Khâu truyền tải điện sẽ không có cạnh tranh?
06:41' 04/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hệ thống truyền tải, điều độ điện sẽ được vận hành độc lập, tách khỏi khối kinh doanh và không tham gia cạnh tranh.  Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã cho biết như vậy tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 3/8, thảo luận về dự án Luật Điện lực.

Bao giờ hệ thống truyền tải điện mới tách ra, độc lập với phân phối, kinh doanh trong ngành điện?

Cùng ngày, Hội nghị còn thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Truyền tải, điều độ điện sẽ tách riêng để cho thuê!

Theo dự thảo Luật Điện lực, thị trường điện cạnh tranh có nhiều đối tượng tham gia như phát điện, phân phối, bán buôn, bán lẻ, truyền tải, điều độ hệ thống điện, khách hàng sử dụng... Đại biểu Hoàng Thiên Cát (Hưng Yên) băn khoăn về quan hệ giữa đơn vị truyền tải, điều độ điện lực với các đối tượng còn lại. ''Truyền tải, điều độ hệ thống điện là đơn vị sản xuất kinh doanh, hay là đơn sự nghiệp, quản lý nhà nước? Khi mua điện, cơ quan truyền tải, điều độ điện không chấp nhận thì còn tính cạnh tranh không?'', ông Cát đặt hàng loạt câu hỏi.

Trước những băn khoăn này của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cho biết, khâu truyền tải, điều độ Nhà nước độc quyền sẽ được vận hành dưới hình thức công ty độc lập với khối kinh doanh, phân phối. Công ty này sẽ chuyển sang cho thuê thu phí do Nhà nước quy định mà không tham gia cạnh tranh! Công ty truyền tải, điều độ sẽ đặt dưới sự giám sát của cơ quan điều tiết điện lực thuộc Bộ Công nghiệp.

Theo ông Hải, cơ quan điều tiết điện lực sau này cũng sẽ tách ra độc lập để tránh tiếng ''thiên vị cho các DN thuộc Bộ''. Về lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, dự luật quy định giao cho Chính phủ xây dựng.

Hiện nay, sử dụng điện ở thành thị dưới 100 KWh với giá 550 đồng/KWh nhưng ở nông thôn là 750 đồng/KWh. Điều này có lý do khách quan là ở thành thị chi phí xây dựng lưới điện ít hơn nhiều so với nông thôn. Ông Hải cho biết, ngoài ưu đãi đầu tư và kinh doanh điện, dự Luật Điện lực giao cho Chính phủ quy định biểu giá, khung giá cụ thể cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Dựa vào khung giá này, UBND tỉnh sẽ quy định cụ thể giá đối với từng khu vực được hỗ trợ.

Nên có "cảnh sát rừng"?

Chiều 3/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã chuyển sang cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) nhận xét: ''Dự luật này thiên về khai thác, kinh doanh rừng hơn là bảo vệ rừng! Xử lý các vi phạm về rừng thiếu chế tài, chưa rõ mức phạt là bao nhiêu!''

''Dự luật chưa nói được trách nhiệm của lãnh đạo UBND các cấp khi để xảy ra mất rừng! Khởi tố được rất ít vụ khai thác gỗ trái phép trong khi diện tích rừng mất không biết bao nhiêu! Quy định khai thác trái phép 10 khối gỗ mới bị khởi tố hình sự nhưng thức tế rất khó đạt con số này. Người ta nói chỉ khai thác có 1 cây, còn các cây khác không biết!'', ông Nguyễn Đình Xuân (ĐB Tây Ninh) rất bức xúc.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phú (Thái Nguyên) hưởng ứng: ''Trách nhiệm bảo vệ rừng quy định chung chung là không ăn thua! Cấp nào cũng có trách nhiệm nhưng lúc cháy rừng thì không ai chịu trách nhiệm! Một bộ chủ trì phối hợp với các bộ chịu trách nhiệm nên không bộ nào chịu trách nhiệm! Như thế thì hoà cả làng!''.

Theo ông Phú, nên chuyển lực lượng kiểm lâm thành lực lượng vũ trang, được hưởng lương và chế độ như đối với lực lượng vũ trang. ''Biển có cảnh sát biển, rừng có tầm quan trọng như biển hay không mà chưa có cảnh sát rừng?'', ông Phú lớn tiếng.

Ngày 4/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tiếp tục thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

  • Văn Tiến
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Không miễn giảm tiền sử dụng đất dự án tái định cư (03/08/2004)
Trong 8 năm, 4.529 DN phải xử lý vấn đề môi trường (30/07/2004)
Lãnh đạo Hà Nội thừa nhận chưa chỉ đạo sát sao (30/07/2004)
"Một cửa" - người dân giám sát tham nhũng tốt hơn (28/07/2004)
Miễn thuế thu nhập cá nhân nếu ảnh hưởng lợi ích QG (26/07/2004)
Chất lượng tăng, thứ hạng giảm (26/07/2004)
Hàng hoá nào không phải chịu thuế giá trị gia tăng? (26/07/2004)
Dịch vụ mới chỉ được "chú ý" ở Hà Nội, TP.HCM (22/07/2004)
TP.HCM có kịp cổ phần hóa 45 DN trong năm 2004? (21/07/2004)
Nhà nước phải quản lý chặt mặt hàng thuốc chữa bệnh (21/07/2004)
Hàng hoá nhập khẩu nào bị áp thuế chống trợ cấp? (20/07/2004)
Việt Nam: Thu nhập tăng, chỉ số giáo dục giảm (20/07/2004)
Phá thế độc quyền trong kinh doanh vận tải đường sắt (20/07/2004)
TP.HCM: GDP tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua (15/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang