221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1282198
Có tiền án xâm phạm trẻ em, đừng cho nhận con nuôi
1
Photo
null
Có tiền án xâm phạm trẻ em, đừng cho nhận con nuôi
,

- Góp ý dự thảo Luật nuôi con nuôi sáng nay (26/5), ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị những người có tiền án liên quan đến xâm phạm, ngược đãi, buôn bán trẻ em, dù đã được xóa án tích, vẫn không nên được phép nhận con nuôi.

>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu

Theo ông Thuyết, quy định như vậy “phần nào không được nhân văn lắm”, nhưng lợi ích của trẻ được nhận nuôi là trên hết.

Những người từng cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác; ngược đãi, hành hạ người thân thích; dụ dỗ, ép buộc, chứa chất trẻ em phạm tội; đặc biệt là mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; sau khi chấp hành án phạt của nhà nước vài năm lại được xóa án tích, “liệu có thay đổi bản chất được hay không?”, ông Thuyết đặt câu hỏi.

Trẻ mồ côi rất cần có những mái ấm phù hợp. Ảnh: huynhtieuhuong.org
Trẻ mồ côi rất cần có những mái ấm phù hợp.
Ảnh: huynhtieuhuong.org

Cũng với tinh thần lợi ích của trẻ cơ nhỡ là ưu tiên hàng đầu, các đại biểu QH nhấn mạnh việc đảm bảo tìm cho trẻ mái ấm gia đình phù hợp chứ không phải tìm con cho cha mẹ nuôi. ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) không đồng tình với điều khoản chỉ cho trẻ làm con nuôi nước ngoài khi không thể tìm được gia đình trong nước. 

Theo ông Hồng, việc nhận con nuôi chứa đựng tình cảm và trách nhiệm sâu sắc, dự thảo luật cũng nêu rõ yếu tố tình nguyện và bình đẳng, "vậy có lẽ nào phải chờ đến khi trẻ không có ai trong nước nhận nuôi mới cho làm con nuôi người nước ngoài?"

Ông Hồng nhận định nhiều em được người nước ngoài nuôi đã có điều kiện phát triển tốt, thành đạt, thậm chí trở thành chính khách, doanh nhân giỏi. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, trưởng ban soạn thảo dự luật cho biết điểm này thống nhất với công ước La Haye về nguyên tắc: Môi trường tốt nhất cho trẻ lớn lên chính là đất nước mình. 

ĐB Lê Thị Mai (Hải Phòng) yêu cầu làm rõ vai trò của các cơ quan hành chính trong việc theo dõi giám sát tình hình phát triển của trẻ sau khi được nhận nuôi. “Tình trạng xâm hại, ngược đãi, bóc lột trẻ em đang ngày càng gia tăng trong xã hội, đối với trẻ là con nuôi nguy cơ càng lớn hơn”, bà Mai nhận định. Vì vậy, UBND các cấp và cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phải có trách nhiệm cao hơn đối với số phận của trẻ được nhận nuôi cả trong và nước ngoài. 

ĐB Nguyễn Minh Hồng và Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị đánh giá đúng vai trò và có cơ chế hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng như nhà chùa, nhà dòng. Thực tế nhiều trẻ em được các nhà sư, cha xứ nuôi dưỡng đã lớn khôn và trở thành công dân tốt. 

Một số loại chi phí, lệ phí trong dự luật cũng không được các đại biểu đồng tình. ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không nên thu phí nuôi dưỡng trong thời gian xét duyệt hồ sơ. ĐB Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) muốn không định mức mà khuyến khích chi phí vừa phải và thực hiện công khai minh bạch để tránh tiêu cực và trục lợi. 

Dự thảo luật này động đến một hiện tượng xã hội vốn nhạy cảm nên vẫn còn nhiều khía cạnh mà ý kiến của các đại biểu QH chưa thống nhất. 

Một trong những vấn đề gây tranh cãi là việc nuôi con nuôi ở vùng biên giới. Trong khi các đại biểu Hoàng Thương Lượng (Yên Bái), Tống Văn Thoóng (Lai Châu), Danh Út (Kiên Giang) và Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) có ý kiến không quy định hoặc không quy định chi tiết vấn đề này trong luật mà giao Chính phủ ra nghị định điều chỉnh sau, ĐB Nguyễn Minh Thuyết lại yêu cầu làm rõ điểm này trong luật. 

Theo ông Thuyết, QH vẫn còn tâm lý những gì khó khăn phức tạp lại giao Chính phủ, nhưng thiếu sự giám sát, dẫn đến nhiều trường hợp chậm ra nghị định hoặc mãi không có.

Ông Thuyết đề nghị QH đừng “buông” vấn đề con nuôi vùng biên giới mà chọn quy định rõ theo hai hướng: hoặc không cho phép; hoặc cho phép với những điều khoản cụ thể, nhất là khi chúng ta đã xác định biên giới trên bộ với các nước láng giềng, quy định chi phí cụ thể để người có điều kiện từ cả hai bên biên giới được nhận con nuôi. 

Vấn đề xác định dân tộc của con nuôi cũng gây tranh cãi. Trong khi ĐB Nguyễn Minh Hồng cho rằng dân tộc của đứa trẻ chỉ có một và nên là dân tộc của cha mẹ đẻ, thì ĐB Bùi Thị Lệ Phi lại ủng hộ xác định dân tộc của trẻ theo cha mẹ nuôi, để bảo vệ tâm lý, tình cảm và sự phát triển bình yên cho trẻ. 

“Nếu nhìn vào giấy khai sinh thấy dân tộc của mình khác với cha mẹ, đứa trẻ sẽ có những tâm lý tiêu cực với thực tế mình là con nuôi, có trẻ còn bỏ nhà ra đi”, bà Phi nhận định. Theo bà, trẻ khi đủ tuổi thành niên sẽ tự quyết định thay đổi hay không dân tộc của mình. 

Nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh nguyên tắc pháp lý là dân tộc của một người chỉ xác định chứ không thay đổi. 

  • Thủy Chung
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,