221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1274701
Hà Nội quyết tâm hết tắc đường vào năm 2030
1
Article
null
Hà Nội quyết tâm hết tắc đường vào năm 2030
,

- Theo Nghị quyết được HĐND TP Hà Nội thông qua hôm nay, năm 2030, Thủ đô sẽ hết tắc đường.

Sáng nay (20/4), HĐND TP Hà Nội đã cho ý kiến về chiến lược và quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020, định hướng đến 2030.

160 tỷ USD cho 10 năm

Để trở thành đô thị văn minh, hiện đại với 5 đô thị vệ tinh, thu nhập bình quân đầu người 12.000 USD vào năm 2030, Hà Nội dự tính trong 10 năm tới cần huy động 160 tỷ USD đầu tư phát triển.

Mô tả ảnh.
Đại biểu Ngô Văn Ny. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại biểu Trần Trọng Hanh cho rằng để có 160 tỷ USD cho hai giai đoạn phát triển tới đây là rất khó, "nếu không đảm bảo được nguồn lực, sẽ rất khó cho việc thực hiện mà thực tế đã có nhiều bài học".

Ông Hanh đưa ra dẫn chứng sau 10 năm thực hiện quy hoạch, đường Láng - Hòa Lạc vẫn còn dang dở, Đại học Quốc gia chưa giải phóng mặt bằng, Làng văn hóa các dân tộc đã có mặt bằng, nhưng vẫn để đó…

Đại biểu Phạm Thị Loan lại cho rằng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thiên về trung tâm dân cư, kinh tế, trong khi nhiều vấn đề khác không có số liệu cụ thể, không có giải pháp.

Bà Loan lấy dẫn chứng về vấn đề ngập úng, thoát nước vốn gây bức xúc dư luận đến khi nào sẽ giải quyết được, về đường xá sẽ làm thêm bao nhiêu mét và sẽ đạt tỉ lệ như thế nào?...

Theo bà Loan, "phải có số liệu cụ thể để chứng minh cũng như các giải pháp đưa ra mới có thể thuyết phục mọi người, rằng chiến lược thành phố vẽ ra là thực, chứ không phải là bức tranh mờ ảo".

Về giải pháp thực hiện, đại biểu Ngô Văn Ny cho rằng cần phải đặc biệt lưu tâm khâu cán bộ vì "suy cho cùng, có nghị quyết rồi, có chiến lược rồi, có kế hoạch rồi nhưng cán bộ bố trí không tốt, vẫn tư duy nhiệm kỳ thì không thể thực hiện đến nơi đến chốn được".

"Thực tế là đã có nhiều phong trào, nhiều việc chúng ta chủ trương đúng nhưng rồi chỉ như "đá ném ao bèo", rộ lên một thời gian rồi đâu lại vào đấy", ông Ny nói.

Nặng tính khẩu hiệu

Theo tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội xác định là Thành phố - Thủ đô, đô thị đặc biệt, giàu, đẹp, văn hiến, văn minh, thanh lịch, dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.

Hà Nội sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đa dạng, đồng bộ, liên hoàn, hợp lý, hiện đại. Vận tải hành khách công cộng đa dạng, hiện đại, văn minh, tiện lợi và an toàn.

Hệ thống cấp điện, cấp thoát nước hiện đại và sẽ không còn tình trạng ngập úng kéo dài. Có đủ các công trình văn hoá, nghệ thuật, cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế và nhà ở cho người dân.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Trao đổi với VietNamNet bên hành lang cuộc họp, đại biểu Bùi Thị An cho rằng "chiến lược đưa ra vẫn mang nặng tính khẩu hiệu".

"Các mục tiêu đưa ra vẫn rất chung chung và chủ yếu là định tính", thành viên Ban Pháp chế HĐND TP Bùi Thị An nói.

Phát biểu trong hội trường sau đó, bà An nhấn mạnh Thủ đô có rất nhiều tiềm năng về chất xám nên cần nhấn mạnh mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo có chất lượng cao… “Nếu không đi đầu về những lĩnh vực này, Hà Nội không thể đi đầu về những lĩnh vực khác”.

Liên quan đến mục tiêu về nhà ở, đại biểu Ngô Văn Ny cho rằng, đạt 26 - 28m2/người vào năm 2015, 31m2/người năm 2020 chỉ là… “xây”. Bởi lẽ, theo ông Ny, vấn đề quan trọng là những người có thu nhập thấp, trung bình liệu có mua được nhà?.

“Nếu chỉ xây dựng bỏ đấy hoặc rơi vào tay một số người giàu, rồi đem chia trung bình thì con số đó không có nhiều ý nghĩa”, ông Ny băn khoăn.

Cũng theo ông Ny, mục tiêu đến năm 2030 không còn tắc nghẽn giao thông là quá chậm: “Chẳng nhẽ phải mất đến 20 năm, tức 4 lần kế hoạch 5 năm chúng ta mới giải quyết được bức xúc này?”.

Trưa nay, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết với 110/159 đại biểu có mặt tán thành.

Quy mô dân số của Thủ đô Hà Nội đạt 8 triệu người vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa 54%. Năm 2030, các con số này là 9 triệu người và 70%.

Hà Nội sẽ được tổ chức không gian theo chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm hạt nhân và 5 đô thị vệ tinh, 13 thị trấn.

Ngoài ra, phát triển các đô thị đối trọng để đảm trách các chức năng trung tâm của một số ngành dịch vụ, công nghiệp có bán kính 50-60km như Hải Dương, Hưng Yên, Phú Lý, Hòa Bình, Việt Trì...

UBND Hà Nội đã đưa ra mục tiêu kinh tế tăng trưởng khá cao, với tổng sản phẩm trong nước hàng năm đạt 9-10% thời kỳ 2011-2020 và 7,5%-8,5% giai đoạn 2021-2030.

GDP bình quân đầu người đạt đến 5.300 USD vào năm 2020 và 12.000 USD năm 2030 (năm 2008, GDP bình quân đầu người chỉ xấp xỉ 1.700 USD).

  • Cao Nhật
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,