Phá thế độc quyền trong kinh doanh vận tải đường sắt
07:25' 20/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Các thành phần kinh tế được phép đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt. Đồng thời sẽ tách quản lý hạ tầng đường sắt thành một công ty độc lập, bình đẳng cho các đối tượng kinh doanh vận tải đường sắt thuê hạ tầng.

Đó là điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo Luật Đường sắt mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra lấy kiến tại phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 19/7.

Cho phép đa sở hữu nhưng còn thiếu cởi mở!

Trong tờ trình dự án Luật Đường sắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đào Đình Bình thừa nhận: ''Hiện nay, quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh chưa được phân định rõ ràng, thiếu các quy định cụ thể để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường sắt... Trong thời gian qua, tuy Bộ Giao thông Vận tải và ngành đường sắt đã kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào giao thông vận tải đường sắt nhưng cho đến nay vẫn chỉ có thành phần kinh tế nhà nước đảm nhận đầu tư và kinh doanh lĩnh vực này''.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Bình, trong dự án luật, hệ thống đường sắt được phân ra thành mạng đường sắt quốc gia, mạng đường sắt đô thị và mạng đường sắt chuyên dùng để các chủ thể quản lý tương ứng chịu trách nhiệm về việc đầu tư, huy động nguồn vốn, tổ chức quản lý khai thác một cách hiệu quả. Luật cũng cho phép có các hình thức sở hữu khác về kết cấu hạ tầng trong mạng đường sắt quốc gia cũng như đô thị.

Đường sắt Việt Nam được xây dựng và phát triển đến nay đã trên 120 năm. Hiện tại có 2.632km đường chính tuyến, 403km đường ga và 108km đường nhánh. Trong đó 85% là đường khổ 1.000mm, 6% là đường khổ 1.435mm và 9% là đường lồng (lồng chung 2 khổ 1.000mm và 1.435mm).

(Nguồn: Bộ Giao thông Vận tải)

Tuy nhiên, theo nhận xét của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt: ''Dự thảo Luật chưa đề ra được một khuôn khổ pháp lý thật đầy đủ, thông thoáng và cởi mở cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận tải hành khách''. 

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, dự thảo luật chưa nhấn mạnh đúng mức việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt. Chưa phân định thật rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, nhất là chủ trương không biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền DN.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, quy định chính sách ưu đãi phải nói rõ là ưu đãi đối với đầu tư hạ tầng đường sắt chứ không phải ưu đãi kinh doanh vận tải đường sắt. ''Dự thảo luật cần nêu rõ loại đường nào được ưu tiên, khuyến khích đầu tư cũng như cần quy định tiêu chuẩn các loại đường đó'', ông Hồ Đức Việt nói.

Kết luận buổi cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết, UBTVQH tán thành với việc cho phép đa sở hữu đường sắt mà Chính phủ trình.

Tách quản lý hạ tầng đường sắt thành một công ty riêng!

Đối với ngành đường sắt Việt Nam, từ năm 1994, Thủ tướng đã yêu cầu ''tách phần hạch toán cơ sở hạ tầng ra khỏi khối khai thác vận tải sản xuất kinh doanh'' (Thông báo số 46/TB ngày 26/3/1994). Ông Bình cho biết, thực tế Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (trước đây là Liên hiệp đường sắt) đã thực hiện việc hạch toán tài chính giữa 2 khối từ năm 1995. Chi phí quản lý hạ tầng được hình thành từ hai nguồn: khối vận tải hàng năm nộp tiền thê sử dụng hạ tầng bằng 10% doanh thu (chiếm 20-23%), còn lại do ngân sách nhà nước cấp (chiếm gần 80%).

Theo dự thảo luật, chiều cao trên không tình từ đỉnh ray theo phương thẳng đứng đối với đường khổ 1.000mm là 5,3m, đối với đường khổ 1.435mm là 6,55m. Chiều rộng giới hạn 2 bên đường sắt tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 15m đối với đường sắt trong khu gian; 2m đối với đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào của DN.

Theo Bộ trưởng Đào Đình Bình, dự án luật quy định nguyên tắc phải phân định rõ giữa hoạt động quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải đường sắt. Theo đó, kết cấu hạ tầng đường sắt sắt do Nhà nước đầu tư sẽ do một tổ chức (công ty) quản lý. Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế điều bình đẳng tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt.

''Ở đây nói đến cơ sở hạ tầng đường sắt Nhà nước đầu tư 100% vốn bình đẳng cho các thành phần kinh tế khác thuê kinh doanh vận tải đường sắt. Còn lộ trình giao cho Chính phủ quy định nhưng không có nghĩa là 20 năm sau mới làm, hay một vài tháng đã phải làm ngay'', ông Yểu nói rõ.

Đa dạng hoá sở hữu đường sắt, theo ông Yểu, còn tránh được việc điều độ đường sắt theo hướng có lợi cho công ty nhà nước, khó đảm bảo bình đẳng.

Thiết lập trật tự, kỷ cương giao thông đường sắt!

Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết, trong những năm qua, tai nạn giao thông đường sắt ngày một tăng cao cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Tình trạng trộm cắp vật tư, thiết bị đường sắt, ném chất rắn và chất bẩn lên tàu, xâm phạm hành lang an toàn giao thông, tự mở đường ngang qua đường sắt vẫn còn phổ biến. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp chưa quan tâm đúng mức cũng giải quyết việc này mà cứ coi là việc riêng của ngành đường sắt.

''Cần phân định trách nhiệm của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tư an toàn giao thông đường sắt'', ông Bình đề xuất.

Đồng tình với ông Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh việc lập lại trật tư kỷ cương đối với hành lang an toàn đường sắt.

Không phá dỡ khổ đường sắt 1.000mm!

Nhân viên đường sắt.
 

Về khổ đường sắt, Chính phủ thấy rằng những ưu điểm của khổ đường sắt 1.435 mm đã được khẳng định, nhưng việc chuyển đổi đường hiện tại (1.000mm) sang khổ đường 1.435mmm đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không khả thi trong điều kiện hiện nay. Ông Bình dẫn chứng: ''Kinh nghiệm trên thế giới như Ấn Độ năm 1978 đã phải bỏ dở kế hoạch chuyển đổi đường sắt từ khổ 1.000mm sang khổ 1.435mm và Nhật Bản hiện nay còn phải duy trì tới 93% khổ đường hẹp (1.067mm), còn lại 7% đường 1.435mm''. Mặt khác khổ đường 1.000mm nếu được cải tạo nâng cấp vẫn phục vụ tốt cho kinh tế, đồng thời phù hợp với khổ đường sắt của các nước ASEAN hiện nay.

Theo ông Hồ Đức Việt, lưu lượng vận chuyển đường sắt hiện có tăng nhưng so sánh thị phần vận tải với đường bộ, đường sông, đường hàng hải, đường hàng không thì hiện nay đường sắt chỉ chiếm 6-8% lượng vận tải hàng hoá và hành khách trong cả nước. Quy mô mạng lưới đường sắt còn nhỏ, lạc hậu chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Trục Bắc Nam chỉ có một tuyến và chưa có đường đôi. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết ngành đường sắt sẽ nghiên cứu hiện đại hoá đường sắt, xây dựng đường đôi và đưa vào khổ đường 1.435mm đối với các tuyến mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu ''nhắc'' Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của UBTVQH và tiếp tục ''nâng tầm'' của dự thảo Luật Đường sắt. ''Dự án luật này đủ điều kiện để đưa ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến'', ông Yểu kết luận.

  • Văn Tiến
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM: GDP tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua (15/07/2004)
Vì sao đầu tư của Mỹ vào VN còn khiêm tốn? (14/07/2004)
"Tăng lương công chức để hạn chế tham nhũng" (11/07/2004)
"Một cửa" - bao giờ "thông"? (09/07/2004)
Chưa có NĐ đất đai: Chính phủ mong dân thông cảm! (03/07/2004)
TP.HCM quyết tâm đi “một cửa” để thu hút đầu tư (02/07/2004)
WTO: Điểm đến đã gần hơn? (23/06/2004)
Sẽ tập trung giải quyết 4 việc lớn trong nhiệm kỳ mới (17/06/2004)
"Cứ để DN nhảy xuống ao, họ sẽ tự biết bơi" (16/06/2004)
Sửa luật để thu hút đầu tư NN: Tôi rất nóng ruột... (16/06/2004)
TP.HCM 2 năm với "cây gậy thần" (14/06/2004)
"Trách nhiệm Bộ trưởng vô hạn nhưng quyền thì hữu hạn" (10/06/2004)
Ba lực cản tiến trình "tiến bộ" của phụ nữ... (10/06/2004)
VN đứng thứ 109/175 về chỉ số phát triển con người (09/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang