Khó xử khi ''anh em mình cùng một bộ''?
21:34' 02/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh chiều 2/6, đa số các đại biểu Quốc hội chưa ưng ý với quy định Hội đồng xử lý cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại trong khi Bộ này là chủ quản của nhiều DN.

Đề nghị thành lập Hội đồng cạnh tranh thuộc Chính phủ

Các ĐB nghiên cứu tài liệu.

Bà Dương Kim Anh (ĐB Trà Vinh) lớn tiếng: ''Quy định như vậy là không độc lập, khách quan, theo kiểu vừa đá bóng, vừa thổi còi''. Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cũng cho rằng rất khó xử cho Hội đồng xử lý cạnh tranh khi ''anh em mình cùng một bộ''!

Hưởng ứng quan điểm này, bà Châu Thị Lê (ĐB Bình Thuận) đề xuất thành lập Hội đồng cạnh tranh thuộc Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Nghĩa (ĐB TP.HCM) cũng góp ý thêm: ''Trong Hội đồng xử lý cạnh tranh nên cho đại diện của các DN như hiệp hội tham gia''.

Trong khi đó, theo ông Trần Việt Hùng (ĐB Hải Phòng), nên để cho toà án, trọng tài kinh tế làm việc này bởi ''lập Hội đồng cạnh tranh như một toà án thuộc Bộ Thương mại là không cần thiết''.

Bà Phạm Thị Thu Hoà (ĐB Thái Bình) nhất trí với dự thảo luật đưa cơ quản lý nhà nước vào đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh. Bà Hoà lấy ví dụ: Nhà nước có chính sách trợ giá giống cây, thế nhưng nhiều nơi bà con nông dân  phải mua giống cây con ở một số DN nhà nước thì mới được trợ giá. ''Kết quả dẫn đến chất lượng giống thấp và DN khác thiệt thòi, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh'', bà Hoà nói.

Cấm mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo cán bộ của đối thủ

Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa phản ánh thực trạng một số công ty nước ngoài vào Việt Nam khuyến mại bất hợp lý, có khi đến 30-40% tổng chi phí. Có công ty chấp nhận lỗ một vài năm đầu để quảng bá thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường. Còn doanh nghiệp của ta, tuy mức chi cho quảng cáo tăng lên 10% nhưng vẫn ''lép vế'' so với các công ty nước ngoài. Do đó, ngoài 9 hành vi cạnh tranh bị cấm trong dự thảo, bà Nghĩa đề nghị bổ sung thêm: cấm quảng cáo, khuyến mại quá mức cho phép!

Lấy lý do ''nguồn nhân lực là lợi thế cạnh tranh'', ông Võ Quốc Thắng (ĐB Long An) cũng đề nghị bổ sung cấm việc mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo cán bộ, nhân viên của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Trần Hữu Hậu không tán thành với đề nghị này. Vì theo ông Hậu, ''thương trường là chiến trường'', doanh nghiệp bằng mọi cách cho phép để thu dụng nhân tài. Quan điểm của ông Hậu là không nên để Luật cạnh tranh hạn chế cạnh tranh, ''không thúc đẩy cuộc đua sinh tử''.

Luật quy định cấm nhưng ông Võ Quốc Thắng đề nghị bổ sung những trường hợp miễn trừ. Đó là phải bán giá thấp dưới giá thành khi: các mặt hàng may mặc, giày dép... mẫu mã lạc hậu càng để lâu càng lỗ; hàng hoá không để được lâu hoặc sắp hết hạn sử dụng; hàng hoá của DN giải thể hoặc bán hàng để lấy tiền thanh toán nợ đến hạn...

Hội nhập: Muốn ra biển lớn phải đóng tàu lớn!

Một số đại biểu đã không đồng tình với quy định khống chế hình thành DN chiếm thị phần từ 50% trở lên. Theo bà Châu Thị Lê, tập trung kinh tế là cần thiết nhằm tạo nên những tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế. ''Nhà nước khống chế như vậy là quá cứng nhắc. Tại sao không phải là 60 hay 70%? DN chiếm 50% thị phần trong nước đã đủ sức canh tranh với hàng hoá nước ngoài chưa? Nếu khống chế 50%, thị phần còn lại của các DN vừa và nhỏ hay dành cho nước ngoài? Con số thị phần này do ai công bố là chính xác?'', bà Lê đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Việt Hùng đã nói một cách ví von: ''Dùng thuyền nhỏ thì không ra được biển lớn. Muốn ra biển lớn phải đóng tàu lớn''.

Sáng mai (3/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh.

  • Văn Tiến 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sản xuất công nghiệp đang chững lại, giá cả tăng cao (02/06/2004)
"Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc" (01/06/2004)
30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh! (01/06/2004)
Diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha (31/05/2004)
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm! (30/05/2004)
Khuyến khích tư nhân tham gia xuất bản (30/05/2004)
Giảm độc quyền nhưng phải có tập đoàn kinh tế mạnh! (29/05/2004)
Tòa sẽ không còn "muốn xử thế nào cũng được"! (28/05/2004)
QH thông qua Luật Phá sản DN, Luật Thanh tra (26/05/2004)
Cán bộ dùng ôtô vượt tiêu chuẩn thì tự bỏ tiền đền! (26/05/2004)
Thêm nhiều DN bị coi là lâm vào tình trạng phá sản? (19/05/2004)
"Luật phá sản ưu tiên cho chủ nợ và người lao động" (18/05/2004)
"Nhà nước không thể bù lỗ xăng dầu mãi được!" (17/05/2004)
Cổ phần hoá chậm, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm! (15/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang