221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
627026
Chuẩn bị có Luật Giao dịch điện tử
1
Article
null
Chuẩn bị có Luật Giao dịch điện tử
,

Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XI ngày hôm nay 5/5, dự án Luật Giao dịch điện tử sẽ được đưa ra để các đại biểu cho ý kiến.

Mặc dù ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã tuyên bố: nếu dự án luật nào đạt được sự thống nhất cao thì sẽ thông qua luôn tại kỳ họp lần này, nhưng theo dự đoán của nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, đây là một dự luật không hề đơn giản và vì vậy, khả năng lớn là luật sẽ chỉ có thể thông qua vào kỳ họp lần 8 vào cuối năm nay.

Hiện trong rất nhiều ngành quan trọng của đất nước, yêu cầu về Luật Giao dịch điện tử đã bắt đầu xuất hiện một cách rõ rệt. Thậm chí trong lĩnh vực ngân hàng, một số ngân hàng như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu đã bắt đầu thực hiện một số những bước đầu tiên của dịch vụ ngân hàng điện tử.

Tuy nhiên, những dịch vụ này vẫn chưa được mở rộng tới tất cả các loại hình như giao dịch ngoại tệ bởi luật chưa cho phép. Cũng vì chưa có luật nên một số khách hàng cũng nghi ngại trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Theo nhận định của Ban soạn thảo dự án Luật Giao dịch điện tử, việc ban hành Luật Giao dịch điện tử hiện đang được xem là một yêu cầu khách quan và cấp thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, hành chính, quản lý nhà nước cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Việc ban hành luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ trong giao dịch điện tử, tạo thuận lợi cho việc phát triển các giao dịch bằng các phương tiện giao dịch điện tử, góp phần vào việc phát triển thương mại điện tử, các dịch vụ và đầu tư, công nghệ thông tin, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử.

Nội dung của dự án Luật Giao dịch điện tử là công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, các nguyên tắc giao kết, thực hiện hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của thông báo trong hợp đồng điện tử. Dự luật cũng quy định về các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, bảo đảm an toàn, bảo mật và lưu trữ thông tin điện tử trong cơ quan Nhà nước, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong trường hợp hệ thống thông tin điện tử bị lỗi, nghĩa vụ của tổ chức cá nhân trong giao dịch điện tử với cơ quan Nhà nước, việc chấp nhận các tờ khai điện tử và thông tin điện tử.

Ngoài ra, dự luật cũng quy định về bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử, bảo vệ thông điệp dữ liệu, bảo mật thông tin, trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ mạng, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quyền của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, vấn đề tuân thủ pháp luật sở hữu trí tuệ trong giao dịch điện tử, quyền và nghĩa vụ của người khởi tạo thông điệp dữ liệu, nghĩa vụ của người nhận thông điệp dữ liệu, quyền và nghĩa vụ của người trung gian, vấn đề thanh tra hoạt động giao dịch điện tử, xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử.

Theo ông Mai Anh, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật Giao dịch điện tử, luật này được ban hành sẽ đẩy mạnh ứng dụng giao dịch điện tử trong các ngành. Ví dụ như trong ngành ngân hàng, Luật giao dịch điện tử sẽ là cơ sở pháp lý để ngân hàng triển khai mạnh hơn, vững chắc hơn hệ thống thanh toán điện tử không chỉ trong nội bộ các ngân hàng mà là giữa ngân hàng và đối tác.

Chữ ký điện tử và chứng thực điện tử là một trong những nội dung quan trọng của Luật giao dịch điện tử. Tinh thần chính là công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, các vấn đề có liên quan đến dịch vụ chứng thực điện tử và quản lý Nhà nước đối với hoạt động của dịch vụ này.

Bên cạnh đó, tuân theo nguyên tắc: “trung lập về công nghệ”, dự thảo luật không đề cập tới những công nghệ cụ thể nào và khẳng định không công nghệ nào là duy nhất trong giao dịch điện tử. Nhiều quốc gia hiện nay đang sử dụng công nghệ chữ ký số và Việt Nam trong tương lai gần cũng vậy.

Về khả năng đưa dự luật này vào cuộc sống, ông Mai Anh khẳng định: đây là luật mới, liên quan tới ngành công nghệ cao trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Việt Nam trong lĩnh vực này còn yếu. Cũng chính vì vậy, theo ông Mai Anh, còn rất nhiều việc phải làm để luật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vai trò của Chính phủ trong vấn đề này là rất quan trọng.

Mặt khác, Ban soạn thảo đã cùng với một số bộ, ngành soạn thảo 5 nghị định hướng dẫn thi hành để trình Quốc hội cùng với dự thảo luật. Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đang rất khẩn trương soạn thảo nghị định hướng dẫn triển khai giao dịch điện tử để có cơ sở pháp lý cho các dự án đã được triển khai vài năm nay như thanh toán điện tử, hải quan trực tuyến, thuế trực tuyến...

(Theo VnEconomy)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,