Sau nhiều lần theo dấu những bức thư điện tử, Nguyễn Tử Quảng vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Kẻ quấy rối quá cáo già. Anh thuyết phục ông Đạt reply những e-mail của kẻ giấu mặt với lời lẽ “khiêu khích” hắn, hi vọng tìm ra manh mối sơ hở để lần theo dấu vết. “Công lý online” mà Quảng luôn tin tưởng liệu có tồn tại?
Thám tử IT: Kỳ I- Truy bắt kẻ giấu mặt online
Giăng bẫy
Chỉ vài ngày sau đó, ông Đạt hoang mang cực độ vì dù đã cẩn thận hết sức, xe ông vẫn bị tháo phanh và nhận được tiếp bức thư đầy những lời lẽ dọa nạt. Đến đây thì không chỉ mình Quảng, tất cả những người trong cuộc đều vô cùng phẫn nộ. Kẻ lạ đã coi họ chẳng khác nào những con bù nhìn. Đứng đó mà không biết làm gì. Nhận thấy mức độ vấn đề ngày càng phức tạp. Quảng đề nghị ông Đạt làm đơn trình báo công an. Nhưng vấn đề là báo lên cơ quan nào? Phòng hình sự ư? Hình như là chưa hề có tiền lệ một vụ thế này. Vả lại cũng không đủ cơ sở để điều tra hay khẳng định ông Đạt bị uy hiếp. Sau cùng, mọi người thống nhất ý kiến phối hợp với bộ phận quản trị mạng của Bộ Quốc phòng làm rõ vụ này trước. Sau đó sẽ xem xét mức độ và định cách xử lý sau.
Truy tìm kẻ giấu mặt online. |
Anh Quảng vừa dứt lời kể lại tóm tắt vấn đề, ông Lương Minh Toàn, cán bộ an ninh mạng Bộ Quốc phòng - người trực tiếp thụ lý vụ việc, đã nói như đinh đóng cột: “Đời sống online đã ngày càng có ảnh hưởng lớn đến đời sống thực. Những loại tội phạm trên mạng cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Ông Toàn bàn với Quảng đưa vụ việc ra ánh sáng, coi đây là một vụ điển hình để có biện pháp răn đe và xây dựng các khung hình phạt với tội phạm trên mạng. Vụ việc có thể sẽ đưa ra xét xử trước pháp luật, đồng nghĩa với việc công nhận những bằng chứng trên mạng là bằng chứng có tính chất pháp lý, hoàn toàn không là “bằng chứng ảo” như nhiều người vẫn nghĩ trước nay.
Nhóm “thợ săn IT” cùng Quảng tiếp tục giăng bẫy. Có lực lượng an ninh lên tiếng, ông Đạt cũng bớt lo lắng. Ngay hôm sau, ông Đạt gửi một e-mail cho kẻ giấu mặt. Không phải chờ đợi lâu, chỉ 8 tiếng sau, mọi người lại một phen tức giận với những lời lẽ bẩn thỉu và ngạo mạn trong một bức thư mới của tên bại hoại. Lần này hắn gửi thư từ một máy ADSL được xác định là tại một quán cà phê Internet trên đường Giải Phóng. Không có gì mới hơn, nhưng Quảng cố gắng kiên trì, bỏ cuộc lúc này chẳng khác gì đầu hàng kẻ xấu trên mạng. Không chỉ là vấn đề của cá nhân ông Đạt nữa, anh đang đứng trong cuộc chiến vì một thế giới IT Việt Nam công bằng và văn minh như trong thế giới thực.
Lần “câu cá” thứ ba, kẻ lạ sử dụng máy tính tại một quán cà phê Internet gần địa điểm cũ. Lần sau, lần sau nữa... hắn tỏ ra là người khá am hiểu về CNTT và dường như biết mọi đường đi nước bước của nhóm điều tra. Có điều hắn đã “chùn”, không dám đến gần ông Đạt mà chỉ dùng lời lẽ dọa nạt miệt thị ông qua thư điện tử như trước.
Đây rồi! Cái đuôi con rắn đã lòi ra, bức thư thứ 26 được gửi đi từ một máy có địa chỉ IP thuộc Viện Nghiên cứu X. Bức thư thứ 31 lại từ một trung tâm dạy nghề trên địa bàn phường Thanh Xuân (Hà Nội). Đến đây, kẻ lạ đột nhiên biến mất. Bức thư thứ 32 đã không hề thấy nữa. Dường như hắn biết nhóm “thợ săn” đã nhìn thấy đuôi hắn và sắp ra tay...
Vạch mặt
Một cuộc gặp gỡ bí mật giữa Quảng và ông Đạt diễn ra nhanh chóng vào tối 5-12-2003. Ông Đạt liệt kê một danh sách những đối tượng tình nghi, hoặc có dính dáng đến những manh mối đã thu được. Hơn nửa tiếng trao đổi vẫn không thấy kết quả đáng lưu ý. Đột nhiên ông Đạt có điện thoại, trợ lý của ông đang gọi nhắc ông đi họp. Trong một tích tắc, Quảng liếc sang ông Đạt, ánh mắt họ gặp nhau. Trời! Tại sao không ai nghĩ ra sớm hơn? Chính hắn, hắn vừa là đồng nghiệp, vừa là cấp dưới của ông, vốn có tham vọng đưa ông về vườn để thế chỗ từ lâu mà ông không biết. Có ai ngờ người thân cận mình nhất? Cũng là hắn xin tham gia vào “đội đặc nhiệm” của Quảng để truy tìm chính mình. Mọi suy luận đều lô gíc - hắn theo học ngoài giờ tại Viện Nghiên cứu X, làm việc tại một công ty tư nhân trên đường Giải Phóng, quê vợ ở Đà Nẵng và dạy thêm tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân.
“Vấn đề là không có bằng chứng xác thực về mặt pháp lý”, ông Toàn băn khoăn, “Làm sao thuyết phục cơ quan thụ lý vụ việc bên hình sự để họ công nhận những bằng chứng trên mạng mà anh thu thập được mới là vấn đề”. Quảng chắc như đinh đóng cột. Cho đến nay những bằng chứng ấy vẫn tồn tại, và có giá trị rất cao. Còn nếu muốn có bằng chứng pháp lý thông thường trong vụ này thì đến giờ đã không còn là quá khó.
Cũng bằng một lá thư điện tử, Quảng nói thẳng cho kẻ lạ biết anh đã rõ hắn là ai và đã truy tìm hắn như thế nào. Những bằng chứng quá rõ ràng đã khiến kẻ bí ẩn quỳ gối lết ra ánh sáng. Hắn bật khóc như đứa trẻ trước ông Đạt và xin nhận sự trừng phạt của pháp luật. Vụ việc đã khép lại sau đúng một tháng Quảng mất ăn mất ngủ lao vào truy tìm kẻ giấu mặt. Tiếc rằng vụ này đã không được đưa ra ánh sáng công luận như một vụ xét xử điển hình tội phạm trên mạng. Bởi sau đó ông Đạt đã kiên quyết xin rút đơn tố cáo “Anh em làm việc với nhau đã bao năm, người ta vô tình được, nhưng tôi không thể sống bất nghĩa, huống hồ tôi cũng chưa có bị hại và người ta đã đến tận nhà cầu xin...”.
Song Quảng không buồn, anh đã chiến thắng được chính mình trong những lúc tưởng sẽ buông xuôi tất cả: “Đó là vì tôi luôn tin, thế giới trên mạng cũng phải là một thế giới công bằng, không phải ai muốn lên đó làm gì cũng được... Kể cả anh là người giỏi về CNTT hơn chúng tôi rất nhiều, anh làm điều xấu rồi cũng sẽ có người tìm ra anh mà thôi”.
THẾ PHONG (e-Chip)
(*) Tên một số nhân vật và tên địa phương trong bài đã được thay đổi - Xin xem từ e-CHÍP 183