Luật bình đẳng nhưng chính sách lại bất bình đẳng?
15:28' 03/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - "Trong khi Quốc hội làm Luật Cạnh tranh để tạo ra cạnh tranh lành mạnh thì ngay những chính sách, cơ chế bên ngoài đang tạo ra lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế" - đó là ý kiến của nhiều đại biểu QH trong buổi thảo luận về Luật Cạnh tranh sáng 3/6.

Chưa có mặt bằng chung

Ông Đặng Duy Lợi (ĐB Cà Mau) băn khoăn vì chưa có mặt bằng chính sách để lấp đi sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Mỗi loại hình DN có ''sân chơi'' riêng như DN nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, DN "dân doanh" theo Luật Doanh nghiệp, DN có vốn đầu tư nước ngoài có Luật Đầu tư nước ngoài... ''Ngay những cản trở về cấp phép kinh doanh trước hay sau cũng tạo nên lợi thế canh tranh, vì kinh doanh đi kèm với cơ hội'', ông Đặng Duy Lợi lớn tiếng.

Sự phân biệt đối xử còn thể hiện trong chính sách về đất đai, thuế ưu đãi hay không ưu đãi, tiếp cận tín dụng, chế độ lương bổng, bảo hiểm... ''Hiện nay mới chỉ có 4,5 triệu người lao động được bảo hiểm xã hội trong tổng số 9 triệu lao động thuộc các thành phần kinh tế'', ông Nguyễn Ngọc Lâm (ĐB Hải Phòng) dẫn chứng.

Sự ưu ái trong chính sách cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng giữa DN nhà nước với DN dân doanh, giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bà Nguyễn Thi Anh Nhân (Hà Nội) phản ánh: ''DN nhà nước làm ăn thua lỗ không dưới 30% nhưng vẫn được Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ, bù lỗ, cấp vốn... Nếu như tính giá trị quyền sử dụng đất vào chi phí và cắt đi các ưu đãi thì chắc DN nhà nước còn lỗ hơn nhiều!''.

Theo đại biểu Nguyễn Kim Thoa (TP.HCM), DN có vốn đầu tư nước ngoài thường ít vị sách nhiễu hơn các DN trong nước, chi phí ''bôi trơn'', tiêu cực phí mà họ phải trả thường thấp hơn DN trong nước. Bên cạnh đó, có hiện tượng DN đầu tư nước ngoài sử dụng biện pháp chuyển giá để hưởng lợi về thuế và sử dụng như một vũ khí cạnh tranh. ''Các DN này nhập nguyên vật liệu từ công ty thành viên hoặc công ty mẹ ở nước ngoài với giá thấp hơn giá thực tế để có giá thành thấp. Từ đó bán giá thấp mà vẫn không vi phạm chống bán phá giá'', bà Thoa nói.

Bán hàng đa cấp bất chính là hành vi của DN thuộc một trong các trường hợp:
(Khoản 2, Điều 35, dự thảo Luật Cạnh tranh)
a. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc phải mua một số lượng hàng hoá nhất định;
b. Không cam kết về việc mua lại toàn bộ hoặc một phần hàng hoá ở mức từ 90% chi phí gốc trở lên;
c. Người tham gia được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng và/hoặc lợi ích kinh tế khác chỉ từ hoặc chủ yếu từ việc giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp;
d. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia.

Thế nào là bán hàng đa cấp bất chính?

Để chấn chỉnh hiện tượng gần đây một số công ty bán hàng đa cấp lừa gạt người tiêu dùng, quy định về hình thức bán hàng này đã được đưa vào dự thảo Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, dự luật này quy định 4 trường hợp bán hàng đa cấp bất chính thì bà Nguyễn Thị Anh Nhân (ĐB Hà Nội) đề nghị bỏ tới... 3 trường hợp đầu vì ''không rõ, không sát thực tế''.

Chẳng hạn, theo dự thảo luật, DN bị coi là bán hàng đa cấp bất chính khi ''yêu cầu người mua muốn tham gia phải đặt cọc hoặc phải mua một số lượng hàng hoá nhất định''. Theo bà Nhân, nếu DN không có sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì không thể bắt người mua ''đặt cọc hoặc mua hàng''. Còn đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng: ''Một người làm đại lý cho DN nếu không có những quan hệ đặc biệt thì trước hết phải đặt cọc hoặc mua một số lượng hàng nhất định theo giá bán buôn. Đó là giao dịch bình thường, nhằm ràng buộc nhau về trách nhiệm và quyền lợi''.

Ông Hậu cho biết thêm, ở nước ta và một số nước khác có những DN đòi người tham gia phải nộp lệ phí rất cao hoặc phải mua số hàng nhất định với giá cao hơn giá thị trường. Đó là một trong những biểu hiện của bán hàng ''kim tự tháp''. ''Trường hợp này phải cấm và cần bổ sung vào trong luật'', ông Hậu đề nghị.

Sau thời gian bằng 1 ngày (chiều 2/6 và sáng 3/6), Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đánh giá thảo luận về dự thảo Luật Cạnh tranh đã rất ''sôi nổi và chất lượng''. Tất cả những ý kiến của đại biểu sẽ được UBTVQH tập hợp, tiếp thu và sẽ giải trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

  • Văn Tiến
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khó xử khi ''anh em mình cùng một bộ''? (02/06/2004)
Sản xuất công nghiệp đang chững lại, giá cả tăng cao (02/06/2004)
"Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc" (01/06/2004)
30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh! (01/06/2004)
Diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha (31/05/2004)
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm! (30/05/2004)
Khuyến khích tư nhân tham gia xuất bản (30/05/2004)
Giảm độc quyền nhưng phải có tập đoàn kinh tế mạnh! (29/05/2004)
Tòa sẽ không còn "muốn xử thế nào cũng được"! (28/05/2004)
QH thông qua Luật Phá sản DN, Luật Thanh tra (26/05/2004)
Cán bộ dùng ôtô vượt tiêu chuẩn thì tự bỏ tiền đền! (26/05/2004)
Thêm nhiều DN bị coi là lâm vào tình trạng phá sản? (19/05/2004)
"Luật phá sản ưu tiên cho chủ nợ và người lao động" (18/05/2004)
"Nhà nước không thể bù lỗ xăng dầu mãi được!" (17/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang