(VietNamNet) – Nhìn lại 61 năm trưởng thành và lớn mạnh cùng đất nước, để thấy rằng, ''ông độc quyền bưu điện'' VNPT đang có những thay đổi, biến chuyển cơ bản về chất để hướng tới mục tiêu vì một ''cuộc sống đích thực''!
Số hóa mạng viễn thông
VNPT đã trở thành thương hiệu uy tín hàng đầu trong ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam. |
Biến chuyển quan trọng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông trong hơn 10 trở lại đây là cuộc cách mạng số hóa, tập trung cho ''mũi nhọn'' viễn thông. Năm 1993, năm khởi đầu của chiến lược tăng tốc giai đoạn I (1993-1995), ghi nhận nhiều kết quả ứng dụng công nghệ mới vào phát triển mạng lưới của VNPT. Tháng 10/1993, tuyến cáp quang dung lượng 34Mbps đầu tiên Hà Nội - TP Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động.
Cũng trong năm 1993, mạng thông tin di động MobiFone sử dụng công nghệ GSM lần đầu tiên được đưa vào khai thác ở Việt Nam. Đến cuối năm 1994, mạng truyền dẫn và chuyển mạch của VNPT đã được số hóa tới 372/495 huyện.
Năm 1995 là năm có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình phát triển của Bưu điện Việt Nam và VNPT. Kết thúc Kế hoạch Tăng tốc giai đoạn I (1993-1995), hệ thống tổng đài và truyền dẫn trên toàn mạng viễn thông đã được số hoá hoàn toàn. Việt Nam trở thành một trong những nước có mức độ số hoá mạng lưới cao nhất Đông Nam á. Mật độ điện thoại của Việt Nam đạt 1 máy/100 dân. Lần đầu tiên mạng viễn thông Việt Nam có tên trên bản đồ viễn thông thế giới.
Bước sang giai đoạn II của Chiến lược tăng tốc (1996-2000), tháng 8/1996, Việt Nam đã có 1 triệu thuê bao điện thoại và trở thành một trong 60 nước có mạng điện thoại trên 1 triệu thuê bao. Năm 1996 cũng đánh dấu sự ra đời mạng di động VinaPhone - mạng di động sử dụng công nghệ GSM thứ hai. Đến tháng 11/1997, Việt Nam chính thức khai trương mạng Internet. Đây là sự kiện tiếp tục ghi nhận sự phát triển hạ tầng VT- CNTT đi trước một bước của Việt Nam.
Hệ thống đường truyền bằng dây trần, vô tuyến sóng ngắn và cáp kim loại có dung lượng nhỏ, lạc hậu, chất lượng thấp đã được thay thế bằng hệ thống truyền dẫn cáp quang, viba số, vệ tinh... cả trong nước và đi quốc tế với công nghệ hiện đại. Hệ thống chuyển mạch nhân công và cơ điện đã được thay thế bằng các hệ thống tổng đài kỹ thuật số hoàn toàn tự động cả nội hạt, liên tỉnh và quốc tế.
Tháng 10/2004, VNPT đã chính thức khai trương và đưa ra khai thác các dịch vụ trên nền mạng viễn thông thế hệ mới NGN (Next Generation Network). Đây là một bước chuyển biến mới về công nghệ mang tính cách mạng của viễn thông Việt Nam từ chuyển mạch kênh (hay còn gọi là chuyển mạch phân chia theo thời gian TDM) sang chuyển mạch gói giao thức IP (hay còn gọi là chuyển mạch nhãn đa giao thức Mpls - Multi protoca labe swittching). Với cơ sở hạ tầng mạng NGN, mạng viễn thông của VNPT có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ từ truyền thống cho tới hàng loạt các dịch vụ băng rộng với chất lượng, độ linh hoạt và tính an toàn cao.
Xây dựng công nghiệp BCVT
Trong giai đoạn từ năm 1993 đến 1999, công nghiệp BCVT của VNPT đã xây dựng được một lực lượng các nhà sản xuất thiết bị, cung cấp nhiều sản phẩm chủ yếu cho ngành viễn thông. Các sản phẩm cũng hết sức đa dạng về chủng loại như tổng đài viễn thông Alcatel, EWSD, VK50...; các thiết bị truyền dẫn của VFT, CT-IN, Kasati...; cáp quang của VinaGSC, Focal; cáp đồng của VinaDeasung, Sacom; các thiết bị đấu nối của Postef, PTC...; các thiết bị bưu chính của Postef, Công ty In Tem Bưu điện...
Từ chủ trương này, một số đơn vị chuyên về tin học đã được thành lập như Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), Công ty Tin học Bưu điện Tp Hồ Chí Minh (Netsoft), Trung tâm Tin học Tp Hà Nội, Công ty Phần mềm và Truyền thông (VASC) và các Trung tâm Tin học của Bưu điện các tỉnh/thành phố. Các đơn vị này không chỉ có khả năng phát triển, sản xuất các phần mềm ứng dụng mà còn cung cấp các giải pháp CNTT cho các đơn vị trong và ngoài Ngành.
Từ đầu những năm 90, lĩnh vực bưu chính đã đi trước một bước về ứng dụng tin học với các phần mềm: định vị EMS, chương trình xây dựng mã vạch, phần mềm ứng dụng cho dịch vụ chuyển tiền truyền thống CTT95.... Nhiều phần mềm cho lĩnh vực viễn thông cũng đã được phát triển với chủng loại đa dạng, phong phú về giao diện như: hệ thống tính cước ghi sê, chương trình tính cước cho các tổng đài Host và các loại tổng đài độc lập khác nhau...
Nếu trong giai đoạn 1993-2000, thành tựu KHCN trong công nghiệp phần mềm (CNPM) của ngành Bưu điện là đã có nhiều sản phẩm phần mềm ứng dụng để không chỉ cung cấp cho mạng lưới, phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn tiết kiệm cho Nhà nước hàng triệu USD không phải mua sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Một số sản phẩm có thể thay thế sản phẩm nước ngoài như Hệ thống nhắn tin ngắn tự động (SMSC), hệ thống máy chủ đa phương tiện (MUCOS), hệ thống tích hợp liên mạng (INFOGATE)...
Tập đoàn BCVT đầu tiên
Ngày 26/3/2006 đánh dấu sự kiến ra đời của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - một mô hình được kỳ vọng sẽ làm cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn, có khả năng cạnh tranh cao trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước. Khi chuyển thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được xác định là một tổ hợp kinh tế bao gồm các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập, đa sở hữu trong đó sở hữu Nhà nước giữ vai trờ chủ đạo có sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; kinh doanh đa lĩnh vực, trong đó lĩnh vực bưu chính, viễn thông và CNTT giữ vai trò nòng cốt.
VNPT hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Các công ty con của VNPT bao gồm: các Tổng công ty Viễn thông I, II, III ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các công ty do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC. Các công ty do Tập đoàn nắm giữ 50% vốn điều lệ gồm: Công ty Cổ phần Thông tin Di động, Công ty Cổ phần Dịch vụ Viễn thông, cùng các công ty cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên khác được hình thành từ cổ phần hoá, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.
Mục tiêu của quá trình chuyển đổi này nhằm tăng cường tích tụ về vốn, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận, trong đó điểm mấu chốt là tập trung sắp xếp đổi mới quản lý, xác lập lại cơ cấu sản xuất kinh doanh, lành mạnh hóa các quan hệ tài chính trong quá trình đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Mới đây, tại lễ giới thiệu thương hiệu mới biểu trưng cho tập đoàn, ông Nguyễn Bá Thước - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết: Trước đây, hình ảnh VNPT thường gợi nhắc đến ông độc quyền bưu điện. Trong giai đoạn mới này, bằng những nỗ lực thay đổi cả về chất và lượng, hơn 8 vạn cán bộ nhân viên Tập đoàn cam kết đồng thời phục vụ tốt các hoạt động BCVT công ích vừa kinh doanh tốt, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chưa đầy một năm ra mắt, tiếp tục chặng đường phát triển 61 năm của mình, tập đoàn VNPT đang từng bước khẳng định vị trí và hình ảnh mới của mình trên thị trường VN và quốc tế!
Tính đến hết tháng 4/2006, VNPT đã gần 15 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có hơn 7,5 triệu thuê bao di động, đưa mật độ điện thoại đạt trên 17 máy/100 dân, hơn 1,4 thuê bao Internet. Nhiều dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ nội dung trên nền công nghệ NGN đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với người sử dụng, đáp ứng những nhu cầu mới của xã hội như 1800, 1900, mạng riêng ảo (VPN).... |
-
Thanh Tùng