221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
708714
Đề án 112: Đích đến còn xa...
1
Article
null
Đề án 112: Đích đến còn xa...
,

Từ góc nhìn ở một số địa phương đối với hai hạng mục “xương sống” là phần mềm dùng chung và trung tâm tích hợp dữ liệu, hình ảnh về Đề Án 112 hiện nay khiến người lạc quan nhất cũng phải lo ngại...

Bài học từ Chương Trình Quốc Gia về CNTT (1996-1998) là phải hết sức tỉnh táo với các ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính khi chương trình này, với vốn đầu tư 280 tỷ đồng, không thành công. Tiếp theo, đề án "Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005" (Đề Án 112) ra đời như một giải pháp khắc phục tình trạng ngưng trệ này, nhưng xem ra 112 vẫn đang đi theo “vết xe đổ”. 

Phần mềm dùng chung: Những bất ổn sau một chính sách lớn!

Là một phần rất quan trọng của Đề Án 112, hệ thống các PM dùng chung (PMDC) nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới phương thức điều hành trong hệ thống các cơ quan hành chính trung ương và địa phương; thống nhất các PM dùng cho hệ thống quản lý hành chính nhà nước (QLHCNN). Tuy nhiên, không kể đến tiến độ triển khai quá chậm, nhận thức về PMDC thật sự còn không rõ ràng và không thống nhất. 

Soạn: AM 196350 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Vũ Đình Thuần, trưởng ban điều hành đề án 112: “Tôi nghĩ, ban điều hành đề án và các bộ ngành đã rất cố gắng, nhưng tiến độ thì không thể nhanh hơn”. (Ảnh: HS)

Mơ hồ việc chọn phần mềm dùng chung

Theo hướng dẫn của 112, mỗi PM có thể do nhiều công ty xây dựng, sau đó báo cáo hội đồng thẩm định, PM nào đạt tiêu chuẩn thì được chuyển sang giai đoạn tiếp theo, không đạt tiêu chuẩn thì dừng. Nhưng hiện nay gần như các công ty được chọn cứ làm ra PM nào là được dùng PM đó.

Hiện nay, nhiều địa phương không biết chính xác họ có bao nhiêu sự lựa chọn về nhà cung cấp với mỗi PMDC và vì sao nói là PMDC mà mỗi địa phương lại lựa chọn một nhà cung cấp khác nhau? “Sự hiểu” của mỗi địa phương mỗi khác và họ hầu như chấp nhận theo sự chỉ định của BĐH 112 CP với ngổn ngang nhiều câu hỏi không lời giải.

Thực tế cho thấy, hầu hết các tỉnh, thành phố đang triển khai PMDC trong Đề Án 112 đều tỏ ra khá mơ hồ về hệ thống PM này. Nhiều tỉnh, thành chỉ đơn thuần coi hệ thống PMDC như một số ứng dụng đơn giản về quản lý hành chính thông qua gửi-nhận email và trang thông tin điện tử thông thường. Trong khi đó, đây chỉ là một nội dung nhỏ trong hệ thống PMDC (xem Danh mục PMDC).

Trong quá trình làm việc với các cán bộ thuộc Trung tâm Tích Hợp Dữ Liệu (TTTHDL) của các tỉnh, chúng tôi nhận thấy nhiều người thực sự không hiểu rõ PMDC sẽ triển khai như thế nào, chọn PM nào để triển khai, vì cùng một PM có nhiều đơn vị xây dựng. Nhiều tỉnh thừa nhận: sau khi Đề Án 112 giao cho 1-2 PMDC để chọn thì họ chỉ biết tham khảo lẫn nhau để chọn hoặc giao cho đơn vị triển khai chọn giúp... Ông Tăng Văn Hạnh, phó giám đốc TTTHDL tỉnh Lào Cai cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi đi dự hội thảo thấy mọi người bàn tán PM của công ty này hay lắm, PM của công ty kia hay lắm. Nhưng theo chỉ định của BĐH 112, Lào Cai chỉ được lựa chọn 2 PM quản lý văn bản và hồ sơ công việc của công ty Tân Dân và của SELAB-MISA. Trong khi tôi được biết có một PM do 112 Đà Nẵng triển khai cũng được đánh giá khá tốt”. Cùng tâm trạng như ông Hạnh, một số quản trị mạng của TTTHDL phía Nam cho biết: “nghe đơn vị tư vấn nói hay chọn đại (!?)”. Qua ông Hạnh và những cán bộ làm công tác tin học tại TTTHDL cho thấy việc lựa chọn PMDC tại địa phương hoàn toàn phụ thuộc vào cảm tính: “Chúng tôi, những đồng nghiệp cùng làm tin học của các tỉnh khác nhau, cứ hỏi lẫn nhau xem PM nào có vẻ hay, dễ dùng, doanh nghiệp nào có vẻ uy tín, để chọn. Chẳng có ai hướng dẫn, chỉ đạo”.

Thật không hợp lý khi việc chọn PMDC nào để ứng dụng cho việc điều hành và QLNN tại nhiều địa phương lại giao cho quản trị mạng! Trong khi đó những người am hiểu công việc và lãnh đạo thì đứng ngoài cuộc.

Chung mà không chung...

Chỉ mới có 3 PM: Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội, hệ quản lý công văn và hồ sơ công việc, và trang thông tin điện tử phục vụ điều hành tác nghiệp đang triển khai đồng loạt ở 64 tỉnh, thành trong cả nước. Hầu hết hệ thống PMDC hiện nay mà các tỉnh, thành đang triển khai đều rơi vào mảng hai, tức là mảng các PM ứng dụng thuộc phân hệ điều hành tác nghiệp. Còn mảng PMDC để xây dựng CSDL phục vụ quản lý hành chính và mảng dịch vụ công thì chưa thấy triển khai. Đối với 3 PM vừa được triển khai đã có vô số câu hỏi được đặt ra cho thấy sự “không chung” của chúng.
 
 Ông Nguyễn Lê Phúc, giám đốc Trung Tâm Tin Học Hành Chính, phó trưởng Ban Quản Lý Các Dự Án 112 tỉnh Bắc Ninh cho biết “Các PMDC được thiết kế theo chuẩn chung do BĐH 112 CP quy định. Nhưng khi triển khai, mỗi đơn vị lại yêu cầu tùy biến theo quy trình công việc. Các nhà cung cấp khác nhau rất có thể làm theo cách riêng, không ai nghe ai. Trong khi đó hội đồng thẩm định của 112 lại không đủ thời gian xem xét kỹ. Chúng tôi cũng băn khoăn liệu khi kết nối thì CPNet có gặp khó khăn?”
 
 Như vậy, với thực tế rất nhiều tỉnh đang thuê những đối tác khác nhau phát triển một PMDC thì hình như có sự đánh tráo về khái niệm: “PM dùng chung” không phải là “dùng chung một PM”?
 
 Triển khai: lộn xộn và vội vàng!
 
 Theo quy định, PMDC phải qua các giai đoạn như: khảo sát – phân tích thiết kế - lập trình – triển khai thử nghiệm và nghiệm thu cuối. Tuy nhiên, do sức ép của tiến độ, nên hầu hết các bước của quy trình này không được thực hiện nghiêm túc. Ví dụ ở tỉnh Bắc Ninh, theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù các PM đang được nghiệm thu giai đoạn 2 nhưng vì thời gian sắp hết, các nhà cung cấp đã triển khai hết giai đoạn 3 sang giai đoạn 4.
 
 Cho đến nay, mặc dù đã bỏ nhiều công tìm kiếm nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy có văn bản nào từ BĐH 112 CP định nghĩa khái niệm “phần mềm dùng chung”. Nói “phần mềm dùng chung” thì ai cũng hiểu nhưng thực ra lại không ai hiểu: “Chung” cái gì và “chung” như thế nào? Từ chỗ nhận thức mơ hồ, tất yếu việc triển khai PMDC đã và sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, với cách “làm lấy được”, bỏ qua các bước cơ bản nhất của quy trình, việc triển khai Đề Án 112 rất có thể mắc vào “căn bệnh thành tích” vốn khó chữa.

Trung tâm tích hợp dữ liệu: xây trụ sở và sắm phần cứng trang hoàng...

Soạn: AM 196360 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thư ký ban điều hành đề án 112 Lương Cao Sơn (bên phải), người phụ trách mảng Xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu cho biết: "Với mức kinh phí khoảng 20- 30% tổng kinh phí toàn dự án, Trung tâm này sẽ là trái tim của mỗi bộ ngành và tỉnh thành. Nếu không có trung tâm đầu mối này, hệ thống thông tin của mỗi tỉnh sẽ khó chạy được". (Ảnh: HS)

 Một trong các yêu cầu của Đề Án 112 là phải xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu (TTTHDL) để phá bỏ tình trạng cát cứ thông tin. Bên cạnh đó, chức năng chính của TTTHDL cũng để đồng bộ hoá cơ sở dữ liệu (CSDL) của tất cả bộ, tỉnh, thành về một mối nhằm phục vụ cải cách hành chính. Tuy nhiên, nghịch lý là các dữ liệu này còn đang trong giai đoạn cập nhật. Chưa có CSDL, chưa có cơ sở để chuẩn hoá thông tin thì TTTHDL sẽ tích hợp cái gì? Mặc dù tất cả các tỉnh, thành đều biết như thế nhưng nhiều tỷ đồng vẫn được rót về các tỉnh và các TTTHDL vẫn cứ thành lập theo yêu cầu.

Một đều dễ nhận thấy là đến TTTHDL nào cũng có trụ sở khang trang và hệ thống máy tính hiện đại... Nhưng hiện tại công việc lại giản đơn mang đầy tính sự vụ như: đào tạo đi, đào tạo lại cán bộ về PMDC, gõ, quét các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; một phần loay hoay vì không tìm đâu ra cơ chế nhằm tích hợp dữ liệu của các sở, ban, ngành của tỉnh đối với trung tâm. Theo ông Tăng Văn Hạnh, phó giám đốc TTTHDL tỉnh Lào Cai thì việc xây dựng các CSDL tiếp theo phải do đề nghị của các bộ phận khác chứ bản thân trung tâm không có kế hoạch cho vấn đề này.

Còn ông Nguyễn Lê Phúc, giám đốc Trung tâm Tin Học Hành Chính, phó trưởng Ban Quản Lý Các Dự Án 112 tỉnh Bắc Ninh cho biết hiện Bắc Ninh mới có CSDL về đất đai của Sở Tài Nguyên và Môi Trường, đang xây dựng CSDL dân cư, ngoài ra chưa có gì.

Có thể nói TTTHDL tại các địa phương phần lớn chưa hoạt động gì vì còn phải chờ PMDC. Mà PMDC thì đang phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác. Một trong những yếu tố chi phối quan trọng theo ông Phúc là: “việc nhập dữ liệu ở các sở, huyện còn phụ thuộc vào lãnh đạo”. Trên thực tế, ở một số địa phương có đơn vị cử người chuyên trách nhập dữ liệu, nhưng có đơn vị không cử ai. Trong trường hợp đó, người phụ trách CNTT ở đơn vị phải làm thay. Nếu họ bỏ bê không làm thì cũng không có chế tài nào buộc họ phải làm cả. Nội dung thông tin gửi đi do lãnh đạo các sở duyệt, không có quy định thống nhất thông tin nào phải gửi, thông tin nào được giữ lại. Nếu các sở không muốn công bố thông tin thì cũng chẳng làm gì được họ.”

Phó giám đốc TTTHDL của một tỉnh than thở: “Tôi sợ rằng tình trạng cát cứ dữ liệu hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện giờ chúng tôi không có một chế tài nào bắt buộc các sở, ban, ngành trong tỉnh phải chia sẻ dữ liệu cho trung tâm nhằm phục vụ lợi ích cải cách hành chính. Sự phối hợp theo chiều ngang của đề án là không tốt. Thậm chí, tôi có cảm giác đề án có phối hợp theo chiều ngang tốt hay không lại phụ thuộc vào việc lãnh đạo của các sở, ban, ngành đó có... thích hay không! Nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của một con người nào đó, chứ không phải là một chế tài cụ thể”.

Soạn: AM 553593 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Toàn bộ các sản phẩm của đề án 112 trong 5 năm thực hiện, được trưng bày vào ngày 9/9/2005 tại Hà Nội. (Ảnh:H.Sâm)
 

Bên cạnh đó, công việc cần làm ngay là chuẩn hoá các CSDL nền trong tháp dữ liệu hành chính còn đang là đề tài tranh cãi. Chính điều này sẽ dẫn đến tình trạng Đề Án 112 lâm vào bế tắc khi triển khai theo chiều rộng. Một cán bộ thuộc TTTHDL Lào Cai cho rằng: “thậm chí đơn giản như chuẩn hóa việc gõ văn bản vẫn còn là vấn đề nội tại của các tỉnh thì vấn đề chuẩn hoá về sau giữa các tỉnh với nhau và với TTTHDL quốc gia sẽ còn bao chuyện phát sinh khác.”

Trong một lần trả lời báo giới, giáo sư Đặng Hữu, trưởng Ban Chỉ Đạo CNTT các cơ quan Đảng, nhận định: nền tảng để các TTTHDL hoạt động là cơ sở dữ liệu, thì không thấy đâu. “Đây là vấn đề đáng phải làm mà không thấy ai làm. Đầu tư nhiều mà không hiệu quả sẽ làm mất lòng tin của lãnh đạo”, (trích bài “Đề Án 112: Chính Phủ sẽ tập trung chỉ đạo – Báo Bưu Điện số 34/năm 2004).

Có thể thấy Đề Án 112 đang lặp lại các vấn đề đã mắc phải trong “Chương trình trọng điểm quốc gia về CNTT” giai đoạn 1996-1998: nhận thức chưa rõ ràng của các cơ quan hành chính hàng ngang và của chính những người trong cuộc; thiếu các cơ chế, chính sách cần thiết để phối hợp đồng bộ giữa 112 và các sở, ban, ngành khác; triển khai lúng túng, thiếu các hướng dẫn cụ thể và các điều kiện cần thiết... Đây là một loạt các bài học đã được rút ra cách đây hơn 5 năm. Tất nhiên, việc phủ nhận hoàn toàn thành quả của 112 trong giai đoạn một là không công bằng với những người thực thi 112. Trong kỳ sau chúng tôi sẽ bàn đến những cái khó của 112 và ý kiến của các chuyên gia đánh giá về vấn đề này. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.

“Hệ thống ứng dụng CNTT trong quản lý nói chung và đặc biệt trong quản lý hành chính mà chỉ theo phương pháp “thông xe kỹ thuật” thì chắc chắn sẽ chết sau một thời gian ngắn. Cái chết đó gọi là “cái chết hệ thống”. Không phải là máy hỏng, mạng đứt mà là sự quên lãng của đại đa số những người lẽ ra phải gắn với nó. Nếp sống quen thuộc sẽ được tái lập. Cái mạng mới thiết lập, như một “dị thể” trong cơ chế hành chính sẽ bị đào thải”.
(Trích bài viết "Chưa vượt được cái chết hệ thống" - Thế Giới Vi Tính seri B tháng 1/2002, tr. 18)

“Hiện nay các TTTHDL đã ra đời mà chưa có dữ liệu, theo tôi hiểu có lẽ do vấn đề chuẩn hóa chưa được. Dữ liệu ở mỗi cơ sở được viết theo một phương pháp khác nhau nên không tích hợp được. Cho nên đúng là có vấn đề.
Tuy nhiên các TTTHDL cũng tạm thời tạo ra được một khung để người ta có thể trao đổi thông tin. Nếu không có nó thì quá trình trao đổi thông tin không thể bắt đầu được.
Vấn đề cát cứ thông tin tôi cho là một thói quen bình thường của thế hệ công chức cũ, nên tình trạng họ không muốn gửi thông tin đến TTTHDL cũng là đúng. Nhưng ngay tại một số địa phương mà lãnh đạo rất nhiệt tình và quyết tâm như Đà Nẵng, thì TTTHDL (có thể tốt hơn chỗ khác) cũng chưa làm được như yêu cầu. Như vậy tôi cho là có thể có những nguyên nhân khác nữa thiên về kỹ thuật: chuẩn hóa, cách triển khai..."
(Ông Nguyễn Ái Việt, phó chánh Văn Phòng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT)

(Theo PCWorld - B)

Quý vị đánh giá thế nào về đề án này và hiệu quả thực tế của nó. Quan điểm của quý vị về một nền cải cách hành chính của Việt Nam, đặc biệt là cải cách hành chính bằng Tin học hóa?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,