, số liệu quan trắc trên sông khác xa thực tế khi 70% lượng nước trên sông phụ thuộc bên ngoài, còn số liệu quan trắc chỉ ở trong nước.

Ngoài ra, ông Hoàng cho biết, trong số 335 dự án ở miền Trung (trong tổng số 800 thủy điện vừa và nhỏ cả nước), đa số công trình đều nằm ở vùng sâu, xa, hiểm trở, vất vả... nên không phải tất cả DN đều chạy theo lợi nhuận. Thậm chí, nhiều người đã hy sinh khi làm thủy điện (như ở Bản Vẽ, Sông Đà).

"Đúng là cần đánh giá vai trò nhưng không nên đổ lỗi hết cho thủy điện", ông nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng giải thích thêm về tình trạng lũ nặng nề ở Phú Yên, bởi "3 huyện ngập lụt nặng nhất không phải là địa bàn có thủy điện hoạt động". Qua kiểm tra, quá trình vận hành thủy điện Ba Hạ đảm bảo đúng nguyên tắc, tuy chỉ cắt lũ được một phần (6%).

Nói vậy nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, cần xem xét kỹ hơn quy trình vận hành, đặc biệt là vận hành liên hồ chứa, trong đó có hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Tới đây, nếu phát hiện sai sót, Bộ sẽ yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa. Bước đầu, một số dự án đã bị "tuýt còi" như Đắk Mi 4, A Chò... do chiếm đất nhiều, mất rừng, hiệu quả không cao.

Bộ trưởng TN-MT: Cần xem lại quy hoạch thủy điện

Về phía ngành TN-MT, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói thêm, muốn làm dự án, chủ đầu tư phải qua 2 lần báo cáo đánh giá tác động môi trường, thuyết minh 7 yêu cầu.

Quy định ngặt nghèo là vậy nhưng vẫn có những dự án vi phạm: Lấy đất rừng nhưng việc tìm đất để trồng bù lại rừng không có; lòng hồ còn chất độc và công tác di dân tái định cư chưa đảm bảo; thực hiện quy trình vận hành chưa tốt, một số rất ít để hạ lưu bị cạn, không duy trì được dòng chảy tối thiểu.

Do vậy, cũng cần xem xét lại quy hoạch, bởi biến đổi khí hậu tác động rất mạnh đến Việt Nam gần đây. Hoặc các địa phương phải rà lại xem đất có còn để trồng bù rừng đã mất hay không, nếu không tái tạo được diện tích rừng đã mất thì kiên quyết không làm.

Tới đây, ngành TN-MT cũng nâng cấp hệ thống quan trắc. Ngoài ra, Bộ cũng hợp tác với Trung Quốc trong việc trao đổi số liệu quan trắc mực nước sông.

Sẽ thắt chặt kinh doanh xuất khẩu gạo 

Có đến 4 vị đại biểu chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về chuyện xuất khẩu gạo, cách điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng như việc thành lập công ty con tại Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

2 dự án bô-xít nằm trong tầm kiểm soát

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hoà) về vấn đề bô-xít, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo kết quả kiểm tra mới đây của Bộ, dự án Tân Rai (Lâm Đồng) triển khai đúng tiến độ, không để các vấn đề xảy ra liên quan đến an toàn, trật tự xã hội, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2010.

Dự án Nhân Cơ (Đăk Nông) thì cần đánh giá, kiểm tra lại kiệu quả kinh tế, "nếu có mới triển khai tiếp", đặc biệt là kiểm tra về ảnh hưởng môi trường. Đến nay, Tập đoàn Than - Khoáng sản cũng đã kiểm tra hiệu quả, thông số đầu vào và đầu ra chênh lệch không lớn so với con số ban đầu. Sau khi kiểm tra kỹ, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ.

Nhìn chung, "hai dự án đang triển khai theo đúng yêu cầu và nằm trong tầm kiểm soát".

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, năm 2008, Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực. "Bộ Công Thương không có bất kỳ thông tin chính thức gì về việc Hiệp hội có động cơ ghìm giá để thu lợi cho mình".

Về công ty con của Vinafood 2 tại Singapore, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, tới đây sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương kiểm tra chặt chẽ hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) quan tâm đến giá sàn thu mua lúa gạo con nông dân, quy định ở mức 3.800 đồng/kg để đảm bảo người dân có lãi ít nhất 30%, "điều này có là thực tế không, khi bà con phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và kết quả làm giàu cho thương lái?"

Cùng chất vấn trên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) còn đặt vấn đề, trách nhiệm của Bộ và giải pháp như thế nào khi xuất khẩu gạo đạt 6-6,2 triệu tấn nhưng số lượng tăng trên 36% mà giá trị giảm tới 38%? "Có phải do có quá nhiều DN xuất khẩu gạo không, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh và bán phá giá?"

Gộp các vấn đề lúa gạo lại để trả lời, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận "đúng là mức giá thu mua lúa chưa phù hợp do việc quy định giá sàn cũng gặp khó khăn".

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nói thêm, tới đây, các bộ, ngành sẽ bàn bạc thống nhất với các tổng công ty lương thực lớn hình thành quỹ đảm bảo mua lúa cho nông dân theo mức giá sàn, tháng 12/2009 sẽ ban hành quy chế thực hiện. Khi giá thấp sẽ lấy quỹ này ra hỗ trợ mua lúa chứ không lấy ngân sách ra bù lỗ nữa.

Còn trong số 205 DN cả nước đang kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Vũ Huy Hoàng nói rằng cũng chỉ tập trung 11 DN lớn, chiếm 70%; còn lại là nhỏ và chỉ xuất được khoảng 10.000 tấn/năm. "Hạn chế là có DN không có kinh nghiệm kinh doanh, không có kho dự trữ... nên dẫn tới tranh mua tranh bán, bán phá giá... thiệt hại cho bà con".

Tới đây, nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương soạn thảo sẽ thắt chặt hơn và xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Về xăng dầu, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) phản ánh, trong khi giá xăng thế giới tăng trong nước tăng kip thời, nhưng khi giảm thì trong nước giảm rất chậm.

Cả hai Bộ trưởng Công Thương và Tài chính đều khẳng định, nghị định 84 thay thế nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu sẽ giải quyết được hạn chế này. Khi đó, giá xăng biến động trong phạm vi nhất định, DN được tự điều chỉnh không phải hỏi cơ quan Nhà nước. "Nếu có biến động đột biến, Nhà nước sẽ can thiệp". 

           Công nghiệp điện tử thoi thóp

TS. Trần Du Lịch (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM) nói ông đọc được tin "rất buồn" rằng ngành công nghiệp điện tử VN sống thoi thóp, trở về con số 0, gia công hàng Trung Quốc với giá rẻ mạt để tồn tại.

"Chính sách phát triển đều xác định đây ngành trọng điểm, trách nhiệm của Bộ Công Thương đến đâu?".

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích chung chung do chính sách chiến lược có vấn đề, việc này có trách nhiệm của Bộ Công nghiệp trước đây, nay là Bộ Công Thương. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ với sản phẩm điện tử nhưng do cạnh tranh quá gay gắt nên cần tiếp tục hỗ trợ về cơ chế chính sách để phát triển. Ngoài ra, nguồn nhân lực rất thiếu.

Đại biểu Trần Du Lịch không đồng tình và chất vấn thêm: Nhiều ngành khác như cơ khí, ôtô cũng không khá hơn. Thái Lan đã vươn lên vị trí 14 thế giới về sản xuất ôtô, xe tải nhẹ 90% nội địa hoá, xe khách là 70%.

"Chúng ta đã không chuẩn bị kỹ khi hội nhập mà bình chân như vại. Cũng không thể nay làm chính sách, mai làm chính sách trong khi các ngành đang chết dần chết mòn", ông Lịch nói.

 

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,