QH phân vân trước khi bấm nút thông qua quyết toán NS
21:00' 14/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hàng loạt vấn đề vượt chi, thất thu, chi sai, chi ngoài nghị quyết, cho vay không đúng quy định... đã làm một số đại biểu QH phân vân ''không biết có nên bấm nút biểu quyết thông qua quyết toán ngân sách năm 2002 hay không''...

"Ta đang rút ruột để chi tiêu"

Lần đầu tiên Quốc hội quyết toán ngân sách có báo cáo kiểm toán.

Quốc hội đã dành hầu hết thời gian buổi sáng 14/5 để đại biểu cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2002. Đây là lần đầu tiên một bản báo cáo kiểm toán Nhà nước được công khai đưa ra trước Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (ĐB Lạng Sơn) bắt đầu bằng những băn khoăn: ''Năm 2002 riêng khoản chi cho dân số và kế hoạch hoá gia đình vượt 92,8%, chi ngân sách cấp xã vượt 75,4% so với dự toán. Vượt 10-20%, thậm chí 30%, còn thông cảm được, chứ đằng này vượt đến gần gấp đôi?!''. Ông Thuyết thắc mắc: ''Thất thu thuế gần 2.000 tỷ đồng không rõ trách nhiệm ở đâu? Thuế, hải quan hay cơ quan cấp phép kinh doanh? Riêng kiểm toán 5 tỉnh nợ xây dựng cơ bản hơn 2.500 tỷ đồng, thế thì 61 tỉnh, thành (năm 2002) không biết nợ đến bao nhiêu?"...

''Vượt chi, thất thu, chi sai, chi ngoài nghị quyết, cho vay không đúng quy định thì thông qua như thế nào? Bản thân tôi thấy run bởi vì các hàng loạt vấn đề như thế mà mình bấm nút biểu quyết và thông qua thì có nên hay không?'', ông Thuyết phân vân.

Ông Lê Đủ (ĐB Phú Yên) thì cảnh báo: ''Chúng ta đang rút ruột để chi tiêu''. Ông Đủ cho rằng, số thu từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu năm 2002 chiếm 46,9%, năm 2003 là 46,2%. Nguồn thu này không ổn định do giá dầu thô trên thế giới hết sức bấp bênh và thuế nhập khẩu đang giảm dần khi Việt Nam hội nhập sâu rộng. Thu ngân sách không ổn định nhưng chi thường xuyên ''khá ổn định'' theo hướng tăng dần lên.

Còn theo ông Nguyễn Thạc Nhượng (ĐB Bắc Ninh): ''Mục tiêu của Quốc hội đã giao là tổng thu ngân sách từ đầu năm 2002 chỉ có 105.000 tỷ đồng, nhưng đã vượt lên 128.800 tỷ; giao chi 133.900 tỷ, chi vượt lên 148.000 tỷ. Bội chi ngân sách lên tới 25.000 tỷ đồng''. Bà Trương Thị Mai (ĐB. Trà Vinh) lại phản ánh: ''Thu chi ngân sách năm 2002 còn có nhiều vi phạm'', do đó, Bộ Tài chính đã phải thực hiện yêu cầu kiểm toán, thu hồi 1.300 tỷ đồng.

Thất thoát do rủi ro?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, thất thu thuế chính là ''rủi ro'' khi thực hiện ưu đãi cho DN. Ông nói: ''Chúng ta càng thực hiện ưu đãi thì hiện tượng lợi dụng để trốn thuế, gian lận thương mại càng phát triển. Quốc hội lựa chọn là hạn chế ưu đãi hay thực hiện ưu đãi đồng thời với tăng cường kiểm soát và chịu rủi ro nhất định về thất thoát này? Theo tôi nên chấp nhận cách thứ hai''.

Ông Hùng thừa nhận, khoản 2.000 tỷ nợ thuế năm 2002 ''quả là vấn đề nan giải''. Có các loại DN thua lỗ giải thể, mất hẳn tên. Trong khoản thất thoát này có tới 300 tỷ đồng nợ thuế liên quan đến DN đăng ký kinh doanh rồi biến mất. Có loại nợ thuế do khó khăn về tài chính, nhất là thuế nhập khẩu, tuy vẫn còn phiên hiệu và hoạt động. Ông nói: ''Chúng tôi đã công khai danh sách các đơn vị đó trên báo chí, số tiền phải nộp. Và nếu không nộp thì căn cứ theo pháp luật sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý''.

''Về ngành thuế và ngành hải quan, tôi xin hứa sẽ chấn chỉnh, vừa cải cách hành chính vừa tìm mọi biện pháp chống thất thu thuế'', Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng nói trước Quốc hội.

Ông Hùng cũng cho biết, khoản chi dân số và kế hoạch hoá gia đình tăng cao là do ''khoản vay cho vay lại của dự án Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giải ngân đúng vào năm 2002''. Còn chi cho ngân sách cấp xã tăng là do thu tăng và cần chi để cải thiện cơ sở hạ tầng ở cấp xã. Đồng thời, ngân sách phải chi thêm dựa trên chế độ như tăng chi cho công an viên cấp xã, cán bộ điều động về xã...

Riêng về nợ đầu tư xây dựng cơ bản, ông Hùng thẳng thắn: ''Chúng ta cần phân tích vạch ra con nợ và chủ nợ. Ai cho vay, ai nợ, ai cho nợ, người đó phải chịu trách nhiệm xử lý nợ này rồi mới đưa ra Chính phủ, Quốc hội. Địa phương vay phải xử lý ngân sách địa phương mà trả!''.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thạc Nhượng tỏ ý chưa bằng lòng với giải trình cuả Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông dẫn chứng, năm 2002 thu qua trốn lậu thuế, kiểm toán, kiểm tra, thanh tra của ngành tài chính mới ở 6 bộ và 17 tỉnh đã phải thu hồi 725 tỷ đồng. ''Vậy còn các bộ, cơ quan khác, các tỉnh nếu kiểm toán thì sẽ phải thu thêm, thất thu thêm là bao nhiêu nữa? Có lẽ sẽ có tới hàng nghìn tỷ đồng được tiếp tục bổ sung vào ngân sách?'' - ĐB Nhượng lớn tiếng hỏi.

Bệnh ''trầm kha'' - nói đi nói lại mà không sửa được!

Phát biểu tổng kết sau gần 3 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được nói: ''Quốc hội phê phán rất mạnh về những khuyết điểm yếu kém. Có ý kiến cho rằng những yếu kém đó là cố hữu hay dùng một từ (ông Được ngừng nói khoảng 30 giây để cố tìm từ phù hợp - NV) là ''trầm kha''. Có nghĩa là lần nào cũng nói đi, nói lại mà sửa rất ít. Tôi chỉ nói một vài cái vì không thể nhắc hết được như như: chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, thiếu quy hoạch tổng thể. Đầu tư dàn trải, chậm triển khai, thất thoát lớn, nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao''.

Vấn đề giá cả được nhiều đại biểu quan tâm và ông Được đề nghị ''Chính phủ cần có những giải pháp thật mạnh, vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa đảm bảo chủ động lâu dài''. Ông Được nói thêm: Ở đây có cả việc quản lý các ngành nguyên vật liệu, vật tư, ngành thuốc chữa bệnh... nhưng cũng cần có chiến lược các mặt hàng này để ta chủ động đối phó khi có biến động giá cả của thị trường thế giới.

Về Chương trình 135, Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát để đánh giá đúng về xoá đói giảm nghèo, hiệu quả thực hiện dự án để xây dựng phương án kéo dài chương trình này. ''Có thể gọi là chương trình gì đó hay hơn, hiệu quả hơn và kế thừa những cái hay của Chương trình 135'', ông Được gợi ý.

Vì ''không thể nào nói hết ý kiến được'', ông Được cho biết sẽ tập hợp đầy đủ ý kiến của các để chuẩn bị các nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào các phiên họp cuối của kỳ họp này.

Chiều ngày 14/5, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Thứ bảy (15/5), Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Dự kiến, ngày 15/6 Quốc hội sẽ bấm nút thông qua quyết toán ngân sách này.

Bà Trần Thu Bạch Hà (ĐB Hà Nội): ''Lạm phát'' lễ hội, kỷ niệm

''Phải chăng thời gian qua những đầu tư xây dựng các công trình thể thao ở mọi nơi, mọi địa phương, các hoạt động lễ hội, văn hoá nghệ thuật, hoạt động văn hoá nghệ thuật, những chương trình chào mừng ngày lễ lớn là vô cùng cần thiết nhưng liệu có vượt quá những yêu cầu cần thiết, đúng mức, phù hợp với hoàn cảnh nước ta hay chưa? Liệu đã tính đến các công trình phúc lợi cho nhân dân còn nhiều bất cập?

Mới đây, một bể bơi hiện đại dành cho thi đấu chuyên nghiệp đã mở cửa cho nhân dân sử dụng để thu tiền bảo dưỡng. Nhưng vì bể bơi quá sâu, sử dụng cho vận động viên chuyên nghiệp nên phải bổ sung thêm một đội cứu hộ. Một chương trình nghệ thuật biểu diễn ngoài trời phục vụ ngày lễ lớn dài 60 phút sau mít tinh đã phải chi hơn 4 tỷ đồng. Trong khi nghệ thuật biểu diễn ban ngày nên không đạt được hiệu quả, truyền hình trực tiếp khó phát huy...

Ở nhiều địa phương, các lễ hội, kỷ niệm của các ngành các cấp đã thể hiện ''lạm phát''. Chính tôi được biết trong Bộ Văn hoá - Thông tin rất băn khoăn điều này. Quá nhiều hoạt động nghệ thuật phục vụ các ngày lễ lớn, các lễ hội chi phí quá nhiều và bị chồng chéo, trùng lặp trong khi vấn đề ngân sách của Bộ này cũng như toàn ngành còn hạn hẹp''.

  • Văn Tiến
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hội nhập WTO: Chúng ta chuẩn bị gì cho cuộc chơi? (13/05/2004)
Giá thuốc mới chỉ nằm im trên mặt bằng... đang lên cao (12/05/2004)
"Nên tránh tư tưởng cứ thấy độc quyền là phê phán" (11/05/2004)
Tăng trưởng kinh tế 8 tháng cuối năm phải đạt 7,8-8,3% (11/05/2004)
Luật Đất đai mới: Chuyên gia luật còn chưa "thông"... (09/05/2004)
"Tư nhân chưa nên tham gia xuất bản" (08/05/2004)
Sẽ có một thị trường điện lực? (06/05/2004)
Thu nhập ''giàu" - "nghèo'' ở VN chênh nhau gần 14 lần (06/05/2004)
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường: Giá đất sẽ giảm! (01/05/2004)
Vì sao Anh tăng viện trợ cho Việt Nam? (22/04/2004)
Chất lượng tăng trưởng: Vẫn là bài toán khó! (16/04/2004)
Trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã không được quá 500m2 (13/04/2004)
Nhận thu nhập ngoài bảng lương bị khấu trừ ngay 10%! (12/04/2004)
Đà Nẵng thanh kiểm tra đột xuất cơ quan công quyền (09/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang