Lãnh đạo Hà Nội thừa nhận chưa chỉ đạo sát sao
08:06' 30/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Văn Ninh đã thừa nhận như vậy tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn chiều 29/7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, khoá XII của HĐND Thành phố Hà Nội.

Chậm cấp chủ quyền nhà đất vì... dịch cúm gà?

HĐND Thành phố Hà Nội khoá XIII, họp kỳ thứ 2.

Đa số những câu hỏi chất vấn đều được gửi trước và trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, trong buổi chất vấn này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Văn Ninh đã trực tiếp trao đổi với đại biểu Phạm Xuân Hằng (Q. Thanh Xuân).

Chưa hài lòng với những nguyên nhân dẫn đến hạn chế về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của UBND, đại biểu Hằng đề nghị làm rõ hơn vấn đề này. ''Không thể lấy lý do chậm cổ phần hoá, chậm cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà là do... giá cả leo thang, dịch cúm gà!''.

Nhà bỏ không chờ... tái định cư!

Trả lời chất vấn về việc 56 căn hộ nhà A, khu Đền Lừ bỏ không gần 3 năm, Giám đốc Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội Phạm Cao Nguyên cho biết, đây là số căn hộ dành cho tái định cư giải phóng mặt bằng Ngã Tư Vọng. Vì tiến độ giải phóng mặt bằng Ngã Tư Vọng chậm nên số căn hộ này vẫn nằm chờ ở đấy. Theo ông Nguyên, số hộ dân giải phóng mặt bằng Ngã Tư Vọng nay chuyển sang tái định cư khu Định Công nên số căn hộ này vẫn tiếp tục nằm trong quỹ nhà tái định cư của Thành phố.

Trước ý kiến của đại biểu Hằng, ông Vũ Văn Ninh đã thẳng thắn thừa nhận, những hạn chế trên có khuyết điểm từ sự chỉ đạo chưa sát sao, quyết liệt của Thành phố, thiếu sự phối hợp giữa Hà Nội với các bộ, ngành, phẩm chất của bộ phận cán bộ công chức còn kém, né tránh, đùn đẩy công việc.

Về vấn đề chậm cấp quyền sử dụng đất ở và nhà ở khu vực đô thị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quý Đôn cho rằng là do thiếu các điều kiện để được cấp chứng nhận. Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất đẩy nhanh tiến cấp chứng nhận cho các hộ đủ hồ sơ nguồn gốc, nhà đất không có tranh chấp.

Tuy nhiên, phải làm thận trọng vì sau khi đã cấp chủ quyền nhà đất mà có tranh chấp thì rất phức tạp, khó xử lý. ''Thực tế có trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được cấp chứng nhận nhà đất. Nếu nguyên nhân từ người có trách nhiệm của chính quyền sách nhiễu thì phải xử lý nghiêm khắc'', ông Đôn nói.

Thực hiện công khai giải phóng mặt bằng!

Giải phóng mặt bằng của Hà Nội nhiều năm vẫn tốc độ rùa. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo ông Đôn, trong có có phần do việc giải phóng mặt bằng chưa công khai với người dân về thủ tục trình tự công tác giải phóng mặt bằng. Đó là phải công khai diện tích, công khai phương án đền bù của từng hộ bị giải toả, không những đến hộ đó mà còn đến những hô hàng xóm.

Đại biểu Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Đài phát thanh Truyền hình Hà Nội, tỏ ý nghi ngờ ''thực tế không được công khai như Ban giải phóng mặt bằng của Thành phố nói''. Ông Hưng dẫn chứng, một lần họp Thành uỷ ông nhận được phương án giải phóng mặt bằng tại một quận nhưng khi hỏi cán bộ quận đó không hay biết.

''Như vậy mới gọi là phổ biến! Phổ biến chưa đủ mà phải công khai. Công khai đến từng hộ bị giải toả và nhà bên cạnh'', ông Hưng nhấn mạnh. Ông Hưng cũng băn khoăn khi công khai giải phóng mặt bằng mà tại trụ sở của một số phường xã không đủ chỗ để dán nội dung về phương án, diện tích, số tiền đền bù giải toả.

Giơ tay biểu quyết nên phải hỏi!

Tiếp tục chất vấn, đại biểu Phạm Xuân Hằng đưa ra đề nghị UBND cụ thể, làm rõ hơn về thu, chi trong báo cáo thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2004, quyết toán thu chi ngân sách năm 2003. Ông Hằng tỏ ý không phải soi báo cáo này mà muốn làm rõ một số vấn đề như: thu ngân sách có gì thuận lợi, chi đúng hay vượt dự toán, giải ngân cho các công trình có khó khăn gì không? ''Xem những con số hàng tỷ đồng trong khi mình giơ tay biểu quyết thông qua nên phải hỏi'', đại biểu Hằng thể hiện trách nhiệm.

''Chúng tôi chưa phát hiện một khoản chi ngoài nào hay thu chi trái phép. Quyết toán thu chi ngân sách theo đúng quy trình của Luật Ngân sách và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hơn nữa, quyết toán thu chi ngân sách còn được kiểm toán công khai'', ông Vũ Văn Ninh trả lời. Chỉ có một số tồn tại những đã được điều chỉnh như hạch toán chưa đúng hạng mục thu chi, hay việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản chưa đủ điều kiện đầu tư đã đưa vào dự toán ngân sách.

Cấm xe máy đường Tây Sơn - Nguyễn Trãi và đường Thăng Long - Nội Bài?

Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố đã xẩy ra 787 vụ tai nạn giao thông, làm chết 262 người, bị thương 755 người (tăng 174 vụ, 36 người chết và 264 người bị thương so với cùng kỳ). Đặc biệt có đến 69,6% số vụ tai nạn giao thông xẩy ra ở khu vực ngoại thành, nhất là cở các tuyến đường liên xã liên huyện. Trong giải trình trước HĐND, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, ngoài tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông ra ngoại thành, Công an Hà Nội đề nghị cấm xe máy ở các tuyến đường: Thăng Long - Nội Bài, Pháp Vân - Cầu Giẽ và Tây Sơn - Nguyễn Trãi.

Đại biểu Vũ Đức Biền (Huyện Đông An) đã lên tiếng: ''Tuyến đường Thăng Long - Nội Bài là huyết mạch của huyện Đông Anh. Nếu cấm xe máy người dân sẽ phản đối!'' Đại biểu Nguyễn Văn Trịnh (Gia Lâm) nói thêm: ''Nếu cấm xe máy tuyến Thăng Long - Nội Bài người dân sẽ chuyển sang đi cầu Chương Dương, vốn hay ùn tắc sẽ càng ùn tắc hơn!''

Sáng 30/7, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội trường, sau đó sẽ thông qua một số nghị quyết quan trọng và bế mạc kỳ họp.

Hà Nội mới đáp ứng 70% nhu cầu nước sạch!

Cử tri Hà Nội đã đặt lên bàn lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội câu hỏi: Bao giờ thành phối mới giảm được tỷ lệ thất thoát nước sạch xuống 35% để tăng số lượng nước sạch cho người dân sử dụng?

Theo ông Đỗ Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, hiện thành phố mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu nước sạch của người dân Thủ đô. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát nước năm 2003 vẫn ở mức cao, 44,9%. Thành phố phấn đấu trong năm 2004, giảm tỷ lệ thất thoát xuống 40%, năm 2005 xuống bằng hoặc dưới 35%.

Ông Ân cho biết, giải pháp là Thành phố sẽ tăng số lượng hộ sử dụng nước có đồng hồ đo nước, giảm các hộ dùng nước ''khoán''; tăng cường quản lý hệ thống cung cấp nước, khắc phục rò rỉ; quản lý chặt chẽ việc ghi thu, ghi chi tiền sử dụng nước...

  • Thanh Minh
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Một cửa" - người dân giám sát tham nhũng tốt hơn (28/07/2004)
Miễn thuế thu nhập cá nhân nếu ảnh hưởng lợi ích QG (26/07/2004)
Chất lượng tăng, thứ hạng giảm (26/07/2004)
Hàng hoá nào không phải chịu thuế giá trị gia tăng? (26/07/2004)
Dịch vụ mới chỉ được "chú ý" ở Hà Nội, TP.HCM (22/07/2004)
TP.HCM có kịp cổ phần hóa 45 DN trong năm 2004? (21/07/2004)
Nhà nước phải quản lý chặt mặt hàng thuốc chữa bệnh (21/07/2004)
Hàng hoá nhập khẩu nào bị áp thuế chống trợ cấp? (20/07/2004)
Việt Nam: Thu nhập tăng, chỉ số giáo dục giảm (20/07/2004)
Phá thế độc quyền trong kinh doanh vận tải đường sắt (20/07/2004)
TP.HCM: GDP tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua (15/07/2004)
Vì sao đầu tư của Mỹ vào VN còn khiêm tốn? (14/07/2004)
"Tăng lương công chức để hạn chế tham nhũng" (11/07/2004)
"Một cửa" - bao giờ "thông"? (09/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang