Khi trời đang mưa to, hay giữa trưa nắng gắt; khi bạn đang thao thao bất tuyệt chuyện trò với người thân, hay khi rất cần gửi đi một thông điệp quan trọng... nhưng đúng lúc đó, "chú dế” được "nuôi" bằng thẻ trả trước của bạn đột nhiên ngừng "gáy" vì một lý do hết sức đơn giản: tài khoản của bạn đã hết tiền. Và ước gì bạn nhận được ngay lập tức một tin nhắn chứa mã số nạp tiền...
Những chiếc thẻ trả sau làm nên “khoảnh khắc sống”
Tác phong “giao dịch” trên có “pro” hay không thì chưa biết, nhưng quả thật nạp tiền qua SMS đang dần trở thành một thói quen hay đúng hơn là một mốt mới trong giới sinh viên. (Ảnh: eCHIP Mobile) |
Tiếng nhạc chuông điện thoại vừa thánh thót vang lên được 5 giây, Linh Lan, SV trường ĐH KHTN, ĐHQG HN đã chạy ra vồ ngay lấy chiếc di động. Cô bé chỉ hét lên một tiếng: “50” rõ to và rồi nhanh như cắt ngắt cuộc gọi... Lại vẫn nhạc chuông riêng đó vang lên, Lan lại bắt máy và cũng như lần trước, cô tiếp tục hét lên vài từ gọn lỏn: “Gửi ngay bây giờ nhé!”. Có vẻ như đã xong việc, cô quay sang tôi, lúc đó đang trợn tròn mắt ngạc nhiên vì không hiểu chuyện gì xảy ra, và tủm tỉm giải thích: “Chị lạ lắm hả? Bọn em đang tiến hành giao dịch thẻ nạp di động đấy. Chả là có cô bạn đang buôn thẻ, máy lại sắp hết tiền nên dùng phương pháp gọi 2 giây để thông báo. Bên kia sẽ có trách nhiệm gọi lại để xác minh mệnh giá thẻ nạp cũng chỉ với... 2 giây và phần việc tiếp theo của bạn ấy là cào ngay một chiếc thẻ 50 nghìn rồi gửi lại cho em bằng SMS”.
Có vẻ như cách giao dịch chớp nhoáng theo kiểu “còn lâu mới lấy được tiền của chị” này đã phát huy hiệu quả cao độ vì chỉ vài phút sau, “tít tít”, một tin nhắn trị giá... 50 nghìn đồng đã được gửi đến và Lan hí hửng nhập mã số thẻ nạp vào máy của mình. Cô khoe: “Chị dùng thuê bao trả sau nên không biết, chứ thuê bao trả trước như sinh viên bọn em, nạp tiền theo cách này đang là phong trào. Cái gì cũng chớp nhoáng theo tác phong làm ăn rất “pro”.
Tác phong “giao dịch” trên có “pro” hay không thì chưa biết, nhưng quả thật nạp tiền qua SMS đang dần trở thành một thói quen hay đúng hơn là một mốt mới trong giới sinh viên. Nguyên nhân của hiện tượng này theo Nguyễn Đỗ Mỹ Hạnh, SV năm thứ 2 trường ĐH Ngoại thương, có thâm niên gần 1 năm trong nghề kinh doanh thẻ điện thoại: “Nạp thẻ bằng SMS có nhiều ưu điểm: Thứ nhất là bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, khi tài khoản đột xuất bị hết tiền là khách hàng có thể gọi hoặc nhắn tin để được nhận mã số thẻ cào. Thứ hai, khi nhận mã số thẻ cào bằng SMS, khách sẽ không gặp phải trường hợp mã số thẻ cào bị sai hoặc bị lộ vì lúc nào em cũng có một bản tin mã số được sao lưu lại để... đối chứng. Và lợi ích cuối cùng là khách có thể nạp tiền vào tài khoản kể cả khi trong túi họ hết sạch tiền".
Đặc điểm của cách bán hàng trên vừa khéo phù hợp với nhu cầu thiết thực và khả năng tài chính hạn hẹp của một bộ phận không nhỏ khách hàng là sinh viên - những người luôn gấp gáp về thời gian nhưng chẳng bao giờ được dư dả hay chủ động về tiền bạc.
Nắm bắt được điều đó, không ít sinh viên năng động đã nhanh chóng trở thành “đại lý” thẻ của các mạng ĐTDĐ để áp dụng hình thức kinh doanh đặc biệt này. Hà Ngọc Thủy, SV trường ĐHDL Thăng Long cũng là một “đại lý” lâu năm cung cấp thẻ nạp qua SMS. Xuất phát điểm chỉ là một người bán thẻ thuê cho các điểm bán lẻ thẻ nạp, những giờ giải lao hay những cuộc gặp là những thời điểm lý tưởng để Thủy mang thẻ ra “tiếp thị” cho các bạn của mình.
Thế nhưng tiền lãi từ 500 - 1.000 đồng từ mỗi thẻ cào được bán ra cho bạn bè mình với số lượng ít ỏi đã làm cô thấy nản chí. Không muốn lẹt đẹt mãi ở vị trí người làm thuê sinh lời cho các đại lý “ngồi mát ăn bát vàng”, Thủy quyết tâm dành vốn để trở thành người làm thuê cho chính bản thân mình, lấy công làm lãi. Sau một thời gian tìm hiểu thị trường thẻ nạp, Thủy may mắn tìm được một mối bán buôn thẻ nạp có giá gốc khá rẻ. Với số vốn ban đầu khá khiêm tốn, khoảng 2 triệu đồng, cô quyết định dùng toàn bộ để mua các mệnh giá thẻ nạp của VinaPhone, MobiFone: “Thật ra, 2 triệu không mua được nhiều thẻ.” - Ngọc Thủy tâm sự - “Em đã phân chia ra một tỷ lệ mua nhất định đối với từng loại thẻ. Ban đầu, khi các mạng chưa có những thẻ mệnh giá thấp như bây giờ, 2 triệu cũng chỉ đủ để mua khoảng hơn 10 thẻ gồm các mệnh giá khác nhau. Nhưng với mệnh giá thẻ khá cao lúc đó, cộng với việc giá cước di động còn đắt, bạn bè mua thẻ nạp cũng thưa thớt.”.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện kinh doanh của gần một năm trước, còn bây giờ, khi giá cước giảm mạnh cùng với việc các nhà cung cấp mạng ồ ạt tung ra các hình thức nạp tiền mới cũng như các chiêu khuyến mãi lớn thì “sức nạp tiền" của sinh viên cũng được cải thiện rõ nét. Lẽ dĩ nhiên là các nhà cung cấp thẻ nạp qua SMS cũng không thể dè dặt mà bỏ lỡ thời cơ. “Nhà buôn” Nguyễn Đỗ Mỹ Hạnh cũng đã đầu tư 7 triệu đồng để mua khá nhiều mệnh giá thẻ nạp của VinaPhone, MobiFone và cả Viettel nữa. Và không chỉ... ”mòn chìa khóa, mòn móng tay” vì “cào xả láng” theo “đơn đặt hàng” của khách, cô còn đăng ký trở thành đại lý nạp thẻ EZ của MobiFone. “Mobi EZ là hình thức được bạn bè trong giới ưa chuộng hơn cả, vì nó có các mệnh giá thấp” - Mỹ Hạnh giải thích - “20, 30 nghìn đồng, thậm chí có khá nhiều những yêu cầu nạp tiền là 10 nghìn đồng.
Đó là một điều có thể thông cảm, vì nó rất... sinh viên. Có những khoảnh khắc trong cuộc sống, tài khoản của bạn không còn nổi đến 400 đồng đủ cho việc gửi đi một thông điệp quan trọng. Những lúc đó, 10 nghìn đồng sẽ là cả một niềm hạnh phúc lớn với bạn”. Và hạnh phúc hơn nữa là khi nạp tiền qua SMS, bạn không phải lo lắng rằng nhu cầu liên lạc bị ảnh hưởng bởi... túi tiền, vì một lẽ rất đơn giản: cứ gọi và cứ hạnh phúc với những khoảnh khắc được kết nối đi, mọi thanh toán sẽ chỉ diễn ra sau đó. “Ai bảo là chỉ có thuê bao hòa mạng mới được trả sau nào?” - Ngọc Thủy nhận định một cách hóm hỉnh.
Lòng tin, tôi bán - ai mua?
“Hanh ah! Chi Hoa day! Em nap cho so may nay cua ban chi Mobi200k nhe. Chi dang nhan tin cho em bang so may cua ban chi day.” Một tin nhắn yêu cầu nạp thẻ lại đến máy của Mỹ Hạnh. Một thoáng nhíu mày, rồi cô quay số của người chị họ: - “Nạp cho bạn?”. 2 giây - Ngắt. “Mobi 200?”. 2 giây - Ngắt. Xong chuỗi giao dịch chớp nhoáng đó, cô lấy trong ngăn kéo ra một túi thẻ cào, chọn một chiếc thẻ Mobi có mệnh giá 200 nghìn, vừa lụi cụi cào lấy mã số, vừa giải thích: “Thường thì khi có số máy lạ yêu cầu nạp tiền, em phải check lại cho kỹ. Mệnh giá thẻ nạp có thể là 10 nghìn hay 500 nghìn, không quan trọng, quan trọng là số máy đó là người quen. Nhưng chỉ người quen họ mới biết được em mở dịch vụ này. Lãi của bạn bè không được là bao, nên một cuộc gọi để kiểm tra sẽ lấy hết lãi. Cực chẳng đã, đành phải dùng phương pháp gọi 2 giây này chị ạ.”
Hạnh cho biết thêm, mấu chốt của dịch vụ nạp thẻ qua SMS này là sự tin tưởng lẫn nhau giữa người mua và người bán thẻ. Vậy nên, dịch vụ này trước hết là phục vụ cho bạn bè và những người thân quen. Đầu tiên là những người bạn thân trong nhóm, sau đó là tổ, lớp. “Tiếng lành đồn xa”, các bạn trong khoa và trong trường cũng đã tìm đến Hạnh mà nạp thẻ “nóng”. Rồi theo một mạng lưới của lời đồn, khách hàng của Mỹ Hạnh không chỉ gói gọn ở trường ĐH Ngoại thương của cô mà còn có ở nhiều trường khác nữa. “Hiện giờ em có mạng lưới ở khoảng 4 trường ĐH: Ngoại thương, ĐH DL Thăng Long, truyền hình Hà Tây... ”- Hạnh không ngại thổ lộ- “Có cả nhiều anh chị sinh viên khi ra trường rồi vẫn nạp tiền của em qua SMS vì họ được bạn bè em giới thiệu hay biết đến dịch vụ của em từ một nguồn nào đó.”
Trả lời thắc mắc rằng: “Liệu nhiều khách hàng quá có nhớ được tên, biết được mặt mà tính tiền?” thì cô hồn nhiên trả lời:” Chắc chị nghĩ là em phải cần một cuốn sổ dày để ghi nợ danh sách những khách hàng nạp tiền. Nhưng thật ra không có. Tuy không có nhiều khách hàng là người thân hoặc quen biết nhưng những khách hàng còn lại đa số là bạn của bạn em. Mình phục vụ họ tận tình, nhanh gọn mà lãi cũng không là bao nên chắc họ cũng không quên gửi lại tiền mình”.
Sự tận tình của Hạnh trong phương thức bán hàng mới này cũng đem lại cho cô một niềm an ủi. Bạn bè có người biết mặt, có người chỉ biết tên hoặc nhớ số nhưng cũng đã ủng hộ Hạnh nhiệt tình. Cô cho biết: ban đầu thì tổng số tiền bán thẻ là 2 triệu/ 2 tuần. Nhưng dần dần, khoảng thời gian này được rút ngắn xuống. Đến giờ, trung bình 1 tuần, Hạnh bán được 2 triệu tiền hàng, tính ra cũng lãi được một chiếc thẻ mệnh giá 50 nghìn đồng. Tuy nhiên, cũng nhiều tuần bán hết lượng hàng đó mà cũng chẳng có lãi.
Cô vui vẻ kể lại cho chúng tôi nghe một “tai nạn” nghề nghiệp nho nhỏ xảy ra trong quá trình “đi buôn” của mình: Khi gửi mã số nạp thẻ 100 nghìn đồng cho một khách hàng, nhưng không hiểu sao khách hàng đó lại thông báo lại là: mã số bị lỗi, không nạp được tiền. Tá hỏa, Hạnh liền kiểm tra lại mã số thẻ nạp bằng cách tự nhập vào máy của mình. Kết quả là sau khi nhập mã số bí mật nạp tiền, thì hệ thống lại thông báo là đã nạp tiền thành công. Thế là dở khóc dở mếu, phải cào lại một thẻ khác và gửi lại khách hàng. May là mọi chuyện trót lọt. “Thôi thì cái quan trọng là khách hàng hài lòng và củng cố lòng tin tưởng lẫn nhau” - Hạnh kết luận - “Làm dịch vụ này, lòng tin ở khách hàng của mình là rất quan trọng. Em luôn gọi đùa rằng đây là dịch vụ “buôn lòng tin”. Em luôn sẵn lòng tin, ai muốn mua luôn được chào đón nhiệt tình”.
Tuy nhiên, vì đây là hình thức mua hàng trả sau nên cũng không tránh khỏi những trường hợp lòng tin bị lạm dụng. Khi nói về vấn đề này, Ngọc Thủy tỏ vẻ khá dè dặt: - ”Cũng có những trường hợp lấy thẻ xong, nhưng vì một vài khó khăn hoặc trục trặc nào đó chưa gửi tiền lại ngay cho em. Có những tuần có đến 2, 3 trường hợp lấy mệnh giá thẻ khá cao mà khoảng một thời gian sau mới gửi lại, hoặc chưa gửi lại. Những tuần đó, em lại phải tự bỏ tiền sinh hoạt hàng tháng của mình ra để bù vào tiền hàng. Lấy tiền hàng đi quay vòng vốn, mua tiếp loạt thẻ mới, phục vụ cho bạn bè. Lãi không được là bao, nhưng việc kinh doanh theo một phương thức mới mẻ và “pro” này đã mang lại sự tiện lợi và xây dựng được lòng tin giữa bạn bè. Với em thế là đủ.”
Nạp thẻ cào qua SMS quả thực là một hình thức nạp tiền độc nhất vô nhị mà có thể dù đã nghĩ đến ngay từ đầu nhưng không một nhà kinh doanh nào dám triển khai, ngoại trừ giới sinh viên năng động, ưa thử thách mình, luôn lạc quan tin đời và yêu người. Đôi khi lòng tin luôn hào phóng để làm vốn bán hàng mà không hẳn có nhiều người đã biết cách mua, nhưng trong cuộc sống, lúc nào lòng tin cũng là cần thiết.
(Theo Bích Ngọc/eCHIP Mobile)