Mặc dù Sfone và Viettel hiện chưa có phản ứng nào trước động thái đề nghị giảm cước dịch vụ thông tin di động của VNPT nhưng có lẽ sẽ phải giảm giá để cạnh tranh được với 2 “ông lớn”.
Sẵn sàng cho sự đột biến khách hàng
Viettel và S-Fone có vào cuộc cùng VNPT? |
“Chúng tôi khẳng định rằng cơ sở hạ tầng hiện tại của Vinaphone hoàn toàn có thể đáp ứng được lượng khách hàng tăng đột biến, nếu có. Mạng lưới của VinaPhone đã chuẩn bị sẵn sàng” - Ông Hoàng Trung Hải, GĐ Công ty GPC, đơn vị cung cấp dịch vụ Vinaphone thuộc Tổng Công ty BC&VT (VNPT) khẳng định với Tiền Phong chiều 13/6.
Theo ông Hải, hệ thống tổng đài dung lượng 1 triệu số với tổng kinh phí đầu tư 6 triệu USD dành cho dịch vụ VinaPhone trả trước đã được đưa vào hoạt động kể từ ngày 25/4. Vì vậy, VinaPhone có thể đảm bảo năng lực mạng lưới ở thời điểm này hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Trong thời gian từ tháng 6 – 8, nhà cung cấp này sẽ lắp đặt thêm 300 trạm phát sóng BTS, có khả năng đáp ứng thêm 1 triệu số thuê bao nữa. Theo đó, chỉ riêng trong năm nay, VinaPhone đã có thêm 2 triệu số. Với dung lượng này, ông Hải khẳng định có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong cả đầu năm 2006.
Một lãnh đạo của VNPT tiết lộ, đối với cước dịch vụ thông tin di động, VNPT sẽ đề nghị Bộ nới rộng khung cước để VNPT có thể chủ động hơn trong việc điều chỉnh mức cước của mình và đưa ra nhiều gói cước mới cho khách hàng. |
Trong khi đó, ông Đỗ Vũ Anh - Trưởng phòng Kỹ thuật khai thác Công ty VMS MobiFone cho biết đến nay, cơ sở hạ tầng của mạng này có thể đáp ứng được trên 4 triệu thuê bao. Hiện MobiFone có khoảng 2,4 triệu thuê bao nên mạng này hoàn toàn có thể đáp ứng được số lượng khách hàng sau đợt giảm cước.
Song, ông Trần Mạnh Hùng – Phó Tổng GĐ VNPT lại nhận định rằng đợt giảm cước khó có thể tạo ra việc tăng đột biến lượng khách hàng đối với 2 mạng di động thuộc VNPT này. Theo ông Hùng, việc giảm cước lần này là “nhằm đối phó với các nhà cung cấp khác gần đây đang có những động thái khuyến mãi thu hút khách hàng mạnh mẽ”.
Các chuyên gia cho rằng đợt giảm cước cho thấy sự lo ngại của VNPT trước việc đối thủ chính của họ là Viettel đang thu hút ngày càng nhiều khách hàng. Hiện mạng này, như thông báo, đã có đến 600.000 thuê bao sau chỉ hơn nửa năm chính thức đi vào hoạt động.
Viettel, S-Fone buộc phải vào cuộc?
Trước động thái trên của VNPT, các doanh nghiệp mới như Viettel và S-Fone đang “nghe ngóng” tình hình. Một lãnh đạo của Viettel Mobile cho biết, hiện mức cước của nhà cung cấp này còn thấp hơn một chút so với VNPT cho nên đến thời điểm này nhà cung cấp vẫn chưa đưa ra bất cứ chính sách nào để đối phó với VNPT.
Ông này cho biết, quan điểm của Viettel Mobile không giảm cước, nhưng sẽ đưa ra nhiều gói cước để có thể phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng theo nhiều phân đoạn thị trường. “Nhưng nếu mặt bằng giá cả gây áp lực mạnh, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút thuê bao của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ buộc phải tính toán lại để có mức cước thấp hơn”. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này không tiết lộ chi tiết kế hoạch trên.
Trong tâm trạng nghe ngóng, ông Đỗ Văn Quất – Giám đốc Khối Chiến lược của S-Fone cho biết, vừa qua quyết định giảm cước thuê kênh của VNPT có tác động tốt đến việc giảm chi phí đầu vào của mạng S-Fone. Song điều này chưa đủ để mạng S-Fone có thể giảm cước dịch vụ thông tin đi động cho khách hàng.
Ông Quất khẳng định cước của mạng S-Fone đang ở mức độ hấp dẫn khách hàng bởi thấp hơn so với các mạng di động khác, nhưng nếu các nhà khai thác tiến hành giảm cước thì S-Fone cũng không thể đứng yên. Ông Quất cho biết thêm S-Fone đã gửi công văn để nghị Bộ BC&VT có lộ trình về giảm cước cho doanh nghiệp khống chế thị phần VNPT để không ảnh hưởng đến các mạng di động mới.
(Theo Tiền Phong)