221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
493966
Nguồn nhân lực CNTT: Đào tạo thừa, tuyển dụng thiếu
1
Article
null
Nguồn nhân lực CNTT: Đào tạo thừa, tuyển dụng thiếu
,

(VietNamNet) - Theo khảo sát của Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM và Công viên Phần mềm Quang Trung về nhu cầu tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin (CNTT), số lượng sinh viên ra trường trong sáu tháng cuối năm sẽ vượt quá nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp...

Đây là thông tin quan trọng mở đầu cho buổi hội thảo về "Nhu cầu và giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phần mềm TP.HCM" diễn ra sáng nay.

Tuyển dụng và đào tạo: Chưa "ăn rơ"

Ông Nguyễn Thành Hiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) phân tích tình trạng các cơ sở đào tạo CNTT tại TP.HCM. (Ảnh: C.T)

Phần lớn các doanh nghiệp lẫn cơ sở đào tạo về CNTT đều cho rằng họ chưa hiểu biết nhiều về nhau và thiếu thông tin cập nhật về nhu cầu tuyển dụng, nhóm chức danh cần đào tạo. Theo ông Chu Tiến Dũng, giám đốc Công ty Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), thì "chỉ tính riêng chức danh của những người đang làm việc trong ngành CNTT đã chưa có sự thống nhất giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng. Có 20 chức danh được ghi nhận tại các doanh nghiệp và bốn chức danh phù hợp với yêu cầu tuyển dụng đang được đào tạo ở các trung tâm. Như vậy, còn thiếu khoảng 16 chức danh cụ thể chưa có nơi đào tạo. Trước mắt, các cơ sở đào tạo vẫn chưa đủ điều kiện thoả mãn nhu cầu tuyển dụng và có phần nào lảng phí khi có những chức danh không phù hợp".

Kết quả khảo sát cho thấy: Công tác đào tạo ngành CNTT hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu làm việc ngay tại các doanh nghiệp phần mềm lớn có dự án gia công phần mềm hoặc xuất khẩu. Việc đào tạo còn tản mạn, chưa tập trung vào nhu cầu tuyển dụng cấp thiết của thị trường; chất lượng đào tạo ngành CNTT chưa được đảm bảo. Mặt khác, giữa nhà tuyển dụng và cơ sở đào tạo do chưa có tiếng nói chung nên tỷ lệ ứng viên đăng ký việc làm tại các doanh nghiệp phần mềm bị loại khá nhiều. Các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại cho số nhân viên vừa tuyển vào hoặc phối hợp với một số cơ sở đào tạo để thành lập các khoá học bổ sung.

Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo về CNTT lại cho rằng tỷ lệ sinh viên ra trường của họ vẫn đạt mức cao (70%) và hầu hết các trường khẳng định học viên của mình làm đúng nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp. Đây là sự mâu thuẫn khá lớn giữa nhu cầu tuyển dụng thực tế và chương trình đào tạo của các trung tâm. Một số trường cho rằng có những lúc doanh nghiệp đặt yêu cầu trình độ đại học cho người tuyển dụng nhưng thực sự công việc cụ thể chỉ thích hợp với hệ chuyên viên (ngắn hạn).

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết: "Tôi cho rằng việc mọi người nên xem vấn đề đào tạo lại là một chuyện bình thường; các doanh nghiệp không nên than phiền về việc này. Kinh nghiệm công tác của các ứng viên tuyển dụng là sinh viên vừa tốt nghiệp còn thấp là điều chắc chắn, do họ chưa từng đi làm ở nơi nào cả. Nhà tuyển dụng thường không có kế hoạch tuyển dụng từ trước và yêu cầu tuyển dụng rất hẹp".

Đào tạo theo đơn đặt hàng

Ông Nguyễn Thành Hiệp, trưởng Phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đề nghị: "Cần đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng của ứng viên xin việc làm. Cần tổ chức kênh thông tin chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường học và đơn vị quản lý để cập nhật thông tin thường xuyên". Đây cũng chính là điểm gặp nhau giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo khi bàn đến nhu cầu và đối tượng tuyển dụng. Bởi tỷ lệ ứng viên bị loại qua các vòng sơ tuyển tại các doanh nghiệp phần mềm sẽ giảm xuống khi các trung tâm đào tạo có được những thông tin cụ thể về yêu cầu tuyển dụng.

Chuỗi đào tạo liên kết là một khái niệm được đưa ra trong hội thảo như giải pháp cung cấp nhân lực "một cửa" cho doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo sẽ phối hợp với nhau để đào tạo cho phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, hoặc hướng dẫn học viên ngay từ đầu vào cho hợp với chức danh đào tạo. Ví dụ: Với chức danh quản trị dự án, các trung tâm đào tạo sẽ chọn các thạc sĩ CNTT để đào tạo về kiến thức quản trị; hoặc chọn các thạc sĩ kinh tế để đào tạo về CNTT. Nghĩa là, khi cần đến chức danh quản trị dự án, doanh nghiệp chỉ đến gõ cửa trung tâm A (chuyên đào tạo quản trị dự án) và nếu cần đến chuyên viên quản lý chất lượng sẽ tìm đến trung tâm B (chuyên đào tạo chuyên viên quản lý chất lượng).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng Phòng Quản lý CNTT (Sở KH-CN TP.HCM) cũng tán thành chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đặc biệt, chương trình này nên có sự kết hợp giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Mặt khác, nên định hướng đào tạo theo nhu cầu của các thị trường mục tiêu như Nhật Bản hoặc châu Âu với việc bổ sung về ngoại ngữ và văn hoá làm viêc đặc trưng tại quốc gia đó.

Cần cụ thể hơn!

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp CNTT nên đầu tư vào các cơ sở đào tạo. (Ảnh: C.T)

Các trường đại học cũng đề cập đến việc tăng cường sử dụng các công nghệ đào tạo mới như đào tạo từ xa (qua mạng), đào tạo lại, đào tạo thường xuyên trong các công ty,... Đây là những loại hình đang được áp dụng nhiều tại các công ty tin học hàng đầu trên thế giới, giúp cho những người đã tốt nghiệp ngành nghề CNTT cập nhật kiến thức mà không phải rời bỏ nơi làm việc của mình.

Các trường đại học và trung tâm đào tạo về CNTT cần đến nguồn thông tin về công nghệ mới, kỹ năng làm việc từ phía doanh nghiệp để cập nhật vào chương trình đào tạo. Bởi CNTT là một ngành có tốc độ thay đổi rất nhanh; có thể nói là hàng tháng - hàng tuần nhưng chương trình đào tạo của các trường đại học và cao đẳng ở nước ta chỉ được cập nhật theo từng năm.

Các đơn vị quản lý cùng cơ sở đào tạo ngành CNTT đều cho rằng về lâu dài, Nhà nước nên vạch ra những chương trình đào tạo cụ thể. Ví dụ như chương trình đào tạo 500 kỹ sư phần mềm theo tiêu chuẩn đào tạo được xác định từ trước; định hướng đào tạo 20.000 lập trình viên cho thị trường Nhật Bản. TP.HCM sẽ xác định danh sách những trường đại học hoặc cao đẳng được "đặt hàng" đào tạo cho các dự án cung cấp nguồn nhân lực và chương trình đào tạo đó sẽ có sự phối hợp giữa các trường và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp nên dự báo nhu cầu tuyển dụng từ sớm để các cơ sở đào tạo có thời gian chuẩn bị giáo trình, phương án thực hiện. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tiến hành đầu tư cụ thể vào các cơ sở đào tạo để chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Đã có ý kiến từ phía các cơ sở đào tạo là các doanh nghiệp không thể ngồi im để thụ hưởng thành quả đào tạo trong bốn-năm năm. Cả nhà tuyển dụng và đơn vị đào tạo cùng phải có nghĩa vụ phối hợp với nhau trong việc đào tạo nhân lực cho ngành CNTT.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng đề nghị thêm với các doanh nghiệp: "Các doanh nghiệp nên phối hợp với các trường đại học, trung tâm đào tạo để hình thành chuẩn chung về CNTT. Các cơ sở đào tạo không thể lúc thì đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp A, lúc lại phải chạy theo yêu cầu của doanh nghiệp B (không cần theo chuẩn doanh nghiệp A). Các nhà tuyển dụng nên tuyển người cho đúng người, đúng việc, đúng bằng cấp".

  • Chí Thịnh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,