Cổ phần hoá DNNN: "Ách tắc" từ nhận thức
06:43' 20/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) -  "Phải khai thông nhận thức, quan điểm về cổ phần hoá (CPH) DNNN" - Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá, ông Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ đạo như vậy tại Hội thảo khoa học - thực tiễn "Cổ phần hoá DN, thực trạng và giải pháp" diễn ra ngày 19/8 tại Hà Nội. Hội thảo do Website ĐCS Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức.

Chậm từ nhận thức của người LĐ đến cán bộ hoạch định chính sách

Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Nguyễn Khoa Điềm phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Hiền Hoà

Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Đào Duy Quát cho biết: Sau 10 năm thực hiện, đến nay cả nước đã CPH xong 1.557 DN. Thực tiễn cho thấy, sau khi CPH, hầu hết các DN đều hoạt động tốt, đạt hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội cao hơn hẳn; vai trò của người lao động trong các DN cũng nhờ đó mà được nâng cao...

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vài hạn chế trong tiến trình CPH DNNN, mà theo ông Quát, nổi bật là tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu. Ví như năm 2003 chỉ đạt 63% kế hoạch, 6 tháng đầu năm 2004 mới đạt có 20% so với mục tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, phần lớn các DN đã CPH đều là những DN quy mô nhỏ (số DN có vốn nhà nước dưới 10 tỷ đồng được CPH trong năm 2003 chiếm tỷ lệ 84% và những năm trước chiếm tới 92% tổng số DN được CPH); còn có sự phân biệt đối xử, gây khó khăn cho các DN cổ phần so với các DNNN trong sản xuất, kinh doanh, vay vốn, nhất là vốn ưu đãi của Nhà nước.

Trong quá trình CPH cũng đã nảy sinh các vướng mắc về xác định giá trị DN, giải quyết nợ, tính toán giá đất, bố trí việc làm cho người lao động... Đặc biệt, đã xuất hiện một số vấn đề bức xúc như hình thức là CPH nhưng thực chất lại là tư nhân hoá và thậm chí, là tư nhân hoá không minh bạch.

"Hiện mới chỉ có 8% cổ phần do cổ đông bên ngoài, CBCNV cũng chỉ chiếm 54%, Nhà nước 38% nên thực chất là CPH khép kín, chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược, chưa thay đổi cơ bản được phương thức quản trị DN. Vì vậy, quá trình CPH vừa qua vẫn đang nặng về giải quyết chính sách, xử lý tài chính DN, xử lý lao động, chưa phải là mở cửa DN" - ông Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo và Đổi mới DN bổ sung thêm.

Căn nguyên cơ bản của thực trạng trên, theo Trợ lý Tổng Bí thư ĐCSVN, ông Hà Đăng, đều xuất phát từ nhận thức và tư tưởng của tất cả các đối tượng, thành phần liên quan đến CPH.

Ông Đăng phân tích: Nghị quyết Trung ương 3, trong khi chủ trương đẩy mạnh CPH DNNN đã nhấn mạnh: "CPH DNNN không được biến thành tư nhân hoá DNNN". Do không nhận thức rõ bản chất vấn đề, có ý kiến cho rằng, đó là một quy định nhằm cảnh báo khuynh hướng "chệch hướng XHCN", bởi lẽ nếu biến DNNN - bộ phận quan trọng nhất của kinh tế nhà nước, thành DNTN  (hay tư nhân hoá DNNN), cũng có nghĩa là tư nhân hoá nền kinh tế. Nhận thức không đúng đó đã làm trở ngại đến việc tổ chức và tham gia CPH.

Ngoài lý do trên, việc cán bộ hoạch định chính sách "chùn tay", thiếu mạnh dạn trong đề xuất các chính sách cụ thể để đẩy nhanh quá trình CPH và tạo chính sách cho DNNN phát triển cũng là một nguyên nhân cản trở tiến trình CPH DNNN. Chưa kể đến nhận thức lệch lạc của người lao động tham gia cổ phần khi cho rằng, CPH chỉ là biện pháp Nhà nước san sẻ gánh nặng cho cổ đông trong khi Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ chốt. Còn thành phần kinh tế tư nhân thì suy luận: thà cứ phát triển DNTN còn hơn là tham gia DNNN để rồi đến một lúc nào đó, hết khó khăn, Nhà nước lại Nhà nước hoá DN cổ phần.

Việc chậm CPH DNNN, bên cạnh lý do về nhận thức, còn có căn nguyên từ sự bất hợp lý của cơ chế, chính sách và ngay trong khâu tổ chức thực hiện. Về cơ chế chính sách, điển hình là cơ chế tài chính cho việc thực hiện chuyển đổi DNNN sang công ty cổ phần tại Nghị định số 64/CP. Đơn cử, cơ chế xử lý nợ và tồn đọng của DNNN hiện còn thiếu các quy định gắn trách nhiệm của DN trong việc chủ động xử lý tồn tại tài chính, xử lý lao động dôi dư nên có xu hướng dồn lại khi thực hiện chuyển đổi để được Nhà nước xử lý. Điều này tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời, tạo kẽ hở thất thoát vốn và tài sản, làm chậm tiến trình CPH. 

Quá trình thực hiện cũng còn nhiều bất cập mà nguyên nhân sâu xa, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Nguyễn Khoa Điềm chỉ ra, là do lực lượng của cơ quan chủ trì đổi mới DN quá mỏng, nhất là ở địa phương, cơ sở. "Sắp tới, nếu bộ máy giúp việc không mạnh lên, nhịp độ CPH sẽ tiếp tục chậm như hiện nay" - ông Điềm cảnh báo.

"Sẽ đến lúc CPH cả DN tư nhân..."

Để khắc phục tình trạng trên, ông Hồ Xuân Hùng "hiến kế" nên tập trung vào 5 giải pháp: Thứ nhất, mở rộng diện và quy mô các DNNN cần CPH, kể cả một số TCT và DN lớn trong các ngành Điện lực, luyện kim, cơ khí, hoá chất, ngân hàng, hàng không, viễn thông, bảo hiểm ...; thứ hai, định giá giá trị DN gồm cả giá trị quyền sử dụng đất, về nguyên tắc do thị trường quyết định; thứ ba, việc mua bán cổ phiếu phải công khai trên thị trường, khắc phục tình trạng CPH khép kín nội bộ; thứ tư, khẩn trương xoá bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh của các DNNN phù hựp với lộ trình hội nhập quốc tế; và thứ năm, đổi mới quản lý Nhà nước đối với DNNN, nghiên cứu thành lập công ty đầu tư tài chính Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện thống nhất và có hiệu quả chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư vào DN thuộc mọi ngành trong nền KTQD.

Ông Hùng còn chỉ ra một loạt các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện CPH, trong đó có đề xuất tập trung chỉ đạo CPH thí điểm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, TCT Điện tử -Tin học Việt Nam; TCT xuất nhập khẩu và xây dựng VN, TCT Thương mại & Xây dựng. 

Để CPH đạt được tiến độ kế hoạch đề ra, ông Hùng cho rằng, quá trình sắp xếp lại DNNN phải gắn với cải cách hành chính nhằm giảm tối đa phiền hà, các thủ tục hành chính rườm rà cho DN. Căn cứ của đề nghị này xuất phát từ việc: hai năm qua, để CPH xong một DN đối với TCT "91", bình quân mất tới 561 ngày, DN thuộc Bộ là 523 ngày, DN thuộc tỉnh là 421 ngày. Bình quân tròn cả nước là 15 tháng, tính từ khi thành lập Ban đổi mới tại DN tới khi ĐKKD. Thời gian CPH DN mặc dù đã được cải tiến nhiều vào năm 2003 song vẫn còn quá dài, theo thứ tự tương ứng là 485; 456 và 398. "Muốn thực hiện được giải pháp trên, phải phân cấp mạnh hơn quyền lực và trách nhiệm  cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Hội đồng quản trị TCT" - ông Hùng nhấn mạnh.

Giải pháp khác, gợi ý của PGS.TS Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế & Ngân sách Quốc hội, các Bộ, các địa phương cũng như các TCT cần tập trung chỉ đạo và hoàn thành tốt việc đánh giá phân loại và sắp xếp DNNN để xác định rõ ràng những DNNN chưa CPH, Nhà nước vẫn giữ 100% vốn và DNNN được phép CPH. Đồng thời, cần ban hành một cơ chế đồng nhất cho mọi loại hình DN, xoá bỏ sự khác biệt giữa DNNN và các loại hình DN khác, đảm bảo cho các DN được bình đẳng trong cạnh tranh.

Nhấn mạnh đến việc tác động đến nhận thức, tư tưởng, hành động của các bên liên quan để thúc đẩy tiến trình CPH DNNN, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Nguyễn Khoa Điềm nhiều lần nhắc đi nhắc lại: "Phải khai thông nhận thức, quan điểm về CPH để đẩy mạnh tiến trình CPH DNNN". Vì theo ông, nếu không CPH để huy động, khai thác vốn trong xã hội mà tất cả các thành phần kinh tế đều dựa vào "hầu bao ngân hàng" để vay vốn như bấy lâu nay sẽ là gánh nặng cho cả quốc gia. 

Ông còn dự báo: CPH không chỉ thực hiện riêng với DNNN mà trong tương lai, DN tư nhân cũng sẽ phải CPH. 

  • Nguyệt Minh
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
DN tham gia dự án “Hậu cai nghiện” kiến nghị cơ chế (18/08/2004)
"Không nên để Bộ Thương mại phúc thẩm cạnh tranh" (17/08/2004)
Kiểm toán Nhà nước sẽ thuộc Quốc hội hay Chính phủ? (17/08/2004)
Hàng xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Mộc Bài không chịu thuế (13/08/2004)
Chính phủ cấp 119 tỷ đồng đào tạo nhân lực cho DN (12/08/2004)
Mua sắm hàng hoá bằng ngân sách nhà nước phải đấu thầu (12/08/2004)
Thanh niên đóng vai trò gì trong phát triển kinh tế? (12/08/2004)
Miễn giảm thuế thu nhập cho một số DN mới thành lập (11/08/2004)
Hà Nội: Hơn 300 đơn vị đã nhận các chứng chỉ ISO (10/08/2004)
Quá nhiều giấy phép trong lĩnh vực xuất bản! (09/08/2004)
"Kiềm chế tăng giá không để trở lại cơ chế bao cấp" (06/08/2004)
Người lao động tại KCN sẽ bớt khó khăn về nhà ở (06/08/2004)
Luật Cạnh tranh chưa được "Việt Nam hoá''? (06/08/2004)
Tạo điều kiện để báo chí điều tra tham nhũng độc lập (05/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang