221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1259997
Mỗi năm, Việt Nam trả nợ ODA Nhật 4.000-5.000 tỷ đồng
1
Article
null
Mỗi năm, Việt Nam trả nợ ODA Nhật 4.000-5.000 tỷ đồng
,

- Tại cuộc họp báo tổng kết năm 2009 và giới thiệu các dự án mới năm 2010 ngày 25/1 tại Hà Nội, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam Motonori Tsuno cho hay trung bình mỗi năm Việt Nam có thể phải dành 20-25 tỷ yên (tương đương 4.000-5.000 tỷ đồng) trả nợ ODA cho Nhật.

>> Việt Nam bắt đầu trả nợ ODA cho Nhật Bản

Mô tả ảnh.
Trưởng đại diện JICA. Ảnh: PT
Nguồn vốn vay ODA từ Nhật Bản cho Việt Nam bắt đầu từ 44,5 tỉ yên khi nối lại vào năm 1992 và đạt mức 202 tỉ yên (hơn 2 tỉ USD) năm 2009.

Mức cam kết ODA năm 2009 đạt kỷ lục, đưa Việt Nam trở thành nước nhận vốn vay ODA lớn nhất trong các nước đang phát triển mà JICA đang hỗ trợ.

Đồng thời, 2009 cũng là năm đánh dấu tổng số vốn ODA thực hiện đạt kỷ lục với 121,5 tỉ yên, trong đó tổng thực giải ngân trừ trả nợ gốc là 100,7 tỉ. Như vậy, trong năm 2009, Việt Nam đã trả nợ ODA cho Nhật Bản gần 21 tỉ yên.

Theo ông Motonori Tsuno, khi thực hiện cam kết vốn vay cho một dự án, JICA không giải ngân ngay toàn bộ khoản tiền đó mà chi dần trong khoảng thời gian thi công (từ 5-7 năm). "Khi lượng vay càng nhiều, số tiền phải trả nợ càng lớn. Mỗi năm khoản trả nợ theo đó cũng sẽ càng nhiều lên".

Ước tính của JICA cho hay, trong giai đoạn hiện tại, mỗi năm Việt Nam phải trả nợ khoảng 20 đến 25 tỉ yên. Tuy nhiên, Trưởng đại diện JICA khẳng định Nhật Bản không lo lắng về năng lực trả nợ của Việt Nam.

Đề cập về mức cam kết ODA năm nay, ông Motonori Tsuno cho rằng, nếu nền kinh tế Việt Nam không còn quá khó khăn, Việt Nam có thể sẽ không cần đến khoản viện trợ khẩn cấp, mức cam kết theo đó sẽ khó có thể vượt con số 202 tỷ yên. Năm 2009, trong khoản viện trợ ODA dành cho Việt Nam, có 500 triệu USD là viện trợ khẩn cấp giúp Việt Nam đối phó khủng hoảng, suy giảm kinh tế.

“Cá nhân tôi cho rằng và mong rằng, kinh tế Việt Nam không còn cần viện trợ khẩn cấp nữa. Nếu không có khoản viện trợ khẩn cấp, ODA cam kết trong năm 2010 không thể vượt tổng viện trợ của năm 2009”, ông Motonori Tsuno nói.

Đáng chú ý, trong năm 2010, có nhiều dự án ODA giữa hai nước sẽ tiến hành theo phương thức kết hợp giữa nhà nước và tư nhân (PPP). Theo ông Motonori Tsuno, trừ một số dự án vốn vay có mục đích chuyển giao công nghệ của Nhật với điều kiện ràng buộc chỉ doanh nghiệp Nhật mới được tham gia, các dự án thông thường đều cho phép doanh nghiệp thuộc các quốc tịch khác nhau tham gia đấu thầu.

Dự án ODA đầu tiên theo mô hình kết hợp PPP là xây dựng cảng mới Lạch Huyện cho miền Bắc. Nguồn vốn vay ODA của Nhật sẽ được sử dụng để xây dựng hạ tầng cơ bản và kêu gọi tư nhân đảm nhận phần trang thiết bị và vận hành khai thác.

Trong năm 2010, nhiều dự án ODA quan trọng khác sẽ được triển khai. Ngay tháng 3 tới, JICA sẽ ký với Việt Nam Hiệp định vốn vay cho hai dự án quan trọng là nhà ga mới cho sân bay Nội Bài và đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân. Hai nước cũng sẽ ký Hiệp định vốn vay cho giai đoạn 1 của dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhật Bản sẽ thúc đẩy thực hiện dự án cầu Nhật Tân (hay còn gọi là cầu hữu nghị Việt - Nhật), hợp phần đường dẫn còn lại của cầu Thanh Trì và vành đai 3. JICA đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện tuyển chọn tư vấn để thiết kế chi tiết cho dự án đường sắt nội đô tuyến Gia Lâm - Giáp Bát (dự kiến hoàn tất 2017) và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (dự kiến hoàn tất năm 2020).

  • Thủy Hương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,