(VietNamNet) - "Năng suất lao động và hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực viễn thông và Internet Việt Nam còn thấp, chỉ bằng khoảng 1/2 so với mức trung bình trong khu vực ASEAN+3". Đó là đánh giá về một số chỉ tiêu của TS. Nguyễn Thành Phúc, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính Viễn thông & CNTT tại Hội nghị và Triển lãm Quốc tế về Công nghệ truyền thông & Hệ thống mạng lần thứ 4 (COMNET Vietnam 2005).
"Môi trường cạnh tranh trong viễn thông đã được thiết lập..."
"IP hóa mạng lưới có ảnh hưởng không kém quá trình chuyển từ analog sang digital" |
"Trong năm 2005, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược Phát triển CNTT&TT Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Đến 2010, ngành công nghiệp CNTT & TT sẽ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng 20-30%/năm, đạt tổng doanh thu khoảng 6-7 tỷ USD. Cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet sử dụng công nghệ hiện đại, phát triển nhanh, đa dạng hóa, cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ chất lượng cao với giá cước thấp hơn hoặc tương đương mức bình quân của các nước trong khu vực... Để thực hiện Chiến lược này, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, các DN viễn thông trong nước cần chủ động nắm bắt công nghệ mới, đưa công nghệ mới vào mạng lưới, hợp lý hóa năng lực cạnh tranh...". (Trích phát biểu của Thứ trưởng Bộ BC-VT Lê Nam Thắng tại COMNET 2005) |
Nhận định trên được TS. Nguyễn Thành Phúc đưa ra sau khi cho rằng Việt Nam "đã thiết lập thị trường cạnh tranh với 6 DN hạ tầng". Có 4 DN viễn thông di động đang chia sẻ thị phần là VinaPhone (48,72% thị phần), MobiFone (35,63% thị phần), Viettel (11,41%) và S-Fone (4,24%).
Thị phần của dịch vụ Internet với "miếng bánh" lớn nhất thuộc về VNPT (với 48,05% thị phần), tiếp sau đó là: FPT (29,70%), Viettel (11,02%). Năm DN còn lại chiếm thị phần không đáng kể: SPT (5%), Netnam (4,7%), OCI (1,05%), TieNet (0,31%) và Hanoi Telecom (0,13%).
Theo TS. Nguyễn Thành Phúc, khi môi trường cạnh tranh đã được thiết lập thì kéo theo đó "đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước và các DN". Cụ thể ở đây, TS nêu ra là các vấn đề về kết nối, chia sẻ và nâng cấp tài nguyên mạng, "cuộc chiến" giá cước...
TS. Nguyễn Thành Phúc kết luận về hiện trạng viễn thông và Internet Việt Nam, đó là "sự phát triển vượt bậc với tốc độ phát triển nhanh trên thế giới. Các dịch vụ Viễn thông và Internet được phổ cập rộng rãi tới miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng". Nhận định này cũng đã được đưa ra trong thông báo của VNPT trước đó khi đến hết năm 2005, số xã có điện thoại trên toàn quốc sẽ đạt 100%.
Tuy vậy, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh chất lượng thấp về năng suất và hiệu quả đầu tư thì một thực tế đã được chỉ ra: "Do xuất phát điểm và tổng sản phẩm quốc dân trên đầu người thấp, nên mặc dù tốc độ phát triển dịch vụ Viễn thông, Internet khá cao, Việt Nam vẫn phát triển kém hơn nhiều so với mức bình quân của khu vực về mật độ điện thoại và tỉ lệ người sử dụng Internet".
Về một tương lai tươi sáng hơn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược BCVT& CNTT đưa ra xu hướng nhu cầu dịch vụ viễn thông trong thời gian tới. Đó là khi chiếc ĐTDĐ trở thành "máy thông tin số", được dùng như chứng minh thư, như chiếc thẻ, thay vé máy bay, tàu hỏa, là ví tiền điện tử, thanh toán, quản lý truy nhập, mua hàng hay làm chiếc chìa khoá nhà hoặc thiết bị xem phim, nghe nhạc.
Xu hướng phát triển dịch vụ viễn thông chính là: Hội tụ di động - cố định và cá nhân hóa với cơ chế "một cửa, một ID". Còn xu hướng phát triển mạng là: Tích hợp thoại với dữ liệu thông qua sự "kết nối" của PSTN, mạng thế hệ mới (NGN) và dữ liệu.
2010 - Đạt doanh thu 55.000 tỷ từ dịch vụ viễn thông và Internet!
Đó là con số Viện Chiến lược BCVT& CNTT cho biết khi viễn thông và Internet Việt Nam có "tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế" vào năm 2010.
TS. Nguyễn Thành Phúc đề cập đến mục tiêu cụ thể: Dịch vụ viễn thông và Internet có giá cước tương đương hoặc thấp hơn khu vực. Mật độ điện thoại: 32-42 máy/100 dân. Mật độ thuê bao Internet: 8-12 thuê bao/100 dân (30% dùng băng thông rộng), điện thoại cố định và Internet phổ cập đến tất cả các xã...
Riêng về mục tiêu phát triển mạng đã được Viện Chiến lược nêu ra là: Cáp quang xuống đến huyện, xã. ĐTDĐ đến tất cả các tuyến giao thông quốc lộ, nội tỉnh. Cơ quan nhà nước đến cấp tỉnh, huyện được kết nối Internet băng thông rộng và với mạng diện rộng của Chính phủ.
COMNET 2005: Công nghệ truyền thông và hệ thống mạng |
Đó là chủ đề của Hội nghị COMNET 2005 diễn ra từ 14-15/12 tại Hà Nội. COMNET lần này được tổ chức vào thời điểm, đến 2006, ngành Viễn thông và CNTT Việt Nam sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài thoe như cam kết của Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ. Hiện tại, với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng của lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam, với nỗ lực mở cửa và tự do hóa thị trường của Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư, các DN nước ngoài tiếp tục quan tâm đến việc hợp tác đầu tư vào thị trường này. BTC cho biết, COMNET 2005 chính là nơi thúc đẩy sáng kiến, ứng dụng, hỗ trợ các định hướng chiến lược của các nhà quản lý và các DN. Bên cạnh Hội nghị là Triển lãm sẽ tập trung giới thiệu định hướng phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam, những công nghệ mới về mạng và viên thông trên thế giới và những dịch vụ giá trị gia tăng từ thế hệ mạng tiếp theo. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 4.000 đại biểu và khách tham quan, trong đó có khoảng 1.000 đại biểu tham dự hội thảo gồm các quan chức chính phủ, đại diện Bộ Bưu chính Viễn thông (bảo trợ chính), VNPT (đồng tổ chức cùng IDG), Tổng Cty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty khai thác dầu khí, các DN như GPC, VMS, EVN Telecom... |
TS. Phúc nêu lên những con số mục tiêu khác, đó là: Không kể các điểm Bưu điện văn hóa xã thì "100% số huyện và nhiều xã trong cả nước được phục vụ dịch vụ băng thông rộng. 100% viện nghiên cứu, trường ĐH, CĐ, THCN và THPT có truy cập Internet tốc độ cao; trên 90 các trường THCS, bệnh viện được kết nối Internet". Tuy nhiên, đó là mục tiêu về số lượng, còn chất lượng thế nào thì chưa được nhắc đến.
Để thực hiện được những điểm trên, theo TS. Phúc, các nhóm giải pháp chính cần thực hiện: Thứ nhất là húc đẩy cạnh tranh, phát triển nội lực, trong đó có việc thiết lập "chính sách quản lý bình đẳng các nguồn tài nguyên quốc gia như phổ tần số vô tuyến điện, kho số, mã số, tên miền, địa chỉ Internet... để tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh".
Một vấn đề luôn được quan tâm là giá cước, TS. Nguyễn Thành Phúc đưa ra giải pháp: "Giá cước kết nối được xây dựng trên cơ sở giá thành, xác định rõ phần đóng góp cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong giá cước kết nối".
Giải pháp thứ hai, đó là "nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong nước, bảo đảm hội nhập thắng lợi". TS. Phúc nhấn mạnh: Riêng về số lượng DN cung cấp hạ tầng mạng viễn thông do Thủ tướng quyết định, đảm bảo các nguyên tắc: phát triển thị trường lành mạnh, tạo điều kiện cho DN phát triển; Tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet sẵn có, tránh đầu tư chồng chéo và sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và nguồn lực quốc gia".
Các giải pháp khác được Phó viện trưởng Viện Chiến lược BCVT - TS. Nguyễn Thành Phúc đề xuất, đó là: Phổ cập dịch vụ, bảo đảm thông tin liên lạc cho các cơ quan Đảng, Nhà nước. Song song với đó là chú trọng đến việc "bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet".
-
Bùi Dũng
Quan điểm của bạn năng suất, hiệu quả đầu tư của viễn thông Việt Nam? Xin hãy phản hồi về Toà soạn VietNamNet theo mẫu sau: