Nằm ngay trung tâm quận Haidian ở Bắc Kinh, bao quanh bởi hàng loạt trường đại học, phòng thí nghiệm và doanh nghiệp công nghệ cao, văn phòng của Harry Shum toạ lạc yên ổn một góc trong Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Microsoft. Trung tâm này được coi là biểu tượng của tham vọng chinh phục thị trường trí tuệ-khoa học Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Dưới quyền giám sát của TS Shum là 170 nhà khoa học cắm cúi bên máy tính. Tất cả miệt mài với góc nhỏ của mình, ôm ấp những ý tưởng bất chợt mà một ngày nào đó có thể đưa "đế chế" Microsoft lên một tầm cao hơn nữa. "Microsoft bắt đầu nhận ra rằng: Mỹ không phải là nơi duy nhất có nhân tài." - Harry Shum nói - "Không nơi nào trên Trái đất này có được sự tập trung sức mạnh trí tuệ cao hơn tại đây, Trung Quốc".
"Lò ấp nhân tài"
Microsoft không phải tập đoàn đa quốc gia duy nhất nhìn ra tiềm năng và sử dụng Trung Quốc làm cơ sở nghiên cứu và phát triển "hạt nhân nòng cốt" của mình. Trong vài năm trở lại đây, hãng trăm tập đoàn quốc tế đã xây dựng phòng thí nghiệm trên mảnh đất này, và cứ mỗi năm, con số đó lại được bổ sung thêm 200 nữa.
Chúng có thể rất khác nhau về quy mô và tham vọng, nhưng cùng với sự sinh sôi và mở rộng của mình, chúng đóng góp một phần đắc lực vào quá trình tăng trưởng của Trung Quốc: từ một nước "sử dụng" và "làm nhái" các công nghệ hiện đại trở thành "lò ấp nhân tài" hùng mạnh, cho ra đời những công nghệ tiên tiến của chính mình. Sự chuyển đổi này có một ý nghĩa không chỉ giới hạn bên trong biên giới Trung Quốc mà có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các chính sách, việc làm và nghiên cứu ứng dụng tại Mỹ cũng như các quốc gia phát triển khác.
"Trung Quốc đang trở thành nguồn sáng tạo và phát minh to lớn." - Denis Fred Simon, một chuyên gia về khoa học và công nghệ Trung Quốc, giám đốc Viện Levin của Đại học New York nhận định - "Vai trò của họ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển toàn cầu sẽ ngày một nâng cao".
Bong bóng xà phòng, hay đầu tư bền vững?
Mặc dù vậy, khó ai có thể dám chắc được rằng Trung Quốc sẽ thu hoạch được tất cả những thành quả từ sự "đơm hoa kết trái" nở rộ này. Xây dựng và "nuôi dưỡng" các phòng thí nghiệm tập đoàn là một ngành kinh doanh rất nhạy cảm và "mong manh". Hơn nữa, tại Trung Quốc, họ phải vật lộn, đấu tranh với các vấn nạn về vi phạm bản quyền, với công tác đào tạo nhà nghiên cứu, với khoảng cách xa xôi, cả về vật lý lẫn văn hoá.
Khi Microsoft khai trương phòng thí nghiệm tại Bắc Kinh vào cuối năm 1998, họ là một trong số những "người khổng lồ" đầu tiên dám "liều" xây dựng một trung tâm nghiên cứu lớn như vậy ở Trung Quốc. Microsoft hy vọng đầu tư cho nghiên cứu tại đây sẽ giúp mở ra cánh cửa để giành lấy hai "chiến lợi phẩm" đáng giá: nguồn trí tuệ vừa tài năng, vừa không đòi lương cao, cùng với thị trường tiêu dùng tuy khá nghèo song sẽ sớm giàu lên và cởi mở với công nghệ mới.
Đó chính là lý do vì sao mà sau khi cân nhắc vài địa điểm khác ở châu Á, Microsoft đã quyết định "thả neo" tại quận Haidian, mái nhà của khoảng 40 trường đại học, 138 viện khoa học, thu hút tới 810 nhà khoa học và kỹ sư của Trung Quốc. Ngay từ đầu, Microsoft đã đánh giá Trung Quốc chính là mục tiêu số một, kỳ vọng việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu tại đây sẽ thu hút được chất xám từ các phòng thí nghiệm nhà nước, nơi có điều kiện làm việc cũng như chế độ đãi ngộ không thể so sánh được với họ.
Ngay khi thông báo tuyển dụng 50 vị trí nhân sự nhân dịp khai trương, Microsoft đã ngập lụt trong hàng ngàn hồ sơ ứng viên, những nhà khoa học tài giỏi không muốn ra nước ngoài làm việc, nhưng lại chọn cống hiến cho một doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Thật dễ hiểu vì sao Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Microsoft lại có được sức hấp dẫn mạnh đến như vậy. Đó là một trong số hiếm những phòng thí nghiệm giải thoát cho người nghiên cứu áp lực phải cho ra đời một sản phẩm ứng dụng trực tiếp hay hiệu quả tức thì. Cũng giống như các đồng nghiệp ở Phòng thí nghiệm Redmond, San Francisco hay Cambridge của mình, họ được tự do khám phá các ý tưởng bay bổng của mình.
Song với tư cách một phòng thí nghiệm non trẻ, lại là phòng thí nghiệm được dựng lên ở một quốc gia châu Á đang phát triển, những nhà khoa học ở đây có một ham muốn đặc biệt là được khẳng định tài năng của mình. Họ cảm thấy như đang làm việc trong môi trường một doanh nghiệp mới nổi, muốn tạo lập chỗ đứng hơn là một viện nghiên cứu hàn lâm. Lấy thí dụ, nếu Microsoft đánh bại được Google trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến thì một phần công lao không nhỏ sẽ thuộc về Ma Wei-Ying. Nhóm của Ma đang nghiên cứu các cách "khoan sâu" vào Internet để chọn lọc và tổ chức sắp xếp các thông tin tìm thấy. "Chúng tôi tiến triển nhanh vì phát triển đến tối đa sức sáng tạo của tập thể. Tại Mỹ, tính chất của công việc nghiên cứu cá nhân hơn nhiều. Mỗi một nhà nghiên cứu giống như một vị giáo sư vậy. Ở đây, chúng tôi là một đội." - TS Ma cho biết.
... Và tranh cãi
Mặc dù vậy, việc mở rộng của các phòng thí nghiệm nước ngoài như ở Trung Quốc đã làm nổ ra không ít cuộc tranh cãi. Nguyên nhân là không ít người cho rằng đây là biến tướng của xu hướng gia công thô, khiến người Mỹ mất việc. Nhưng các doanh nghiệp phản bác rằng những phòng thí nghiệm tại Trung Quốc chẳng ảnh hưởng gì đến những nơi khác cả. Đó là sự quốc tế hoá công tác nghiên cứu mà thôi.
Xuất phát điểm của cơn sốt nghiên cứu tại Trung Quốc này là vị thế ngày càng nâng cao của thị trường này trên bản đồ thế giới. Trung Quốc đã trở thành một điểm hút hấp dẫn, của công nghệ, đặc biệt là trong viễn thông và Internet. Tuy nhiên, để có thể xâm nhập vào thị trường rộng lớn và ngày một mở rộng này, các hãng cần phải cải biến sản phẩm cho phù hợp với tâm lý người Trung Quốc: Một kỹ sư người Mỹ hoặc Phần Lan 50 tuổi sẽ chẳng bao giờ hiểu được một thanh niên Trung Quốc 18 tuổi cần gì, muốn gì!
Đó chính là lý do vì sao họ phải xây dựng các phòng nghiên cứu tại đây. Từ Oracle khai trương phòng thí nghiệm tại Bắc Kinh để điều chỉnh hệ điều hành Linux cho phù hợp với khách hàng châu Á, cho đến Motorola, Siemens, IBM và Intel đồng loạt xây dựng các trung tâm quy mô lớn, tiêu chuẩn quốc tế để nghiên cứu những sản phẩm hiện đại nhất cho hãng. Năm ngoái, General Electric mở cửa một trung tâm nghiên cứu lớn tại Thượng Hải, với kế hoạch tuyển dụng tới 1200 nhân viên vào năm tới. Còn Nokia đã chuyển toàn bộ công việc viết mã phần mềm sang Trung Quốc
Một số quan chức Trung Quốc lại có nỗi lo trái ngược: Các phòng thí nghiệm nước ngoài sẽ vơ vét hết nhân tài của Trung Quốc, gây ra tình trạng chảy máu chất xám và không mang lại lợi lộc gì cho ngành công nghệ nội địa.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều quan chức hữu trách và nhà phân tích nhận ra rằng: Nguy cơ chính đe doạ tương lai sáng tạo của Trung Quốc không đến từ "xự xâm nhập ngoại quốc" mà khởi phát ngay từ "tính ỳ" cố hữu của ngành công nghiệp Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã tăng gấp đôi ngân sách cho nghiên cứu khoa học lên 1,3% tổng sản lượng quốc nội so với tỷ lệ 0,6% hồi năm 1992, song các doanh nghiệp nội địa vẫn tỏ ra rất thờ ơ!
Cầm Thi (Tổng hợp)