Lâu nay, việc dạy và học môn vật lý nói chung và bài học về kính thiên văn (KTV) nói riêng thường tóm gọn trong công thức: học lý thuyết trên lớp và "hân hạnh" lắm thì được “nghía” sơ qua KTV “đồ chơi” là thôi.
Thế nhưng, cô trò lớp 11A1 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TP.HCM đã làm một cuộc "cách mạng" về phương pháp dạy và học, bắt đầu bằng việc tổ chức một hội thảo về KTV...
Hội thảo cấp… lớp!
Lê Minh Quốc (HS lớp 11A1 Trường Nguyễn Thị Minh Khai) và chiếc KTV tự chế có thể quan sát Mặt trăng. (Ảnh: TTO) |
Mở đầu buổi hội thảo, hai học sinh đã giới thiệu một số hình ảnh mới nhất (do các bạn sưu tầm được từ Internet) về vũ trụ do KTV Hubble chụp được vào tháng 11-2005. Tiếp theo, hai học sinh này trình bày về cấu tạo của các loại KTV cũng như nguyên lý hoạt động, cách sử dụng, những điểm ưu và khuyết của từng loại cũng như cách khắc phục những nhược điểm này.
Những kinh nghiệm trong việc quan sát vũ trụ được đưa ra để mọi người tham khảo. Nhiều câu hỏi được đặt ra, những ý kiến thắc mắc, tranh luận khá sôi nổi. Thỉnh thoảng, cô giáo hướng dẫn phải đứng ra kết luận về một vấn đề nào đấy bởi có quá nhiều ý kiến khác nhau.
Để có buổi hội thảo cấp lớp này, cô và trò đã mất không ít thời gian chuẩn bị. Đầu tiên là việc chọn đề tài thực hiện. “Đề tài thì nhiều nhưng việc chọn được đề tài phù hợp để thực hiện không phải dễ. Từ áp lực về thời gian, tư liệu có thể tìm kiếm và quan trọng là nó phải hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia” - cô Vũ Thị Thu Hà, giáo viên hướng dẫn, cho biết.
Ngoài cái sườn do cô giáo hướng dẫn đưa ra, trong vòng ba tuần rưỡi học sinh phải hoàn tất các phần còn lại từ việc tìm kiếm thông tin, thiết kế và in ấn tài liệu đến việc chuẩn bị bài thuyết trình trên Power-Point, thiết kế trang web về chương trình hội thảo. Lớp được chia làm ba nhóm: nhóm chuẩn bị bài thuyết trình trên PowerPoint, nhóm khác chuẩn bị các ấn phẩm về buổi hội thảo và nhóm còn lại lập một trang web để đưa các thông tin, hình ảnh mới lên để mọi người tham khảo.
Khó khăn lớn nhất là việc tìm kiếm thông tin. Không những tài liệu bằng tiếng Anh mà còn quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành nên học sinh nhiều khi cũng lúng túng. Tìm thông tin đã khó, tập hợp tài liệu do các thành viên trong nhóm tìm kiếm được lại càng không dễ. Từ việc chọn cái này, bỏ cái kia đến thông tin nào cần đưa trước thông tin nào cần để sau… đã đưa đến nhiều cuộc tranh luận nảy lửa! Tập thể lớp 11A1 đã có ba đêm quan sát vũ trụ bằng KTV ngay tại trường. Tại những buổi quan sát thực tế này học sinh mới biết rõ về những khái niệm mà các bạn mới chỉ biết trên lý thuyết như khái niệm đồng trục, tiêu cự, khẩu độ, độ bội giác, quan sai, cầu sai...
Phát huy sáng tạo của học sinh
Buổi hội thảo là một trong những nội dung của chương trình “Dạy học cho tương lai” do Intel và Bộ GD-ĐT tập huấn cho giáo viên nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mỗi trường, mỗi giáo viên có cách ứng dụng khác nhau nhưng với cô trò lớp 11A1, phương pháp này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn, được tận tay sờ mó KTV, được tận mắt quan sát vũ trụ bao la mà còn giúp phát huy tối đa năng lực cũng như sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Hai chiếc KTV do học sinh tự làm trong quá trình chuẩn bị hội thảo đã ra đời. Giá thành một chiếc KTV tự chế này khoảng 700.000 đồng.
“Trong quá trình thực hiện buổi hội thảo, học sinh gặp không ít khó khăn và các em đã tự tìm cách vượt qua những khó khăn đó. Với các em, khó khăn không phải ở khâu tìm thông tin mà là xử lý thông tin đó như thế nào và các em đã làm được” - cô Hà cho biết. Với những hiệu quả bước đầu, 20 giáo viên khác trong trường cũng đã được phổ biến lại phương pháp dạy học này.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy không chỉ là động tác click chuột thuần túy. Tận dụng tối đa những tiện ích của công nghệ thông tin vào việc dạy và học từ truyền đạt, gợi ý đến cách tìm kiếm và xử lý thông tin, phát huy tối đa sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh là cả một nghệ thuật. Bước đầu ngỡ ngàng, giờ đây học sinh đã thành thục trong việc sử dụng các công cụ tìm kiếm, sử dụng các phần mềm và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc quan sát vũ trụ...
(Theo TTO)