Vì sao Anh tăng viện trợ cho Việt Nam?
14:33' 22/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Anh sẽ tăng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ 35 triệu USD năm 2003 lên tới 100 triệu USD vào năm 2005 và có thể trở thành nhà viện trợ không hoàn lại lớn thứ 2 của Việt Nam. Ông Gareth Thomas, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Phát triển Quốc tế Anh, đặc trách khu vực Châu Á lý giải:

Ông Gareth Thomas, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Phát triển Quốc tế Anh.

"Chính phủ Anh cũng như nhiều nước khác thực sự ấn tượng bởi những thành tựu mà Việt Nam đạt được: kinh tế tăng trưởng cao, thành công ngoạn mục trong xoá đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội lớn. Với thực tế là các chỉ số xã hội ở Việt Nam tốt gấp 2-3 lần so với các nước có cùng mức thu nhập là bằng chứng đầy thuyết phục chứng tỏ cam kết của Chính phủ nhằm nâng cao mức sống của người dân. Vì thế, chúng tôi tin tưởng rằng số tiền này sẽ được Việt Nam sử dụng một cách có hiệu quả trong cuộc chiến chống đói nghèo, cải thiện chất lượng giáo dục và hệ thống giao thông nông thôn cũng như phòng chống HIV/AIDS.

Chiều 21/4, tôi đã xuống Hải Phòng để thăm dự án phòng chống HIV/AIDS và đến Hưng Yên xem xét dự án giao thông nông thôn. Sau khi đến thăm các dự án này, tôi nhận thấy Anh đang có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ khác. Ví dụ như: Nhật Bản giúp xây dựng các đường cao tốc còn Anh hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tuyến đường nối từ đường cao tốc đến các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận tiện hơn".

- Tuy Anh có sự phối hợp tốt với các nhà tài trợ khác nhưng Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vẫn đưa ra nhận xét là có hiện tượng chồng chéo lẫn nhau giữa các nhà tài trợ cho Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng là có sự trùng lặp, chồng lấn trong hoạt động của các nhà tài trợ cho Việt Nam như nhận xét của WB. Có tới 50 nhà tài trợ cho Việt Nam và mỗi tổ chức này lại có những chính sách và chiến lược riêng nên khó tránh khỏi chồng chéo. Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, giáo dục, quá nhiều nhà tài trợ tập trung vào đây trong khi thiếu một sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều này đã tạo ra khối lượng công việc không đáng có cho Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối nguồn ODA. Rõ ràng, nếu các nhà tài trợ có thể ngồi lại với nhau để bàn thảo và phối hợp trong các dự án viện trợ cho Việt Nam thì hiệu quả sử dụng nguồn tiền cấp viện sẽ cao hơn nhiều.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch phối hợp, hài hoà hoá giữa các nhà tài trợ và kế hoạch đó đã cho thấy những tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, hôm nay khi chúng tôi khai trương Kế hoạch Hỗ trợ Quốc gia, chắc chắn trong tương lai Anh quốc sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà tài trợ khác như đang hợp tác với Nhật Bản cũng như với Chính phủ Việt Nam để làm sao nâng cao hiệu quả thực hiện nguồn vốn ODA.

- Ngoài ra, hiện có những mối quan ngại rằng nguồn ODA có thể tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực hay một số vùng nào đó khiến cho hiệu quả ODA trong việc thúc đẩy chiến lược phát triển và xóa đói giảm nghèo giảm. DFID có xem xét tới vấn đề này không, thưa ông?

- Viện trợ của chúng tôi được thực hiện thông qua Chính phủ Việt Nam. Như đã chỉ rõ, nguồn viện trợ này tập trung chủ yếu vào giáo dục, giao thông...Chính phủ Việt Nam cũng như Anh quốc luôn mong muốn đảm bảo rằng tất cả mọi vùng của Việt Nam đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và công cuộc giảm nghèo thành công ở nhiều địa phương. Chúng tôi có chú ý đến vấn đề này. Nhưng tôi tin rằng, chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế hết sức nghiêm túc và quan tâm đến việc phân bổ, sử dụng nguồn ODA một cách hiệu quả và hợp lý.

- |Chính phủ Việt Nam có xác định chống tham nhũng là một nhiệm vụ cấp bách trong chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo. Chính phủ Anh có sự hỗ trợ nào cho Việt Nam trong cuộc chiến này không, thưa ông?

- Đúng như vậy, đấu tranh chống tham nhũng là một phần rất quan trọng của công cuộc giảm nghèo, đặc biệt vì người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của nạn tham nhũng. Vì thế, chúng tôi ủng hộ cam kết của chính phủ Việt Nam đẩy mạnh chống tham nhũng. Anh đang xem xét hỗ trợ  Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập một Ban Thanh tra giám sát việc sử dụng công quỹ trong các dự án đầu tư. Tuy nhiên, phần lớn sự hỗ trợ này sẽ nhằm vào việc nâng cao năng lực của các cơ quan Chính phủ cũng như Quốc hội nhằm chống tham nhũng một cách hiệu quả.

  • Việt Lâm (thực hiện)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chất lượng tăng trưởng: Vẫn là bài toán khó! (16/04/2004)
Trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã không được quá 500m2 (13/04/2004)
Nhận thu nhập ngoài bảng lương bị khấu trừ ngay 10%! (12/04/2004)
Đà Nẵng thanh kiểm tra đột xuất cơ quan công quyền (09/04/2004)
Từ 1/7, thu nhập dưới 5 triệu/tháng không phải đóng thuế (09/04/2004)
Đấu thầu công khai các công trình thuộc Chương trình 135 (08/04/2004)
Sai phạm Chương trình 135: Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm! (07/04/2004)
Tháng 8/2004, ban hành xong các văn bản thực hiện chế độ tiền lương mới (29/03/2004)
"Mong IDG có thêm dự án quảng bá hình ảnh Việt Nam" (25/03/2004)
Tăng cường thanh tra đầu tư xây dựng và sử dụng đất đai (23/03/2004)
Đà Nẵng tăng cường hợp tác với thành phố Kawasaki (23/03/2004)
UBTVQH xem xét cơ chế tài chính riêng cho Hà Nội, TP.HCM (19/03/2004)
Đã có luật kiểm soát độc quyền (18/03/2004)