Rất may là Kris chỉ bị bỏng nhẹ. Nguyên nhân sự vụ, theo kết luận, là do pin giả, mặc dù điện thoại thì là hàng thật.
Theo lời Kris kể lại, thì chị mua pin ở một cửa hàng "có vẻ đáng tin cậy mà giá cả lại rẻ". Hàng có nhãn mác đàng hoàng nên một người tiêu dùng như chị có thể đòi hỏi gì hơn được nữa?
Vấn nạn hàng giả đang hoành hành trên toàn thế giới, khiến không chỉ nhà sản xuất đau đầu mà ngay cả người tiêu dùng cũng ... đau người, chí ít như vụ của Kris thì đúng là như vậy. Bạn có thể mua một chiếc túi giả hiệu Louis Vuitton tại Quảng Châu hoặc Nam Ninh (Trung Quốc) với cái giá chỉ từ 100 - 200 tệ. Nhưng mọi chuyện sẽ rất khác, nếu bạn xài hàng điện tử dỏm. Việc mất oan tiền chỉ là một khía cạnh, quan trọng hơn, chúng có thể đe dọa đến an toàn tính mạng của bạn.
Theo Arch Ahern, tư vấn cao cấp về nhãn hiệu và marketing của Motorola thì hãng này đang hợp tác cùng chính phủ các nước trên thế giới chống lại hàng giả. Mỗi năm, họ thu giữ được số pin nhái trị giá tới hàng triệu USD. Ngoài việc đe dọa người dùng, hàng nhái còn có chất lượng rất tồi, không vận hành được hoặc tệ hơn, phá hủy cả dữ liệu lưu bên trong máy.
Thực hư, hư thực
Pin không phải là mặt hàng công nghệ duy nhất mà dân nhái chuyên nghiệp yêu thích. Hải quan Mỹ đã thu giữ được 900 laptop giả và 20.000 ổ USB hiệu Memorex xuất xưởng từ châu Á riêng trong năm ngoái. "Laptop, máy nghe nhạc MP3, đầu đĩa DVD - bất cứ thứ gì trong thế giới KTS đều có thể bị làm giả", một chuyên gia hàng nhái của Hải quan Mỹ nhún vai.
Không chỉ có phần cứng, phần mềm dỏm cũng phổ biến tràn lan. Theo ước tính, một phần ba số tiền thế giới chi cho phần mềm trong năm qua đã rơi vào túi những kẻ làm hàng giả - một con số khiến ai cũng phải giật mình.
Trong một cuộc điều tra bỏ túi do tạp chí PC World tiến hành, các biên tập viên đã mua 7 chiếc ổ cứng, 7 module nhớ và 10 pin di động qua mạng, sử dụng các công cụ tìm kiếm để mò ra nơi bán rẻ nhất. Sau đó, họ yêu cầu các doanh nghiệp chứng thực và kiểm tra sản phẩm.
Trong số 24 sản phẩm này, có tới 4 cái (đều là pin di động) là hàng dỏm. Một sản phẩm cũ được tân trang, "mông má" như mới, một ổ cứng bị vỡ và một số trường hợp khác "treo đầu dê bán thịt chó" - đặt mua một nhãn hiệu nhưng hàng mang đến lại là nhãn khác rẻ hơn. Tệ nhất, một phóng viên đã bị ăn cắp số thẻ tín dụng và rút trộm tiền vài lần trong suốt quá trình điều tra. Như vậy, chỉ có 15 trên tổng số 24 sản phẩm mua về là đúng như những gì quảng cáo.
Thử đi tìm con số thiệt hại
Cách nhận dạng pin điện thoại thật và giả |
Để giúp xác thực pin chính hãng, Nokia đã đưa vào pin một đường đồ thị kèm theo dãy số ẩn. Hàng giả sẽ thiếu đi một hoặc vài chữ số trong dãy này.
Ngoài ra, pin thật còn có một nhãn chứng thực khắc dập, kèm theo một dải màu đen mà khi cào, sẽ lộ ra một số serie để bạn kiểm tra qua mạng. Đối với hàng giả, dù có cào đến chảy máu tay bạn cũng chẳng thấy gì hiện ra. |
Có tới 10% tổng số sản phẩm công nghệ cao đang bày bán trên toàn thế giới là đồ dỏm. Máy in, laptop, điện thoại di động và những thiết bị phụ tùng như chip nhớ, bảng mạch tích hợp là những dạng phần cứng thường xuyên bị nhái nhất. Chúng khiến cho nhà sản xuất thiệt hại về doanh thu mỗi năm lên tới 100 tỷ USD.
Tổng giá trị hàng giả bị thu giữ tại Hải quan Mỹ và châu Âu trong năm 2005 đã tăng hơn... gấp đôi so với năm 2004, trải đều từ bàn phím, ổ cứng cho tới toàn bộ hệ thống máy tính. Số lượng thiết bị phần cứng mạng bị bắt cũng tăng lên đáng kể.
Tại một số khu vực trên thế giới, chẳng hạn như ở nhiều nước châu Á, việc tìm ra một hàng hóa chính hãng đúng nghĩa còn khó hơn cả định vị hàng nhái. Có nhiều cách làm giả khác nhau: Một số kẻ tự sản xuất thiết bị, rập khuôn và bắt chước chính xác hàng xịn. Một số khác lại lấy sản phẩm của những hãng ít tên tuổi, dán vào đấy nhãn mác nổi tiếng hơn và bán với giá cao.
Cách thức phân phối và bán hàng giả còn phong phú hơn. Phổ biến nhất là qua con đường mua bán trên mạng, thương mại điện tử, nhưng ngay cả ở đại lý bán lẻ, bạn vẫn có thể mua phải hàng nhái như thường. Giải pháp chủ yếu của người dùng không sành về kỹ thuật hiện nay là tìm đến những nhà phân phối chính thức của nhãn hiệu, chấp nhận một mức giá cao hơn khá nhiều so với các đại lý bên ngoài.
"Vấn nạn hàng giả đang trở nên cực kỳ tồi tệ. 10 năm trước, tất cả những gì khiến ta bận tâm là hàng này mới hay đã qua sử dụng, thì giờ đây, quan trọng nhất là phải đảm bảo hàng ta mua là đồ xịn". Đa số hàng nhái đến từ Trung Quốc, Malaysia và các nước Mỹ Latinh, nơi luật chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ không phải ưu tiên hàng đầu.
Vài lời khuyên cho bạn:
1. Hãy thận trọng với nơi mua sản phẩm: Để tìm kiếm một đại lý bán hàng tin cậy, bạn hãy truy cập vào website chính thức của hãng sản xuất. Tại đây, trong đa số trường hợp, bạn sẽ tìm thấy danh sách đầy đủ các đại lý ủy quyền, hợp pháp của hãng.
2. Cảnh giác với mức giá chào mời quá hời: Trước khi mua, hãy kiểm tra xem mức giá mặt bằng chung của sản phẩm là bao nhiêu. Tất nhiên, mức giá này có sự dao động và một vài nơi sẽ rẻ hơn đôi chút, nhưng nếu rẻ đến bất thường thì nên phải đặt dấu hỏi. Có thể bạn không phải nhận hàng dỏm, nhưng lại phải vác về một mẫu hàng đã cũ hoặc rẻ tiền hơn.
3. Chú ý tới sự vận hành của thiết bị: Bộ nhớ máy tính giả có thể khiến PC bị treo cứng hoặc "quay đơ". Ống mực in giả có thể cho ra những bản in mờ mịt, nhòe nhoẹt, tuổi thọ ngắn hơn và dây mực ra khắp bên trong máy. Pin di động giả có thể bị nóng chảy, thời gian giữa hai lần sạc quá ngắn và thậm chí là phát nổ.
Thiên Ý (Tổng hợp)