- Tình trạng chương trình làm luật bị "đưa vào, rút ra" quá được Ủy ban Thường vụ QH đem ra mổ xẻ và yêu cầu phân tích nghiêm khắc chiều 11/5.
Theo Bộ Tư pháp, năm ngoái, trong 36 dự án luật và pháp lệnh Chính phủ được giao chuẩn bị, có 18 luật và pháp lệnh được thông qua, nhưng có đến 8 dự án bị lùi thời hạn trình.
Năm nay, Chính phủ được giao chủ trì soạn thảo 43 dự án. Đã có nhiều dự án bị rút hoặc lùi thời hạn trình: Luật ngân sách nhà nước sửa đổi, Luật báo chí sửa đổi, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật tiếp cận thông tin…
"Đánh trống ghi tên"
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là "điểm yếu lớn nhất" trong thiết kế chương trình làm luật. Các bộ ngành cứ đề xuất đưa luật vào theo kiểu “đánh trống ghi tên” nhưng vì chất lượng chuẩn bị chưa cao, không kịp tiến độ, lại xin rút ra, khiến chương trình bị xáo trộn, vỡ kế hoạch, không hoàn thành và phải dồn đến lần sau.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng nguyên nhân chính là do kinh phí cấp chưa kịp thời, nhưng nhận định này lập tức bị các ủy viên Thường vụ QH phản bác.
Ủy ban Pháp luật chỉ ra các nguyên nhân chủ quan như sự nể nang, thiếu kiên quyết khi đưa luật vào chương trình, nhiều người đứng đầu bộ, ngành còn thiếu trách nhiệm, kém sâu sát trong quá trình soạn thảo luật…
Trưởng Ban Dân nguyện QH Trần Thế Vượng cho rằng "có sự lạm dụng quyền điều chỉnh chương trình làm luật", nói lên sự chuẩn bị chưa chu đáo như chưa đánh giá đầy đủ tình hình thực tế, nhu cầu của xã hội đối với dự án luật… nên mới có việc "đột ngột đưa vào, đột ngột rút ra".
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng "kinh phí không phải là yếu tố quan trọng nhất" và thẳng thắn phê bình tờ trình của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng là "quá sơ sài" khi chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng “lùi, rút”.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận xét tờ trình vẫn theo lối cũ, chưa chỉ ra địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể, giải thích còn "tùy tiện, thiếu thuyết phục".
Ông Trọng yêu cầu phân tích nghiêm túc, thậm chí nghiêm khắc, không để tình trạng này lặp lại, kéo dài.
Theo Chủ tịch Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh, mạnh dạn giao việc soạn thảo luật cho các cơ quan đoàn thể cũng là một giải pháp san sẻ công việc đỡ cho Chính phủ và các bộ, ngành, huy động được trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức trẻ, không nề hà khó khăn hay kinh phí thấp.
Cần vẫn chùng chình
Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, có một số luật mà dư luận rất quan tâm nhưng "Chính phủ cứ chần chừ giãn ra, giãn vào" như sửa đổi Luật đất đai, Luật về sử dụng vốn nhà nước vào mục đích kinh doanh (với những nguy cơ về lãng phí, thất thoát, tham nhũng)…
Theo cách nói của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền, đây đều là "những luật cần kíp mà cứ chùng chình mãi không xong".
Tuy nhiên, các luật này theo dự kiến đều sẽ bị lùi đến kỳ họp thứ 2 QH khóa sau. Luật thủ đô dự kiến sẽ được xem xét theo quy trình hai kỳ họp, tuy nhiên việc chuẩn bị vẫn còn chậm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi yêu cầu đưa Luật giáo dục đại học và Luật giáo viên (Luật nhà giáo) vào chương trình vì đã bị hoãn liên tiếp nhiều lần. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tụng cho rằng hai luật này sẽ còn bị lùi nữa vì phải ưu tiên cho nhiều luật khác trong chương trình năm 2011.
2011: Không nhiều thời gian làm luật
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý cần "liệu cơm gắp mắm" cho chương trình làm luật năm 2011 vì sẽ có hai cuộc bầu cử QH và HĐND các cấp cùng vào tháng 5.
Chỉ với một kỳ họp cuối cùng của khóa XII vào đầu năm với nhiệm vụ chính là tổng kết nhiệm kỳ và kỳ họp thứ hai của khóa XIII khi thành phần ĐBQH có nhiều người mới (kỳ họp đầu tiên của khoá XIII sẽ chủ yếu bàn về công tác nhân sự và tổ chức), thì con số 31 dự án luật trong chương trình chính thức và chuẩn bị, chưa kể những dự án tồn đọng, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, là "quá tham vọng".
Tuy nhiên, ông Trọng yêu cầu đẩy việc lấy ý kiến và thông qua hai luật về bầu cử QH và HĐND các cấp lên cuối năm nay để kịp áp dụng cho cuộc bầu cử năm sau với tinh thần "một luật sửa hai luật".
Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn cũng cho rằng tốt nhất là đưa hai luật này vào chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9 QH khóa này, gắn với tổng kết nhiệm kỳ và các ĐBQH cũng có nhiều kinh nghiệm sau 4 năm làm việc.
Đối với việc góp ý sửa đổi một số điều trong Hiến pháp 1992, ông Trọng nhấn mạnh tuy chưa được giao nhiệm vụ nhưng các cơ quan QH vẫn nên chủ động nghiên cứu để có những đề xuất xác đáng.
-
Thủy Chung